Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Ngôi chùa cổ bên bờ sông Thương



  
Chùa Phú Khê.-Ảnh: Thanh Xuân
Phú Khê là một vùng đất cổ kính. Từ xa xưa đã có biết bao thế hệ đến đây khai hoang, lập ấp, xây dựng xóm làng. Trong đó có những dòng tộc có những người con ưu tú, với những cống hiến không nhỏ cho quê hương, đất nước, tên tuổi công đức của họ còn được khắc ghi trên bảng vàng, bia đá mà người đời sau còn mãi ghi nhớ.
Ở Phú Khê, có một người như thế, đó là Quận công Nguyễn Công Luận - một vị quan dưới triều Lê, đã có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước. Để tưởng nhớ tới công ơn của ông, người dân nơi đây còn tôn ông làm hậu Phật thờ ở chùa làng.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Phú Khê là một xã thuộc tổng Quế Nham, phủ Yên Thế. Nay Phú Khê thuộc xã Quế Nham, huyện Tân Yên. Chùa Phú Khê còn có tên chữ là Bảo Sát tự. Chùa xây dựng ngay cạnh ngôi đền và đình làng trên một gò đất cao thoáng mát, gần kề bên dòng sông Thương thơ mộng. Căn cứ vào bia đá, cây hương đá và các hiện vật khác còn lại trong chùa cho biết chùa Phú Khê được xây dựng vào thời Lê (TK XVII). Trong bia đá cũng ghi rất rõ "… Nhiên tổng bất như Bảo Sát tự chi cổ tích danh lam thị tự dã" nghĩa là chùa Bảo Sát chính là ngôi chùa cổ xếp vào bậc danh lam tự thuở xưa. Trải qua thời gian và chiến tranh, ngôi chùa đã qua nhiều lần tu sửa song về cơ bản vẫn giữ được nét cổ xưa.
Chùa Phú Khê hiện nay gồm một gian, hai chái, ngoảnh hướng tây nam. Ngay phía trước là một cây hương đá tứ diện khắc chữ Hán. Kết cấu vì chùa theo kiểu kẻ truyền, chồng rường ván mê. Điêu khắc chùa là các mảng chạm khắc hình đầu rồng biến thể. Trên đỉnh bờ nóc có đắp nổi bức bình phong khắc chữ "Bảo Sát tự". Hai bên sườn hồi đắp nổi hình hai con kìm ngậm bờ nóc. Chùa được xây dựng đúng như mô hình một ngôi chùa cổ cũng một gian, hai chái, bốn mái đao cong. Đây thực sự là một kiểu dáng kiến trúc hiếm thấy ở vùng đất Tân Yên nói riêng, Bắc Giang nói chung. Một điều đáng lưu ý ở ngôi chùa cổ này không chỉ ở kiểu dáng kiến trúc mà một điều khác chúng tôi muốn nhắc tới người được thờ làm hậu Phật ghi ở tấm bia đá khắc chữ Hán tại khu di tích. Đó là Quận công Nguyễn Công Luận. Nội dung bài minh trên bia đá ghi rõ cảnh đẹp nơi đây cũng như công trạng của Quận công:
Chùa Bảo Sát là ngôi chùa cổ xếp vào bậc danh lam tự thuở xưa. Đạo viện là nơi tu theo đạo Phật mở rộng giáo pháp đạo phật; đất khai mở những con sông lớn khiến cho dòng nước chảy hiền hoà về những dòng suối nhỏ nước trong xanh biếc, con người đi tiêu du khắp nơi để tu luyện đạo. Những người có tiền của tài sản đem cung đức thì ở nơi nào cũng được yên vui. Người trong hàng con cháu muốn được lưu truyền trong dòng họ phải hoà mình vào tựa như dòng nước chảy. Từ một ngọn núi hợp thành cả một dải núi rừng cao chót vót ở trong vũ trụ này. Ấy chính là cái thể hiện ra bên ngoài của thế giới trần tục. Phàm làm cho quy mô bé nhỏ được mở rộng vậy. Vả lại như ánh mặt trăng, mặt trời luôn không bao giờ thay đổi quy luật của nó. Cũng như không có sự thay đổi quy luật của các chòm sao. Nên hãy vui vẻ gây dựng nên những tình cảm tốt đẹp, như thế thì dù có bị phế bỏ đi nữa thì sẽ có lúc lại được hưng thịnh, tức là từ cái nhỏ bé mà lại phát triển thành cái to lớn. Muốn được như thế phải có sự độ lượng vĩ đại và công đức to lớn. Những người có lòng tốt luôn muốn khôi phục những dấu tích cổ xưa vậy. Ấy là ở trong thôn Cổ Pháp Thượng, xã Phú Khê, huyện Yên Thế, Phủ Lạng Giang có người mềm mỏng hiền lành chức làm đến: Chánh vương phủ, Hữu tiệp kỳ, Cai kỳ quan, Tổng thái giám, Trưởng giám, Đề đốc Lương quận công Nguyễn Công Luận, người có tấm lòng vô lượng muốn nuôi trồng cây phúc đã tự ban phát tiền của gia đình mình mong sau này sẽ được hái quả thiện. Ông ban phát tiền của gia đình vào việc tu sửa chùa Bảo Sát. Những công lao to lớn ấy tựa như trời cao đất rộng vậy. Quận công là bậc hào kiệt của nước Nam, nổi danh khắp đất Bắc. Có thơ rằng:
"Tung hoành khắp chốn giang sơn
Cùng ứng theo những thắng cảnh đẹp của lầu son gác tía"
Ông còn tham dự vào việc binh pháp cơ mật của đất nước, luôn lấy việc thể hiện lòng tôn kính đức vua làm trọng, khiến cho nhân dân được yên ổn, thiên hạ được thái bình. Những công lao ấy được khắc ghi vào bia đá tại chùa Phú Khê. Bia đá có niên hiệu Thịnh Đức thứ 2 (1654).
Hằng năm đến ngày mồng 4 tháng Giêng âm lịch, các cụ lão bà cùng hàng trăm phật tử gần xa lại về chùa tụng niệm phật trong tiếng chuông, tiếng mõ, trong khói hương trầm bổng vi vu cầu cho nhân dân được vui hưởng thái hoà, tưởng nhớ tới người có công với quê hương, đất nước.
Qua đây, cho thấy đây thực sự là một ngôi chùa cổ hiếm thấy ở vùng đất Tân Yên cần được gìn giữ, bảo lưu và phát huy tốt giá trị. Với những giá trị ấy, năm 2006 UBND tỉnh Bắc Giang có quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa.
Dương Thị Ánh(Ban Quản lý di tích Bắc Giang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét