Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Ngôi chùa cổ trăm gian



  
Tượng La Hán trong chùa.
Thôn Ruồng Cái là một làng quê giàu truyền thống lịch sử - văn hóa của vùng đất cổ Đào Quán xưa và xã Đào Mỹ (Lạng Giang) ngày nay, nơi đây còn lưu giữ được các công trình kiến trúc đặc sắc, có giá trị lịch sử - văn hóa cũng như kiến trúc - nghệ thuật độc đáo.
Di tích chùa Ba Nước (Phúc Quang tự) được xây dựng trên thế đất đẹp, nằm trên quả đồi chùa cao ráo, thoáng đãng, nằm về phía Bắc của xã Đào Mỹ, phía trước chùa là sân chùa được lát gạch sạch đẹp, xung quanh là những cây xanh, quanh năm xanh tốt, tạo không gian, cảnh quan thoáng đãng cho ngôi chùa.
Tổng thể chùa Ba Nước gồm: toà tiền đường, thượng điện, hậu đường, hai dãy hành lang, nhà tổ và khu vườn chùa. Nhìn bao quát toàn cảnh, đây là một ngôi chùa cổ với 4 đao cong vút chạy đua lên không trung. Bờ nóc của chùa được lợp bằng ngói bò úp, chính giữa có đắp nổi bức đại tự đề 3 chữ Hán "Phúc Quang tự", bờ dải xây bằng gạch ngoài phủ vữa, soi gờ và quét xi măng, mái chùa lợp ngói ta.
Tòa thượng điện liên kết các vì mái theo kiểu kẻ truyền, vì kèo toà thượng điện đều được làm bằng gỗ bào trơn, đóng bén chủ yếu trang trí hoa văn là những đường chỉ gờ chạy suốt, hệ thống chịu lực của toà tiền đường được dồn lên hàng cột ngang và hàng cột dọc, tường bao của tòa tiền đường được xây bằng gạch chỉ kích thước 10cm x 15cm, ngoài phủ vữa quét vôi trắng. Toà thượng điện cao hơn toà tiền đường 25cm.
Hai dãy hành lang được xây bình đồ hình chữ nhất, là hai toà nhà chạy theo chiều dọc. Hai dãy hành lang được xây có kích thước và phong cách tạo dựng giống nhau. Mỗi dãy có 3 gian, với 4 vì mái, liên kết giữa các vì mái theo kiểu vì kèo tứ trụ. Cả 4 vì kèo đều được làm bằng gỗ lim bào trơn, chủ yếu trang trí hoa văn là những đường chỉ gờ chạy suốt. Tường bao được xây bằng gạch chỉ, phủ vữa, quét vôi trắng, hai dãy hành lang không đóng cửa để thông và không bài trí tượng Phật chỉ làm nơi sắm lễ. Hai dãy hành lang được lát bằng gạch vuông đỏ kích thước 20cmx20cm, khang trang, sạch đẹp, hai dãy hành lang cao hơn so với nền toà tam bảo là 15cm.
Vào trong cùng là toà hậu đường chùa Phúc Quang, toà hậu đường cách hồi sau của toà thượng được ngăn cách bằng một sân ô thoáng nền lát gạch vuông đỏ kích thước 20cm x 20cm, ô thoáng được tạo nhằm mục đích lấy ánh sáng cho ngôi chùa.
Toà hậu đường được xây bình đồ hình chữ nhất, là toà nhà chạy theo chiều ngang, liên kết giữa các vì mái theo kiểu con chồng, giá chiêng làm bằng gỗ lim chắc khoẻ, vì kèo đều được làm bằng gỗ bào trơn, đóng bén chủ yếu trang trí hoa văn là những đường chỉ gờ chạy suốt. Tường bao được xây bằng gạch chỉ, phủ vữa, quét vôi trắng, toà hậu đường không đóng cửa để thông, hậu đường cao hơn so với nền toà tam bảo là 20cm.
Toàn bộ hệ thống bộ khung chịu lực của chùa Phúc Quang được làm bằng gỗ lim và gỗ bạch đàn chắc chắn, các cấu kiện kiến trúc được bào trơn, đóng bén, soi gờ, kẻ chỉ cẩn thận.
Chùa Ba Nước là trung tâm sinh hoạt văn hóa tôn giáo của nhân dân thôn Ruồng Cái, được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII), nó có ý nghĩa về mặt giáo dục truyền thống và nghiên cứu lịch sử - văn hóa, khoa học và đặc biệt là có giá trị về kiến trúc - nghệ thuật về một thời xa xưa của vùng quê cổ truyền Đào Mỹ.
Giá trị văn hóa vật thể tại chùa Ba Nước: được phản ánh qua hệ thống các cổ vật, di vật và đồ thờ được lưu giữ trong di tích. Các cổ vật, di vật tiêu biểu như: hệ thống tượng Phật cổ, cây hương đá cổ... các cổ vật thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn (tạo vào thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX), cùng nhiều đồ thờ cổ khác… Đây là những tài liệu hiện vật có giá trị khoa học và giá trị lịch sử - văn hóa, bộ khung kiến trúc gỗ và các kết cấu chịu lực trong chùa có giá trị nghiên cứu về kiến trúc - nghệ thuật. Năm 2010, chùa Phúc Quang được xếp hạng là di tích Kiến trúc - Nghệ thuật.
Thân Quang Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét