Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Ngôi chùa cổ trên đất hai vua


Từ lâu chùa Mía không chỉ được biết đến là ngôi chùa cổ lưu giữ nhiều tượng cổ nghệ thuật nhất Việt Nam mà còn là nơi thể hiện tín ngưỡng phật giáo của người dân khắp nơi trên đất nước. Tọa lạc trên mảnh đất hai vua thuộc Đường Lâm- Sơn Tây- Hà Nội ( cách Trung tâm Hà Nội khoảng gần 50km về phía Tây) chùa Mía đã được xếp hạng di tích, lịch sử cấp quốc gia.
Khuôn viên chùa Mía
Nằm trong nơi thâm nghiêm, thanh tịnh của một làng quê vẫn còn nguyên vẹn nét xưa, chùa Mía còn có tên chữ là Sùng Nghiêm Tự. Theo truyền thuyết thì chùa này có từ xa xưa đến thế kỉ XVII chùa bị đổ nát và hoang phế nhiều. Năm 1632 chùa được trùng tu do một phi tần của Chúa Trịnh Tráng (1623-1657) đứng ra hưng cống xây dựng chùa. Lần sửa này chùa đã mở rộng, quy mô hơn trước khá nhiều.

Được xây dựng nằm trên một ngọn đồi đá ong lúc đầu chùa Mía chỉ có cổng và hai tòa thượng điện, hậu đường, mỗi tòa 7 gian dựng song song. Sau này khi được trùng tu mở rộng chùa được chia ra ba khu riêng biệt. Đi từ phía cổng vào sẽ thấy một sự khác biệt hẳn với không khí ồn ào bên ngoài là một không gian cổ kính, thanh tịnh. Bên góc phải có một cây đa cổ thụ khoảng vài trăm tuổi và một gác chuông. Đi qua một sân gạch dẫn vào bên trong là chùa chính, gồm nhà tiền đường, chùa Hạ và Chùa Trong cuối cùng là hậu đường. Ở tiền đường có một bia đá dựng vào năm xây chùa, đặt trên một con rùa khá đồ sộ. Văn bia này ghi lại sự tích bà chúa Mía tổ chức xây chùa. Đây là một trong số rất ít tấm bia to và đẹp còn lại tới nay.

Chùa Mía mang theo mình trong suốt chiều dài lịch sử những hiện vật có giá trị. Điển hình là gác chuông của chùa được làm 3 gian theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Các góc mái đều gắn đao triện. Sàn nhà được làm bằng gỗ, ở tầng gác có hàng lan can tiện. Các ván long, xà nách đều được bào xoi cạnh và chạm trang trí nghệ thuật đề tài hoa lá. Trên gác treo chiếc chuông lớn đúc từ năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743) và chiếc Khánh đồng đúc từ năm Thiệu trị thứ 6 (1864). Gần gác chuông là một tòa bảo tháp có tên Cửu Phẩm Liên Hoa cao 13 m, thờ vọng Xá Lợi đức phật.

Nét đặc sắc của ngôi chùa cổ này là khu quần thể tượng có giá trị về mặt nghệ thuật. Chùa có đến 287 pho tượng lớn nhỏ, có niên đại rất lâu đời. Trong đó có 6 pho tượng đồng, 106 pho tượng gỗ và 174 pho tượng làm bằng đất nung hoặc sơn son thiếp vàng. Tất cả những pho tượng này đều được chạm khắc một cách tinh sảo và mang những nét riêng độc đáo, có giá trị lớn về mặt nghệ thuật. Đặc biệt, có bức tượng “Phật Thích Ca nhập Niết Bàn” là một pho tượng quý hiếm. Ngoài ra, chùa còn có 8 pho tượng “Bát Bộ Kim Cương” được làm hoàn toàn bằng đất luyện, bộ tượng này được coi là điển hình nghệ thuật của tượng phật.

Đến thăm chùa Mía, du khách còn có cơ hội được hòa mình giữa một không gian văn hóa làng cổ truyền hiếm hoi còn sót lại trong “cơn bão” đô thị hóa đang ngập tràn này.

Đỗ Huyền Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét