Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Ngôi đền thờ sự học cổ nhất Việt Nam


Ngôi đền thờ cổ kính mang tên "Thiên Cổ Miếu" được coi là ngôi đền thờ sự học cổ nhất Việt Nam. Ngôi miếu cổ này nằm khiêm nhường nơi thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, TP Việt Trì (Phú Thọ), trong địa phận của Kinh đô Văn Lang xưa.
Phát hiện ra ngọc phả nhờ... cháy
Thiên Cổ Miếu nằm trong quần thể di tích: Đình Hương Lan, Lăng mộ ba đô sĩ thời Hùng Duệ Vương và đền Thiên Cổ, đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp bằng chứng nhận di tích lịch sử. Cho đến nay, qua những chứng tích còn lại thì đây là ngôi đền thờ sự học cổ nhất ở Việt Nam.



Cuốn Ngọc phả và sắc phong của Thiên Cổ Miếu

Năm 1990, ngôi miếu bị cháy, trong lúc cố cứu những vật thờ, người dân Hương Lan đã phát hiện ra cuốn ngọc phả của miếu và cả sắc phong vua ban. Dù bị cháy lẹm một phần, nhưng nội dung ghi chép trong đó thì không bị mất, đó là những tài liệu vô giá về sự tồn tại của ngôi đền từ xa xưa.
Theo như cuốn ngọc phả này thì đây là nơi thờ thầy giáo Vũ Thê Lang, vốn quê ở Mộ Trạch, Hải Dương cùng vợ là Nguyễn Thị Thục, quê ở Đông Ngàn, Kinh Bắc lên đây dạy học từ thời Hùng Vương thứ 18. Hai người này cũng là người dạy học cho hai công chúa của Hùng Duệ Vương là Tiên Dung và Ngọc Hoa. Hai thầy cô tạ thế cùng một giờ, một ngày 2/2 năm Quý Dậu (228 trước công nguyên). Đến nay, ngôi mộ của hai vợ chồng thầy cô vẫn còn ở trong điện và chưa bị dịch chuyển lần nào.

Hoành phi và câu đối trong miếu Thiên Cổ có từ thời Tự Đức năm thứ nhất (1848). Trong miếu, ngoài ba lư hương cổ bằng gốm từ thời nhà Lý, nhà Lê, còn có một số đồ thờ bằng gỗ như ống hương, hai cây nến... Đặc biệt là các pho tượng Phụ vương, Mẫu vương và hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa cùng hai thị nữ. Ngoài ra, còn có một bức Hoành phi nhỏ ghi: "Thiên Cổ Miếu" và hai câu đối viết bằng chữ Hán trên gỗ mộc dài chừng một mét: "Hùng Lĩnh trung chi thắng tích/Nam thiên chích khí linh từ" nghĩa là: "Đền thiêng thờ người có chí khí mạnh mẽ, lớn lao của trời Nam".
Danh sách 18 thầy giáo thời Hùng Vương
Theo một cuộc điều tra của Pháp về hệ thống đền, đình ở nước ta - tài liệu vẫn còn lưu trữ ở Viện Hán - Nôm,  thì toàn miền Bắc và miền Trung có hơn 40 đền thờ các thầy cô giáo và những học trò thời trước Hán, tức là thời Hùng Vương đến thời An Dương Vương.



Bàn thờ thầy cô giáo Vũ Thê Lang cùng hai công chúa của Hùng Duệ Vương

Chính từ những chứng tích của Thiên Cổ Miếu, các nhà nghiên cứu đã tìm được một danh sách 18 thầy giáo thời Hùng Vương, những người đã đào tạo ra hiền tài cho các Vua Hùng gồm: Thầy Lý Đường Hiên, thời Hùng Vương thứ 6, dạy ở Yên Vĩ, huyện Hoài Nam, phủ Ứng Thiên, đạo Sơn Nam (nay là Ứng Hòa, Hà Nội); Thầy Lỗ Công, thời Hùng Vương thứ 9, là cháu ngoại vua Hùng Định Vương, dạy ở kinh thành Văn Lang...
Đến nay vẫn còn đền thờ của các thầy giáo và học trò của họ ở khắp miền Bắc nước ta như đền thờ thầy Hải Đường tiên sinh ở huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu; Đền thờ Trương Sơn Nhạc, học trò thầy Lỗ Đường tiên sinh, ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh... Thậm chí cả những vùng đất xa xôi, hiểm trở như ở Quỳnh Nhai, Sơn La, cũng có đền thờ thầy cô giáo và những học trò rạng danh thời đó.

Ngày nay, đền Thiên Cổ không chỉ là điểm đến của những người "Tôn sư trọng đạo", yêu kính cội nguồn dân tộc, mà còn là điểm đến của không biết bao nhà nghiên cứu và du khách trong và ngoài nước. Ngôi đền cổ thờ thầy cô giáo là một minh chứng hùng hồn cho truyền thống giáo dục của dân tộc ta, một dân tộc có bốn nghìn năm văn hiến.

Bản ngọc phả quý được viết vào năm Hồng Phúc thứ 2 (1573) đời vua Lê Anh Tông, do Đông Các học sĩ Nguyễn Bính biên soạn. Ngọc phả này đã ghi chép lại nguồn gốc của Thiên Cổ Miếu: "Vào thời Hùng Duệ Vương, ở đất Mộ Trạch có vợ chồng Vũ Công, thuộc gia đình có học. Cha mẹ mất sớm, cảnh nhà sa sút, hai người lần tìm về đô thành Phong Châu, tới thôn Hương Lan mở lớp dạy học. Dân làng đã cấp cho họ ruộng đất để trả công dạy dỗ. Vợ chồng Vũ Công sinh hạ được một người con trai là Vũ Thê Lang. Lớn lên, Vũ Thê Lang tìm về người bạn cũ của bố là Nguyễn Công ở đất Đông Ngàn - Kinh Bắc. Nguyễn Công đã gả cho Thê Lang người con gái yêu của mình là Nguyễn Thị Thục - một cô gái nết na, thạo nghề tơ tằm canh cửi. Khi cha chết, Vũ Thê Lang tiếp tục thay cha dạy học, Thục Nương giúp dân nghề nông tang, canh cửi. Tiếng lành đồn xa, nhờ học vấn cao và tận tụy với nghề, sống giản dị và mẫu mực nên ông giáo Vũ Thê được vua Hùng thứ 18 giao cho chăm nom việc học hành của hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa".Ngôi miếu cổ nằm hiền hòa dưới bóng hai cây táu cổ thụ, gốc to bốn, năm người ôm không xuể, có tuổi hàng ngàn năm. Điều thú vị là một cây cho hoa màu vàng, một cây cho hoa màu bạc. Hè năm 1978, do quan niệm ấu trĩ và thiếu chất đốt, ban lãnh đạo hợp tác xã Động Lực quyết định cho chặt hai cây táu làm củi nung gạch. Biết hung tin, các cụ già của thôn Hương Lan đồng lòng kéo nhau ra miếu và ngăn cản vụ chặt cây này.  

(Theo Bee.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét