Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Ngon lạ gỏi trái măng cụt



Gỏi trái măng cụt là một trong những món ăn kết hợp trái cây với đồ mặn, vừa có độ mát của hoa quả, lại vừa bùi bùi của thịt. Vị ngọt của trái măng cụt đan xen với vị mặn của mực, của tôm ăn rất lạ và thú vị.
Ngon lạ gỏi trái măng cụt
Măng cụt là loại trái cây được nhiều người ưa thích vì vị ngọt và thanh của nó. Loại quả này thường ăn tráng miệng sau bữa cơm để tận hưởng vị ngọt mát, nhưng ít ai nghĩ rằng măng cụt khi còn ương hay chín lại có thể làm được món gỏi rất ngon.
Để làm được món gỏi trái măng cụt không cầu kì, không tốn nhiều thời gian nên ngày càng được ưa chuộng. Nguyên liệu để làm được đĩa gỏi ngon cần có thịt lợn ba chỉ, tôm sú, mực khô xé, dừa tươi nạo, vừng rang chín, ớt và không thể thiếu măng cụt.
Gỏi măng cụt là sự kết hợp của trái cây và đồ mặn ăn rất lạ miệng.
Gỏi măng cụt là sự kết hợp của trái cây và đồ mặn ăn rất lạ miệng.
Với măng cụt còn ương có thể bào sợi, nhưng nếu ai khoái ăn vị ngọt của măng cụt có thể làm trái măng cụt chín. Trái chín thì chỉ cần tách vỏ, gỡ từng múi măng cụt và ngâm trong nước đá lạnh có hòa đường để múi không bị đen.  Để món gỏi ngon thì nhất định trái măng cụt phải được chọn lựa kỹ, tránh trái sượng, trái nhiều hạt. Mẹo chọn măng cụt ngon là những trái giữa mùa bao giờ vị cũng ngon nhất, loại quả có vỏ rám nâu thì sẽ ngon và thơm hơn loại vỏ nâu đỏ, cuống trái lúc nào cũng tươi, quả mềm đều nhưng không bị dập…ấy mới là thứ quả ngon.
Bước đầu, luộc chín và thái sợi thịt lợn ba chỉ. Mực xé sợi, tôm sú luộc chín, bóc vỏ, bỏ chỉ lưng, nên để lại đuôi tôm cho đĩa gỏi đẹp mắt. Khi có các nguyên liệu chuẩn bị đầy đủ, đến khâu trộn gỏi. Trộn gỏi măng cụt khác với các món khác, thay vì trộn chung tất cả làm một hỗn hợp thì gỏi măng cụt là theo tầng lớp, cứ một lớp nhân thì một lớp nước gỏi pha chế rưới lên .
Nước gỏi là tổng hợp của nước cốt chanh, đường, nước mắm, tỏi và ớt. Xếp măng cụt vào đĩa, xếp thịt lợn ba chỉ thái sợi, rưới lên nước gỏi, rồi lại xếp mực khô xé, tôm sú, dừa nạo, ớt tươi. Sau cùng, rắc vừng rang đều khắp mặt đĩa gỏi.  Đặc biệt, trong quá trình xếp nhân không được trộn gỏi, nếu trộn sẽ làm cho măng cụt vỡ nát ăn mất ngon.
Đĩa gỏi đủ màu sắc ăn có vị chua ngọt của măng cụt, dai dai của mực, sần sật của mực, béo của dừa tươi, thơm nồng  của vừng, lại có chút cay, chút mặn, ăn rất lạ miệng, ngồ ngộ.
Với món gỏi này có thể ăn khai vị trong các bữa ăn hay ăn trong bữa cơm cũng là một lựa chọn thú vị.
Thu Hường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét