(Nguoiduatin.vn) - Xe đến nơi, chỉ có 30 ngàn nhưng vợ mình chỉ còn 20 ngàn lẻ. Vợ mình loay hoay định đi tìm chỗ đổi tiền thì bác tài nói: thôi đưa hai chục được rồi cô, coi như mấy đứa nhỏ hồi nãy phụ cô chỗ còn thiếu.
1. Hẻm chật, lại đông đúc, chủ yếu là dân lao động, nhà lụp xụp san sát. Có một đoạn giữa hẻm phình ra, rộng hơn mấy chỗ khác được chiếm dụng làm một cái quán phở nhỏ. Chủ quán là ba mẹ con, chính xác là bà ngoại, mẹ và đứa con gái trạc mười lăm mười sáu tuổi, hai người lớn đều bị chồng bỏ theo vợ bé, chuyện đó cả hẻm ai cũng biết.
Quán phở rất đông khách, nhất là buổi sáng trước giờ đi làm và buổi chiều tối, chủ yếu là bưng đến tận nhà cho khách nhưng cũng có khi khách đến bàn ngồi, có lẽ là để có dịp nói chuyện với chủ quán, vốn rất sởi lởi và hay chuyện. Quán chỉ có hai bàn, được gọi tên là bàn số ba và bàn số sáu, hỏi bà chủ sao đặt kỳ vậy, bả cười lớn: vậy cho nó xôm. Buổi tối nghe bà chủ nói chuyện sang sảng, thỉnh thoảng lại hét cô con gái: tái bàn ba nè, hoặc gân bàn sáu sao chưa bưng…
Khoảng sau 10 giờ đêm thì quán mới thực sự đông, lúc này nồi phở đã cạn, thịt bánh cũng đã hết, chỉ còn chút nước lèo, xí quách. Lúc này khách ăn phở đã vắng, chỉ còn khách đến nói chuyện, đây là những khách hàng đặc biệt, hầu hết họ đều được ăn miễn phí. Có người bưng tô cơm nguội ra xin chan chút nước lèo ngồi ăn, có người ngồi gặm xí quách hoặc ăn mấy miếng gân còn dư chấm với tương đen. Đó là những phụ nữ bán hàng đêm về, vài chị công nhân vệ sinh, mấy bà già bán vé số… họ xúm vào ăn uống, chuyện trò rồi cùng phụ chị chủ quán dọn dẹp, rửa tô, chùi nồi.
Những người khách đặc biệt ấy, họ kể cho bà chủ quán nghe chuyện này chuyện nọ, chuyện của họ hoặc chuyện họ thấy trên đường. Thỉnh thoảng thấy bà cười ha hả...
2. Vợ mình thỉnh thoảng vẫn đi taxi, thường chỉ đi đoạn ngắn. Một lần, lên xe gặp bác tài lớn tuổi, chào hỏi, kể chuyện rôm rả. Bác tài hỏi coi Thúy Nga không, để tui mở coi, đĩa mới nè, đĩa gốc luôn đó. Hỏi sao bác có đĩa gốc, bác kể rằng hổi nãy có bốn đứa nhỏ mướn xe đi chơi, mấy đứa thiệt là dễ thương, đưa cái đĩa DVD gốc mở nhạc coi. Đi một vòng hết 205 ngàn, tụi nó đưa 250 ngàn luôn, lại còn cảm ơn bác tài và tặng lại cái đĩa. Kết luận: nghề này cực khổ lắm, thỉnh thoảng gặp khách dễ thương cũng an ủi phần nào.
Xe đến nơi, chỉ có 30 ngàn nhưng vợ mình chỉ còn 20 ngàn lẻ. Vợ mình loay hoay định đi tìm chỗ đổi tiền thì bác tài nói: thôi đưa hai chục được rồi cô, coi như mấy đứa nhỏ hồi nãy phụ cô chỗ còn thiếu.
Một hôm khác, vợ mình đi chợ giữa trưa, ra đến chợ và chọn hàng xong thì mới nhớ là mình quên mang tiền. Khó xử vì hàng thì cần mua gấp mà chả lẽ lại phải quay lại công ty lấy tiền vì món hàng cũng không lớn. Vợ mình bước ra đường, vẫy một chiếc taxi và nói với bác tài: anh có thể cho em mượn tiền trả tiền đồ rồi lát chở em về lấy tiền luôn thể. Bác tài vui vẻ móc ví được hơn hai trăm đưa cho vợ mình. Vợ mình cầm tiền bước vô chợ mà cứ thắc mắc sao anh tài xế lại dễ tin người thế nhỉ. Rủi người ta lừa ảnh thì sao
Lúc ra, lên xe hỏi anh tài xế có sợ tui lừa lấy hết tiền không. Anh chỉ cười.
3. Có một con đường nhỏ, hơi xuôi dốc, thường khá vắng nhưng lại nối hai con đường tấp nập ở trung tâm thành phố, nơi được mệnh danh là phố Nhật, với rất nhiều nhà hàng Nhật và khách sạn dành cho khách Nhật. Hai bên đường thường làm chỗ đậu xe hơi, chủ yếu cũng là xe của các xếp Nhật đến ăn uống hoặc làm việc.
Trước ở đây có một quán café cóc, chủ yếu phục vụ cánh tài xế vẫn đậu xe trên đường này. Quán có rất nhiều ghế nhựa, loại nhỏ và nhiều màu để cho khách ngồi hoặc đặt mấy ly café, vài tờ báo. Café giá bình dân, chủ quán cũng dễ thương, trà đá miễn phí, khách ngồi bao lâu cũng được, đọc báo hoặc bắt chuyện lẫn nhau.
Quán có một cái ghế gỗ nhỏ, có lẽ được làm từ gỗ tốt nhưng đã cũ kỹ và xộc xệch. Chiếc ghế này được đặt ở sát vỉa hè và chủ quán thường không cho ai lấy ngồi cả, cứ để nó nằm ngoài nắng ngoài mưa vậy thôi. Một việc hơi lạ.
Một tài xế ngồi gần đó cho tôi hay: đó là cái ghế bắt cướp. Bọn cướp giật rất hay ra tay khu này, nạn nhân chủ yếu là các du khách người Nhật, các bà và các cô, chúng giật túi xách, điện thoại, camera của họ và phóng xe chạy rất nhanh. Chủ quán để cái ghế đó, ai ngồi gần hoặc ai thấy trước thì dùng nó mà ném vào xe bọn cướp, có khi bắt được có khi không, lúc trước thì bắt được nhiều, sau này thì ít dần. Có lẽ bọn cướp đã ngại cái ghế nên chuyển địa bàn. Các bà các cô người Nhật cũng yên tâm hơn.
4. Có nhiều chuyện về dân nhậu, chủ yếu là chuyện xấu, nhưng nhậu ở Sài Gòn cũng nhiều bữa vui, đa số là vui.
Mới đầu buổi chiều chỉ có hai anh em ngồi uống bia nói chuyện đá banh, bàn bên kia cũng nói chuyện tương tự, vậy là hai bàn gom lại làm một, lát sau thì cái tụ nhậu đó đã thành một vòng tròn lớn. Uống đi, bữa nay vui, tiền thì lát nữa “cam pu chia” sau. Mấy ông mặt đỏ phừng phừng tranh nhau làm HLV cho đội tuyển Việt Nam, rồi cuối buổi nhậu lại trở thành một ban nhạc cổ động bóng đá ầm ĩ, lúc này thì tất cả các bàn trong quán đều hát chung hoặc cùng nâng ly.
Có lần một anh bạn tôi uống say quá, được một bạn nhậu chở về tận nhà. Quay tới quay lui tìm đường cuối cùng thì cũng gõ cửa đúng nhà để giao lại anh bạn tôi cho gia đình. Khi vô nhà gặp chị vợ, anh bạn nhậu tốt bụng còn bàn giao phiếu gửi xe, bóp tiền, điện thoại cho chị vợ rồi mới cáo từ. Sáng hôm sau anh bạn tôi tỉnh rượu mới kể chuyện này cho tôi nghe, anh nói thực ra người đưa anh về nhà hôm qua là một người không hề quen biết. Anh chỉ gặp anh ta lúc cùng đi vệ sinh. Khi ra về, người kia thấy anh quá xỉn, nên đã kêu anh gửi xe lại quán và hỏi địa chỉ để chở anh về nhà. Chẳng phải bạn bè chi đâu.
Đàm Hà Phú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét