Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Nhà cổ Hội Kỳ kêu cứu



Ngôi nhà của ông Dương Văn Mạnh đã hơn 120 năm tuổi
Người dân làng Hội Kỳ, xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) vẫn tự hào về bề dày lịch sử của một ngôi làng ngót 500 năm tuổi nằm bên dòng Ô Lâu...

Tương truyền, Hội Kỳ là chốn dừng chân của viên quan người làng Hạ Cờ ở mãi tận Hà Tây đến khai canh lập nghiệp. Vùng đất trù phú bên bờ sông Ô Lâu là nơi ông chọn lập làng. Vì thế, Hội Kỳ mang trong mình nét dáng dấp của vùng nông thôn miền Bắc. Thủa xưa, làng Hội Kỳ có gần 70 ngôi nhà Rội, nhà Rường nằm trong tổng thể kiến trúc mang đậm dáng dấp làng mạc gồm: cây đa, bến nước, sân đình và những ngôi nhà thờ họ được xây dựng một cách công phu, bề thế. Kiến trúc của quần thể nhà cổ được xây dựng theo kiểu nhà rường 3 gian, 2 chái, hoặc 1 gian, 2 chái và tương ứng với nó là số cột trụ 48 hoặc 24, tuỳ theo kinh tế của từng gia đình. Ngôi nhà cổ của ông Dương Văn Mạnh, có tên là Tích Khánh Đường.
Tích Khánh Đường được xây dựng từ năm 1889 (dưới triều vua Thành Thái) và đến nay đã qua 5 thế hệ sinh sống và bảo quản. Nhà hình chữ đinh. Cấu trúc 3 gian, 2 chái, 4 mái lợp so le gồm 10 vạn viên ngói liệt. Hệ thống cửa bản khoa gồm 18 lá chia thành ba cụm tạo sự cân đối cho ngôi nhà. Ông Mạnh tự hào: "Ngôi nhà này do cụ cố của tôi là Dương Văn Vỉ, làm quan Chánh tổng An Thơ dưới thời vua Thành Thái xây dựng nên. Đời tôi là thế hệ thứ tư sinh sống trong ngôi nhà này, tuy cuộc sống có lúc gặp rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng giữ gìn nếp nhà cha ông để lại. Bây giờ tôi còn giữ được hơn 20 di vật và nhiều bút tích sắc phong do vua ban cho cụ cố tôi đấy".
Nguy cơ "xoá sổ"
Hội Kỳ hôm nay vẫn còn đó dáng dấp của một làng quê thuần nông nghiệp. Tuy nhiên, nét cổ kính xưa đã dần "hiện đại hoá". "Đi khắp làng trên xóm dưới, nhà xưa cũng chỉ vỏn vẹn còn có 6 căn và 4 nhà thờ họ", bà Dương Thị Hường, năm nay 90 tuổi, buồn buồn cho biết. Ngày nay, nhà cổ Hội Kỳ đang bị lép vế trước kiểu kiến trúc hiện đại nên dần bị bê tông hoá hoặc thay đổi kết cấu.
Nhà cổ Hội Kỳ nói riêng và hệ thống nhà dân gian truyền thống ở mảnh đất Quảng Trị nói chung một thời thuộc về kết cấu kiến trúc liên hoàn của một cộng đồng dân cư sinh sống ở đó, nó thể hiện bản sắc văn hoá của cộng đồng người ở một tiểu vùng. Những ngôi nhà cổ kính Hội Kỳ cùng với những nhà thờ họ, mái đình, cây đa nghiêng mình bên dòng Ô Lâu xanh mát luôn là nơi những người xa quê thương nguồn nhớ cội vọng về. Trong khi chờ đợi một phương án quản lý hợp lý của cơ quan chức năng, những ngôi nhà này vẫn nằm im lìm, xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ bị bê tông hoá một cách vô tư mà ít ai chú ý tới.
Ông Lê Hữu Thọ, Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Trị trăn trở: "Trước năm 1995, hệ thống nhà dân gian truyền thống còn tồn tại ở Quảng Trị khá nhiều chứ không lẻ tẻ như bây giờ, và không chỉ phân bố riêng ở Hội Kỳ mà còn có ở Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong... Đến nay, việc điều tra, khảo sát giá trị nhà ở dân gian truyền thống ở Quảng Trị mới chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu khoa học. Trong quá trình khảo sát chúng tôi đã nhiều lần báo động về tình trạng mất dần của nhà cổ. Theo tôi cần có một chính sách mang tầm chiến lược kịp thời để bảo vệ giá trị tinh thần của cha ông".
Phía bên kia bờ sông Ô Lâu, làng nhà cổ Phước Tích (Thừa Thiên- Huế) đang nhộn nhịp du khách nước ngoài tham quan. Chạnh lòng nghĩ đến làng quê Hội Kỳ. Một làng quê chỉ cách Phước Tích chưa đầy 5 phút cho một chuyến đò ngang, từng là làng quê có hệ thống nhà cổ phồn vinh không hề thua kém Phước Tích, nay im lình phủ bóng thời gian. Nhìn khung cảnh ấy, tôi như thấu hiểu hơn niềm trăn trở của ông Lê Hữu Thọ: "Giả như ngành quản lý sớm có kế hoạch đưa một vài gian nhà cổ vào xếp hạng di tích cấp tỉnh thôi, thì tin rằng người dân sẽ ý thức hơn trong việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị tinh thần vô giá của tổ tiên. Và có lẽ, hệ thống nhà ở dân gian truyền thống Quảng Trị hôm nay đã trở thành điểm đến lý tưởng trong tua du lịch hướng về văn hoá cội nguồn".   
Phan Vĩnh Yên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét