Cù Lao Chàm – quần thể đảo cách đất liền chừng hơn một hải lý là nơi tính đến thời điểm bây giờ, đang giữ trong mình những câu chuyện “kỳ lạ”...
Chuyện một: gian nan cái… cầu tiêu
Xã đảo Tân Hiệp nằm trong quần thể Cù Lao Chàm (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) gồm bốn thôn với 900 hộ dân (tương đương gần 3.000 khẩu). Cuộc sống của người dân xã đảo Tân Hiệp có lẽ còn giữ nhiều nét hoang sơn và… nguyên thủy nhất.
Hơn chục năm trở về trước, chuyện “đầu ra” của hầu hết bà con nơi đây đều… hướng về thiên nhiên. Những nhà dân men theo các bãi đất bằng phẳng ở rìa đảo Dài đều tìm về với biển, mọi chuyện “đầu ra” đều hoang dã.
Gần 3.000 người dân Cù Lao Chàm dù cuộc sống còn nghèo nhưng đã ý thức
được tầm quan trọng của việc giữ gìn môi trường biển Cù lao.
Bí thư Thành ủy Hội An, ông Nguyễn Sự chia sẻ câu chuyện hoàn toàn có thật ở xã đảo Tân Hiệp: khoảng chừng năm 1996 (khi đó ông Sự còn giữ chức chủ tịch thị xã Hội An), trong một chuyến công tác ra đảo, các cán bộ xã báo cáo cả đảo duy nhất có… 4 cái cầu tiêu. Người dân xã đảo không có thói quen sử dụng toa-lét.
Một cán bộ địa phương cũng kể chuyện: đó là sự thật ở Cù Lao Chàm khoảng những nằm 90 về trước. Xã có duy nhất… bốn cái cầu tiêu và đặt ở những nơi công cộng như cảng cá, UBND xã. Tất thảy người dân từ già trẻ lớn bé đều ra biển. Thói quen sinh hoạt ấy vẫn được duy trì từ trước đến nay, nhất là khi Cù Lao Chàm là một địa danh biệt lập, muốn ra ngoài đảo phải mất vài giờ đồng hồ chạy tàu.
Và khi ấy, Cù Lao Chàm chưa làm du lịch, cuộc sống vẫn chủ yếu tự cung tự cấp. Khách của Cù Lao Chàm lúc đó, chỉ là các cán bộ lãnh đạo từ Hội An ra Tân Hiệp làm việc.
Chiến dịch dựng cầu tiêu cho bà con xã Tân Hiệp trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng. UBND thị xã (khi đó) dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Sự đã lập hẳn một dự án dựng cầu tiêu cho bà con ngoài đảo.
Mỗi hộ dân được hỗ trợ 1,2 triệu đồng để làm cầu tiêu. Thị xã cử hẳn một đội xây dựng ra ngoài đảo làm cho dân, chi phí xây dựng không vượt quá số tiền hỗ trợ mỗi hộ gia đình.
Đích thân ông Sự ra ngoài đảo kiểm tra. Công tác tuyên truyền, vận động bà con hưởng ứng xây dựng đời sống mới, trong đó có nội dung từ bỏ thói quen “cái đầu ra” gây ô nhiễm môi trường, nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển quanh đảo.
Đến một nhà dân, chiếc cầu tiêu mới xây dựng xong nhưng không sử dụng, củi khô chất đầy lên trên như một cái nhà kho. Hỏi nguyên nhân, chủ nhà thật thà: “Khó lắm cán bộ ơi, vô đó mà đâu có ra!”. Ông chủ tịch Nguyễn Sự "nạt" lại: “Vậy tôi sẽ ở lại đây vài ngày, chừng nào gia đình chịu vô đó tôi mới về”.
Đến năm 1998, hàng trăm hộ dân với hàng ngàn khẩu đã xóa được những bãi cầu tiêu công cộng ngoài bờ biển. Tất cả mọi người đều chấp hành “nhiệm vụ mới” và cũng là nhiệm vụ giữ môi trường sống của chính mình.
Đóng tàu nửa tỷ đồng chở rác
Chiếc tàu được đóng mới trị giá 500 triệu đồng được Hội An trích từ ngân sách giao cho xã Tân Hiệp quản lý và sử dụng với một nhiệm vụ duy nhất: chở rác từ đảo vào đất liền để tiêu hủy. Đây cũng chỉ là một trong những chi tiết trong cuộc chiến bảo vệ môi trường đảo của chính quyền và địa phương nơi đây.
Chị Hương, một người bán rau tại chợ đảo Tân Hiệp kể chuyện: “Tính đến bây giờ được hai năm dài, ba năm ngắn, người dân xã đảo không xài túi ni-lon. Mọi người đều dùng giấy báo cũ, giấy vở loại của học sinh gấp thành túi đựng để đi chợ mua sắm hay đựng đồ. Mấy anh mà gặp ai xài túi nilon ở Tân Hiệp, tui trả thêm tiền cho các anh”.
Đó là kết quả của cuộc chiến “không dùng túi nilon” ở Tân Hiệp từ năm 2008. Khi đó, khắp đảo, ven những bãi kè ven biển, túi nilon tràn ngập khắp mọi nơi. Ở ngoài đảo, không ai sản xuất được túi nilon, tất cả đều từ đất liền mang vào. Túi nilon không phân hủy được tràn ngập các ngóc ngách, đường xóm, bãi biển…
Lại một chiến dịch mới được áp dụng cho Cù Lao Chàm: ngân sách thành phố đầu tư cho mỗi hộ dân xã đảo hai chiếc làn nhựa (một to, một nhỏ) để bà con đi chợ, tuyên truyền vận động bà con không dùng túi nilon, thay vào đó là các loại vật liệu tự hủy.
Thị xã Hội An cử hẳn cán bộ đi vào TP.HCM, ra Hà Nội… để tìm hiểu các vật dụng có thể thay thế túi nilon, nhưng tìm không được. Cuối cùng, Hội An quyết định chọn phương án sử dụng giấy báo, sách vở cũ của học sinh để gấp túi.
Ngày đầu tiên, lại là chủ tịch Nguyễn Sự ra tận đảo, phát làn nhựa cho bà con và tuyên truyền bà con không dung túi nilon. Ngày thứ hai, ông Sự ngồi ở ngoài cổng chợ Tân Hiệp, nếu ai không mang làn nhựa mà đi tay không, hay sử dụng túi nilon để đựng đồ, ông yêu cầu về nhà lấy làn mới được vô chợ.
Các sạp hàng bán rau, quả, thực phẩm cũng tương tự. Những hàng nào vẫn dùng túi nilon, ông chỉ đạo cán bộ xã yêu cầu không cho bán hàng, chừng nào không dùng túi nilon gói đồ cho khách mới tiếp tục được kinh doanh tiếp.
Những gian nan ban đầu cũng qua, dần dần tạo thành thói quen cho người dân. Gần ba năm trôi qua, ra Cù Lao Chàm, nếu nhìn thấy một chiếc túi nilon là điều cực kỳ hiếm có.
Chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Thanh (thôn Lãn Thượng) đi chợ Tân Hiệp mua thực phẩm nấu cơm trưa. Vật duy nhất bà cầm trên tay là chiếc làn nhựa loại to.
Tất cả túi đựng ở Cù Lao Chàm, kể cả bịch bỏng ngô của
trẻ em cũng bằng túi giấy tự gấp.
“Bữa nào mua nhiều đồ ăn tui mang làn to, còn bữa nào mua ít thì xài làn bé” – bà Thanh cho biết. Rau, củ, quả, thực phẩm đều được cho vào chiếc làn nhựa. Mua một ít dưa đã muối sẵn, bà chủ hàng rau lựa một chiếc lá chuối tươi, gắp dưa ra khỏi chiếc vại muối để cho ráo nước, rồi gói vào lá chuối. Thịt, cá, các loại thực phẩm khác nếu không có lá chuối gói thì được đựng bằng túi giấy tự gấp bằng giấy báo cũ.
Cả chợ đều như thế. Bà chủ hàng mỗi người có thêm một chiếc hộp đựng các loại túi gấp giấy với đủ kích cỡ. Và, trẻ em ở Cù Lao Chàm rảnh tay, thay vì chơi đùa, các em đều phụ cha mẹ gấp túi giấy dự trữ.
Đến Cù Lao Chàm, đặt bước chân đầu tiên lên đảo, bạn sẽ được nhắc nhở: “Xin không mang túi nilon lên đảo” bằng tấm biển rất to đặt ngay cảng tàu. Các công ty lữ hành cũng có nhiệm vụ nhắc nhở khách du lịch từ ngoài đất liền: “nếu lên Cù Lao Chàm, xin để túi nilon lại đất liền”.
Đến Cù Lao Chàm, đặt bước chân đầu tiên lên đảo, bạn sẽ được nhắc nhở:
“Xin không mang túi nilon lên đảo” bằng tấm biển rất to đặt ngay cảng tàu.
Hòn đảo bé nhỏ 900 hộ dân, gần 3.000 khẩu sinh sống trên diện tích hơn 15ha đất tự nhiên ba năm liền đã… nói “không” với túi nilon một cách tự nhiên như thế.
Hoang sơ Cù Lao Chàm
Được ví như một "hòn ngọc chưa được gọt giũa", Cù lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ và những người dân hiền hòa, thân thiện.
Nằm cách Hội An chưa tới 20 km về phía đông, Cù Lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp (Hội An, Quảng Nam) gồm 8 đảo, lớn nhất là Hòn Lao, tổng diện tích 15 km2. Hòn Lao cũng là nơi có cư dân sinh sống với khoảng trên 3.000 người thuộc 4 thôn Bãi Làng, Cấm, Bãi Ông và Bãi Hương. |
Trở thành khu bảo tồn biển thí điểm thứ hai trong cả nước (sau Hòn Mun, Nha Trang), Cù Lao Chàm được đánh giá là một hòn ngọc với cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái quan trọng và có sự nổi bật về đa dạng sinh học: rừng tự nhiên, bãi biển đẹp, rạn san hô được bảo tồn, thảm cỏ biển, rong biển và nhiều loài thủy sản có giá trị. |
Dù ngày càng nổi tiếng và được du khách tìm đến ngày một đông, Cù Lao Chàm vẫn giữ được vẻ hoang sơ với nhiều bãi tắm trải khắp đảo. |
Đây cũng là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên ở Việt Nam và nằm trong số hơn 440 khu bảo tồn của thế giới. |
Đặt chân tới "hòn ngọc" này, du khách còn được trải nghiệm thú vị của việc trở thành ngư dân trong một ngày, thăm thú các di tích lịch sử, văn hóa trên đảo... |
Không chỉ có cảnh quan đẹp, người dân trên đảo còn rất thân thiện, còn trẻ em thì vẫn lạ lẫm với du khách. |
Với sản vật phong phú, ngư dân chỉ cần một tấm lưới nhỏ, dong thuyền thúng ra vài trăm mét là có thể đánh được cá. |
Thu nhập của người dân nơi đây vẫn chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản. |
Khung cảnh bình yên của làng chài Bãi Hương trong buổi hoàng hôn. |
Nguyễn Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét