Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Những chuyện kỳ thú - Kỳ 2: Bằng chứng của rồng


Nhiều người cho rằng rồng là con vật của trí tưởng tượng, nhưng không ít người lại đưa ra các bằng chứng về sự hiện diện của nó trong đời sống.
Cách đây không lâu, các nhà khoa học của Tổ chức Cryptozoology quốc tế (chuyên nghiên cứu các con vật huyền bí) sau khi xem xét biểu tượng của thành phố Moscow, Nga, đã đưa ra kết luận đầy bất ngờ: Hình vẽ con vật trên đó (ảnh) hoàn toàn là hiện thực chứ không phải quái vật thần thoại.
Người kỵ sĩ với ngọn giáo trong tay chiến đấu với rắn xuất hiện trên biểu tượng của công quốc Moscow vào thế kỷ 15, thời Ivan III. Trên biểu tượng là người chiến binh mặc áo giáp, đầu đội mũ chiến đang cầm giáo đâm con rắn có cánh. Tới thời Peter Đại đế (1672 - 1725), cũng có hình tượng Thánh George cưỡi ngựa đâm con rồng có cánh. Trong nhiều thư tịch cổ của Nga có thể thấy hình ảnh nhiều loại quái thú bị xích như thú nuôi trong nhà. Irina Sareva, chuyên gia nghiên cứu “Các khuynh hướng khoa học mới nhất”, cho rằng những con thú này hoàn toàn có thể từng tồn tại trong các rừng sâu của Nga. “Sử thi, thần thoại, ngoài vỏ bọc của sự tưởng tượng, sự cường điệu hóa thì cốt lõi bao giờ cũng chứa đựng hiện thực. Trong các câu chuyện đó cho thấy trước đây tại phần châu Âu của Nga từng có loài rồng khát máu chuyên tấn công xé xác người đi bộ và ngựa”, Irina Sareva nhận định.
Trong biên niên sử toàn tập của Nga có chứa đựng các thông tin của thành phố Novgorod, ghi vào năm 1582: “Vào mùa hè những con cá sấu lạ, hung bạo bò lên từ sông, chặn đường khiến người hoảng sợ, cầu xin thượng đế khắp nơi. Một số người trốn chạy, số khác thì bị giết…”. Nhưng theo một số nhà khoa học, Novgorod ở phần Trung Nga nên hoàn toàn không có cá sấu, phải chăng đó chính là loài rồng mà sử sách từng nhắc đến!? Nhưng nếu chúng từng tồn tại thì tại sao chúng lại biến mất?
Không chỉ trong sử sách cổ, ngày nay có khá nhiều chứng cứ về quái thú. Vào năm 1958, Ivan Ephemov, nhà văn viễn tưởng, nhà địa chất kiêm nhà cổ sinh học chuyên nghiệp đã viết cuốn Con đường gió kể về chuyến viễn du của mình ở Mông Cổ. Trong sách này, Ephemov mô tả người bản địa nuôi những con sâu khổng lồ màu vàng nâu, chất độc của chúng phun ra có thể giết chết mục đồng và du khách. Có nhiều đoàn thám hiểm quốc tế, chuyên nghiên cứu động vật trên sa mạc đến đây, nhưng không ai trong số họ có thể đưa ra kết luận về loài sâu đó. Không loại trừ đó là loài rắn lớn có khả năng phóng nọc độc ra một khoảng xa để giết người. Nhà động vật học người Pháp - Michel Reynal, cho rằng những con sâu đó có thể là loài bò sát bị mất chân trong quá trình tiến hóa.

Biểu tượng của thành phố Moscow - Ảnh: Wikipedia

Azhdarchidae còn cao hơn cả hươu cao cổ - Ảnh: Wikipedia
Trước đó, vào năm 1932, tại bờ biển Bắc Mỹ xảy ra trận động đất lớn. Sóng quăng lên bờ nhiều xác loài vật dưới biển, trong đó có đầu con rắn biển cực lớn với hàm răng sắc nhọn. Còn vào năm 1947, tại bờ biển đảo Vancouver, Canada, người ta tìm thấy bộ xương của một con vật dài đến 12m và có chiếc đầu giống đầu cừu.
Rồng và rắn khổng lồ dường như thường được thấy ở châu Phi. Tại sa mạc ở Algeria, người ta bắn được con vật dài 20m mà đầu của nó dài đến nửa mét. Hay tại Madagascar có câu chuyện về chúa rừng xanh là con quái vật có mình dài với bộ khung xương rất lớn. Người châu Phi còn có chuyện về con vật chủ nhân biển cả - “Tonpondrano”, dài 25m, thân hình phủ đầy vảy và rất hung dữ. Tại Indonesia hiện còn rồng Komodo (một loại thằn lằn lớn) dài đến 3m, là loài thú chuyên săn khỉ, dê, hươu để ăn thịt.
“Những bộ xương hóa thạch của một số loài động vật lớn cho thấy chúng bị tuyệt chủng cách nay từ vài chục triệu đến vài trăm triệu năm - tiến sĩ ngành sinh học người Nga Aleksandr Dubrov nói - Hiện tại New Zealand còn 2 loài là kỳ nhông và tuatars (còn gọi là khủng long sống) tồn tại. Chúng là các con vật đại diện duy nhất của lớp bò sát cổ đại và là nỗi ngạc nhiên lớn cho các nhà khoa học khi phát hiện ra chúng”.
Hàng trăm triệu năm trước trái đất từng tồn tại loài thằn lằn bay (pterosaurs - dực long). Loài này nặng khoảng 300 kg, sải cánh dài 15m. Đến kỷ phấn trắng cách nay 90 triệu năm thằn lằn bay tuyệt chủng và khi đó Azhdarchidae (thuộc họ thằn lằn bay) là loài có cánh lớn nhất từ trước đến nay thống trị bầu trời. Azhdarchidae bay với vận tốc 40 km/giờ, có bộ hàm rất mạnh, ăn thịt được cả khủng long. Azhdarchidae được liệt vào loài Quetzalcoatlus, loài mà người Maya cho đó là rắn thần với nhiều huyền thoại gắn liền với nó. Azhdarchidae tuyệt chủng cách nay khoảng 65 triệu năm.
Cũng cần nói thêm 65 triệu năm trước do trái đất trải qua thời kỳ băng hà khiến nhiều loài vật tuyệt chủng hoàn toàn. Nhưng không loại trừ vài loài tiến hóa biến thành rồng và rắn bay. Ngay cả bồ nông ngày này dù không lớn nhưng lại có nhiều nét giống Azhdarchidae. Vì thế, Aleksandr Dubrov cho rằng nếu một ngày nào đó bạn vào rừng sâu nhặt nấm, hay tắm bên dòng sông hoang vắng, bỗng bắt gặp một con rồng nhỏ bé dễ thương thì cũng hợp lẽ với tư duy khoa học mà không hề có chuyện duy tâm nào ở đây. 
“Tàng long”?
Cả hai loài kỳ nhông và tuatars (có cách nay từ 300 triệu năm - 380 triệu năm) qua từng ấy triệu năm hầu như không tiến hóa và giữ nguyên thể trạng ban đầu. Có thể thấy, đây là 2 loài cực kỳ quý hiếm, nhưng chính vì thế mà giới khoa học hy vọng rồng (thể hình có thể nhỏ) đang tồn tại và “ẩn mình” ở nơi rừng sâu núi thẳm nào đó mà con người chưa đặt chân đến.
Hoàng Hoài Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét