Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Những món ăn quyến rũ của vùng đất Tây Đô


Vùng đất Tây đô nổi tiếng với những cánh đồng lúa bao la, một miền sông nước mênh mông. Nơi đây có vô vàn món ăn ngon tới độ quyến rũ mọi du khách từng đặt chân qua đây...

Cần Thơ là trung tâm của miền sông nước Tây Nam bộ trù phú với nhiều loại cây trái, rau quả, cá thịt, và là nơi quy tụ những món ăn đặc sắc của vùng. Do đó, nét đặc trưng của ẩm thực Cần Thơ là món ăn luôn được làm từ nguyên liệu đặc sản của địa phương như gạo, nếp và đầy ắp các loại rau tươi ăn sống kèm theo.

Đầu tiên phải kể đến các loại bánh của đất Cần Thơ. Bánh chỉ mang tính chất ăn vặt nhưng những ai đã đến Cần Thơ thì đều không thể bỏ qua.

Bánh cống

Bánh cống là thứ bánh dân dã, đã rẻ lại ngon, ai đã ăn một lần không dễ quên. Người Cần Thơ xem bánh cống là thứ quà vặt nên chỉ để ăn vào buổi chiều hay tối, từ khoảng bốn năm giờ trở đi.
Trước tiên, cái cống để đổ bánh là một vật dụng nhỏ và sâu lòng, hình dáng tựa như cái phin cà phê, lại có tay cầm dài như cái muôi múc canh.

Nguyên liệu chính để làm bánh là bột, đậu xanh và tôm. Bột pha chế qua nhiều công đoạn. Ba phần gạo, một phần nếp, ngâm một đêm rồi xay mịn. Sau khi “bồng” bột gạo nếp trong một túi vải cho ráo nước, người ta lại pha vào bột gạo nếp này một phần ba bột mì loại ngon, thêm nước, hành lá cắt nhỏ và gia vị. Hỗn hợp bột này không được lỏng như bột đổ bánh xèo. Có người còn cho thêm vào bột vài quả trứng gà cho thêm phần thơm ngon.

Bánh cống ăn với nước mắm chua ngọt và các loại rau diếp cá, đọt xoài, cải đắng, xà lách, húng quế… Chỉ nhìn đĩa bánh vàng ươm và dĩa rau tươi xanh là đã muốn thưởng thức. Mùi đậu xanh, mùi thịt, mùi tôm chiên trộn lẫn vào nhau thơm nức mũi, bát nước mắm lấm tấm hạt ớt, tép chanh, trong veo mấy cọng dưa chua đu đủ. Đúng là một món ăn phong phú về cả mùi vị và màu sắc.
Bánh tét lá cẩm

Ở Cần Thơ, bánh tét ngon nhất thuộc về gia tộc họ Huỳnh ở Bình Thuỷ. Muốn bánh ngon phải lựa nếp rặt mới làm cho đòn bánh dẻo. Lá cẩm phải tươi. Lá úa sẽ làm cho nước lá cẩm xuống màu. Thịt làm nhân phải là thịt tươi, ướp cho thịt tẩm thấm... Nếu thịt không ngon, nếp không rặt sẽ làm cho khẩu vị bánh mất ngon.
Cắn một miếng bánh tét màu tím, nếp dẻo và cái vị ngọt của thịt, của hương thơm trứng muối như đọng trong đầu lưỡi. Nó khác với những đòn bánh tét đậu trắng, đậu đen nhân mỡ hành, nhân chuối theo kiểu truyền thống của người Việt.
Bánh tét từ lò Chín Cẩm, Tư Đẹp ngày thường bán ở chợ Xuân Khánh, An Thới, Mít Nài... nhiều du khách thập phương biết tiếng đều tới tận điểm bán hàng mua về làm quà.

 Bánh khoai mì nướng

Thứ bánh dân dã này có mặt ở khắp hang cùng ngõ hẻm ở thành phố Cần Thơ. Thong dong ra Bến Ninh Kiều hóng gió hay dạo chơi trước cổng trường học, men theo các con đường, ghé thăm các hẻm nhỏ... đâu đâu người ta dễ dàng bắt gặp món bánh đồng quê này.

Cách làm bánh khoai mì khá đơn giản, khoai mì luộc chín, cho vào cối quết thật dẻo với dừa tươi xắt sợi. Khi hỗn hợp quánh mịn thì dàn ra mâm, để se mặt rồi cắt nhỏ. Miếng bánh nhỏ xinh ấy được nướng trên bếp than hồng cho đến khi vàng ươm hai mặt và tỏa mùi thơm quyến rũ. Cái dẻo quánh của sắn hòa với vị béo ngậy sần sật của dừa tươi vừa dân dã lại vừa đậm đà khó  quên.
Chỉ là một món ăn chơi, nhưng trong những ngày mưa, hay những khi xa quê, món bánh với cái mộc mạc chân chất, bỗng trở nên đậm đà và thơm ngon đến lạ.

Bánh hỏi
Bánh hỏi được làm bằng bột gạo, mà phải là gạo cũ mới ngon. Sau một đêm ngâm cho mềm, gạo đem xay thành bột rồi cho vào bao vải khô cho ráo nước. Hấp bột vừa đủ chín, nhồi và chia thành từng khối, sau đó cho vào khuôn ép lại.

Bánh hỏi ngon hay không phụ thuộc nhiều vào lá đồng này. Lỗ nhỏ quá, bột không qua, lỗ lớn quá sợi bánh sẽ lớn ăn không ngon. Để ép bánh, người ta dùng một khối gỗ vừa lòng khuôn, ép cho bột chảy ra. Bột khá đặc, lỗ lại nhỏ nên thợ phải dùng hệ thống đòn bẩy để tạo sức ép lớn. Một người ép một người bắt bánh.
Mỗi lần ép đòn bẩy xuống là những vòi bột xoăn xoắn tuôn ra. Người thứ hai đưa tay hứng lấy và ngắt ra từng đoạn chừng 10cm, sau đó đem hấp cách thủy một lần nữa mới hoàn thành.

Bánh hỏi trắng tinh, nhỏ xíu, ăn kèm rau sống, heo quay nóng hổi, chấm nước mắm chua ngọt ăn rất dễ nghiện.

Sau khi thưởng thức hết các loại bánh đặc sản của đất Tây Đô, xin mời các bạn hãy khám phá sang các món ăn no bụng và có những cái tên khá lạ tai nhé.

Bún tôm khô Cái Răng

Nằm ẩn khuất trong "xó" chợ Cái Răng, Cần Thơ, nhưng quán bún tôm khô này vẫn luôn tấp nập thực khách. 9-10 bàn trong lòng căn nhà khá chật hẹp nên không đủ chỗ tiếp tất cả khách. Đến trễ, người ta phải ngồi mấy quán cà phê gần đó "ăn nhờ".

Bán từ chục năm nay, bún tôm khô đã trở thành thương hiệu được nhiều người ưa thích. Tô bún chẳng có gì ngoài mớ tôm khô xào mỡ nấu lấy nước lèo, vài miếng tiết lợn, da lợn cùng một miếng chả được làm từ tôm khô trộn hột vịt đánh nhuyễn chiên vàng. Ăn kèm với tô bún là đĩa rau muống chẻ nhỏ xanh mướt, giòn rụm; một ít giá sống trắng tinh, ngòn ngọt vị đậu xanh; vài cọng húng cây thơm tho mùi đất đai quê nhà.
Nếu là người thích ăn cay thì chén ớt băm đỏ sậm đang chờ bạn. Ngoài ra còn có chén nhỏ đựng mắm ruốc để tạo thêm hương vị độc đáo, đậm đà của tô bún. Nếu bạn thích, có thể kêu thêm bát nước súp có một ít tôm khô hoặc thêm một bát tiết chín. Cứ vậy mà người ta sung sướng thưởng thức vị ngọt của các thứ thực phẩm trong tô bún trong một không khí ồn ào của những người phụ nữ đi chợ, những người đàn ông "dằn cho ấm bụng" trước khi kêu một ly cà phê đen ngọt đắng trong cổ họng.

Các bạn nếu có dịp xuống Cần Thơ thì hãy ghé ăn thử  nhé. Địa chỉ: Chợ Cái Răng, số 35/4, đường Lý Thường Kiệt, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.

Vịt nấu chao

Vịt nấu chao là một món ăn đặc trưng của Nam Bộ, nhưng không đâu có nhiều và ngon như ở Cần Thơ. Cả một con hẻm dài đường Lý Tự Trọng với mấy chục quán ăn liền nhau, chiều chiều xe đậu đặc kín. Món ăn này không phải là "cao lương mỹ vị" gì nhưng nó rất "khoái khẩu" với mọi lớp người.
Một cái lẩu "vịt nấu chao" ăn kèm bún, mì sợi, rau xanh. Ngồi cùng vài người bạn nhâm nhi chút rượu đế, loại rượu gạo ngon "sủi tăm" như của đất bắc, trong một buổi chiều mát mẻ thì còn gì thú bằng.
Nguyên liệu chính để nấu món này là thịt vịt (vịt ta hay vịt Xiêm, người bắc gọi là ngan), chọn một con từ 1,5 kg trở lên, vịt làm xong, thoa ngoài da một lớp nước gừng và rượu. Chặt miếng vừa phải, ướp gia vị: chao trắng, bột ngọt, tỏi, tiêu, ớt, nước cốt dừa vừa đủ, khoảng 30 phút đem chiên qua rồi đưa vào nấu.
Khoai cau (khoai sọ) lại củ bằng quả trứng gà, luộc vừa chín, bóc vỏ, chiên qua. Khi thịt vịt hầm vừa chín tới thì cho khoai, hành tây, nấm rơm búp vào để sôi khoảng 15 phút rồi nhấc xuống.

Khi ăn cho hỗn hợp vào lẩu (dùng than đước, hoặc bếp ga nhỏ) để ngọn lửa liu riu. Các loại rau cải xanh, cải cúc, rau muống trắng, tàu hủ, bún tàu hay mì sợi cho xen lẫn vào. ăn tới đâu nhúng tới đó. Có người thích ăn thêm hột vịt lộn hay rau diếp cá, rau cần, cù nèo, giá đậu xanh... Vịt nấu chao phải ăn nóng mới ngon.
Mỗi miếng thịt để lại trong ta dư vị ngọt, bùi, thơm, ngậy của chao, nước cốt dừa, vị nồng cay của gừng, tiêu, ớt, tỏi, vị dịu mát của các vị rau. Theo kinh nghiệm của dân gian thì thịt vịt thuộc loại "khí âm" lạnh được thêm vào các vị "khí dương" (nóng) của rượu, tiêu, tỏi, chao, ớt làm trung hòa tạo ra sự cân bằng âm dương rất có lợi cho sức khỏe.
Vịt nấu chao có mặt ở hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhưng chưa nơi nào được chế biến công phu và ngon hơn ở Cần Thơ. Món này nếu được ăn trong những ngày đông giá lạnh ở miền bắc thì chắc sẽ thật tuyệt.

Nem nướng Cái Răng

Nem nướng thì vùng đất nào cũng có, nhưng mỗi nơi lại mang một hương vị, sắc thái riêng gắn với con người và thổ nhưỡng nơi đó. Đất Cần Thơ là một ví dụ mà nổi bật là bên bờ kinh Cái Răng từ hơn nửa thế kỷ trước đã nổi lên một đặc sản nem do chính tay người phụ nữ mà dân trong vùng gọi là Tư Khem sáng tạo nên.
Nem Cái Răng không chỉ nổi danh trong thời gian đó mà lưu lại cho đến hôm nay, cho biết bao người khi đến vùng đất này phải tìm mà thưởng thức cho hả hê lòng.
Nem nướng Cái Răng ngon nhất vẫn là làm từ thịt lợn tươi, quết dẻo rồi vo tròn nướng trên than hồng. Từng viên nem tròn trĩnh, xỏ xâu bởi thanh tre chuốt nhỏ, mướt rượt mỡ, vàng rượm do được nướng khéo. Tuốt nhẹ một cái, những viên nem đã nằm gọn trong dĩa, bên cạnh rê bánh hỏi trắng tinh, nhất là bánh hỏi Phong Điền thì không còn gì bằng.
Cũng như một vài món ăn khác, người phương Nam ưa dùng rau thơm gói bánh tráng. Món nem nướng Cái Răng lại càng cần rau thơm, chuối chát, dưa leo, khóm, khế... mà phải là loại khế chua thì mới thấm vị. Cầm một nửa chiếc bánh tráng nem mỏng tang, gắp ít rau đặt thêm khoanh chuối chát, khóm, khế rồi để viên nem lên, cuốn lại, chấm vào chén tương xay đặc sệt.
Tương xay vừa mịn, vừa ngọt thơm, rắc thêm nhúm đậu phộng và chút ớt đỏ mới nhìn đã thích mắt. Ngoài món nước chấm bằng tương xay, thực khách có thể chấm cùng nước mắm chanh tỏi ớt pha thật khéo thì ai một lần thưởng thức sẽ không thể nào quên.

Ngày nay đến Cái Răng mặc dù người tạo nên món ăn để đời này không còn nhưng con cháu bà vẫn giữ lấy nghề. Hương vị không còn như xưa nhưng đây vẫn là một món ăn du khách nên thưởng thức mỗi lần có dịp ngang qua.
Lẩu mắm cá điêu hồng

Đồng bằng sông Cửu Long là xứ sở của cá đồng. Cá tươi sử dụng không hết nên người ta phải làm mắm, ấy là cách dự trữ và bảo quản nguồn thực phẩm dồi dào này. Từ mắm người ta chế biến ra rất nhiều món ăn đặc sắc. Trong đó, lẩu mắm trở thành món ẩm thực tiêu biểu của ĐBSCL trong những năm gần đây.

Người ta dùng mắm cá lóc, cá sặt, cá rô, cá linh, cá chèn để làm nước lẩu. Đây là công đoạn quan trọng nhất. Mắm ngon được cho vào nồi đun sôi liu riu với nước cho ra chất ngọt. Sau đó được lược lại, chỉ lấy nước, bỏ xương và cặn. Nước lẩu mắm lại được nấu sôi lên. Bỏ sả bằm, sả cắt khúc, nêm nếm chút đường, bột ngọt cho ngon ngọt.
Cá điêu hồng là loại cá có thịt ngọt, thơm, ít xương và khá dễ mua ở các chợ đồng bằng. Làm cá, đánh sạch vảy, bỏ ruột, chặt vi. Sau đó cắt làm hai hoặc ba theo bề ngang tùy theo cá lớn nhỏ. Một ít thịt ba rọi, một vốc nấm rơm, chừng 200 gam tôm sú, một miếng tàu hủ tươi, vài con lươn nhỏ nướng sơ qua.
Rau, ghém ăn lẩu mắm rất phong phú như: khổ qua, đậu bắp, bông súng, cải xanh, rau muống, mồng tơi, cù nèo, rau nhút, bắp chuối, giá sống, tần ô, rau trai, đọt choại... Nhúng mồi và rau, tùy theo ý thích của bạn vào nồi lẩu mắm sôi liu riu, ăn với bún hoặc cơm...

Thành phố Cần Thơ rất nổi tiếng về món lẩu mắm. Có thể đến quán Dạ Lý trên đường 3-2 phường Hưng Lợi, hoặc đi ra vùng ngoại ô ăn lẩu mắm ở quán cô Ba Xoàn ở chợ Miễu Ông, quán Bảy Bờ Kè ở Bà Bộ phường Long Tuyền (Bình Thủy). Chắc chắn, bạn sẽ hài lòng với món ăn có xuất xứ dân dã, ngon, lạ, giá cả bình dân tại Cần Thơ. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét