Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Nơi khắc ghi hình ảnh nghĩa quân Yên Thế



  
Đình Dĩnh Thép, nơi diễn ra Hội nghị nghĩa quân Yên Thế năm 1888.
Những năm cuối thế kỷ XIX phong trào đấu tranh nông dân Yên Thế và tinh thần kháng Pháp của một số sĩ phu yêu nước phát triển mạnh. Khi ấy Yên Thế đã trở thành trung tâm thu hút các nghĩa quân yêu nước cùng hợp sức đánh Pháp.
Sau những năm gian khổ chiến đấu chống lại giặc Pháp, phong trào đấu tranh nông dân Yên Thế ngày càng lớn mạnh. Để củng cố lại phong trào sau những năm chống Pháp và hoạch định lại kế hoạch lâu dài cho cuộc khởi nghĩa Yên Thế, giữa lúc đó một Hội nghị quan trọng đã diễn ra tại đình Dĩnh Thép, xã Tân  Hiệp, huyện Yên Thế.
Đình Dĩnh Thép được xây dựng từ lâu đời và đã được tu sửa tôn  tạo  qua nhiều giai đoạn. Năm Thành Thái thứ chín (1907), Hoàng Hoa Thám đã cho tu sửa tôn tạo ngôi đình nhằm bảo tồn giá trị văn hoá cổ của di tích. Di tích hiện nay được tu sửa tôn tạo khang trang gồm ba gian hai chái toà tiền đình nối hậu cung hai gian tạo bình đồ kiến trúc kiểu chữ đinh. Các vì mái liên kết đơn giản kiểu vì kèo cánh báng các cấu kiện kiến trúc không chạm khắc. Trong đình thờ thần Cao Sơn, Quý Minh, Minh Giang Đô Thống, thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế tử trận, họ đã có nhiều công lao với dân với nước. Đình còn bảo lưu được một số đồ thờ tự có giá trị và ba tấm bia đá thời Nguyễn có nội dung ghi về việc công đức tu sửa đình.
Giá trị nổi bật nhất của di tích đình Dĩnh Thép là nơi diễn ra Hội nghị ghi dấu thời điểm củng cố lại tổ chức của nghĩa quân Yên Thế: Năm 1888, Hoàng Đình Kinh (Cai Kinh) sa vào tay giặc Pháp và bị xử tử, cuộc  khởi nghĩa của phong trào Bãi Sậy và một số sĩ phu yêu nước bị thực dân Pháp đàn áp dữ dội. Yên Thế trở thành trung tâm thu hút của các cánh quân còn sót lại cùng hợp sức đánh Pháp. Thời  điểm này rất cần củng cố lại phong trào sau những năm chống Pháp và hoạch định lại kế hoạch lâu dài cho cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Giữa lúc đó một Hội nghị quan trọng đã diễn ra tại đình Dĩnh Thép. Sự kiện lịch sử này, sách Nội san lịch sử tỉnh Hà Bắc bài: "Một số thời điểm và sự kiện chính trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế", tác giả Khổng Đức Thiêm viết: "Thời điểm củng cố lại tổ chức đánh dấu bằng Hội nghị đình Dĩnh Thép..." Hội nghị được triệu tập vào ngày rằm tháng bảy năm Mậu Tý - tức ngày 22-8-1888. Toàn bộ các thủ lĩnh đã tập trung về đình Dĩnh Thép để dự họp. Hội nghị đã cử ra một Bộ chỉ huy thống nhất, nhận định địa bàn hoạt động. Bộ chỉ huy gồm có: Bá Phức làm tổng  thống quân vụ, tức Chánh tướng, Đề Nắm làm tả dực tướng quân tức phó tướng, phụ trách hậu cần. Đề Thám làm hữu dực tướng quân tức phó tướng chỉ huy tiền quân. Kết quả đó đã đem lại niềm tin lớn cho phong trào. Dân làng Dĩnh Thép  và các làng lân cận đã chung nhau mổ bò, giết trâu, giết lợn... gánh đến chào mừng.
Đình Dĩnh Thép còn là nơi giặc Pháp phải giao nộp 15000 frăng cho Đề Thám để đổi lấy hai tù nhân: Năm 1894, Đề Thám cho bắt tên chủ đồn điền Sẹt-xnay và Lô-gi-u buộc chúng phải bỏ tiền ra chuộc tại đình Dĩnh Thép. Sau đó cuộc thương thuyết giữa Đề Thám và Pháp thông qua giám mục Bắc Ninh là cha Vêlatscô, hai tù nhân Pháp được Đề Thám trao trả.
Đình Dĩnh Thép là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử chính trị gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân địa phương. Từ xưa tới nay đình Dĩnh Thép còn là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân, lễ hội diễn ra ngày 6 tháng Giêng âm lịch và ngày 16 tháng 3 dương lịch với nhiều trò chơi dân gian  thể hiện tinh thần thượng võ, khát vọng tự do của người dân Yên Thế như hội thi thả chim, hội thi cưỡi ngựa bắn cung, bắn nỏ, đấu võ dân tộc, đấu vật...
Là một trong những điểm di tích ghi dấu sự kiện lịch sử về cuộc khởi nghĩa Yên Thế ở Bắc GIang, đình Dĩnh Thép đang được trình Bộ VH,TT&DL nâng cấp xếp hạng là di tích cấp quốc gia để xứng tầm với giá trị lịch sử văn hoá của ngôi đình trong lịch sử dân tộc.
Đồng NGọc Dưỡng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét