Trong ẩm thực hằng ngày, người Cà Mau quan niệm “nhất nướng, nhì chiên, tam xào, tứ luộc”. Câu cửa miệng này được lưu truyền không chỉ vì vần điệu dễ nghe, dễ thuộc, mà trong thực tế món nướng được nhiều người ưa chuộng nhất, vì cách chế biến đơn giản mà vẫn giữ được hương vị nguyên sơ của thức ăn.
Cà Mau là vùng đất rộng, người thưa, được khai phá muộn nhất ở phương Nam. Đây là điểm dừng chân cuối cùng của người Việt trên bước đường Nam tiến.
Ở nhiều nơi trên vùng đất này vẫn còn giữ được nét đẹp hoang sơ của thời khai hoang, mở cõi. Điều này được phản ánh đa dạng trong đời sống văn hóa của cư dân Cà Mau. Dấu ấn thiên nhiên thể hiện rõ nét từ ăn, mặc, ở, đi lại đến các lĩnh vực đời sống tinh thần. Đặc biệt, đối với văn hóa ẩm thực, các món nướng trong bữa ăn của người Cà Mau thể hiện rất rõ nét đặc điểm này.
Quà tặng từ thiên nhiên
Cá lóc nướng trui.
Trong ẩm thực hằng ngày, người Cà Mau quan niệm “nhất nướng, nhì chiên, tam xào, tứ luộc”. Câu cửa miệng này được lưu truyền không chỉ vì vần điệu dễ nghe, dễ thuộc, mà trong thực tế món nướng được nhiều người ưa chuộng nhất, vì cách chế biến đơn giản mà vẫn giữ được hương vị nguyên sơ của thức ăn.
Trong các phương pháp làm chín thức ăn bằng nhiệt thì món nướng không cần sử dụng nhiều công cụ, phương tiện bếp núc. Đặc điểm này phù hợp với hoàn cảnh sống của cư dân Cà Mau chủ yếu sinh sống ở nông thôn, ít phương tiện sinh hoạt trong gia đình, thức ăn nhiều khi được chế biến ngay bên bờ sông, bờ ruộng.
Nhờ thiên nhiên ưu đãi nên vùng đất Cà Mau có rất nhiều chủng loại động thực vật trên rừng, dưới biển, trong sông ngòi, kinh rạch; hầu như loài nào cũng có thể đem ra… nướng được.
Vùng đất U Minh ở Cà Mau từ lâu nổi tiếng với món “cá lóc nướng trui” đậm nét hương đồng cỏ nội. Ở rừng U Minh Hạ, vào mùa khô, người ta tát đìa, thu hoạch đủ loại cá đồng. Chọn những con cá lóc hoặc cá dầy to cỡ bắp tay người lớn, người ta dùng một nhánh tre, trúc, bình bát hoặc cây sậy già xỏ lụi dọc theo thân từ miệng đến đuôi cá, cắm xuống chỗ đất trống chất rơm rạ lên đốt đến lúc toàn thân cá vừa cháy đen hết vảy ngoài, sau đó dùng cọng rơm cạo sạch da để lại phần thịt cá lóc trắng tươi, thơm phức.
Cá lóc nướng chấm với muối ớt hoặc nước mắm me là món “đưa cay” hấp dẫn và quen thuộc của nhiều người.
Để nướng con cá được vừa chín, thơm ngon cũng cần có một số kinh nghiệm nhất định. Một “lão nông tri điền” ở xã Khánh An, huyện U Minh, tiết lộ: đầu tiên là chọn chỗ đất khô ráo, nếu đất ướt hoặc có cỏ thì cá nướng sẽ bị hôi khói và tùy theo cỡ cá lớn hay nhỏ mà có cách nướng khác nhau.
Cá nhỏ khi xỏ lụi có thể cắm phía đuôi xuống đất, đối với cá lớn (trên 1/2 kg) thì nên cắm quay đầu xuống đất và đốt rơm liu riu để giữ than cho cá chín. Có khi gặp con cá lớn quá, đến một vài kí-lô-gam, đốt kiểu nào cũng không chín tới ruột thì phải dùng biện pháp đặc biệt: cắt vài bẹ chuối tươi ốp chặt xung quanh con cá, dùng rơm đốt cho cháy hết lớp bẹ chuối thì ruột bên trong cá cũng vừa chín, khi lửa cháy đến lớp vảy thì thành công.
Món cá nướng trui từ lâu đã đi vào ca dao:
“Bắt con cá lóc nướng trui
Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa”
Hoặc:
“Đốt than nướng cá cho vàng
Lấy tiền mua rượu cho chàng uống chơi”.
Độc đáo món nướng
Quá trình khai phá, định cư trên vùng đất mới, người Cà Mau đã tiếp thu, giao lưu và sáng tạo rất nhiều trong chế biến ẩm thực hằng ngày. Từ phương pháp nướng thức ăn truyền thống xa xưa là cách làm chín thức ăn bằng lửa, nhiều cách nướng mới đã hình thành: nướng vĩ, nướng lu, nướng ngói, nướng khói, nướng lào, nướng đất sét, nướng trong lá cây, nướng trong giấy bạc, nướng trên bếp từ…
Đồng thời, dân gian cũng chế biến từ cách nướng thô sơ đến hình thức nướng có tẩm ướp gia vị, thực phẩm kết hợp: nướng chao, nướng mỡ hành, nướng muối ớt, nướng sa tế, nướng lá lốt…
Món nướng xuất hiện từ lâu đời và trở nên quen thuộc trong đời sống hằng ngày của người Cà Mau. Tuy nhiên, do có nguồn gốc “dân dã” nên rất ít thấy xuất hiện trong các mâm cúng ở gia đình. Người ta cúng bái tổ tiên, cúng vào ngày tư, ngày Tết, đám giỗ, thôi nôi, đầy tháng… thường chọn những món cầu kỳ, sang trọng, thể hiện sự tôn kính các đấng “bề trên”. Ít ai nghĩ tới việc cúng bằng… món nướng.
Có lẽ đây cũng là hình thức kiêng kỵ dân gian. Trong thực tế cũng có chuyện kiêng kỵ món nướng: ở một số địa phương thuộc huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân… người dân làm nghề nuôi tôm (vuông tôm) có hiện tượng kiêng kỵ nướng tôm, cua, vì quan niệm rằng như thế sẽ dẫn đến thất mùa. Tôm, cua cũng là tài sản và sẽ bị… đốt sạch theo ngọn lửa.
Những năm gần đây, theo nhu cầu của thị trường, món nướng từ miền đồng quê, thôn dã đã du nhập ra phố thị. Đi dọc theo các “làng nướng” ở Cà Mau có thể bắt gặp nhiều thực đơn hấp dẫn như: dê nướng, bánh chè nướng, bò nướng ngói, chuột nướng lu, cá lóc nướng trui, cá thòi lòi nướng muối ớt, tôm nướng lụi, cá đồng nướng vĩ, rắn nướng lào, heo nướng mọi, vịt nướng chao, mực nướng sa tế, vọp nướng mỡ hành… Điều này cho thấy, việc chế biến thức ăn bằng cách nướng ở Cà Mau cực kỳ phong phú và đa dạng.
Văn hóa ẩm thực trong cuộc sống hằng ngày của người Cà Mau phản ánh rất sinh động môi trường thiên nhiên của vùng đất mới. Qua những món nướng vừa khảo sát cho thấy, tri thức dân gian được vận dụng trong ẩm thực vô cùng phong phú. Quá trình cộng cư, giao lưu, tiếp biến văn hóa từ nhiều luồng di dân qua nhiều thế hệ đã hình thành nên sắc thái văn hóa rất riêng, trong đó có văn hóa ẩm thực Cà Mau.
Theo Huỳnh Thăng (Cà Mau Online)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét