Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Đồn Hố Chuối - Pháo đài quân sự kiên cường của nghĩa quân Yên Thế


  
Màn cưỡi ngựa bắn nỏ mô phỏng nghĩa quân Đề Thám được tái hiện tại Lễ hội Yên Thế. Ảnh Tư liệu
Cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) do Đề Thám lãnh đạo là cuộc khởi nghĩa lâu dài, oanh liệt trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Chính kẻ thù đã phải thú nhận: "Ông ta (tức Đề Thám) có những tài năng lớn của một chiến binh. Sẽ là hèn hạ nếu không công nhận điều đó". Tài năng đó chính là tài chiến thuật quân sự của Đề Thám về việc xây dựng đồn luỹ, công sự và tận dụng đặc thù hiểm trở của núi rừng Yên Thế để đánh giặc. Nhân kỷ niệm 123 năm Khởi nghĩa Yên Thế, Báo Bắc Giang trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một trong những pháo đài quan trọng của nghĩa quân Đề Thám đó là đồn Hố Chuối.
Đồn Hố Chuối nằm ở phía đông nam chợ Gồ, chỗ gặp nhau của con đường Bố Hạ - chợ Gồ, Mỏ Trạng - chợ Gồ và Nhã Nam - chợ Gồ. Địa điểm này cách đường Nhã Nam - chợ Gồ độ 500 m, và đường chợ Gồ - Bố Hạ độ 1km đường chim bay. Xung quanh bãi đất là những đồi cao chừng 40m đến 50m, cây cối rậm rạp, dây leo chằng chịt. Toàn bộ địa hình ở đây tạo thành một lòng chảo đáy bằng rất kín đáo. Đứng ở ngoài vành đồi dù dùng kính viễn vọng cũng không thể nhìn thấy có gì ở bên trong. Đề Thám đã chọn địa điểm này để xây dựng hệ thống công sự biến toàn bộ lòng chảo Hố Chuối thành một pháo đài phòng thủ kiên cố.

Hệ thống công sự Hố Chuối được xây dựng khoảng từ cuối năm 1889. Cuối tháng 12 năm 1890, khi quân Pháp kéo đến thì hệ thống này đã được xây dựng hoàn chỉnh. Khu vực Hố Chuối gồm 3 công sự lớn, đó là: Công sự chính, công sự phía bắc và công sự phía nam.

Công sự chính được xây dựng trên nền đất phẳng ở lòng chảo. Công sự này là một thành đất hình chữ nhật. Bốn góc thành có công sự hình tứ giác nhô hẳn ra ngoài. Từ chân thành trở lên có từng hàng lỗ châu mai cách nhau chừng 50 cm. Mặt ngoài thành đắp thoải cắm chi chít tre vót nhọn như lông nhím... Muốn vào thành phải qua 3 lượt cổng rất chắc. Phía ngoài thành về mặt đông bắc và đông là đoạn suối Cầu Gồ có giá trị như một cái hào. Đề Thám cho thả chà và cắm chông dưới mặt nước, biến đoạn suối này thành một chướng ngại vật khó vượt qua. Mặt đông nam và đông bắc của thành là những cánh rừng rậm. Đề Thám cho đào ở đây nhiều hố chông tròn, ở dưới đáy cắm ngược 3 hoặc 4 cọc tre vót nhọn cao 50 cm, trên phủ lá khô, cành mục. Cách bố trí ấy khiến kẻ địch trước khi tiếp cận chân thành thường bị sụt hố chông phải rối loạn hàng ngũ. Phía trong chân thành là một đường hào sâu ngang lưng chạy suốt bốn mặt. Giáp chân thành đắp thêm một bậc liền. Khi tác chiến, nghĩa quân có thể di chuyển dễ dàng trong đường hào cũng như trên mặt bậc. Đứng dưới chân hào, nghĩa quân có thể kề súng lên hàng lỗ châu mai thứ nhất. Quỳ trên bậc, súng kề đúng hàng châu mai thứ hai. Đứng thẳng trên bậc, súng kề hàng châu mai thứ 3. Phía trong bốn mặt thành đều có các chòi cao hơn mặt thành để quan sát địch tình. Nền đất trong thành được xây dựng nhà ở, kho tàng đủ cho khoảng 150 nghĩa quân sinh hoạt và chiến đấu.

Phía bắc đồn, chếch bên kia suối Cầu Gồ chừng hơn 100 m là một ngọn đồi cao chừng 50m. Trên gần đỉnh phía tây của ngọn đồi, Đề Thám cho xây dựng một công sự lớn. Công sự này là một vành đai hào hình thang sâu độ 1m, rộng 1m, ở giữa là cây rừng. Từ đỉnh đông nam của công sự có đường hào chạy gấp khúc đến bờ suối đối diện với góc bắc của công sự chính. Đường hào này dài 35m. Phía ngoài công sự dọc hai bên đường hào, nghĩa quân buộc giằng cây rừng lại với nhau thành một hàng rào rất chắc. Từ các đường hào của công sự, nghĩa quân có thể kề súng lên các chạc cây của hàng rào để bắn địch. Đứng trên công sự này có thể quan sát khá rõ mặt đường Nhã Nam - Chợ Gồ và Chợ Gồ - Bố Hạ. Cũng từ công sự này, tầm đạn của súng trường có hiệu lực yểm trợ công sự chính, uy hiếp hai đoạn đường nói trên. Cũng từ đấy nghĩa quân có thể dùng hoả lực đánh thẳng vào sườn kẻ địch khi chúng đi theo đường Lèo tấn công vào cổng đồn chính. Phía tây nam cách đồn chính hơn  100 m là một ngọn đồi khá cao và dốc, cây cối rậm rạp. Trên đỉnh mặt bắc của đồi, có một công sự chiến đấu thứ hai cũng khá lớn gồm hai đường hào chính. Công sự phía đông có chu vi 70m, công sự phía tây chu vi 37m, hai công sự cách nhau 6m. Đường hào này sâu hơn 1m, rộng 80cm. Riêng đường hào phía tây, cứ cách 3 đến 5m lại khoét lõm vào mặt trong để nghĩa quân cơ động được dễ dàng. Cả hai công sự có thể chứa được chừng 20 người chiến đấu với tầm hiệu quả có thể bảo vệ mặt nam đồn chính và chặn địch có hiệu quả khi chúng tấn công vào đồn.

Đầu tháng 12 năm 1890, quân đội thực dân Pháp bắt đầu mở cuộc tấn công quy mô lớn vào Hố Chuối trong cái rét căm căm của núi rừng Yên Thế. Sáng ngày mồng 9 tháng 12 năm 1890 từng loạt súng vang lên phá tan bầu không khí tĩnh mịch của lòng chảo Hố Chuối. 77 lính Lê Dương và 66 lính khố đỏ ồ ạt tấn công mặt bắc công sự chính. Đến cách cổng bắc 100m, chúng vấp hàng rào phải dừng lại nổ súng, kể cả pháo 80 ly. Công sự vẫn im lìm không một tiếng súng bắn trả. 20 lính Pháp đánh quặt xuống mặt tây của thành, lập tức bị hoả lực rất dày của nghĩa quân Yên Thế từ các lỗ châu mai chặn đứng không tiến được một bước. Thấy không thể tấn công vào bất cứ ngả nào khác, chỉ huy đành ra lệnh rút.

Ngày 11 tháng 12 năm 1890 quân Pháp lại ồ ạt kéo đến tấn công đồn Hố Chuối. Lần này chúng huy động lực lượng đông hơn. Chờ cho địch tiến sát hàng rào, nghĩa quân Đề Thám mới nhất loạt nổ súng. Hàng ngũ chúng rối loạn phải tạm ngừng tiến công để tổ chức lại lực lượng. Lần thứ 2 địch đến cách hàng rào 40m, nổ súng ồ ạt nhưng vô hiệu, các công sự vẫn nguyên vẹn mà nghĩa quân chưa hề nổ súng. Cỗ sơn pháo kéo theo vô dụng vì không phát hiện được mục tiêu. Đến 13 giờ cùng ngày, thấy không thể tiến công được, chúng đành rút lui về Nhã Nam. Một lần nữa, nghĩa quân Yên Thế lại chiến thắng, hệ thống công sự Hố Chuối vẫn vững vàng.

Mười một ngày sau (tức 22 tháng 12 năm 1890) quân Pháp lại trở lại tấn công đồn Hố Chuối. Lần này chúng huy động lực lượng đông hơn nữa. Qua 2 lần thất bại, địch cố gắng tìm hướng tấn công mới nhưng vẫn không có kết quả. Hố Chuối anh dũng vẫn vững vàng như bàn thạch.

Lần thứ 4 (tháng 1-1891) chúng tiếp tục tấn công vào đồn Hố Chuối. Lần này chúng huy động tới 1.060 lính gồm cả công binh và hải quân. Kế hoạch tiến công lần này có nhiều thay đổi. Sau 5 ngày bố trí và triển khai lực lượng, cuộc chạm súng lớn nhất, căng thẳng nhất giữa nghĩa quân Đề Thám với quân Pháp bắt đầu từ ngày 7 tháng 1. Hôm đó, một đơn vị dự trữ ở vòng ngoài của Pháp đến đốt phá làng Nứa và làng Vàng, phá huỷ một số lớn lương thực của nghĩa quân cất giấu ở đây. Ngày 8 tháng 1, các mũi tiến công của địch từ các đồi phía nam và từ làng Nứa đều bị nghĩa quân chặn đánh không tiến được. Ngày 9 tháng 1, quân Pháp tập trung pháo bắn vào Hố Chuối. Một nhà tranh trong đồn bị trúng đạn bốc cháy. Quân Pháp ồ ạt tấn công. Toán phía nam xông lên đồi, nghĩa quân ở đây phản công mạnh.

Ngày 10 tháng 1, chúng lại tiếp tục đẩy mạnh mũi tiến công qua đồi phía nam. Nghĩa quân đánh trả rất kịch liệt. Quân Pháp phải dùng đến cả những tấm thép chống đạn khá dầy để làm công sự mà vẫn không tiến được thêm bước nào. Cuộc kịch chiến giữa nghĩa quân Đề Thám và quân Pháp diễn ra cho đến tối. Đêm đến, thấy tương quan lực lượng quá chênh lệch, nghĩa quân đã rút khỏi Hố Chuối chuyển về một cứ điểm khác để bảo toàn lực lượng. Trận đánh kết thúc.

Chỉ trong vòng một tháng quân Pháp đã mở 4 đợt tấn công vào đồn Hố Chuối. Với một lực lượng khoảng 150 người, Đề Thám nhờ có công sự vững chắc, biết bố trí lực lượng và chỉ huy phối hợp chặt chẽ đã đánh bại kẻ địch đông hơn hẳn mình với trang bị tốt hơn và có những sĩ quan cao cấp của Pháp chỉ huy. Trong cuộc đọ sức này, quân Pháp đã phải huy động tất cả 2.212 lính. Như vậy nghĩa quân đã phải chiến đấu 1 chọi với gần 15 địch và đã chiến thắng oanh liệt trong 4 cuộc tấn công của Pháp vào đồn Hố Chuối 73 lính Pháp đã bị thương cùng với 26 tên đã vĩnh viễn nằm lại núi rừng Yên Thế.
Đồn Hố Chuối - Pháo đài quân sự kiên cường của nghĩa quân Đề Thám cùng với cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế đã mãi mãi đi vào lịch sử.
   Trần Thị Mây Lai         (Sưu tầm và giới thiệu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét