Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Phát hiện di tích Miếu thờ Bà Chúa Kho thời Lý


Trong quá trình khảo sát cụm di tích Tiên Sơn, thuộc địa phận khối 1 phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), các cán bộ chuyên môn Bảo tàng Hà Tĩnh đã phát hiện thêm vết tích tư liệu tín ngưỡng tâm linh dân gian về ngôi Miếu thờ Bà chúa Kho độc đáo của khu vực Bắc Trung Bộ.
Miếu thờ Bà chúa kho được phát hiện ở Núi Tiên thuộc phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh.
Bà Chúa Kho xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở làng Quả Cảm, tỉnh Bắc Ninh. Sau khi lấy vua Lý, thấy ruộng đất ở đây bị hoang hoá, bà xin vua cho về làng chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang. Không ai biết tên bà, khi bà qua đời, nhân dân Đại Việt lập đền thờ để ghi lại công ơn bà đã hết lòng chăm lo cho dân ấm no, trông coi các "lẫm thóc, lẫm tiền" của Nhà nước. Công lao của bà đã được triều đại phong kiến ghi nhận qua việc sắc phong đền thờ bà là "Chủ khổ linh từ" (Đền thiêng thờ bà Chúa Kho). Ở thôn Cổ Mễ còn một ngôi đình và ngôi chùa cổ. Chùa Cổ Mễ có từ đời Lý thế kỷ XI. Ngày nay trong chùa còn ba pho tượng đá khá đẹp mang rõ phong cách điêu khắc thời Mạc. Chùa còn lại đến nay là kiến trúc thế kỷ XIX, làm theo kiểu chữ T chạm khắc công phu.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Lịch triều hiến chương loại chí tại Rú Tiên (Cụm VHLS Tiên Sơn) cũng giống như ở Bắc Ninh gồm có (Đình-Chùa-Đền) cả chùa Tiên và Đình làng. Chùa Tiên Sơn là ngôi chùa cổ có từ thời nhà Lý và Miếu thờ Bà Chúa Kho là nơi tưởng niệm người phụ nữ đã khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong thời kỳ trước và sau Chiến thắng Như Nguyệt (1076), sau này do chiến tranh và phong trào bài trừ tín ngưỡng dân gian nên ngôi chùa đã bị phá đổ nát, miếu Bà Chúa cũng theo đó xuống cấp, mãi tới gần cuối thế kỷ XVIII dân làng ở đây đã trùng tu lại nhỏ gọn bên cánh tả của chùa Tiên Sơn. Phía sau chùa Tiên Sơn là kho quân lương dành cho quân binh và tích trữ lương thực cứu đói cả vùng Tổng Minh Lương.
Tương truyền, Bà Chúa Kho là người có nhan sắc tuyệt trần, có công chiêu dân dựng lập làng xóm vùng Đàng Ngoài, giúp nhân dân khai khẩn đất đai nông nghiệp vùng Hoan Châu Nghệ An thời Lý - Trần. Từ năm 1030 vào đầu triều Lý, đất Hà Tĩnh (phía Bắc đèo Ngang) vẫn là vùng đất biên cương của Đại Việt với Chiêm Thành. Sau này bà trở thành một vị Hoàng hậu (tương truyền vào thời Lý), giúp nhà vua trong việc kinh bang đất nước, giữ gìn kho lương. Bà đã bị giặc giết trong lúc phát lương cứu đói dân làng vào ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1077).
Cảm kích đối với tấm lòng bao dung của bà, nhà vua đã có chiếu phong cho bà là Phúc Thần, nhân dân Minh Lương của nước Đại Việt nhớ ơn và lập đền thờ ở vị trí kho lương sau chùa Tiên Sơn trước kia. Đây là ngôi Miếu thờ vọng Bà Chúa Kho duy nhất của dãy đất miền Trung còn nguyên mẫu sau Cổ Mễ, Bắc Ninh dưới chân Rú Tiên (nay thuộc phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh).
Miếu Bà Chúa Kho ở Tiên Sơn “Rú Tiên” nhìn về hướng Bắc, phía trước đền là dải đồng lúa trũng, uốn khúc theo triền núi bên ngã ba Sông Lam, sông La và dòng Minh Giang uốn lượn quanh làng, quanh năm dòng nước trong xanh. Mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Lê. Trước đây nhân dân địa phương đều tổ chức ngày giỗ Bà chúa Kho rất trang trọng với những nghi thức truyền thống, sau này do bị phế tích nên nghi thức lễ hội mai một, bây giờ mới dần khôi phục hồi sinh.
Hiện tại, chính quyền nơi đây đang ra sức gìn giữ bảo tồn trùng tu và phát huy giá trị lịch sử văn hoá Miếu thờ vọng Bà trong cụm quần thể di tích với nhiều hạng mục kiến trúc liên hoàn: chùa Tiên, Đền Thánh, Đền Tiên và Miếu Bà Chúa Kho độc nhất ở khu vực miền Trung…
Đ.T (st)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét