Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Phố Lò Chum, ký ức một thời

Thành trấn Thanh Hoá được xây dựng năm Gia Long thứ ba, tức 1804. Đến năm 1835 thì vua Minh Mạng cho đào đoạn sông nối sông Mã chỗ trước làng Nam Ngạn với sông nhà lê (Tiền Lê) tại nơi nay là cầu Cốc tren đường đi Sầm Sơn. Nhờ đoạn sông đào này mà việc vận chuyển vật liệu từ các phủ huyện về để xây dựng tỉnh lỵ rất thuận lợi, nhanh chóng. Sau ngày đào xong đoạn sông thì từ cầu Bốn Voi (còn gọi là cầu Thanh) đến Bến Ngự mỗi bên bờ thừa ra một dải đất trống khá rộng.

Trước đó, một số người có nghề làm gốm ở Thổ Hà (Bắc Giang), Đanh Xá (Hà Nam) đã vào sinh sống ven sông nhà Lê, chuyên buôn bán thổ sản. Lúc này, họ nhận thấy hai dải đất trống thật là đắc địa, nên lần lượt kéo về đây tụ cư. Song vẫn chưa dám lên bờ, vẫn ở dưới sông buôn bán lâm thổ sản và đặt tên làng trên sông này là Đức Thọ Vạn. Rồi tới khi tri phủ Đông Sơn là Mai Xuân Hoàng biết ra dân làng này có nghề gốm từ ngày còn ở quê gốc, mới hết lòng giúp đỡ cho họ lên sinh sống làm ăn trên hai dải đất ấy bằng nghề gốm truyền thống của họ.


Thế là họ bắt đầu trở thành người của thành trấn Thanh Hoá, rồi sau đó là đô thị tỉnh lỵ. Và người làng Đức Thọ Vạn bắt tay vào công việc xây lò sản xuất đồ gốm. Tới đầu thế kỷ XX, Đức Thọ Vạn đã trở nên một phố nghề sản xuất và kinh doanh đồ gốm, trên bến dưới thuyền rất sầm uất. Vì vậy chính phủ đô hộ Pháp mới cho gắn biển đề bằng chữ Pháp là QUAIDE POTERIES (Bến lò gốm). Nhưng dân mình thì cứ quen gọi là PHỐ LÒ CHUM cho đến tận bây giờ.

Tới trước tháng Tám năm 1945, tại đây đã có 40 lò hoạt động. Bên này sông là các lò sản xuất chum vại gia dụng và đồ gốm mỹ nghệ (chậu trồng hoa cảnh, con giống như voi, ngựa, nghê…). Bên kia sông thuộc Đông Hương là các lò sản xuất tiểu (dùng cho việc cải táng). Vì thế mới có câu cửa miệng, gần như là thành ngữ “Bên kia lò tiểu, bên này lò chum”.

Phố Lò Chum toạ lạc trên một địa điểm rất thuận lợi, vừa cận thị (gần chợ) vừa cận giang (gần sông). Mà đất sét tốt cho đồ gốm lại có ngay ở ven mấy con sông gần kề là sông Mã, sông nhà Lê… Củi đốt lò khai thác từ các rừng trong tỉnh được đóng bè chuyển về cặp ngay bến của phố, có tên là Bến Ngự. Sở dĩ bến có tên này là bởi các vua nhà Nguyễn mỗi năm về giỗ Tổ đều ngự thuyền rồng cặp vào bến này để rồi đi kiệu vào hành cung trong thành. Rồi ba ngày sau mới về Gia Miêu (Hà Trung) làm lễ. Chỉ đến đời vua Bảo Đại mới đi ô tô từ Huế ra. Cách nay hơn sáu mươi năm, đường quốc lộ I từ Bắc vào thành phố Thanh Hoá còn phải đi qua làng Nam Ngạn. Từ đây nhìn vào đã thấy chót vót những chòi củi Lò Chum xếp cao bảy tám chín mét theo hình lục lăng hoặc tứ giác.

Chum vại, đồ gốm mỹ nghệ của Lò Chum nức tiếng một thời, dài cả trăm năm. Không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, còn tiêu thụ ở nhiều tỉnh miền Trung, một số địa phương miền Bắc như Sơn La, Lai Châu, Bắc Giang và bán cả sang Lào. Sản phẩm Lò Chum đã từng được tham dự Hội chợ (mà ngày đó gọi là Đấu xảo) tại Hà Nội năm 1940, Hội chợ Sài Gòn năm 1942, rồi Hội chợ Thủ đô năm 1957.


Bây giờ đi qua phố Lò Chum, đường phố dài hơn một kilômét, người ta còn thấy lác đác một số nhà bày bán chum vại, tiểu sành, sản phẩm do một số ít người còn cố níu giữ cái nghề truyền thống. Song, vì sản xuất bằng lò gia đình, lò cỡ bé nên sản phẩm rất kém chất lượng, phần nhiều là méo mó, vẹo vọ. Sản phẩm chính gốc Lò Chum từ 1945 trở về trước đâu có như thế, dù là sản phẩm chỉ thuần là đồ vật để đựng, chứa nông hải sản. Còn loại sản phẩm vừa là đồ vật đựng chứa lại vừa là đồ mỹ nghệ, thì thế hệ những người 50 tuổi bây giờ không được nhìn thấy. Chỉ nói về cái chum thôi. Có hai loại, loại phổ thông là vật dụng cho mọi nhà, giá tiền thấp. Loại cao cấp, là chum kiệu, giá rất cao. Xưa kia những nhà điền chủ, ngư chủ mới có thể dùng. Tự thân những cái chum kiệu đã là đồ mỹ nghệ, là của gia bảo rồi. Chum kiệu có hai cỡ, cỡ chứa được 5 tạ thóc và cỡ chứa được 1 tấn thóc. Gọi là chum kiệu là bởi mỗi khi trút nông sản vào chum này thì một người rất khoẻ dùng vai kiệu một người khác lên, còn người thứ ba thì xúc rồi đưa từng thúng thóc cho người đứng trên vai người thứ nhất tiếp nhận và trút vào chum. Chum kiệu cỡ lớn cao tới hai mét, miệng rộng 60 xăngtimét. Mãi sau này người ta dùng thang đặt tựa vào vai chum để trèo lên, khỏi phải có người kiệu nữa. Chum kiệu được trang trí rất đẹp. Chung quanh vai chum có những đường gờ đồng tâm, những hoa văn là hoa cúc, hoa sen và có 4-6 núm nhô ra là hình đầu cóc, đầu nghê. Với loại cao tiền, cũng có trang trí hoa văn là hình hoa cúc, hoa chanh nổi.

Đầu phía bắc phố Lò Chum có chiếc cầu vốn tên là cầu Thanh, nhưng người ta lại quen gọi là cầu Bốn Voi. Vì trên mỗi đầu cầu có gắn hai con voi bằng đất nung rất đẹp.

Nói về các loại chậu gốm, chậu sành trồng cây cảnh của Lò Chum xưa thì cho tới nay vẫn không lạc hậu với thời hiện đại. Tôi hiện vẫn sử dụng một đôi chậu mà cha tôi mua ở Lò Chum từ năm 1933. Chậu cao 50 xăngtimét, chân chậu, thân và vành chậu đều hình lục lăng, sáu mặt thân chậu đều trang trí hoa cúc nổi gồ lên rất đẹp. Hơn bốn chục năm rồi, không ít lần những người buôn đồ cổ bắt gặp đã dạm hỏi mua, đương nhiên là tôi từ chối.

Hơn một lần, tôi còn được thấy lại một kiểu chậu cảnh khác của Lò Chum. Ấy là vào một ngày tháng tư năm 2003, trong khi công việc giải toả để tạo mặt bằng cho công việc đặt tượng đài Lê Lợi trước trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh, một chiếc máy xúc đưa lưỡi ben xúc vào một nền nhà thì phát lộ ra rất nhiều bát đĩa và hai chiếc chậu cảnh. Nói về hai chiếc chậu cảnh thôi. Lúc này tôi đang đứng nói chuyện với người bạn trên vỉa hè sát gần khu giải toả. Trí nhớ tôi được đánh thức: Phần đất này trước 1945 là thổ cư của cửa hiệu vải Tinh Hoa, một cửa hiệu vào loại lớn nhất của phố Lớn thành phố Thanh Hoá. Chắc hẳn lúc triệt hạ nhà cửa của toàn thành phố để vào cuộc toàn quốc kháng chiến chống Pháp trở lại xâm lược nước ta, chủ nhà đã chôn với hy vọng ngày trở về thì lấy lên… (1).

Kiểu chậu này hình tròn, có chân. Phần thân chậu hình tròn. Miệng chậu thì vừa loe ra, vừa cuốn lại nơi bốn chiếc lá được cách điệu, nom rất mềm mại. Người lái máy xúc định đổ vào đống phế liệu, nhưng tôi đã kịp xin lấy. Tiếc là một chậu đã bị vỡ đôi, tôi vẫn đem về lấy dây thép thít đai lại mà dùng. Khách am hiểu nghệ thuật gốm tới chơi nhà, đều thích.

Nghề gốm Lò Chum coi như đã thất truyền. Nguyên do dễ hiểu thôi. Đất nước trải qua hai cuộc chiến tranh kéo dài và khốc liệt thế. Lại nữa, khi nghề nông và nghề ngư đều đi vào hợp tác hoá, mọi sản phẩm chính yếu đều phải bán cho hợp tác xã, rồi đưa vào chứa trong các kho, thì những chum vại không còn cần làm gì nữa. Những con giống, những chậu cây cảnh, càng là những thứ vô nghĩa trong hoàn cảnh chiến tranh phải tản cư, sơ tán dài ngày, dài năm.

Năm 1977 ngành công nghiệp tỉnh ta đã xây dựng cả một xí nghiệp với ý muốn khôi phục lại nghề cổ truyền độc nhất vô nhị này của địa phương, ngoài sản phẩm gốm còn có cả sản phẩm sứ nữa. Nhưng do không có công nghệ phù hợp, không có cơ chế quản lý đúng, nên cuối cùng xí nghiệp này đã bị xoá sổ khi đất nước chuyển sang thời kỳ Đổi mới.


Phố Lò Chum (Ảnh: Xuân Nghĩa)

Câu hỏi đặt ra hôm nay là có nên và có thể làm sống lại một nghề từng là niềm tự hào của Thanh Hoá trong suốt chiều dài lịch sử tương đối dài ấy không? Cố nhiên không phải lập lại một xí nghiệp quốc doanh như năm 1977. Nhiều địa phương từ Bắc chí Nam đã phục hồi được nghề gốm của mình và phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường. Sự thừa thãi về đồ sứ, đồ pha lê như hiện nay, rất đông người tiêu dùng trong và ngoài nước đang có xu hướng mạnh quay trở lại với đồ gốm truyền thống. Chưa nói các loại chum vại cho nông nghiệp và ngư nghiệp cũng trở lại là nhu cầu thực sự.

Nghề gốm Lò Chum thì coi như đã mất, nhưng kỹ thuật, ngón nghề thì hãy còn sống trong những người ở cỡ tuổi 70 trở lên mà tôi biết. Có người còn hy vọng vào một ngày mai… nên đã ghi chép lại đầy đủ quy trình, thao tác kỹ thuật, cách xử lý kỹ thuật vật liệu và chế tác… để lại cho con cháu. Một phố, một làng Lò Chum có thể mọc lại ở một nơi nào đó trên địa phận thành phố Thanh Hoá đã và đang được mở rộng hơn xưa rất nhiều chăng?

Người Lò Chum đã một thời làm cho phố Lò Chum giàu có, tấp nập do nghề gốm, chỉ đứng sau phố Lớn (giờ là phố Trần Phú) của thành phố Thanh Hoá. Quá khứ ấy vẫn hằng động cựa trong tâm thức người Lò Chum hôm nay…


(1) Ông Tinh Hoa, năm 1954 được Bộ Thương nghiệp mời ra làm chuyên viên.


Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét