Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Qua xứ Chapi


Xem h�nh
Qua xứ Chapi này, gặp hình ảnh gùi con trên lưng, rất dễ thương

Con đường đẹp như bài Giấc mơ Chapi của nhạc sĩ Trần Tiến viết về người Raglai: "Ở nơi ấy, tôi đã thấy trên ngọn núi cao, có hai người yêu nhau/ Họ đã sống không mùa đông, … Chỉ có một mùa yêu nhau.."
Năm nay, những người du xuân bằng xe máy Đà Lạt - Nha Trang chọn con đường cắt từ ngã ba thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận) sang thị xã Ba Ngòi - Cam Ranh - Khánh Hoà để ngoạn cảnh. Con đường gần 40km xuyên rừng này ngắn hơn lộ trình đi qua Phan Rang. Quan trọng hơn, nó mang lại nhiều cảm xúc khi băng qua những miền mơ tưởng Raglai.
Đứa em út cô đơn
Xa thị trấn Ninh Sơn sầm uất, du khách ngạc nhiên vì cứ đi một lúc lại gặp một cây cầu, bên dưới là dòng sông chảy xiết. Có thể hình dung trên bản đồ, năm dòng sông phát tích từ thượng nguồn như năm ngón tay buông dài qua núi đồi, đến thung lũng Phan Rang thì hợp lại thành dòng sông Dinh mượt mà.
Núi xanh dựng vách hùng vĩ trước mặt làm nổi lên những palei (làng) Raglai. Đây là vùng ngã ba ranh giới ba tỉnh Lâm Đồng - Khánh Hoà - Ninh Thuận, có những ngọn núi cao như tường thành, dáng núi đẹp do sự thay đổi khí hậu nóng sang lạnh theo chiều thấp lên cao, nên sinh thái đa dạng. Có những ngọn núi cao: Hòn Chàm (1.978m), Chuan (1.657m), Kanan (1.515m)...
Vượt qua con đường 20km đầu tiên là rừng, du khách bắt đầu thấy lác đác những làng dân tộc Raglai đầu tiên ở các xã Phước Chiến, Phước Thắng, Phước Đại thuộc huyện Bác Ái. Người Raglai được người Chăm xem là đứa em út thật thà, chịu khó làm ăn, sống trên núi nhưng giữ y trang của vua Chăm cứ đến những lễ hội lớn thì lại mang về miền xuôi Phan Rang tế lễ.
Mùa uống rượu
Tháng 12 đến tháng 4 là mùa những ngõ làng vắng lặng vì theo tục đây là mùa uống rượu của người Raglai. Người Raglai không có tết, họ chỉ có một mùa gọi là mùa uống rượu sau một năm tươm tất và chuẩn bị cho mùa rẫy mới.
Đất đai khô cằn, đời sống bấp bênh, một thời, những bộ Mã la (một loại chiêng không núm, được xem là gia tài, bảo vật), những đàn trâu… ở đây trôi theo dòng con buôn về xuôi đổi lấy nhu yếu phẩm chống đói.
Trên con đường chu du qua những cánh rừng, du khách còn nghe tiếng mõ những đàn dê trắng nhởn nhơ lưng đồi, hay nghe tiếng giã gạo, tiếng trẻ em chơi đùa hay gà đồi gáy bên rẫy. Hình ảnh quen thuộc nhất là những bà mẹ Raglai địu con sau lưng đi ra suối tắm, những nhóm thanh niên du xuân ăn mặc sặc sỡ. Làng Raglai hôm nay ít nhà sàn truyền thống làm bằng tranh tre nứa lá mà thay bằng nhà ngói, nhưng quy hoạch kiến trúc khá đẹp, đồng bộ và có sắc thái riêng…
Mùa tìm bạn đời
Miền mơ tưởng Raglai hôm nay hiếm hoi lắm mới tìm lại được cây đàn Chapi (loại đàn làm bằng ống lồ ô). Nhưng con đường băng qua miền đất thật thà ấy trong mùa uống rượu, du khách có dừng lại ở bất kỳ ngôi nhà sàn đơn sơ nào cũng có thể được mời một chén rượu.
Đây là mùa những chàng trai lội rừng từ làng này sang làng khác để tìm bạn đời. Lễ vật của chàng là những chiếc vòng tai, vòng đeo tay trao tặng người thương để mùa rẫy sau, nếu ưng ý, những cô gái sẽ đi bắt chồng theo tục mẫu hệ.
Bên hồ thuỷ điện Sông Sắt có dòng suối lạnh khoảng 15 độ C. Du khách có thể ngâm mình trong dòng nước trong vắt từ chân núi. Khi khu bẫy đá Pinăng Tắc thời chống Mỹ được phục hồi, hồ thuỷ điện Sông Sắt hoàn chỉnh và rừng đầu nguồn được đưa vào kinh doanh du lịch thì đây sẽ là một cung đường vàng.
Hoàng Nhân (Theo http://www15.24h.com.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét