Những kiểu rừng, những cách sống ở rặng núi Kẻ Bàng (Quảng Bình) hùng vĩ mang giá trị đa dạng sinh học hiếm có cho vùng đá vôi đầy bí hiểm này. Từ đâu mà rừng rậm xuất hiện trên núi đá vôi, và chúng lấy chất dinh dưỡng như thế nào? Bí ẩn đó đang dần được các nhà khoa học bóc tách.
Dưới rừng mưa này, các loài thực vật chia nhau chen chúc từng tầng rừng, tận dụng mỗi cm2 để đảm bảo sinh tồn và tiến hoá di truyền. Rừng mưa chen chúc nhiều tán cây từ bụi rậm đến thân gỗ cao hàng chục mét, thậm chí cả trăm mét. Tại những thung lũng núi đất, cây gỗ cạnh tranh nhau từng khoảng không gian để vươn tới ánh sáng mặt trời. Nhiều cây vươn cao tạo ra tầng vòm. Một trong những cây như thế có khả năng chiếm đoạt ánh sáng của cây nhỏ hơn nó là sung rừng. Sung rừng là loài thực vật phát triển nhanh chóng, sự trưởng thành của nó được đánh dấu mỗi ngày bởi chúng có bộ rễ lan toả dưới cội đất đến vài trăm m2 và tiêu thụ mỗi ngày gần hai trăm lít nước. Cỗ máy với khả năng hút nhiều nước này có sức vươn sung mãn để làm nên tầng vòm của rừng mưa Phong Nha.
Và sung rừng là một nguồn thức ăn cho nhiều loài ở tầng vòm. Các loài voọc chia sẻ nhau mớ lá non, trong khi khỉ mặt đỏ là loài tháo vát muốn giành lấy quả treo ở vô số cành nhánh cao nhất của khu rừng. Voọc Hà Tĩnh là loài nhút nhát, thường tránh xa kẻ bắt nạt là khỉ mặt đỏ, nhưng đôi khi vì quyền lợi thức ăn ở tầng vòm, chúng sẵn sàng bảo vệ mùa màng bằng cách đánh nhau kiểu bầy đàn.
Nhưng ở tầng vòm không chỉ có hai loài duy nhất đó kiếm sống, các loài chim, kiến, thậm chí thằn lằn... cũng chia sẻ lợi ích sung rừng mang lại. Lúc cao điểm, các nhà khoa học kiểm chứng có 40 loài cùng thu hoạch sự bội thu ở tầng vòm để duy trì cuộc sống.
Theo quangbinh.gov
Tàu đá sinh sống trên đá |
Ở Kẻ Bàng, hơn 3.000 loài sinh vật sinh sống, không có gì bị lãng phí, bởi chúng là khối hữu cơ bồi bổ cho nhau và đá vôi là thành tố hữu ích trong đó.
Bách xanh núi đá (Calocedrus rupestris) là loài thực vật vừa được phát hiện ở núi Kẻ Bàng với độ thuần chủng gần 5.000ha. Loài cây có độ tuổi cổ xưa, thân cứng như sắt, mùi thơm xá xị hấp dẫn các cư dân động vật. Chúng sống trên núi đá, bám rễ vào đá để sinh tồn qua hàng trăm năm. Các nhà khoa học phát hiện rằng, bộ rễ của chúng như những mũi khoan nhưng cũng mềm mại như những sợi tơ, ken dày xuống kẽ đá, kết dính lại để lấy và trữ nước nuôi sống thân cây. Bách xanh núi đá tiết ra dung dịch như a xít để bào mòn, đâm xuyên các thớ đá vôi, biến chúng thành vô số hạt cát nhỏ li ti, tạo thành chất mùn có dinh dưỡng nuôi sống toàn bộ thân cây với sự trợ giúp quang hợp từ ánh nắng mặt trời.
Táu đá (Hopea sp.) tuy không có bộ rễ tinh vi như bách xanh nhưng bộ rễ của nó tiết chất dịch làm mềm đá và ăn dần từng tảng đá một ở bề mặt hoặc đâm rễ vào từng hốc đá để bám vào đó tránh gãy đổ. Và rễ của táu đá còn lấy dinh dưỡng từ hàng triệu tế bào của địa y, rêu tảo phủ từng lớp dày trên mặt đá vôi sau mỗi mùa mưa.
Nấm pín lưới |
Hai loài đặc biệt quý hiếm trên chỉ có ở khu rừng mưa Kẻ Bàng, lại có cách sống nhờ vào đại dương mênh mông để sinh tồn. Các nhà khoa học tìm hiểu và thấy rằng, đại dương cung cấp cho hai loài này khí ni tơ. Mỗi độ gió mùa hằng năm, đại dương đưa vào lượng mưa lớn cho rừng mưa, mang theo lượng lớn khí ni tơ. Bách xanh và táu đá lấy đó để duy trì sự tốt tươi trên hoang mạc đá vôi. Rừng mưa cần mẫn bảo bọc con người bằng những gì chúng thu lượm được.
Dưới tán rừng mưa Kẻ Bàng là vương quốc các loài nấm. Trong số đó có một dạng nấm bào tử chọn cách “di cư” thông qua kiến hoặc các loài côn trùng có cánh. Kiến đỏ đôi khi ăn nhầm nấm bào tử, chưa đầy một phút sau, những con thấm độc nấm, đầu hướng lên cây, bò không định hướng, theo ánh nắng mặt trời, đến những tán cây có ánh sáng rọi xuống, lúc đó số phận của kiến được định đoạt, một mầm nấm bào tử bắt đầu nhô lên từ đầu con kiến. Dinh dưỡng ban đầu của nấm bào tử lấy từ con kiến, sau đó phát triển bộ rễ ra vỏ cây để tồn tại vòng đời.
Với côn trùng có cánh như bọ hung, khi chúng ăn nhầm loài nấm trên, cách thức trúng độc tương tự kiến, nhưng chúng bò đến những khoảng trống có đủ ánh sáng mặt trời, con bọ cánh cứng lật ngửa mình ra, phơi bụng dưới ánh nắng. Và từ trong bụng con bọ cánh cứng, một cây nấm hoặc nhiều hơn mọc ra từ đó.
Nhưng rừng mưa Kẻ Bàng còn có một loài nấm khác có giá trị dược liệu cao và tính thẩm mỹ tự nhiên rất lớn: loài nấm Pín lưới. Loài nấm này có hình như quả chanh leo, mọc ở khu đất ẩm thấp. Lúc nở, nấm tự phân chia tán của nó như những mảnh lưới hình thoi. Loài này rất có giá trị cho y học trong việc chữa nhiều loại bệnh kinh niên.
Tổ kiến trên cây keo trở thành lính đánh thuê |
Trong khu rừng mưa, có một sự hợp tác hữu hiệu giữa loài cây tổ kiến với loài kiến đất. Cây tổ kiến chọn những thân cây bị gãy, mục ruỗng làm nơi lưu thân. Nó lớn lên và củ của nó dần to ra, trong đó có những hang hốc cho kiến đất vào ở. Các nhà khoa học nói khoảng hơn một trăm triệu con làm tổ trong củ cây tổ kiến. Nhiều người lầm tưởng rằng bầy kiến sẽ thiêu đốt củ của cây, nhưng không, lũ kiến đã đoàn kết bảo vệ ngôi nhà của chúng.
Cây tổ kiến là loài thức ăn ưa thích của nhím, sơn dương và một số loài ăn cỏ khác. Khi những lá cây tổ kiến bị tấn công, lũ kiến nghe động liền bò đi tuần tra. Chúng bò lên mút lá của cây tổ kiến, con vật nào gặm nhấm lá, lũ kiến bám vào mũi, vành miệng của các con thú gặm cỏ. Lũ nhím và sơn dương có da dày nhưng bị kiến đỏ đốt đành phải bỏ đi. Những con kiến mang ơn cây tổ kiến vì có được nhà cửa để ở, chúng phải tự bảo vệ tổ của mình khi bị xâm phạm và tình cờ trở thành lính đánh thuê cho cây tổ kiến.
Có một cách khác khiến kiến trở thành lính đánh thuê, đó là chúng làm tổ trên cây keo. Một số linh trưởng khi đến hái lá, tổ kiến rung động, đàn kiến tấn công các chú linh trưởng khiến chúng phải rời đi.
Trong rừng mưa có hàng trăm loài tầm gửi ký sinh vào những thân cây khác để tồn tại, thu hoạch dinh dưỡng từ vật chủ rồi sinh sôi nảy nở.
Những cây tầm gửi khi bám vào vật chủ, chúng ôm cứng thân hoặc cành của vật chủ và tồn tại trên đó và được phát tán dần bởi loài chim ăn quả tầm gửi. Cây tầm gửi hoa có lá như màu hoa sặc sỡ, mỗi độ xuân về, chúng ra những bông hoa màu vàng, sau đó kết thành hạt vàng mọng nước. Chim tầm gửi đón lấy những hạt vàng mọng nước đó nhưng chỉ một giờ sau hệ bài tiết của nó phải thải hạt tầm gửi hoa ra. Hạt tầm gửi hoa bị tiêu thụ hết nước mọng phía ngoài, lớp dịch bọc hạt phía trong bám chắc vào đuôi chim, buộc chú chim mỗi lần bài tiết phải có điệu nhảy để đuôi chim chạm vào cành cây vật chủ và vô tình công việc đó giúp cho cây tầm gửi sinh sôi trên các khu rừng nhiệt đới.
Nhưng đừng tưởng cây tầm gửi sống ký sinh là hoàn toàn ăn hại. Hàng trăm loài tầm gửi đã sản sinh rà một lượng rất lớn oxy để con người sinh sống, nó cũng góp một phần rất lớn của bản giao hưởng rừng xanh để nuôi nấng loài người từ thuở nguyên thuỷ đến nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét