Hàng ngàn nhà hàng, quán ăn với đủ thứ tên tuổi có mặt ở Sài Gòn bên cạnh nhiều quán ăn không tên. Trong hàng ngàn quán không tên đó, có những quán được nhiều người biết tiếng, truyền tai nhau…
Nổi tiếng không cần có tên
Những quán ăn bình dân này với đặc trưng dễ nhận biết là không hề có bảng hiệu, thường trụ ở một góc nào đó hay trong một con hẻm của khu phố. Cửa hàng chỉ vỏn vẹn cái bàn bán hàng hay chiếc xe đẩy, cùng với nồi thức ăn bên cạnh và thực khách ngồi ghế đẩu, thậm chí đứng.
Đặc điểm nữa là quán bán hàng vào một giờ nhất định. Chẳng hạn, quán bánh canh đường Bùi Minh Trực, quận 8 thì đúng 15 giờ 15 phút bắt đầu mở hàng; quán bánh đúc Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận bán lúc 14 giờ 30 phút; xe xôi cadé Trần Phú, quận 5 thì phải từ 18 giờ mới bán; còn quán hủ tíu gà cư xá Lý Thường Kiệt (khách quen gọi là hủ tíu gà Nguyễn Kim) thì mở cửa đúng 6 giờ sáng và chỉ bán đến 9 giờ. Khi đã bán, quán lúc nào cũng đông nghẹt khách, ai đến trễ thì đành phải ra về vì hàng đã bán hết.
Các quán kể trên đều “nhất nghệ tinh” – hầu như qua bao nhiêu năm chỉ bán một loại thức ăn. Anh Hải, chủ quán bánh canh ở đường Bùi Minh Trực, chỉ nhớ quán tồn tại từ khi anh mười mấy tuổi cho đến nay, khi anh đã thành người đàn ông hơn 40 tuổi. Anh Hải kể, thấy anh lận đận với đủ các nghề bán dạo kiếm sống, một người chị của anh dạy cho cách nấu bánh canh. Cứ khoảng 1 giờ trưa là anh dọn ra bán cho bà con hàng xóm. Khách ăn cứ đông dần lên và bây giờ ngày nào cũng vậy, hai nồi bánh canh to đùng luôn bán hết sạch.
Chủ quán bánh đúc Phan Đăng Lưu thì cho biết, quán mở từ năm 1976. Đã 35 năm, quán ban đầu bán cho lối xóm, dần dần người quanh khu vực biết và bây giờ thì khách khắp nơi trong thành phố ghé ăn. Mấy bà, mấy chị mua về cho con cháu; người làm việc thì ghé ăn chén bánh đúc lỡ bữa; tuổi teen thì đi nguyên nhóm ăn chơi vừa lạ miệng vừa vui,… Quán lúc nào cũng có hai người múc bánh, hai người bưng cho khách, mà khách phải chờ trên 15 phút mới có bánh ăn.
Xe xôi cadé của ông chủ người Hoa góc đường Trần Phú, quận 5 mở bán cũng đã rất nhiều năm. Đủ loại khách từ khắp nơi ghé ngang mua xôi cadé, rau câu. Từ lúc xe đẩy ra góc phố đến lúc hết hàng khoảng 21 giờ, không lúc nào vắng khách.
Chất lượng và bí quyết riêng
Quán bình dân nhưng chất lượng món ăn không bình dân, là tính chất nổi bật của những quán ăn không bảng hiệu. Chẳng hạn, bánh canh của anh Hải luôn có giò heo được hầm kỹ, thịt nạc xắt miếng mỏng, tôm khô, da heo, hành lá, hành phi… giúp nồi nước lèo dậy hương thơm phức, vị ngọt đậm đà. Khách ngồi đợi nghe hương thơm đã thấy… thèm. Bánh đúc Phan Đăng Lưu hấp dẫn bởi màu bánh vàng mơ. Múc ra, chén bột bánh còn nóng hổi cho thêm đậu xanh, thịt băm cùng hành phi, chan nước mắm chua ngọt; vậy là nhẩn nha thưởng thức ngon lành.
Xôi cadé là món ăn chơi nhưng không kém phần tinh tế. Giữa lớp xôi trắng phau là miếng cadé vàng ươm được làm từ lòng đỏ trứng đánh với nước cốt dừa hấp chín. Vị thơm của cadé lan toả, càng ăn càng thấy vị béo ngọt của cadé quyện lấy nếp dẻo quánh.
Quán hủ tíu gà cư xá Lý Thường Kiệt hút khách bởi nấu bằng gà ta chính hiệu. Nước lèo thơm, ngon đặc sắc; gà ta xé dai dai, ngọt thịt. Tuy nhiên, nếu tinh ý sẽ thấy đa số khách thích ăn hủ tíu khô. Tô hủ tíu được trộn thêm một loại nước xốt do quán tự chế. Húp chén nước lèo thơm ngọt với hành lá xanh kèm theo để nếm trọn vẹn hương vị hủ tíu gà.
Quán ăn không bảng hiệu nhưng nổi tiếng là một trong những nét đặc biệt, độc đáo của ẩm thực Sài Gòn.
Theo BĐVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét