Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

An Sơn Miếu – Truyền thuyết về thứ phi Phi Yến


An Sơn Miếu là nơi thờ bà Phi Yến – thứ phi của chúa Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh), bà tên thật là Lê Thị Răm. Ngày 28.11.1783, chúa Nguyễn Ánh bôn đào ra Côn Đảo để tránh sự truy đuổi của lực lượng Tây Sơn.

Vì thất bại liên tục nên ông có ý định đem hoàng tử Hội An (có tên tục là hoàng tử Cải) tháp tùng cùng linh mục Bá Đa Lộc sang Pháp làm con tin để cầu viện vua Louis thứ 16 của nước Pháp. Nhà Nguyễn hứa nhường cho Pháp chủ quyền cửa biển Đà Nẵng và quần đảo Côn Đảo. Đổi lại, Pháp giúp Nguyễn Ánh 4 tàu chiến, 1.200 quân, 200 lính pháo thủ, 250 lính người Phi (châu Phi) để Nguyễn Ánh đánh trả quân Tây Sơn. Bà Phi Yến biết được việc này không bằng lòng đưa con đi làm con tin mưu đồ bán nước cầu vinh của Nguyễn Ánh, bà ngỏ lời khuyên chúa Nguyễn rằng: “Việc đánh nhau với Tây Sơn là chuyện trong nhà, thiếp nghĩ chúa công không nên nhờ vả ngoại ban, nếu thắng được Tây Sơn thì chẳng vẻ vang gì mà còn lắm điều rối rắm về sau...”

Chỉ mấy lời khuyên can ấy mà Nguyễn Ánh nổi trận lôi đình nghi ngờ bà Phi Yến có ý thông đồng với quân Tây Sơn. Nếu không có các quan cận thần hết lời xin giảm án ắt bà không thoát khỏi tội chém đầu. Tuy nhiên, Nguyễn Ánh vẫn truyền lệnh giam cầm thứ phi ở một hang đá trên hòn đảo hoang vắng nằm về hướng tây Nam của quần đảo Côn Đảo (Hòn Bà ngày nay).

  Vừa truyền lệnh giam cầm thứ phi Phi Yến, Nguyễn Ánh hay tin quân Tây Sơn sắp ra Côn Đảo, bèn cùng đoàn tùy tùng xuống thuyền chạy lánh nạn. Lúc bấy giờ đứa con duy nhất của Chúa Nguyễn và Phi Yến là Hoàng tử Hội An khóc đòi vua cha cho mẹ được đi theo, nếu không hoàng tử ở lại với mẹ. Nguyễn Ánh không bằng lòng, nói với các quan trong triều: Thằng nhãi con này rất có thể một lòng với mẹ phản lại ta. Ngay bây giờ nếu ta không trừ trước, biết đâu nó chẳng phải là một phản tặc loạn thần... Chính tay Nguyễn Ánh túm lấy Hoàng tử Cải ném xuống biển, ông nói: Ta cho phép mày đi theo mẹ mày! Truyền thuyết kể, lúc ấy con hắc hổ của hoàng từ Cải nuôi vội vàng lao theo, ý để cứu giúp hoàng tử. Nhưng không kịp rồi, xác hoàng tử từ từ chìm xuống biển, hắc hổ bơi luôn vào bờ. Ba ngày sau, xác hoàng tử trôi vào làng Cỏ Ống, con hắc hổ đứng sẵn đó, kéo xác hoàng tử lên bờ, dùng hai chân trước đào bới một hố sâu để chôn, lấp lại. Ngày nay tại làng này còn ngôi mộ và miếu thờ Hoàng tử Hội An (Thiếu Gia Miếu).


Theo truyền thuyến dân gian kể lại, hắc hổ vào rừng kiếm ăn bất ngờ gặp con vượn bạch được hoàng tử nuôi cùng. Vượn bạch đưa hắc hổ về mở cửa hang đưa bà Phi Yến đến mộ Hoàng tử Cải. Chuyện truyền thuyết đã có hàng trăm năm nay, song trong dân gian vẫn lưu truyền lời ru:
    “Gió đưa cây cải về trời
     Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”...
    Tháng 10 âl năm 1785, làng An Hải (nơi có An Sơn Miếu ngày nay) tổ chức lễ hội làm chay cúng tế trong làng. Họ rước bà Phi Yến đến cho thêm phần long trọng. Đêm đó, tại làng An Hải, bà đã bị tên Biện Thi (một tên đồ tể) lén vào cấm phòng của bà dở trò sàm sỡ, song Biện Thi chỉ vừa nắm được tay thì bà đã kịp tri hô cho dân làng bắt giam chờ xét xử. Cũng trong đêm ấy, bà đã liều mình tự tử để được vẹn toàn trinh tiết.
    Số phận đã an bài cho bà thứ phi Phi Yến yên nghỉ tại làng An Hải, dân làng lo việc an táng và lập miếu thờ bà – người phụ nữ “trung trinh tiết liệt”. Hằng năm cứ đến ngày 18 tháng 10 âl, người dân Côn Đảo tổ chức lễ giỗ bà rất long trọng và thường là làm giỗ chay để tưởng nhớ bà.

Theo Dulichphuquoc

Huyền thoại An Sơn Miếu (Côn Đảo)


An Sơn Miếu (miếu Bà) nằm cách trung tâm Côn Đảo khoảng 2km về phía Tây Nam. Tương truyền, năm 1783 bị quân Tây Sơn truy sát, chúa Nguyễn Ánh đem vợ con và 100 gia đình chạy ra đảo Côn Sơn (Côn Đảo) cùng dân sở tại lập ra 3 làng là An Hải, An Hội và Cỏ Ống.

Muốn đánh bại nghĩa quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh tính chuyện cầu viện quân Pháp và định gửi hoàng tử Cảnh sang làm con tin. Thứ phi (Hoàng Phi Yến) của Chúa can rằng “Việc đánh nhau với Tây Sơn là chuyện trong nhà, thiếp nghĩ Chúa công không nên nhờ ngoại bang, nếu thắng được Tây Sơn cũng chẳng vẻ vang gì mà e còn lắm điều tiếng rối rắm về sau”. Vì lời khuyên này, nhà chúa cho rằng thứ phi thông đồng với quân Tây Sơn nên tức giận xử tội chết.
 
Nhờ có quan đô đốc Ngọc Lân can gián và lúc đó hoàng tử Hội An (con của bà) còn quá nhỏ nên nhà chúa hạ lệnh tống giam bà trong một hang đá trên hòn Côn Lôn nhỏ (nay gọi là hòn núi Bà). Lấp kín cửa hang bằng những tảng đá lớn, chỉ để một ít bánh nếp và một chum nước lã đủ sống chừng nửa tháng. Vừa nhốt bà xong, nhà chúa nghe tin quân Tây Sơn sắp đánh ra đảo. Chúa Nguyễn vội vàng cùng tuỳ tùng xuống thuyền chạy về đảo Phú Quốc.
 
An Sơn Miếu.

Khi thuyền nhổ neo, Hoàng tử không thấy mẹ bèn hỏi, có người tiết lộ mẹ của Hoàng tử bị giam cầm trên đảo. Hoàng tử khóc rống lên kêu gào, đòi cha cho mẹ cùng theo, hoặc là để mình ở lại với mẹ. Nguyễn Ánh tức giận đã túm đứa con vô tội ném xuống biển. Hoàng tử Hội An chết, thi hài dạt vào bãi san hô và được dân làng Cỏ Ống chôn tại khu rừng gần bãi Đầm Trầu rồi lập miếu thờ ngay trước mộ.
 
Bà Phi Yến cũng được dân làng giải thoát khỏi hang đá và cho bà biết sự tình về Hoàng tử. Mọi người cùng nhau giúp bà dựng một ngôi nhà ngay bên mộ Hoàng tử Hội An để bà chăm sóc mộ phần đứa con xấu số. Tên tục của bà là Lê Thị Dăm, Hoàng tử Hội An tên riêng là Cải nên người bấy giờ đặt ra câu hát:
 
Gió đưa cây Cải về trời
 Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay

 
Thời gian này, bà có sáng tác một bài thơ và được truyền miệng đến ngày nay:
 
Đốt nén hương thề
 tạ chúa công
 Can vua nên nỗi tội thông đồng
 Ngai vàng một thuở
 ngồi chưa vững
 Bia đá ngàn năm vết vẫn còn
 Máu chảy ruột mềm
 đau phận thiếp
 Nồi da xáo thịt thoả tình ông
 Sông sầu, núi thảm hoa mờ lệ
 Đã khóc cho con
 lại khóc chồng”
 
Vào ngày Rằm tháng Bảy năm Ất Hợi (1785), ban hương làng An Hải bên cạnh có cuộc đàn chay lớn, muốn cho buổi lễ phước thiện thêm long trọng, ban hội tế cử bô lão và phu kiệu qua làng Cỏ Ống xin được thỉnh, rước đức phi về dự. Dân làng dành cho bà một gian phòng đặc biệt để nghỉ ngơi. Năm ấy bà mới 24 tuổi, nhan sắc đang thời lộng lẫy, có tên đồ tể là Biện Thi liếc trộm dung nhan của bà đã không ngăn nổi tà dục. Đêm đó, hắn lén chui vào phòng bà toan giở trò xằng bậy. Nhưng hắn vừa chạm đến cánh tay thì bà đã giật mình, tri hô lên. Tức thì tên Biện Thi bị dân làng trói gô cổ.
 
Tuy dứt tình với chúa Nguyễn, song bà vẫn giữ vẹn mình trong sạch, bà cho rằng cánh tay ấy đã bị dơ dáy liền chặt bỏ và nhờ người mang chôn nhưng vẫn còn thấy tủi nhục. Đêm đó, thừa lúc mọi người không để ý, bà đã thắt cổ tự tử để vẹn toàn danh tiết. Hay tin, dân làng Cỏ Ống nổi giận với đủ thứ gậy gộc, giáo mác kéo sang làng An Hải buộc dân làng An Hải phải làm cho bà... sống lại, bằng không họ sẽ tiêu diệt cả làng.
 
Nhờ sự dàn xếp khôn ngoan của quan Hải trấn, dân làng Cỏ Ống mới bớt cơn thịnh nộ với cách xử lý là: Làng An Hải phải làm heo tạ tội và nộp tên Biện Thi cho làng Cỏ Ống toàn quyền định đoạt. Số phận đã an bài cho Đức bà nằm xuống ở làng An Hải nên cũng thuận theo ý trời để thi hài Đức bà lại cho dân làng An Hải lo an táng và lập miếu thờ, hàng năm cúng bái có sự tham gia của giới chức và dân làng Cỏ Ống.
 
Sau cuộc an táng thi hài của bà, tên Biện Thi cũng bị xử tội chết. Người ta truyền rằng Đức bà Phi Yến và Hoàng tử Hội An đã hiển thánh, thường hiện về mách bảo cho dân làng biết điềm lành, dữ sắp xảy ra. Dân trên đảo đã cùng nhau xây dựng một ngôi miếu để thờ bà.
 
Thực dân Pháp chiếm Côn Đảo, thiết lập nhà tù đã di dời toàn bộ dân trên đảo về đất liền, ngôi miếu không được chăm sóc đã sụp đổ. Năm 1958, Côn Đảo trở thành tỉnh Côn Sơn dưới chế độ Mỹ - ngụy. Viên trưởng ty ngân khố Côn Sơn là Nguyễn Kim Sáu đã xem lại “Sử lược Côn Đảo”, thấy có một người phụ nữ Việt Nam “Trung trinh tiết liệt” đã bỏ mình tại đây, bèn đề nghị trích một khoản tiền trong quỹ phúc lợi của tỉnh, sử dụng sức lao động khổ sai của tù nhân để xây dựng An Sơn Miếu, thờ bà Phi Yến ngay trên nền ngôi miếu ngày xưa.
 
An Sơn miếu ngày nay được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xếp hạng di tích cấp tỉnh và là một trong những hạng mục của dự án quy hoạch trùng tu và phát huy di tích lịch sử Côn Đảo theo Quyết định số 264/2005/QĐ-TTg ngày 25-10-2005 của Thủ tướng Chính phủ về đề án phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo đến năm 2020. Có thể nói, miếu bà là một trong rất ít di sản văn hoá dân gian ở Côn Đảo. Và là một trong hai phụ nữ (Hoàng Phi Yến và liệt sĩ Võ Thị Sáu) được dân địa phương tôn sùng như bậc thánh nữ linh thiêng...
 
Theo Tử Văn (Quảng Ninh Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét