Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Tam Thanh là Quán hay Chùa?


Dù đã chuyển từ Quán của Đạo Giáo thành chùa, nhưng tên gọi thì vẫn không thay bằng một tên gọi khác, mà vẫn gọi là Chùa Tam Thanh

Đồng Đăng có phố Kỳ LừaCó nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh...Phải chăng mọi người đều biết bởi sự đăng đối giữa điểm cực Bắc và điểm cực Nam của Tổ quốc. Nếu ở cực Nam có “Hà Tiên thập vịnh”, thì ở cực Bắc có “Lạng Sơn bát cảnh” mà chùa Tam Thanh là một đại diện - một trong tám cảnh đẹp của Xứ Lạng. Chùa Tam Thanh thuộc loại chùa hang (chùa không phải xây dựng, mà lợi dụng địa thế và không gian trong hang đá tự nhiên để bài trí tượng thờ), là một chùa cổ được tạo dựng từ mấy trăm năm trước. Bài thơ trên bia “ma nhai” (bia được tạo tác bằng cách khắc chữ lên vách đá) số 1 trong động Chùa Tiên có tựa đề “Trấn doanh bát cảnh” có nghĩa là Tám cảnh đẹp của Trấn doanh (Xứ Lạng)   

Xưa kia, vào thời nhà Lý của quốc gia Đại Việt, chùa Tam Thanh thuộc Lạng Châu. Lạng Châu lúc đó chỉ tính từ Chi Lăng - Hữu Lũng (còn gọi Cổ Lũng) - Bắc Giang. Trung tâm của Lạng Châu ở Giáp Khẩu - Quang Lang. Thời Trần thế kỷ XIII - XIV, lỵ sở Lạng Sơn được đưa về Bắc châu Ôn, ở khoảng xã Mai Pha. Thế kỷ XV sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi cho biết Lạng Sơn có một phủ và bảy châu. Lỵ sở phủ Tràng Khánh đặt Mai Pha thuộc châu Ôn, sau dời về trang Đồng Bộc thuộc châu Lộc Bình. Năm 1831 khi Lạng Sơn được đổi thành tỉnh thì Cao Lộc được tách thành một đơn vị hành chính riêng, thị xã lúc đó trở thành châu lỵ Cao Lộc. Năm 1836 Lạng Sơn được chia thành hai phủ. Mảnh đất thị xã khi đó lấy sông Kỳ Cùng làm ranh giới: phía Bắc thuộc phủ Tràng Định, phía Nam thuộc phủ Tràng Khánh. Phủ lỵ Tràng Định khi mới thành lập đóng ở xã Vĩnh Trại, châu Thoát Lãng, sau đó dời về đóng tại Đồng Đăng. Do vậy mà Đồng Đăng mới có phố Kỳ Lừa, có nàng TôThị và có chùa Tam Thanh. 
Chùa Tam Thanh nằm trên địa bàn phường Tam Thanh thành phố Lạng Sơn, trong quần thể di tích danh thắng Nhị - Tam Thanh - Núi Tô Thị và Thành nhà Mạc, thuộc vùng hang động Kác - Xtích, được xếp hạng Di tích quốc gia đợt đầu của Việt Nam năm 1962 
Sao chùa lại có tên là Tam Thanh? Nói đến Tam Thanh, là nói về ba vị Thánh tối cao của Đạo Giáo, đó là Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh. Đạo này còn có tên gọi khác là: Đạo Lão, Đạo Thần Tiên.... có nguồn gốc từ Trung Quốc, du nhập vào Việt Nam. Nơi thờ tự của Đạo Giáo có tên gọi là Quán, thưòng mang các tên Linh Tiên Quán, Hưng Thánh Quán..... Những Quán đạo Lão kiểu này tồn tại ở nước ta rất sớm khoảng từ năm 603 đến năm 939, thế kỷ XI Đạo Giáo nặng về xu hưóng Thần Tiên nên các Quán chỉ như một ngôi đền thờ thần, thánh. Vào thời Trần Thái Tông (1225 – 1258) niên hiệu Kiến Trung thứ bảy, năm 1231, "Thượng Hoàng xuống chiếu rằng trong nước hễ chỗ nào có Đình, Trạm đều phải đắp tượng Phật để thờ...”, (theo Đại Việt sử ký toàn thư, 1985), điều này chứng tỏ triều Trần rất chú trọng và tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển. Tinh thần Phật giáo thời Trần phóng khoáng đã góp phần tạo cho không khí chính trị ít nặng nề, chính sách có phần bình dị dân chủ hơn, vai trò của nhân dân ít nhiều được coi trọng hơn. Đến thế kỷ XVI - XVII Lão Giáo phát triển thờ thần thánh theo Trung Quốc gọi là Tam Thanh.
Khi gọi Tam Thanh là chùa, thì đương nhiên trong chùa thờ Phật! Quán đã chuyển hoá thành chùa, không riêng gì ở Lạng Sơn, ở nơi khác ta thấy:
Quán Hưng Thánh (còn gọi là Hưng Thánh Quán) chuyển thành chùa Mui ở Thường Tín - Hà Nội; Quán Hội Linh (còn gọi là Hội Linh Quán) chuyển thành chùa Xổ ở Thanh Oai - Hà Nội...
Điều này phản ảnh rõ nét trong quá trình phát triển của lịch sử các tôn giáo trên đất Việt. Tuỳ lúc tuỳ nơi mà tôn giáo này phát triển hơn tôn giáo khác, hoặc ngay trong cùng một tôn giáo thì cũng có nhánh này phát triển hơn nhánh kia. Nhưng điều đặc biệt là các tôn giáo này chẳng những không triệt tiêu nhau, mà còn thâm nhập vào nhau tạo ra hình thế thờ tự pha tạp với màu sắc phong phú cho từng tôn giáo. Chính do hình thức thờ tự được dân dã hoá đó mà từng bước chuyển hướng đưa các tượng Phật vào thờ, dần dần chuyển từ Quán của Đạo Giáo thành những ngôi Chùa mang cả hai chức năng là thờ Phật và thờ Lão. Đây là một đặc điểm hầu như chỉ riêng có ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Chính từ đặc điểm này đã cho ta thấy ở "... từng làng quê Việt Nam không thờ riêng Tam Thanh, nhưng nhân dân vẫn có ý niệm về các vị thần của Đạo Giáo này". Dù đã chuyển từ Quán của Đạo Giáo thành chùa, nhưng tên gọi thì vẫn không thay bằng một tên gọi khác, mà vẫn gọi là Chùa Tam Thanh



Theo langson.gov
Tam Thanh - danh thắng độc đáo xứ Lạng 
Như đã thành thông lệ, hàng năm, người dân và du khách thập phương lại nô nức kéo về dự lễ hội chùa Tam Thanh được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch. Đây là một ngôi chùa  không chỉ có giá trị danh thắng mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo. Được xây dựng từ thời Lê, ngôi chùa nằm trong quần thể động Tam Thanh đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1962.
 
 
 
 
Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí: Chùa Tam Thanh nằm trong động núi đá thuộc địa phận xã Vĩnh Trại, Châu Thoát Lãng nay là phường Tam Thanh, TP. Lạng Sơn. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, Tam Thanh vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ ban đầu. Động nằm trong một dãy núi có hình đàn voi phủ phục trên mặt cỏ xanh. Với cảnh quan khá độc đáo, khác hẳn so với kiến trúc của những ngôi chùa ở miền xuôi bởi hệ thống hang động và núi đá, Tam Thanh được mệnh danh là “Đệ nhất bát cảnh xứ Lạng”.

Bên trong động có lòng dài hơn 50 m, vòm động cao và rộng với muôn trùng nhũ đá thiên tạo những hình thù sinh động đẹp mắt. Nối liền vòm động với đáy động là những cột đá đồ sộ. Đi sâu vào trong, chúng ra sẽ gặp một hồ nước trong xanh, có tên gọi là hồ Cảnh hay hồ Âm Ty. Vẻ sừng sững của cột đá hòa quyện với vẻ mềm mại, thơ mộng của hồ nước tạo cho du khách một khoảng tĩnh lặng, thư thái như được trở về với thủa hồng hoang của lịch sử. Gần cửa sau của động có cửa Thông Thiên, thông lên đỉnh núi, đón ánh sáng từ trên cao rọi xuống lòng động.
Ngoài giá trị danh thắng, động chùa Tam Thanh còn nổi tiếng bởi những giá trị văn hóa. Trong động còn lưu lại hệ thống văn bia khá phong phú của các văn nhân, thi sĩ qua các thời kỳ lịch sử. Trong đó, tấm bia số 4 là tấm bia có niên đại cổ nhất (bia Ma Nhai), được tạc vào thời Lê Vĩnh Trị năm thứ 2 (1677), ghi lại chi tiết việc xây dựng tôn tạo chùa. Hay bia khắc thơ quan đốc trấn Lạng Sơn Ngô Thì Sĩ vào năm Kỷ Hợi (1777) ca ngợi cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của động Tam Thanh.

Bên cạnh đó, chùa còn lưu giữ được một hệ thống tượng pháp khá phong phú. Có giá trị cao nhất về mặt niên đại và mỹ thuật là bức phù điêu phật A Di Đà. Pho tượng này mang phong cách nghệ thuật thời Lê - Mạc (thế kỷ XVI- XVII) cao 202 cm, rộng 65 cm. Tượng được tạc theo thế đứng trong hình một lá đề, biểu tượng của sự giác ngộ trong phật giáo, mặc áo cà sa buông chùm xuống tận gót, hai tay chỉ xuống đất trong thế “ấn cam lộ” (ấn cứu giải – ban ân).

Đứng trên đỉnh Tam Thanh, chúng ta có thể nhìn thấy hòn Vọng Phu nổi tiếng với truyền thuyết nàng Tô Thị ngóng chồng hóa đá đứng giữa trời. Cùng với quần thể động Nhất Thanh và Nhị Thanh, hàng năm nơi đây đã thu hút rất đông các đoàn khách thập phương về vãn cảnh, du xuân.

Đỗ Huyền Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét