Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Tể tướng Nguyễn Văn Giai với đền Đồng Cổ và làng Đan Nê


Đền Đồng Cổ, làng Đan Nê, xã Yên Thọ (Yên Định). Ảnh: Lê Hợi
(THO) - Nguyễn Văn Giai (1553 - 1628) là một Tam nguyên Hoàng giáp, từng giữ chức Tể tướng, tước Thái Bảo, Quận công, là vị khai quốc công thần thời Lê Trung hưng. Ông nổi tiếng chính trực, biết giữ nghiêm pháp luật triều đình, đồng thời cũng là nhà thơ thời Lê - Trịnh.
Ông sinh vào đêm 22 tháng Chạp năm Giáp Dần, tức ngày 14-1-1553, là người thôn Phù Lưu Trường, huyện Can Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Xuất thân trong một gia đình có tổ tiên từng nhiều đời đỗ đạt nhưng đến đời người bố Nguyễn Văn Củng thì chỉ là một khóa sinh nghèo. Vốn có sức khỏe bẩm sinh, Nguyễn Văn Giai vừa làm đủ các nghề khó nhọc vừa theo học. Khi đã có vốn chữ nghĩa lớn ở mảnh đất giàu truyền thống hiếu học, ông tìm đường ra xứ Bắc, làm thuê để tiếp tục học ở Thăng Long. Ông học rất thông minh, nổi tiếng về thơ Nôm và tài ứng đối.
 
Năm 1579, khi triều đình mở khoa thi ở Thanh Hóa, ông ra thi và đỗ Giải nguyên.
 
Tháng 8-1580, nhà Hậu Lê mở khoa thi Hội đầu tiên ở Vạn Lại (Thọ Xuân), ông đi thi tiếp, đỗ Hội nguyên (đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân), rồi vào thi Đình đỗ luôn Đình nguyên nhị giáp Tiến sĩ. Ông là vị Tam nguyên đầu tiên của thời Lê Trung hưng.

Ông là tham mưu đắc lực cho Trịnh Tùng trong việc đánh bại nhà Mạc, chiếm kinh thành Thăng Long năm 1592. Ông còn giúp Trịnh Tùng dẹp nhiều tình huống biến loạn với nhà Mạc, được thăng là Thiếu úy, Thái Bảo, là người có công đầu lúc bấy giờ.
 
Ông mất khi đang tại chức ngày 13 tháng giêng năm Mậu Thìn, tức 27-2-1628, thọ 75 tuổi. Triều đình truy tặng ông là Đại tư đồ, thụy là Cẩn Độ.
 
“Tên tuổi tể tướng Nguyễn Văn Giai đã đi vào sử sách như một bậc tể phụ đầu triều lừng lẫy cách đây hơn bốn trăm năm. Lẫy lừng đến mức xung quanh ông có cả một kho huyền thoại được thêu dệt ngay lúc ông còn sống và cứ thế lưu truyền đan xen với sự thật. Vì thế, cả huyền thoại lẫn thơ ca của ông từ lâu đã đan kết với nhau, tạo nên một hiện tượng phức hợp, một hiện tượng “văn sử bất phân”, cần được giải mã” (*).
 
Trong những giai thoại về Tể tướng Nguyễn Văn Giai có câu chuyện ông với đền Đồng Cổ và dân làng Đan Nê.
 
Khi ra Thăng Long học hành, thi cử, trên đường qua Thanh Hóa, ông dừng lại ở làng Đan Nê (Yên Thọ, Yên Định), vừa đi làm thuê kiếm sống, vừa sôi kinh nấu sử. Ông đã được một nhà họ Lê ở gần núi Khả Lao cho ở trọ, học hành thi đỗ được bổ làm quan Hiến sát sứ lộ Thanh Hóa.
 
Dựa vào một bộ “Tập truyện”, gia phả kể lại, Nguyễn Văn Giai có sức ăn rất khỏe. Một hôm từ kinh đô trở về, qua làng Đồng Cổ ở Thanh Hóa thì trời tối, không tìm ra quán trọ, ông ghé vào bên đền Đồng Cổ ngủ tạm, chợt thấy trên bệ thờ có cỗ xôi, chai rượu và một vai lợn luộc bày sẵn, đang lúc đói liền hạ xuống đánh chén. No say túy lúy rồi, ông lần vào hậu cung ngủ luôn một giấc. Khi mọi người đến chia phần thấy cỗ cúng đã biến mất, vội đi tìm mà không biết thủ phạm ở đâu. Sáng ra, viên thủ từ mới tìm thấy ông, bèn trói lại giải về cho người làng tra hỏi. Bỗng có một vị trưởng giả trong làng đến bảo: “Thôi, hãy cởi trói cho người ta đi”. Hỏi thì vị này cho biết, đêm qua nằm mộng thấy ông thần của làng hiện về bảo rằng anh thanh niên đây vốn có túc duyên với mình: bữa cỗ tế thần đem đãi anh ta là ý của thần, xin làng đừng nặng lời trách mắng. Nói rồi vị trưởng giả hỏi ông: “Thư sinh mà ăn khỏe như cậu phỏng ăn bao nhiêu mới đủ?”. Ông đáp: “Ăn bao nhiêu cũng không xuể”. Người làng nghe vậy vội bảo nhau mỗi người về nấu một niêu cơm chừng một bát gạo lật, đem đến đình làng góp chung lại mời ông ăn. Ông không một chút khách sáo, cầm đũa xới cơm ăn hết nhẵn rồi mới từ tạ ra đi.
 
Cũng theo gia phả kể lại: sau khi được tin ông mất, dân Đồng Cổ cử người ra kinh đô xin thụy hiệu của ông đem về phối thờ ở đền, và đến nay, hàng năm vào tháng giêng đền vẫn tổ chức lễ tế ông trùng với ngày họ tộc tế ông ở Ba Xã (Lộc Hà, Hà Tĩnh hiện nay).
 
Về sự nghiệp văn học, các nhà nghiên cứu chỉ nhắc tới 4 bài thơ Nôm của ông. Ông còn để lại một bài minh về đền Đồng Cổ. Bia dựng ngày tốt tháng 11, Thịnh Đức thứ 4 (1656 thời Vua Lê Thần tông (1649-1662). Bài minh được Bùi Xuân Vĩ dịch như sau:         
            
                  I
Có núi thiêng Đồng Cổ
Ở Yên Định, Đan Nê
Dưới giữ gìn cõi đất
Trên chống đỡ cột trời
Vượt cao lên ngàn núi
Thiêng hun đúc muôn đời
Sánh Âu, Tô, Thần Phù
Bao tuấn kiệt anh tài
Hùng cứ trời Nam Việt
Thần thiêng ở đất này
Sông Mã dòng quẩn lại
Ngòi, thung Bắc trở về
Bốn phương người qua lại
Vui rầm rập bước đi
Khách trăm nhà buôn bán
Bao xe ngựa chen vai
Núi châu quanh sau trước
Đò qua lại đêm ngày
Đủ non xanh nước biếc
Phong cảnh đẹp xinh thay
Khí thiêng liêng nổi tiếng
Sức mỹ hộ, ra tay
Như nửa đêm rung trống
Đuổi giặc Ân - công sánh
Giúp vua Võ – công tày
Trải bao đời nối nghiệp
Vốn chủ có thần tài.
                    II
Nào khen phong tước hiệu
Nào phụng thờ lễ nghi
Triều Lê ta mở nước
Lê Thái tổ trị vì
Các vua sau nối dõi
Nhân nghĩa giữ nghiệp đời
Lê Trung hưng trở lại
Mọi khuôn phép trước đây
Từng xét trong phép điển
Khen phong tặng ngày rày
Thánh Hoàng khi nối trị
Chúa Trịnh lại giúp vì
Công lẫy lừng vũ trụ
Sức chỉnh đốn cao dày
Mạnh kế thừa yêu dấu
Tính bẩm thụ sáng ngời
Đổi thay sửa dựng miếu
Tụ tập có người về
Nhớ công thần cao cả
Giúp ngôi nước lâu dài
Thần được nhiều phong tặng
Đền mở rộng dựng xây
Ngày ngày càng hoàn hảo
Chế độ đẹp đẽ thay
Liệu cấp dân cả xã
Miễn tạp dịch sưu sai
Ghi công vào bia đá
Cùng ghi tạc lòng người.
 
Bài minh miêu tả và khắc sâu giá trị của đền Đồng Cổ. Tể tướng Nguyễn Văn Giai không chỉ hiểu rõ lịch sử ra đời của đền Đồng Cổ mà nêu rõ vai trò của ngôi đền thiêng và hiển hách nhất xứ Thanh trong đời sống tâm linh của người làng Đan Nê nói riêng, trong khát vọng hòa bình, phồn thịnh của nhân dân Đại Việt nói chung. Ngôi đền có thế phong thủy, tạo nên sức mạnh tâm linh và khát vọng chinh phục vũ trụ bền vững “Dưới giữ gìn cõi đất, trên chống đỡ cột trời”. Ngôi đền dựa vào thế sơn thủy hữu tình, tọa lạc trên con đường thiên lý Bắc Nam. Bến Trường Châu “Bốn phương người qua lại, khách trăm nhà buôn bán, bao xe ngựa chen vai, núi châu quanh sau trước, Đò qua lại đêm ngày”. Tiếng trống Đồng ngàn xưa vọng lại “Như nửa đêm rung trống”, nhắc lại những âm vang từ thời Hùng Vương với truyền thuyết Thánh Gióng “Đuổi giặc Ân - công sánh, Giúp vua Võ – công tày” Hai câu đối nhau. Công giúp nước của thần Đồng Cổ có thể sánh với Thánh Gióng đánh giặc Ân, với Khương Tử Nha (Lã Vọng) giúp Võ Vương nhà Chu – Trung Quốc. Nguyễn Văn Giai có cuộc đời gắn liền với những huyền thoại. Ông nhắc đến công của thần Đồng Cổ có sức mạnh đánh đuổi quân thù như Thánh Gióng. Và câu chuyện về bữa ăn trên đường thiên lý của ông ở ngôi đền Đồng Cổ và dân làng Đan Nê đãi phạt ông có gắn gì với sương khói huyền thoại. Núi Đồng Cổ vẫn được dân làng gọi bằng núi Đổng. Tên núi đó được gọi từ bao giờ, hay sau bài minh và câu chuyện về Tể tướng Nguyễn Văn Giai mới xuất hiện? Đã có giả thuyết gọi chệch núi Đồng Cổ thành núi Đổng? Dựa vào những luận cứ trên, núi và đền Đồng Cổ khoác thêm trên mình lớp bụi của thời gian nên cứ hư hư thực thực giữa xưa và nay từ bài minh mà Tể tướng Nguyễn Văn Giai đã giới thiệu.
 
Trong đoạn I, nhiều câu nói đến khí thiêng của đền Đồng Cổ: “Thiêng hun đúc muôn đời, thần thiêng ở đất này, Khí thiêng liêng nổi tiếng”. Trong bài Đôi điều gợi mở về hòn đá âm dương ở đền Đồng Cổ của ông Hoàng Minh Tường trong cuốn Tìm hiểu văn hóa và tín ngưỡng của đồng bào miền núi Thanh Hóa - NXB Thanh Hóa-2011 có viết. “Với việc thờ sinh lực khí “linga” là lớp tín ngưỡng muộn sau này, biểu tượng đó do giao lưu và tiếp biến văn hóa, tín ngưỡng với Chăm Pa được tướng lĩnh và binh lính thời Lý chinh phục Chiêm Thành tiếp nhận đã khoác lên tín ngưỡng tâm linh mới cho hòn đá âm dương tín ngưỡng sinh thực khí “linga”- “yony” được dân gian gọi là hòn đá âm dương. Điều này có phát hiện gì khi ông Nguyễn Văn Giai đã từng ngủ trong hậu cung của đền Đồng Cổ. Như vậy, một tầng vỉa văn hóa nữa tiếp tục được phát hiện ở hội tụ khí thiêng sông núi nơi đền Đồng Cổ.
 
Đến đoạn thứ II của bài minh, ông Nguyễn Văn Giai chủ yếu nhấn mạnh, ngợi ca triều hậu Lê có công mở nước, giữ yên xã tắc, sơn hà. Đền Đồng Cổ được các triều hậu Lê và các chúa Trịnh trùng tu. Đó là sự tri ân tổ tiên trong việc dựng nước và giữ nước. Đền được phong nhiều tước hiệu. Dân làng có công mở rộng dựng xây, hương khói phụng thờ. Các câu chuyện về các vua chúa tặng sắc phong: Đồng Cổ Đại Vương, hay hội thề trung hiếu đều ảnh hưởng tư tưởng nhân nghĩa của nho giáo. Bài minh kết thúc như một chân lý cùng thời gian “Ghi công vào bia đá, cùng ghi tạc lòng người”.
 
Sau ngày ông mất, dân làng Đan Nê phụng thờ ông ở một ngôi nhà phía bên trái đền Đồng Cổ.
 
Cuộc đời và sự nghiệp của Tể tướng Nguyễn Văn Giai là “cả một pho sử sống của một con người biết cật lực phấn đấu để chiến thắng số phận”. Những sự kiện trong cuộc đời và sự nghiệp của Tể tướng - nhà thơ Nguyễn Văn Giai còn sống trong tiềm thức và dòng văn hóa của người dân làng Đan Nê nói riêng, của nhân dân ta nói chung. Bài minh đã một lần nữa khẳng định sự có mặt lâu đời với khát vọng phồn thịnh, hòa bình của người Việt. Điều quan trọng nữa là bài minh về đền Đồng Cổ đã nói về vai trò tâm linh, khí thiêng sông núi hội tụ ở một ngôi đền thiêng nhất xứ Thanh trong dòng chảy văn hóa dân tộc.
 
Mùa xuân 2011, dân làng Đan Nê trùng tu đền Phúc nằm ở trung tâm làng. Nhớ công Tể tướng Nguyễn Văn Giai, dân làng vẫn ngày đêm hương khói phụng thờ. Người dân Đan Nê hôm nay thờ Nguyễn Văn Giai như vị Thành hoàng vì ông không chỉ là vị khai quốc công thần mà chính ông đã nối nền văn hóa của người Đan Nê giữa xưa và nay. Từ âm vang của văn hóa Đông Sơn, người Việt Nam đang chảy tới mạch nguồn hiện đại.
 
Trịnh Trọng Nam
(Sở Giáo dục và Đào tạo)
 
(*) Tể tướng và nhà thơ Nguyễn Văn Giai - Thử phân tích một hiện tượng tích hợp giữa folklore và văn học viết - Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Viện Văn học, Hà Nội - Tạp chí Thời đại mới số 4 – tháng 3-2005).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét