Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Teo To một thời oanh liệt



  
Những du kích Cấm Sơn năm xưa trong ngày gặp mặt.
Ta về ta nhớ quá chừng / Nhớ khe nhớ núi nhớ rừng Teo To
Đó là hai câu lục bát từ các cụ nguyên là du kích Ba Hòn trong buổi gặp mặt nhân dân xã Cấm Sơn (Lục Ngạn) tổ chức đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ chống Pháp mà Nhà nước vừa phong tặng. Chẳng thể giấu nỗi tò mò về một địa danh lạ lẫm ấy, tôi hài hước: Teo To nó to đến mức nào mà khiến các cụnhớ quá chừng đến vậy? Cụ Nông Quang Đạm, nguyên du kích Ba Hòn nay vào tuổi 82 rành rọt ngay: Đó là căn cứ kháng chiến cuối cùng của du kích Cấm Sơn giữa thời kỳ khó khăn nhất. Và đó cũng là nơi nhà thơ Thôi Hữu có những ngày đồng cam cộng khổ cùng du kích để ra đời bài thơ Lên Cấm Sơn mà đến nay mỗi khi gặp nhau chúng tôi lại cùng nhẩm đọc.
Núi rừng Tổng Cấm Sơn có ba ngọn nhô lên tạo thế chân kiềng rất lợi hại cho việc bày bố thế trận, nên không biết từ bao giờ mà khu vực ấy có tên gọi núi Ba Hòn. Đáp lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19-12-1946, du kích Cấm Sơn đã lấy núi Ba Hòn làm căn cứ địa kháng chiến. Cùng với chiến dịch Thu - Đông năm 1947, lực lượng du kích đã chiến đấu diệt ác trừ gian, tiễu trừ thổ phỉ.  Nhận ra đây là một vị trí quân sự chiến lược, quân Pháp đã huy động lực lượng có cả máy bay và súng lớn yểm trợ nhiều lần đánh chiếm khu vực Ba Hòn, gây cho du kích không ít khó khăn, buộc phải vừa chống đỡ, vừa  rút lui về làng Mấn, làng Mòng và cuối cùng lui vào thung lũng Teo To - Đồng Ruộng. Một nơi hiểm yếu giáp huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) thuận lợi cho việc củng cố lực lượng, sẵn sàng cầm cự chống trả cuộc truy lùng gắt gao của quân Pháp. Tại đây đâu chỉ có gần trăm du kích quân, mà còn là nơi đứng chân của Ban lãnh đạo lâm thời kháng chiến Cấm Sơn gồm 9 ông, bà cùng hàng trăm đồng bào tản cư lánh nạn, nên việc bảo vệ dân, bảo vệ chính quyền cách mạng là nhiệm vụ sống còn. Nhưng cực nỗi, cuộc sống bị phong toả khiến tình thế càng trở nên nguy khốn. Cựu du kích Giáp Văn Kỷ nhớ lại, nhiều lần ta rơi vào cảnh gạo hết bếp tàn phải thay nhau săn bắt từng con chuột, từng con ếch nhái đem về nấu với quả sung không muối thay cơm. Anh em phải cầm hơi bằng từng quả gắm, quả sim, quả ổi, rồi từng cọng rau má, từng lá rau tàu bay... Có lần chỉ ba ống gạo (mỗi ống 8 lạng) đổ vào nồi bõng nước nấu lẫn với củ chuối rừng và lá cây sau sau, không muối cho 70 chiến sĩ, mỗi người một bát được cưa từ đốt cây tre ai cũng khen ngon. Đói đã vậy, rét là thế, lại thường xuyên bị muỗi, vắt, rận rệt xông vào hành hạ. Cụ Kỷ còn kể rằng, với cảnh màn trời chiếu đất, áo quần một bộ, rách nát tả tơi nên đêm đông nằm úp thìa ôm nhau lấy lá khô phủ kín. Hễ khi nào có chị em đến khâu vá thì lại chui vào rừng giấu thân lột hết quần áo ở trần gửi quần áo ra chờ vá xong lại mặc. Cụ Nông Thị Bướm, một trong  bốn nhân chứng còn lại của đội “quân tóc dài” năm ấy vẫn nhớ mỗi lần khâu vá cho anh em là tanh tưởi bốc mùi, rận bò lổm ngổm. Thấy chiến sĩ ai cũng mắt lõm da vàng  mà thương, mà xót rồi chỉ ngậm ngùi chứ biết làm sao được. Gian khổ hiểm nguy, đói rét bệnh tật là vậy nhưng đã ba lần quân Pháp càn vào đều bị du kích ta chặn đánh ngay từ cửa rừng khiến chúng phải tháo chạy. Cụ Nông Quang  Đạm nhớ lại, chính những ngày gieo neo đó, có một cán bộ từ trên về cùng ăn, cùng ở. Thường ngày thấy ông cứ ra vào nơi ở của mấy cán bộ trung đội, đại đội, chẳng bao giờ thấy ông nói mình làm gì và từ đâu đến. Chỉ nhớ một lần ông có hỏi mấy anh em khoảng cách từ đây đến Ba Hòn bao xa. Là một liên lạc viên nên cụ Đạm khi ấy chẳng tò mò để ý. Bẵng đi một thời gian, ai đâu còn nhớ đến người cán bộ đã nhiều ngày chung sống. Chỉ đến khi bài thơ Lên Cấm Sơn bất ngờ xuất hiện trên báo Vệ quốc quân vào đầu năm 1948 thì mọi người mới biết người cán bộ đó chính là nhà thơ Thôi Hữu, tác giả bài thơ, cụ Đạm liền lấy giấy bút chép ngay để làm kỷ niệm. Nay dù tuổi đã ngoài 80, nét mực bài thơ mờ trong cuốn sổ, nhưng ký ức người cựu du kích ấy vẫn tươi nguyên về một thời Teo To gian khổ với kỷ vật bài thơ trĩu nặng nỗi lòng.
Non xanh Cấm Sơn. Ảnh: AT
Với sự nhiệt tình của ông Hoàng Duy Từ và Ngô Văn Bền, chúng tôi tìm đến ngọn nguồn một nhánh sông lịch sử. Đúng vậy, từ làng Bả  dưới chân núi Tông Hinh theo đường mòn dẫn lối suốt cả giờ đồng hồ đâu chỉ thấy mây xanh bát ngát trời mà còn đây bốn bề núi, núi/ heo hút vắng tăm người/ đèo cao rồi lũng hẹp/ dăm túp lều chơi vơi... như lời nhà thơ Thôi Hữu. Một nơi khe sâu núi dựng, lam chướng nghìn trùng, địa hình hiểm trở. Trước mặt là thung lũng Teo To phất nhơ lau trắng, phía bên là khe sâu Đồng Ruộng thấp thoáng  lều gianh. Xa hơn 4 cây số  đường chim bay hướng Tây Bắc là Ải Chi Lăng hùng vĩ, ngoảnh lại chừng 10 cây số về đông Nam là Ba Hòn mờ ảo nhô lên. Văng vẳng đâu đây hùng thiêng sông núi. Bóng dáng người xưa một thoáng vọng về. Được đứng giữa non cao quan sát mới ngẫm một điều: Thế trận lòng dân với thế địa núi rừng luôn sẵn sàng làm nên những áng văn bất hủ.
Với nhà thơ Thôi Hữu, khi đến với Cấm Sơn hơn 60 năm trước, ông đã đồng cảm, đã sẻ chia trên tinh thần đồng chí, đồng đội: Lòng tôi xao xuyến tình thương xót/ Muốn viết bài thơ thấm lệ nhoà... Tiếc rằng ông hy sinh vào một ngày cuối năm 1950 khi đi chiến dịch Trung du tại Thái Nguyên. Tuy nhà thơ chiến sĩ ấy ngã xuống khi mới ngoài 30 tuổi nhưng nền văn học đương đại nước nhà đã đánh giá cao tài năng của ông. Trong số hàng trăm con người giữa núi rừng Teo To ngày ấy nay còn  6 cụ ông và 4 cụ bà, tất cả đã ngoại bát tuần nhưng các cụ thật vui vì là nhân chứng cuối cùng của một thời oanh liệt. Các cụ vui vì con người và mảnh đất Cấm Sơn xưa được lịch sử ghi nhận, được xướng lên thành bài thơ, câu hát sẽ mãi đi cùng năm tháng.
Ngô Minh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét