Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Thăm đất Chung Sơn


Núi Dành còn gọi là núi Chung Sơn. Đó là quả núi lớn có độ cao hơn 100 mét so với mực nước biển thuộc địa phận của hai xã Việt Lập và Liên Chung, huyện Tân Yên. Nơi đây không những nổi tiếng là nơi sản sinh ra loài thảo mộc quý Sâm Nam mà còn là nơi nổi tiếng với hội núi Dành, ai ai cũng biết đến.
Trước cách mạng tháng 8, vùng núi Dành thuộc miền Yên Thế thượng. Nay thuộc miền Yên Thế hạ (Tân Yên ngày nay). Sách Đại Nam nhất thống chí có chép rằng: “Núi Chung Sơn ở xã Bảo Lộc, thuộc địa giới Yên Thế sản xuất ra Sâm Nam và cỏ thi…”. Chung có nghĩa là quả chuông, chuông. Sơn tức là núi. Chung Sơn có nghĩa là núi như một quả chuông lớn của đất trời đặt ở phía Nam huyện, cận kề bên hai dòng sông lớn là sông Thương và sông Nhâm Ngao. Thế núi uốn lượn, uyển chuyển, quanh năm soi bóng xuống dòng sông Thương xanh mát. Trên núi trồng nhiều thông, cảnh sắc u tịch, mát mẻ, gió thổi vi vu thuận lợi cho việc tổ chức lễ hội mùa xuân. Xung quanh ngọn núi này còn có núi Quảng Phúc, núi Nghĩa Trung hộ vệ nên núi chung sơn trở thành quả núi quý của vùng, chung đúc khí lành mà sản sinh ra hai loài thảo mộc quý là sâm núi Dành và hành Liên Bộ. Vì thế có câu:
“ Sâm Nam nổi tiếng núi Dành
Chợ đầy nhan nhản những hành Chung Sơn
Sông Thương uốn khúc lượn quanh
Cá nhiều tôm sẵn Lãn Tranh giỏi chài”
Truyền thuyết Sâm núi Dành còn được người dân trong vùng kể lại: Xưa có chàng mồ côi cha nghèo khó, mẹ ốm nặng không có tiền mua thuốc. Một hôm nằm mơ thấy tiên ông chỉ đường lên một ngọn núi rất cao để đào cây thuốc về sắc cho mẹ uống. Bà mẹ uống thuốc đó liền khỏi bệnh. Từ đó, anh rất chăm chỉ trồng và tìm kiếm cây thuốc này cứu chữa cho nhiều người trong vùng.
Truyện Sâm Nam còn có người kể rằng: Xưa mẹ vua bỗng dưng loà mắt, các thầy thuốc chạy chữa bao năm không khỏi, có người dâng Sâm Nam núi Dành làm thuốc chữa cho mắt mẹ vua bỗng sáng lại như thường. Vì thế dân gian có câu:
“Sâm Nam nổi tiếng núi Dành
Chữa loà cho mắt lại lành như xưa”.
Nơi đây từ xa xưa, nhân dân đã thu hái loài thảo mộc quý này đem tiến vua nên ở đây ngày trước có phường Cống. Tên phường Cống còn được khắc ghi trên cây hương đá của chùa Không Bụt, có niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 9 (1713). Chùa Không Bụt hay còn gọi là chùa Cống Phường là một ngôi chùa có thật ở địa phận núi Chung Sơn. Chùa nằm ở địa phận thôn Hậu. Trong chùa hiện nay có quy mô lớn, vững trãi, song không có một pho tượng nào. Trên các bệ chỉ đặt nồi hương. Ngày rằm, mồng một người dân nơi đây vẫn vào thắp hương. Ai muốn cúng tiến tượng cũng không được dân chấp nhận. Bởi lẽ đó là tục này do khi xưa dân đưa bụt về thờ ở chùa thì dân làng lục đục, mất đoàn kết nên phải đem tượng đi nơi khác thì dân làng mới làm ăn được. Từ đó, chùa mang tên chùa Không Bụt. Hiện tượng chùa không bụt là một hiện tượng hiếm thấy ở Bắc Giang, cũng là hiện tượng hiếm thấy không đâu có.
Trong vùng đất Chung Sơn còn nổi lên với các di tích cổ như đình Vường. Đình Vường nối tiếng là ngôi đình to đẹp nhất vùng. Đó là ngôi đình thứ 2 sau đình Thổ Hà của tỉnh Bắc Giang. Đình Vường còn giữ được nguyên dáng vẻ ban đầu đủ cả sàn, ván, cửa, võng… Các đường nét chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo thể hiện tài léo của người nghệ nhân dân gian. Đây là nơi thờ đức thánh Cao Sơn- vị thánh vốn là tướng lĩnh của Vua Hùng Vương thứ 18 đã có công dẹp giặc ngoại xâm đem lại cuộc sống bình yên cho quê hương, đất nước. Đình Vường trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp còn là hội trường của UBKC khu 12. Từ năm 1965 đến năm 1973, đình là kho lưu trữ quốc gia. Hàng năm, cứ vào ngày 18 tháng 2 âm lịch, nhân dân tổ chức lễ hội rước kiệu lên đỉnh núi Dành làm lễ. Chính vì những giá trị trên, đình Vường đã được xếp hạng là di tích quốc gia năm 1991.
Ở trên đỉnh núi dành có một ngôi đền gọi là đền Dành. Hàng năm, cứ vào ngày 19, 20, 21 tháng Giêng âm lịch, lễ hội đền Dành lại được tổ chức long trọng trong không khí đón chào một mùa xuân mới. Đây là ngày hội của hai làng Hậu và Đồng Sen thuộc hai xã Liên Chung và Việt Lập. Làng Hậu tổ chức hội lệ ở phía Tây núi, làng Đồng Sen tổ chức ở phía Đông núi. Mỗi làng có một ngôi đền ở núi Dành. Làng Hậu có ngôi đền Thượng (đền Dành), làng Đồng Sen có đền Hạ ở lưng chừng núi. Cả hai đền đều thờ đức thánh Cao Sơn- Quý Minh. Khi làng Hậu mở hội núi Dành cũng là mở hội đình Vường. Trong phần làm lễ ở đình Vường có tổ chức rước lên núi Dành tế thần ở đền Thượng. Do có cuộc rước tế thần này nên hội ở núi Dành càng thêm khí thế, cảnh núi mùa xuân đã đẹp lại càng thêm đẹp hơn. Bên kia làng Đồng Sen cũng tổ chức tế lễ ở đền Hạ, tuy không rước sách nhưng khách đến lễ hội rất đông.
Dưới làng trên núi tấp nập, từng tốp, từng tốp đến vui hội, xem trò. Các trò chơi dân gian ở hội núi Dành như đấu vật, chọi gà, hát ví, hát ống…Ngày nay có thêm các trò vui như bóng đá, bóng chuyền…
Ngày xuân đi hội núi Dành ai cũng hồ hởi, phấn khởi bởi mỗi người đến hội không chỉ để lễ đền cầu may, cầu phúc, cầu cho dân an vật thịnh … mà còn được leo núi, du xuân ngắm nhìn phong cảnh quê hương Bắc Giang hiện lên như gấm, như hoa. Vì thế núi Dành có thơ rằng:
Núi Dành mây bao che
Chùa cổ trong tùng bách
Sông Thương nước vòng quanh
Xóm làng khói thấp thoáng
Chống gậy lên đỉnh núi
Xem ngắm cảnh gấm hoa
Gió đưa tình ngoạn mục
Chiêng trống giục trẻ già
Buổi sớm mặt trời lên
Đồng quê xanh sắc lúa
Bên núi đề thơ xuân
Gửi khách về hội Dành./.
Chính vì thế, đền Dành đã được UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng là di tíchLịch sử - Văn hoá năm 2006.
Trong vùng đất Chung Sơn còn có các di tích khác cũng to đẹp, bề thế không kém như chùa Phán Thú. Chùa Phán Thú hay còn gọi là Long Sơn tự là một ngôi chùa cổ thuộc xã Việt Lập, huyện Tân Yên, nơi sinh ra vị quan triều Lê có tên là Giáp Văn Phán, ông là người có công trong việc xây dựng chùa Phán Thú. Hiện nay, chùa Phán Thú toạ lạc trên đồi con Phượng. Đây là một ngọn núi có hình một con chim Phượng đang ngoạm phong thư mà chùa Thú chính là diều của con Phượng. Thế đất đẹp ấy được ghi lại trên cây hương đá có niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11(1715) dựng trước chùa: “Nơi đây có địa thế thật kỳ quan, vốn là nơi danh lam cổ tích. Trước chùa có chim Phượng lượn bay, có dòng nước chảy quanh năm. Thế đất đẹp như viên ngọc quý. Đằng sau có chim Yến xoè đuôi, núi Thanh Long đứng sừng sững tựa như rồng xanh uốn khúc chầu về. Phía Bắc có con rùa với dáng vẻ hào hùng quay đầu về bảo vệ. Bởi vậy mới dựng cột đá thiên đài để ngày đêm thắp hương cầu niệm…”. Theo nội dung bức kệ gỗ có niên đại Cảnh Hưng thứ 44 (1784) cũng ghi rằng: “Chùa Phán Thú từ phía trước đến phía sau chùa có hình con chim Phượng sải cánh lượn bay, những cây tùng xanh toả rộng đẹp như hoa. Tiếng chuông chùa vang khắp mọi miền, phong cảnh đẹp nhất vùng rất linh thiêng. Ai đến ngắm phong cảnh cũng thấy thêm phúc, thêm thọ”.Thực là các cụ xưa rất khéo chọn thế đất để xây dựng chùa thêm lợi cho việc mở hội và tham quan vãn cảnh. Hội chùa Thú có nhiều trò chơi dân gian độc đáo, đặc biệt là hội thi đua ngựa và thả diều vào mùa xuân. Chùa Phán Thú năm 2004 đã được UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng là di tích Lịch sử - Văn hoá. Ngoài ra, nơi đây còn có các di tích khác như đình, chùa Lãn Tranh, lăng quan Thái Bảo…cũng là những di tích tiêu biểu của vùng đất Chung Sơn đã được Nhà nước quan tâm, bảo vệ.
Nơi đây thực là chỗ sơn thuỷ hữu tình, núi cao cảnh đẹp linh khí hội tụ. Đến thăm vùng đất Chung Sơn hôm nay, ta thấy nơi đây đang như một chồi non nảy lộc trong tiết xuân ấm áp. Ai đã một lần tới nơi đây, được leo núi ngắm cảnh chắc thầm nhủ mình sẽ nhớ mãi không quên nơi này. Một vùng đất đẹp và lung linh luôn soi mình bên dòng sông Thương thơ mộng.
(Theo Tạp chí Sông Thương số 3-2009)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét