Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Thăm sào huyệt cuối cùng của chế độ ngụy quyền


(Du lịch) - Dinh mới được chính quyền Sài Gòn đặt tên là Dinh Độc Lập (hay còn có tên khác là Phủ Đầu Rồng , Phủ Tổng thống). Dinh được đưa vào sử dụng chính thức vào ngày 31/10/1966. Trong các đời tổng thống  chế độ cũ, Nguyễn Văn Thiệu là người đứng đầu  có thời gian nắm quyền lâu nhất trong Dinh (từ tháng 10/1967 - 21/4/1975).Ngày 27/02/1962, phe đảo chính đã cử hai viên phi công quân đội Sài Gòn là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc lái 2 máy bay AD6 ném bom làm sập toàn bộ phần chính cánh trái của Dinh. Do không thể khôi phục lại, Ngô Ðình Diệm đã cho san bằng và xây một dinh thự mới ngay trên nền đất cũ theo đồ án thiết kế của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - người Việt Nam đầu tiên đạt giải Khôi nguyên La Mã.Ngô Ðình Diệm quyết định khởi công xây dựng Dinh ngày 01/7/1962. Trong thời gian xây dựng Dinh mới, gia đình Ngô Ðình Diệm tạm thời chuyển sang sống tại Dinh Gia Long (hiện nay là Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh). Công trình đang xây dựng dở dang thì Ngô Ðình Diệm bị phe đảo chính giết chết ngày 02/11/1963
Bằng chiến thắng vĩ đại của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - Xuân 1975, 11 giờ 30 phút ngày 30/4 /1975, lá cờ cách mạng đã được kéo lên nóc Dinh Độc Lập và đại diện quân giải phóng tiếp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ nguỵ quân, nguỵ quyền Sài Gòn.
Phòng làm việc của Nguyễn Văn Thiệu lúc bấy giờ
Hệ thống máy móc trong dinh độc lập
Bản đồ tác chiến của chế độ cũ
Chiếc máy bay chiến đấu F5E do Mỹ sản xuất và trang bị cho quân đội Sài Gòn cũ được phi công phản chiến Nguyễn Thành Trung  được  ta  bố trí hoạt động trong lực lượng không quân địch sử dụng để ném bom xuống Dinh Độc Lập lúc 8 giờ sáng ngày 8/4/1975, nay được trưng bày trong khuôn viên Dinh để du khách tham quan, tìm hiểu.
Từ phòng Đại yến, du khách có thể đi lên để tham quan các phòng ở trên hoặc xuống dưới các tầng hầm, là nơi làm việc, họp bàn tình hình chiến sự.
Bản đồ chiến sự mà chế độ cũ thường dùng trong một tầng hầm
Phòng vui chơi của các sĩ quan tướng, tá ngụy quyền trong dinh
Một số thiết bị máy móc phát thanh được đặt dưới tầng hầm
Bàn làm việc của tổng thống ngụy thời điểm đất nước còn chiến tranh
Cận cảnh con báo hoa tại phòng làm việc của  Thiệu
    Bản sao chiếc xe jeep lùn, chở Dương Văn Minh đến đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng.
Lá cờ, con dấu và huân huy chương thứ hạng cao của chế độ cũ mà bộ đội ta thu được trong Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975 hiện được trưng bày tại phòng triển lãm chính đặt ở tầng 1 trong Dinh
Phòng ngủ của tổng thống ngụy quyền trong tầng hầm khi có biến cố xảy ra
Phòng tiếp khách trong nước của các đời tổng thống ngụy quyền trong những năm đất nước chưa giải phóng
Phòng đại yến
Chiếc Mercedes mà Thiệu thường dùng
Quà tặng, chiến lợi phẩm của sau những giờ đi săn của tướng, tá ngụy
Chiếc máy bay cùng loại với máy bay Nguyễn Văn Thiệu thường dùng
Lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh
   Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền ngụy Sài Gòn đầu hàng quân giải phóng ngày 30/4/1975.
Ngày nay, du khách có thể thoải mái đi lên đỉnh cao nhất của dinh để ngắm nhìn thành phố sau những ngày giải phóng
Hàng ngày có hàng ngàn lượt người tới thăm và tìm hiểu lịch sử cách mạng Việt Nam và lịch sử chiến dịch Hồ Chí Minh xuân 1975 tại Dinh Thống Nhất hôm nay. 

Minh Phan (tổng hợp)




Những bóng hồng của dinh Độc Lập - Kỳ 1: Lệnh tử hình của bà cố vấn

Dinh Độc Lập (dinh Thống Nhất ngày nay) là trụ sở tối cao của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975. Nơi đây có những người đàn bà mà quyền lực của họ đôi khi còn hơn cả tổng thống...

Dinh Độc Lập đã từng bị một nhóm sĩ quan Sài Gòn nổi dậy, kéo quân về bao vây, nổ súng âm mưu lật đổ chế độ gia đình trị của Ngô Đình Diệm nhưng thất bại và bị bà Ngô Đình Nhu đòi "giết sạch"...
Bà Ngô Đình Nhu (Trần Lệ Xuân) gọi nhóm sĩ quan trên là "bọn phản nghịch" gồm: trung tá Vương Văn Đông, trung tá Nguyễn Triệu Hồng, thiếu tá Nguyễn Huy Lợi, thiếu tá Phạm Ngọc Liễu, thiếu tá Nguyễn Kiên Hùng, đại úy Nguyễn Tiến Lộc... Đó là những người được giao nắm trong tay một số lực lượng không nhỏ tại Trung tâm huấn luyện Quang Trung, chỉ huy các tiểu đoàn thủy quân lục chiến, pháo binh và nhảy dù. Họ bất mãn trước việc tổng thống Ngô Đình Diệm thâu tóm quyền hành vào gia đình mình, như Ngô Đình Cẩn thành "lãnh chúa miền Trung", Ngô Đình Nhu làm cố vấn tổng thống và ngao ngán nhất là "bà cố vấn Ngô Đình Nhu" thọc tay vào chính trường, xem người dưới quyền chồng mình chẳng ra gì và đã bị báo chí nước ngoài đặt cho hỗn danh "Rồng cái". Đầu tiên, nhóm sĩ quan âm mưu lật đổ Diệm tỏa quân khống chế Đài phát thanh Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, chiếm giữ hoặc uy hiếp các cơ quan trọng yếu như Bộ Tổng tham mưu, trụ sở quốc hội từ sáng ngày 11.11.1960, rồi bao vây dinh Độc Lập. Đại tá Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh lữ đoàn nhảy dù, chỉ huy quân đảo chính, đã ra lệnh bắn súng cối và nã đại liên trực diện vào dinh.
Để đối phó, Ngô Đình Diệm dùng kế hoãn binh, đề nghị cùng phe đảo chính đàm phán để lập chính phủ mới, nhưng thực chất nhằm kéo dài thời giờ gọi viện binh giải cứu. Đến chiều hôm ấy, đáp ứng lời kêu gọi của ông Diệm, đại tá Trần Thiện Khiêm đã chỉ huy các cánh quân tiến về Sài Gòn phá được vòng vây quân đảo chính tại vùng Phú Lâm, tiến thẳng về phía dinh. Tiếp đó, các lực lượng hải quân, lục quân, thiết giáp lần lượt tiếp cứu. Quân đảo chính rút chạy, đại tá Nguyễn Chánh Thi và trung tá Vương Văn Đông cùng một số sĩ quan khác vào phi trường Tân Sơn Nhất gặp Nguyễn Cao Kỳ (lúc bấy giờ là thiếu tá không quân) để nhờ giúp đỡ. Thi nói: "Kỳ, chúng tôi đã thất bại! Chúng tôi phải thoát khỏi nơi đây bằng không thì Diệm sẽ chém đầu chúng tôi".
Kỳ tỏ ra hảo hớn, không bỏ rơi "anh cả đỏ" trong cơn nguy biến và hào phóng đưa một chiếc máy bay DC3 cho đại tá Thi trốn đi. Sau này, Nguyễn Cao Kỳ viết trong hồi ký: "Tôi muốn giúp đỡ họ, lúc nào nhảy dù (Thi) và không quân (Kỳ) cũng rất thân thiết với nhau vì tính chất của công việc làm. Thế nhưng, tôi không thể nào đích thân lái máy bay chở họ đi vì nếu làm thế, tôi sẽ không bao giờ trở lại Việt Nam được. Thế là 15 người trong nhóm âm mưu đảo chính đã thoát đi trên máy bay do đại úy Phan Phụng Tiên lái. Và dĩ nhiên là tôi không bao giờ lấy lại được chiếc máy bay đó và Diệm đã tỏ ra nghi ngờ". Phe Thi bắt giữ trung tướng Thái Quang Hoàng "tư lệnh biệt khu thủ đô" để làm con tin. Dinh Độc Lập lệnh cho hai phi cơ khu trục đuổi theo chiếc máy bay của nhóm Thi xem họ đi về hướng nào. Đến biên giới Campuchia, bắt kịp Thi, hai khu trục cơ điện về xin chỉ thị dinh Độc Lập có nên bắn hạ hay không. Lúc đó, Nguyễn Khánh nghe bà Ngô Đình Nhu đứng bên cạnh la lên: "Bắn rơi chiếc máy bay đó đi. Giết hết tụi nhảy dù phản nghịch!". Khánh không đồng ý với bà Nhu, bảo bà ta với giọng bực dọc: "Tôi là tư lệnh ở đây. Xin bà để tôi quyết định", rồi ông Khánh lệnh cho hai khu trục cơ quay về Sài Gòn. Qua đó, dư luận trong quân đội bàn tán là "lệnh tử hình" lúc ấy do bà Nhu tự ý "ban ra" không cần hỏi ý kiến của tổng thống Diệm và chồng bà là cố vấn Ngô Đình Nhu, cho thấy bà Nhu đã lấn lướt, lộng quyền lắm.
Thái độ kênh kiệu trên được nhắc đến trong hồi ký chính trị của Đỗ Mậu, nguyên thiếu tướng Giám đốc an ninh quân đội Sài Gòn một thời, với những dòng phê phán và nhận xét rằng: thực tế đời sống gia đình ở miền Nam không thể áp dụng luật đó được. Song luật trên vẫn được Ngô Đình Diệm ban hành năm 1959, đánh dấu rõ nét ảnh hưởng của bà đối với ông Diệm không phải nhỏ và không phải một lần đó. Lần khác, trong một bữa ăn sáng vào thời điểm phong trào đấu tranh Phật giáo lên cao, bà Nhu đã nặng lời trách móc ông Diệm trước mặt một người nước ngoài, rằng: "Anh đã đánh tan Bình Xuyên, đánh bại Hòa Hảo, dẹp yên nhảy dù của bọn Nguyễn Chánh Thi, mà bây giờ anh lại chịu thua mấy tên nhà sư không có một tấc sắt trong tay. Anh là đồ hèn. Anh là con sứa!".
Câu ấy không chỉ chứng tỏ cách ăn nói ngông nghênh, lên mặt của một "đệ nhất phu nhân", mà còn cho thấy vai trò và thái độ quyết liệt của bà trong chủ trương đàn áp Phật giáo của nhà Ngô - với việc nổ súng giết hại phật tử trong lễ Phật đản đẫm máu năm 1963… (Còn tiếp)
Trước sự kiện đòi giết hết "nhóm phản nghịch", bà Trần Lệ Xuân cũng đã tìm cách khuynh loát quyền lực ở dinh Độc Lập rồi. Như năm 1957, bà đã soạn Luật Gia đình số 1/59 trình bày trước quốc hội biểu quyết. Không ít dân biểu lên tiếng không đồng ý vì những nội dung không phù hợp với sinh hoạt của gia đình Việt Nam cũng như tình hình xã hội thời ấy, như cấm ly dị, cấm lấy nhiều vợ, truất phế quyền lợi con ngoại hôn nằm trong 135 điều dự thảo. Nghe những dân biểu phản bác, muốn giữ lại một số quyền cho người chồng trong gia đình, thì bà Nhu tỏ thái độ bực tức, ngang nhiên bỏ phòng họp quốc hội ra về.

Những bóng hồng của dinh Độc Lập - Kỳ 2: Lễ Phật đản đẫm máu

Bà Trần Lệ Xuân biểu diễn bắn súng ngắn - ảnh: T.L

Trần Lệ Xuân xuất thân từ một gia đình phật tử danh giá. Khi kết hôn với Ngô Đình Nhu năm 1943, bà cải sang đạo Công giáo. Thân phụ bà là luật sư Trần Văn Chương, làm Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ, đã từ chức và lên tiếng trách bà nặng nề trong giai đoạn nhà Ngô ra tay đàn áp Phật giáo tàn bạo nhất vào năm 1963.

Năm ấy, vào lễ Phật đản, Ngô Đình Diệm từ dinh Độc Lập gửi công điện khắp nơi ra lệnh triệt hạ cờ Phật giáo xuống. Và đêm 8.5.1963, đã đưa xe tăng, cảnh sát đến nổ súng, ném lựu đạn giết hại phật tử tại Đài phát thanh Huế khiến làn sóng đấu tranh chống chế độ Diệm bùng nổ mãnh liệt. Một bác sĩ người Đức là Erich Wulff, lúc bấy giờ dạy học tại trường Đại học Y khoa Huế, tình cờ tận mắt chứng kiến biến cố bi thảm của đêm Phật đản đẫm máu trên và viết lại trong hồi ký - do Minh Nguyện trích dịch cách đây vài năm và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam giới thiệu qua tài liệu đặc biệt - khá chi tiết: “Lúc 9 giờ tối, số người lên đến khoảng 6.000 (trong khuôn viên của Đài phát thanh Huế) để chờ nghe buổi phát thanh đặc biệt hàng năm nhân ngày Phật đản nhưng nay đã bị cấm vào giờ phút chót”.
Giới quan sát chính trường lúc bấy giờ bàn luận về lệnh cấm trên, cũng như lệnh triệt hạ cờ Phật giáo, là do anh em Tổng thống Diệm chủ trương với sự tác động của Trần Lệ Xuân. Trong lúc ông Diệm và Nhu tìm cách đối phó với sự biến ở Huế, thì bà Nhu tỏ ra lạnh lùng phát biểu: “Phớt lờ đi là xong!”. Nhưng dư luận và lòng phẫn uất của Phật tử “không xong” được vì máu đã chảy như tường thuật của Erich Wulff: “Đêm ấy, chúng tôi nghe có tiếng ầm ầm của một đoàn xe thiết giáp. Có tất cả năm xe thiết giáp xuất hiện. Một chiếc tìm cách đi thẳng vào khuôn viên của Đài phát thanh. Trên xe thiết giáp có kẻ dòng chữ trắng mang tên Ngô Đình Khôi (là tên người anh cả của ông Diệm). Những phát đạn đầu tiên được bắn ra từ nòng súng của xe thiết giáp; khoảng chừng mười phát nổ vang khô khan, tôi có thể nhìn thấy rõ ngọn lửa phát ra từ họng súng (...) Một loạt súng trường bắt đầu nhả đạn...”.
Nhận xét về Trần Lệ Xuân, tướng Vũ Ngọc Nhạ - Cụm trưởng Cụm tình báo A22 hoạt động ngay trong dinh Độc Lập từng nói: “Đây là người đàn bà đáng sợ nhất trong gia đình họ Ngô”. Vì theo tướng Nhạ, Ngô Đình Cẩn không được học hành nhiều, lại đa nghi, song có lúc cả tin. Ngô Đình Nhu thâm trầm, nguy hiểm, song chủ yếu là kiến giải trên sách vở chứ ứng dụng thực tế có lúc sai lệch. Ngô Đình Diệm giữ nguyên tắc hành động và lối sống cố thủ. Riêng Trần Lệ Xuân học trường Tây từ nhỏ, quen lối suy nghĩ ngoài khuôn phép phương Đông, bạo mồm bạo miệng đến độ vô lễ, dám gọi các nhà sư là “bọn trọc đầu” (có lúc gọi các cha cố là “quạ đen”) và có cặp mắt sắc sảo, soi mói.
Lựu đạn cũng đã nổ dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đặng Sĩ - một sĩ quan trung thành và quá khích của nhà Ngô. Hôm sau, ngày 9.5, cuộc biểu tình tố cáo chính quyền Ngô Đình Diệm tàn sát phật tử nổ ra tại Huế. Tiếp đó, ngày 10.5, tại chùa Từ Đàm giăng nhiều biểu ngữ, trong đó có hai nội dung: “Chúng tôi đã quá biết ai giết chúng tôi” và “Đả đảo hành động sát nhân, vu khống”. Sở dĩ nêu như vậy vì nhà Ngô đổ lỗi “Việt Cộng ném lựu đạn” nên phải vạch rõ và lên án thủ phạm là chế độ Ngô Đình Diệm, trong đó có Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân.
Sau đó khi Erich Wulff được phép vào bệnh viện thì cảnh thương tâm bày ra trước mắt ông. Đó là cảnh những phật tử nạn nhân của cuộc đàn áp được cấp tốc chở vào nhà xác: “Nhà xác nằm bên cạnh nhà thương điên và do những lao công của nhà thương này canh gác. Dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn bạch lạp, chúng tôi thấy có bảy thân người đầy máu me được đặt trên ba bàn khám nghiệm bằng đá. Từ chân đến ngực cơ thể họ còn nguyên vẹn. Nhưng năm cái xác - tất cả là trẻ em - thì không còn đầu. Các xe thiết giáp đã bắn nát đầu các em thiếu nhi, có lẽ vào lúc các em leo qua hàng rào của Đài phát thanh và nhô đầu ra trước. Nếu như các em khôn ngoan như người lớn, tức là nằm xuống dưới đất lúc súng đạn bắt đầu nổ, thì chắc các em đã chẳng hề hấn gì. Cha mẹ của những người tử nạn đang thút thít khóc. Người cha của một em bé gái đã chết yêu cầu chúng tôi chụp hình những xác chết nhưng chúng tôi không mang theo máy hình. Khi tôi định quay đi, không muốn nhìn cảnh thê thảm này nữa, song tôi cũng chợt thấy bên cạnh cánh tay của một xác trẻ em không đầu có một con mắt dính vào với một ít da đầu, một mảnh xương trán...”.
Hai ngày sau, vào 12.5, Trần Lệ Xuân rất tức giận khi biết tin không chỉ người Phật giáo mà linh mục Lê Quang Oánh cùng với 9 linh mục khác thuộc khối Đồng Tâm gửi đến lãnh đạo Phật giáo bản “huyết lệ thư” phân ưu việc đau thương tại Đài phát thanh Huế và tán đồng quan điểm đấu tranh cho tự do tín ngưỡng đang bắt đầu bùng phát. Một loạt hoạt động tiếp đó như họp báo tại chùa Xá Lợi tố cáo trước dư luận trong và ngoài nước việc đàn áp, giết chóc, giam cầm phật tử của chính quyền Diệm trong 9 năm qua (16.5), trưng bày hình ảnh vụ thảm sát ngày 8.5 (tại chùa Ấn Quang - 17.5), cầu siêu cho phật tử “tử vì đạo” với hơn 1.000 tăng ni rước linh, cầu siêu, giương cao biểu ngữ viết bằng hai thứ tiếng Anh - Việt: “Tưởng nhớ những phật tử đã chết vì chính nghĩa ở Huế” (21.5), Hội nghị 11 tông phái Phật giáo về kế hoạch đấu tranh và thành lập Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo (25.5).
Để đối phó, Trần Lệ Xuân họp báo chỉ trích Phật giáo và gọi các đại đức, các thượng tọa, các vị hòa thượng là “sư hổ mang”. Lời lẽ xấc xược của Trần Lệ Xuân cũng như chủ trương đàn áp Phật giáo của Diệm - Nhu không thay đổi càng làm phong trào đấu tranh bùng nổ với những cuộc xuống đường liên tục làm rung chuyển Sài Gòn và vang động tới tận tòa Bạch Ốc bên Mỹ.

Những bóng hồng của dinh Độc Lập - Kỳ 3: Mật lệnh về “Kế hoạch nước lũ”

Gia đình Ngô Đình Nhu - Ảnh:T.L

Sau khi hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, Trần Lệ Xuân càng trở nên giận dữ và kế hoạch đàn áp chùa chiền khắp miền Nam được tiến hành ráo riết hơn.

Bà Nhu là em dâu tổng thống, là “đệ nhất phu nhân”, dân biểu Quốc hội, thủ lĩnh Phong trào Phụ nữ liên đới, đã cho xây dựng tượng đài Hai Bà Trưng ở Công viên Mê Linh có gương mặt giống bà và con bà (Lệ Thủy). Bà lệnh cho cơ quan Việt Tấn xã dùng danh xưng “bà Ngô” trên các bản tin, nhưng Giám đốc Việt Tấn xã là Nguyễn Thái (qua Mỹ sau 1975) phân tích danh xưng ấy có thể gây hiểu lầm nên thôi. Song sau đó, hai tiếng “bà Ngô” vẫn dùng trong thông báo chính thức về chuyến viếng thăm Ma-rốc của ông bà Nhu (vào tháng 6.1961) khiến người ta dị nghị và hiểu lầm “bà Ngô” là vợ của Tổng thống Diệm theo đúng cung cách ngôn ngữ ngoại giao!
Ai cũng biết bà Nhu muốn biến lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng hằng năm thành lễ “quốc khánh thứ hai” của chế độ Sài Gòn, bà Nhu ngồi trên ghế bành bọc gấm vàng (như ghế dành cho ông Diệm) với tất cả nghi lễ quân cách của ngày quốc khánh - chỉ còn thiếu 21 phát đại bác thôi. Theo tướng Đỗ Mậu, sở dĩ bà làm như thế là do bà mang trong mình “một tâm hồn phương Tây nổi loạn mà bà tưởng là cách mạng tiến bộ...”. Vì thế, bà đứng ra trả lời phỏng vấn của các nhà báo Âu Mỹ và nói thẳng tuột rằng: “Tôi theo Tổng thống Ngô Đình Diệm để cứu ông (Diệm). Vì phụ nữ thì đã ngả theo tôi (ý nói bà là thủ lãnh Phong trào Phụ nữ liên đới nên phái nữ nghiêng theo bà). Chồng tôi (ông Ngô Đình Nhu) có tổ chức Thanh niên cộng hòa ủng hộ. Còn ông Ngô Đình Cẩn có tay chân thân tín ngoài Trung...”. Nói như thế, bà Nhu muốn thông qua báo New York Times để nhấn mạnh đến vai trò cũng như sự cộng tác trung thành của bà đối với tổng thống.
Tuy vậy, không ít lần bà đã qua mặt ông Diệm. Chẳng hạn, khi cuộc đấu tranh của Phật giáo nổ lớn, bà bàn với ông Ngô Đình Nhu gọi trung tá Trần Thanh Chiêu, Tổng giám đốc Dân vệ đoàn, vào gặp vợ chồng bà để trao nhiệm vụ khuấy động chùa Xá Lợi bằng cách dẫn mấy trăm thương phế binh tới đó nằm lăn ra, tung truyền đơn nói xấu nhà chùa. Mỗi thương phế binh do Chiêu tập hợp thực hiện chuyện tệ hại ấy nhận công 2.000 - 5.000 đồng lúc bấy giờ. Khi hay tin, ông Diệm rất tức giận, gọi Nguyễn Đình Thuần, Tổng trưởng Quốc phòng, vào hỏi ai xúi làm việc đó trong lúc đang cần hòa giải với Phật giáo? Ông Thuần thưa rõ sự việc. Diệm  quát mắng và cách chức Trần Thanh Chiêu, phạt 40 ngày trọng cấm, lệnh giải ngũ ngay lập tức.
“Ông Ngô Đình Diệm, trong vai trò tổng thống, khi vừa nghe tin (hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu) đã rụng rời, rơi cả giấy đang cầm trong tay và đọc lời hiệu triệu... (nhưng) có người như bà Trần Lệ Xuân, vợ cố vấn Ngô Đình Nhu, Chủ tịch Phong trào Phụ nữ liên đới Việt Nam, trong tình cảm (và thói quen) riêng tư, khi nghe tin “lửa cháy... thân xác” liền nghĩ ngay đến món “thịt nướng” trong biệt thự sang cả của bà không hơn không kém !!! (Trong lúc đó) Cả thế giới nhìn về Việt Nam với nỗi kinh ngạc về sức mạnh tâm linh của một hiện tượng tôn giáo độc nhất vô nhị trên đời”.
Theo Thái Kim Lan(Tiến sĩ triết học, đang sinh sống và giảng dạy tại Đức)
Biết chuyện, bà Nhu cùng chồng tuy không ra mặt bênh vực Chiêu, nhưng âm thầm thông báo để vây cánh của họ “nhẹ tay” với Chiêu. Điều làm bà Nhu hậm hực là trước và sau sự việc trên hằng ngày không ngớt nhận những tường trình về làn sóng đấu tranh của Phật giáo dâng cao. Chẳng hạn, hơn 350 tăng ni từ chùa Xá Lợi kéo đến trụ sở Quốc hội đòi giải quyết 5 nguyện vọng: 1. Bãi bỏ lệnh cấm treo cờ Phật giáo. 2. Để Phật giáo hưởng chế độ hoằng pháp ngang hàng với Thiên Chúa giáo. 3. Chấm dứt bắt bớ, khủng bố phật tử. 4. Tự do truyền đạo. 5. Phải bồi thường gia đình các nạn nhân bị giết chết trong đêm đàn áp tại Huế. Hơn 1.000 tăng ni cùng lúc biểu tình qua đại lộ Lê Lợi, kéo về chợ Bến Thành. Các chùa từ sông Bến Hải đến Cà Mau đồng loạt gióng 9 hồi chuông trống Bát Nhã và tụng kinh cầu nguyện cho các phật tử chết trong đêm pháp nạn (30.5). Thanh niên Huế biểu tình đòi tự do tín ngưỡng bị ném lựu đạn cay (3.6). Tại Sài Gòn, hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt (tức ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng Tám bây giờ) vào gần trưa ngày 11.6 được ký giả tờ New York Times là David Halberstam tường thuật với những dòng ngưỡng mộ: “Lửa phủ khắp người, thân ngài từ từ khô quéo lại, đầu cháy nám, mùi thịt khét bay trong không khí, nhưng thân hình của ngài vẫn chìm trong lửa đỏ bất động thật đáng kinh ngạc hết sức. Phía sau tôi, tiếng khóc của những người từ xa kéo đến mục kích lần lần nức nở. Tôi cũng xúc động quá nhưng không khóc nên tiếng, quá bàng hoàng để ghi chép tại chỗ hoặc hỏi một câu nào đó, quá bối rối không kịp suy nghĩ điều gì để nhìn thân thể của ngài chìm trong biển lửa. Lửa cất cao nhưng ngài ngồi yên, không nhích động, không một tiếng rên la, toát lên phong thái trầm tĩnh khác hẳn với những người đang òa khóc xung quanh...”.
Bà Nhu hết sức bực tức vì các bài tường thuật của báo nước ngoài, trong đó có bài của Malcolm Browne cũng như bức ảnh nổi tiếng của Browne về phút giây Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân. Ảnh đó được báo chí các nước trên thế giới in ra phổ biến hàng triệu tấm. Sau này, người ta biết lúc Henry Cabot  Lodge đến gặp Tổng thống Kennedy để nhiệm chức đại sứ tại Việt Nam (vào những ngày tàn của triều Ngô), ông ta thấy trên bàn làm việc của Kennedy để sẵn bức ảnh của Browne chụp Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu. Thế giới bàng hoàng biết thêm trái tim Thích Quảng Đức vẫn không bị thiêu cháy, trở thành xá lợi vĩnh viễn được phật tử tôn thờ.
Nghe vậy, thái độ của anh em ông Diệm - Nhu và Trần Lệ Xuân ra sao? Tài liệu do hòa thượng Thích Thông Bửu phổ biến tại hội thảo chuyên đề về Bồ tát Quảng Đức - ngọn lửa và trái tim cách đây không lâu, cho biết: “Láo xược nhất của Ngô triều là bà cố vấn Ngô Đình Nhu đã thốt lên nhiều câu khó nghe. Như câu “Trưa nay giữa thành phố có một cuộc nướng sư”, hoặc sau khi bác sĩ Trần Kim Tuyến - trùm mật vụ triều Ngô - nhận lệnh Tổng thống Diệm đến chùa Xá Lợi khám nghiệm quả tim, lúc về đề nghị hòa với Phật giáo, vì Phật giáo có quả tim bất diệt, bà Nhu quát mắng bác sĩ Tuyến và Tổng thống Diệm với những lời lẽ khiếm nhã: “Anh Diệm và chú Tuyến là những người không biết sỉ nhục; anh và chú có đầu hàng bọn trọc đầu thì hàng một mình, vợ chồng tôi không hàng!”. Để chứng tỏ, Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân bí mật phát lệnh thực hiện cao điểm “Kế hoạch nước lũ” đưa cảnh sát tràn lên vây bắt, đánh đập, bắt giam tăng ni và triệt hạ chùa chiền khắp các tỉnh miền Nam.

Những bóng hồng của dinh Độc Lập - Kỳ 4: Hồi chuông báo tử

Trần Lệ Xuân tổ chức lực lượng phụ nữ bán quân sự - Ảnh: Tư Liệu 

Theo mật lệnh của chính quyền Sài Gòn, cao điểm của “kế hoạch nước lũ” là cùng lúc đồng loạt tấn công, lục soát, bắt bớ tăng ni toàn miền Nam vào đêm 20.8.1963.

Đêm ấy bà Trần Lệ Xuân “đích thân lái xe, mặc trang phục cảnh sát dã chiến đến chỉ đạo, theo dõi cuộc tấn công chùa Xá Lợi vào nửa khuya nhằm tiêu diệt bộ phận đầu não của lãnh đạo Ủy ban liên phái Phật giáo”. Đó là ghi nhận của cuốn Biên niên sử Phật giáo Gia Định - Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh do các ông Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Hiền Đức, Trương Ngọc Tường, Cao Quảng Văn biên soạn. Tài liệu này cũng cho biết đêm 20.8, tại Sài Gòn, các chùa Ấn Quang, Kỳ Viên, Giác Minh, Từ Nghiêm, Từ Quang, Phổ Quang... đều bị công an mật vụ của Diệm - Nhu tràn ngập, vây đánh. Riêng ở chùa Xá Lợi, hồi ký chưa xuất bản của hòa thượng Thích Trí Quang, một trong những vị trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh, có đoạn: “Nói Sài Gòn mà chỉ nói Xá Lợi cũng đủ để hình dung tất cả.
Quân đội vòng ngoài, cảnh sát lái xe tải chờ sẵn, rồi lực lượng đặc biệt có công an phụ lực, tấn công vào chùa lúc 11 giờ đêm. Đạn thật, đạn giả, lựu đạn cay, phi pháo, rồ lên loạn xạ. Dùi cui và búa được dùng để đập phá cửa ngõ của chùa, đánh vào đầu, vào ngang lưng của tăng ni Phật tử. Chết chóc cũng có, bất tỉnh nhiều nhất, nhiều hơn nữa là lỗ đầu, u trán, sưng mặt, vẹo người, què tay chân. Khói lựu đạn cay và thuốc súng xông lên, bám hay xém vào y áo tăng ni Phật tử mà sau đó mười ngày (chở về giam) ở Rạch Cát mà vẫn còn nồng nặc. Các thầy Tâm Châu, Thiện Hoa, Hộ Giác, Đức Nghiệp, Giác Đức, Chánh Lạc, cụ Chánh Trí, đều bị còng tay điệu ra, tống lên xe tải hay xe nhỏ.
Ngài Hội chủ Thích Tịnh Khiết một bên trán bị đỏ và sưng lên thấy rõ, cũng bị điệu ra, lên một xe riêng. Còn tăng ni Phật tử, Nam tông cũng như Bắc tông, thương tích máu me, y áo tơi tả, vừa bị đánh đập, vừa bị lôi kéo, tống hết lên xe tải, đậu từ Xá Lợi ra đến đường Hiền Vương (nay là đường Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM - NV). Đồ đạc Xá Lợi thì trên từ tòa sen của Phật xuống đến bất cứ cái gì, chúng nghi và ghét là đập phá. Chúng còn tịch thu, ăn cắp. May mà trước đó quả tim của ngài Quảng Đức và những gì trong tủ két đã được cụ Chánh Trí đưa gửi ngân hàng. Bản thảo một cuốn sách của tôi đang sửa chữa cũng được gửi theo”.
Công an, cảnh sát khi tấn công chùa Xá Lợi đã giở họa đồ đem theo để tìm chỗ trú của hòa thượng Thích Trí Quang ở tầng tháp, tìm đến đúng vị trí chỗ nằm, chỗ làm việc không sai. May là cách đó vài ngày vì đã nhường chỗ viết biểu ngữ chống Diệm - Nhu nên hòa thượng đã dời xuống hậu tẩm của chánh điện để ở nên thoát. Thoát là không bị truy hỏi đúng tên, đúng chức trách để “cách ly đặc biệt”, nhưng hòa thượng vẫn bị bắt trộn lẫn trong các tăng ni và bị đưa ra xe, chở về đồn Rạch Cát. Hòa thượng tìm cách thoát khỏi đồn, đến xin tị nạn chính trị tại Tòa đại sứ Mỹ. Sang ngày hôm sau 21.8, dư luận trong và ngoài nước rúng động khi hay tin “kế hoạch nước lũ” đã diễn ra trong bóng đêm.
Ngay hôm ấy, Bộ trưởng Ngoại giao của chính quyền Sài Gòn là ông Vũ Văn Mẫu đã xuống tóc, cạo trọc đầu để phản đối chính quyền Diệm. Ông Diệm lên đài phát thanh vu khống Phật giáo là Cộng sản, chùa chiền chứa vũ khí, đạn dược, tài liệu âm mưu lật đổ chính phủ. Ngày 24.8, sinh viên, học sinh ra tuyên ngôn tranh đấu ủng hộ Phật giáo, các trường học ở Sài Gòn - Gia Định đóng cửa bãi khóa. Ngày 25.8, một cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra trước chợ Bến Thành, cảnh sát kéo đến đông nghịt để ngăn chặn, đàn áp, làm nhiều người bị thương, 250 người bị bắt. Trong cuộc biểu tình ấy, cảnh sát đã bắn chết nữ sinh Quách Thị Trang; hồi ký của hòa thượng Thích Trí Quang viết: “Cháu Quách Thị Trang là nữ sinh trung học đệ nhất cấp, thuộc đoàn gia đình Phật tử Giác Minh.
Đêm hôm ông Diệm thiết quân luật (24.8) thì ngay sáng hôm sau cháu cùng một số Phật tử tức khắc trà trộn vào chợ Bến Thành, từ đó xông ra công trường trước chợ biểu tình. Cháu cầm biểu ngữ bằng tấm bảng, viết vội vàng: “Yêu cầu thả tăng ni Phật tử”. Cháu xông lên trước, hô lớn “phản đối đàn áp Phật giáo”, “đả đảo đánh phá chùa chiền”, cháu vừa hô vừa khóc. Phật tử cũng biểu tình, cũng hô, cũng khóc. Quần chúng trong chợ đổ ra, hô theo. Nhân viên công lực bấy giờ tàn bạo hết nói. Chúng có cái quyền “tiền trảm” mà không cần “hậu tấu”. Chúng bắn cháu chết tại chỗ, bắn ngay vào ngực của cháu. Rồi chúng bắn thật, bắn dọa, đánh đập hết cỡ, hành hung loạn xạ, vây bắt đem đi hết. Ở trong trại Rạch Cát ai nghe cũng ngậm ngùi, ứa nước mắt. Chỗ cháu bị bắn chết, sau này học sinh, sinh viên đặt tên là công trường Quách Thị Trang”.
Mức độ đàn áp theo kiểu “nước lũ” vẫn tiếp tục dâng cao trong những tuần tiếp đó. Giáo sư Cao Huy Thuần, giảng dạy tại Đại học Amiens (Pháp) ghi nhận: “Từ ngày 8.5 (pháp nạn ở Huế) đến đêm 20.8 (đỉnh cao “kế hoạch nước lũ”), chùa chiền trong khắp các thành phố lớn bị tấn công - các vị lãnh đạo Phật giáo cố giữ sự phản kháng trong bản chất thuần túy tôn giáo, về nội dung cũng như về hình thức. Về nội dung, họ chỉ đòi hỏi bình đẳng tôn giáo. Về hình thức, họ không làm gì khác ngoài biểu tình im lặng (bất bạo động), tuyệt thực, tự thiêu. Ở một chính thể khác, những nguyện vọng mà họ phát biểu có gì gay cấn đâu! Phật giáo, ở một nước có văn hóa Phật giáo truyền thống, mà đòi bình đẳng tôn giáo nghe lạ đời! Nghe ngược tai! Người Mỹ, thấy yêu cầu chẳng có gì khó chấp nhận, đã khuyên ông Diệm hãy làm một cử chỉ hòa hoãn để tình hình lắng dịu, hòng tiếp tục tiến hành chiến tranh. Họ bứt tóc bứt tai, thấy chuyện đó đối với họ sao dễ thế mà đối với ông Diệm sao kinh thiên động địa thế! Nói với ông Diệm như nước đổ đầu vịt”. Vì thế Bộ Ngoại giao Mỹ và cơ quan tình báo CIA đã lên tiếng.
Công văn và ghi chú của CIA (nằm trong các tài liệu mật được công bố sau này về giai đoạn trên) đã nhận định thẳng thừng: “Cách xử lý vấn đề (của Diệm - Nhu) phi lý, xuẩn ngốc, có khả năng khiến một biến cố địa phương ở Huế lớn lên thành một khủng hoảng chính trị. Nếu ông Diệm không đạt được một hòa hoãn nhanh chóng với Phật tử, vấn đề có thể gây ảnh hưởng trầm trọng đến sự ổn định chính trị và người Mỹ chúng ta sẽ phải xét lại toàn diện quan hệ với chế độ của ông ta”. Đó là tường trình gửi lên Chính phủ Mỹ, như một trong những hồi chuông báo tử đối với chế độ Diệm

Những bóng hồng của dinh Độc Lập - “Trái đắng” của hai dòng họ

Vợ chồng ông bà Trần Văn Chương và Thân Thị Nam Trân - Ảnh: T.L

Luật sư Trần Văn Chương (con trai của Đông các Đại học sĩ Trần Văn Thông) cùng vợ là bà Thân Thị Nam Trân (con gái của Đông các Đại học sĩ Thân Trọng Huề), đã từ Mỹ lên tiếng chỉ trích nghiêm khắc con gái mình (Trần Lệ Xuân)...

Ông Trần Văn Chương sinh năm Mậu Tuất (1898) tại Nam Định, lúc nhỏ học ở Hà Nội, sang Algérie du học 11 năm, rồi sang Pháp học đại học luật khoa và đỗ tiến sĩ luật năm 1922. Về nước, ông làm việc tại Tòa Thượng thẩm Sài Gòn từ năm 1925 - 1935, ra Hà Nội mở văn phòng luật sư tại nhà số 71 đại lộ Gambetta năm 1940. Chính ở Hà Nội, gia đình Trần Văn Chương đồng ý để Trần Lệ Xuân và Ngô Đình Nhu (lớn hơn Trần Lệ Xuân 15 tuổi) làm lễ cưới tại Nhà thờ Lớn do ông Ngô Đình Thục đứng ra chủ lễ, với sự có mặt của Đức cha Chaize và nhiều linh mục Pháp - Việt khác vào năm 1943.
Ông bà Trần Văn Chương không ngờ 20 năm sau (1963), lúc ông làm đại sứ tại Mỹ và bà Nam Trân làm Quan sát viên chính thức của chính quyền Việt Nam Cộng hòa tại Liên Hiệp Quốc, phải đón nhận những lời trách giận của người trong họ hàng vốn theo đạo Phật, lẫn bạn hữu trong giới trí thức người Việt ở nước ngoài, về những điều tệ hại do con ruột (Trần Lệ Xuân) và con rể (Ngô Đình Nhu) gây ra trong quá trình chống phá Phật giáo miền Nam, dẫn đến đổ máu và tai tiếng qua biến cố lễ Phật đản 1963 tại Huế. Thêm nữa, ông bà rất khổ tâm khi nghe các đài phát thanh quốc tế, đài BBC, đài VOA, đài Úc Đại Lợi, cứ lặp đi lặp lại phát biểu ngỗ ngược của Trần Lệ Xuân trước Tòa Đô chánh Sài Gòn trong lễ ra mắt Phụ nữ bán quân sự khóa III ngày 3.8.1963, rằng: “Tôi (Trần Lệ Xuân) sẽ còn đánh sư gấp 10 lần nữa” kèm theo bình luận không mấy hay ho. Ủy ban Liên phái Phật giáo gửi văn thư đến Tổng thống Ngô Đình Diệm phản đối Trần Lệ Xuân về những phát biểu trên, đặc biệt lưu ý tổng thống về sự lộng quyền của bà ngày càng lộ rõ.
Về con rể Ngô Đình Nhu, ông bà Trần Văn Chương thất vọng khi nghe các cơ quan thông tấn đưa tin Nhu công khai miệt thị các nhà sư là “cuồng tín” và “thiếu giáo dục” (!), vu khống đồng bào theo đạo Phật là Cộng sản “phá hoại an ninh quốc gia”. Nhất là sau đêm “nước lũ”, lực lượng đặc biệt và công an mật vụ do Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân tung ra đã bắt giam hàng nghìn tăng ni và đồng bào ủng hộ Phật giáo, đông nhất là Sài Gòn với 728 người, Huế 595 người... Những ngày tiếp đó, lùng bắt thêm 2.500 người nữa. Một số trí thức, gồm các giáo sư, khoa trưởng các trường đại học ở Sài Gòn hưởng ứng bãi khóa. Ở Mỹ, ông bà Trần Văn Chương quyết định bất hợp tác với chính quyền Sài Gòn, từ chức và điện báo cho Diệm - Nhu biết vào đêm 23.8.
Nhận tin, cả Ngô Đình Diệm lẫn cố vấn Ngô Đình Nhu đều bất ngờ, bối rối, chưa biết xử trí ra sao. Phần vì thái độ của một đại sứ ở Mỹ (như ông Trần Văn Chương) và một quan sát viên chính thức tại Liên Hiệp Quốc (của bà Nam Trân) hợp lại sẽ có sức “nhạy cảm” đối với thời tiết chính trị, là “phong vũ biểu” báo trước phần nào những thuận nghịch trong bang giao đặc biệt giữa Sài Gòn với Washington thời ấy. Phần vì ông Trần Văn Chương là cha rể của Ngô Đình Nhu, cha ruột Trần Lệ Xuân, sui gia với nhà Ngô, là “người trong nhà” mà nay công khai phản đối Diệm - Nhu như thế hết sức bất lợi. Đang lúc hai ông Diệm - Nhu chưa tìm ra cách ứng xử hữu hiệu, thì Trần Lệ Xuân đề nghị giải pháp xuyên tạc sự thật, bằng cách “sửa sai” hai chữ “từ chức” thành “bãi chức”, để đối phó với... cha mình!
Giải pháp ấy trong lúc cấp thời đã được chồng bà là Ngô Đình Nhu và Tổng thống Diệm đồng thuận. Liền đó, Trần Lệ Xuân thảo bản tin đưa cho Việt tấn xã với nội dung: “Ngày 23.8.1963, ông bà Trần Văn Chương có đánh điện xin từ chức nhưng trước đó hai tiếng đồng hồ, Bộ Ngoại giao (Sài Gòn) đã gởi điện tín cho ông Chương biết chính phủ Việt Nam Cộng hòa quyết định cách chức ông kể từ sáng ngày 23.8.1963 rồi - tức là trước khi ông bà Trần Văn Chương xin từ chức, như đài VOA đã loan tin hồi 20 giờ 35 ngày hôm đó. Trong tình trạng thiết quân luật, mọi điện tín đều bị quân đội kiểm soát, bởi vậy bức điện của Bộ Ngoại giao mới tới Hoa Kỳ sau bức điện của ông Chương gửi về Sài Gòn”. Việc “đánh tráo” để gỡ thể diện nêu trên đã có một số tài liệu nhắc đến, trong đó cuốn Trần Lệ Xuân - giấc mộng chính trường của Lý Nhân - Phan Thứ Lang (nhà văn Phan Kim Thịnh) ghi rõ: “Ai cũng biết Lệ Xuân bênh vực họ nhà chồng, nên bà bàn với Nhu cho đăng một bản tin của Việt Tấn xã nói về vụ luật sư Trần Văn Chương từ chức “cải chính” thành Chương bị bãi chức (...). Sở dĩ Lệ Xuân tức giận cha mình vì ông đã tuyên bố với báo chí bên Mỹ là con gái của ông thiếu văn hóa, vô lễ với tôn giáo, với các nhà tu hành. Giận cha mẹ, Lệ Xuân phát biểu lung tung thông qua Việt Tấn xã: “Trần Văn Chương - Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - bị chính phủ lột chức, một kẻ đã tự hào rằng theo Khổng giáo, đang tiếp tục tuyên truyền chống chế độ và phản bội con gái yêu tại Hoa Kỳ”. Hoặc: “đạo Khổng lấy điều trung làm trọng, và người theo đạo Khổng nếu không làm tròn trách nhiệm chúa mình giao phó thường tự xử bằng cách tự vẫn”. Ngôn ngữ trên nếu không được Trần Lệ Xuân và ông Nhu chỉ đạo thì đố ai dám viết công khai trên báo chí như thế. Song, chừng đó cũng chưa hả dạ, Lệ Xuân còn thông qua Việt Tấn xã vạch tội cha mình: “Trần Văn Chương - người có một tòa nhà tại Hoa Thịnh Đốn và một căn nhà tại Ba Lê, đã phản bội và bị cách chức đại sứ” (!)”.
Trước sự ngỗ ngược của con gái, ông bà Trần Văn Chương sau ngày từ chức vẫn tiếp tục lên tiếng công kích Diệm - Nhu, nghiêm khắc phê phán Trần Lệ Xuân vô lễ, mất tư cách và mất nhân tính (29.10). Về phía Bộ Ngoại giao Mỹ, không lâu sau đêm các chùa trên toàn miền Nam bị tấn công, đã phổ biến thông báo đặc biệt, phán xét: “Rõ ràng chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã có những biện pháp đàn áp khắt khe đối với các lãnh tụ Phật giáo Việt Nam. Hành động này là một vi phạm trực tiếp của chính phủ Việt Nam (Sài Gòn) vào lời cam kết theo đuổi một chính sách hòa giải với tín đồ Phật giáo. Hoa Kỳ phiền trách các hành động đàn áp nêu trên”. 

Những bóng hồng của dinh Độc Lập - "Phủ đầu rồng" đón những phu nhân mới

Sau ngày bị ném bom vào năm 1962, dinh Độc Lập được Tổng thống Diệm ra lệnh xây mới và sau khi hoàn thành, nơi đây thường được gọi là "Phủ đầu rồng"...

Dinh Độc Lập bắt đầu được xây cách đây hơn 140 năm, chính thức khánh thành năm 1883 với tên gọi dinh Norodom (dinh Thống đốc) là nơi làm việc và trú ngụ của nhiều đời toàn quyền Pháp tại Đông Dương. Đến năm 1954, đại tướng Paul Ely làm lễ trao dinh Norodom cho ông Ngô Đình Diệm.
Và sau đó, Tổng thống Diệm đổi tên dinh Norodom thành dinh Độc Lập với tuyên bố: "Dầu (tình cảnh nghiệt ngã) thế nào đi chăng nữa, tôi cũng sẽ sống chết trong khu nhà cổ kính này". Nhưng ông chỉ sống ở đó qua 8 năm, rồi buộc phải ra lệnh san bằng dinh Độc Lập để xây mới sau biến cố quân sự ngày 27.2.1962. Ngày đó, bà Trần Lệ Xuân và ông Ngô Đình Nhu đã thoát chết khi hai chiếc máy bay chiến đấu AD-6 xuất phát từ căn cứ không quân Tân Sơn Nhất bất thần lao đến tấn công dinh, ném bom và làm hư hại nặng phía trái của dinh.
Đỗ Mậu, nguyên thiếu tướng Giám đốc An ninh quân đội Sài Gòn, quan sát nơi bom thả, đã sớm nhận định: hai phi công bỏ bom chỉ muốn giết vợ chồng Ngô Đình Nhu chứ không có ý sát hại ông Diệm. Là vì, nơi bom thả chỉ nhằm vào chỗ ở của vợ chồng Nhu nằm phía trái dinh Độc Lập. Bà Trần Lệ Xuân chỉ bị xây xát nhẹ ở mặt do vôi gạch vỡ tung văng trúng, ông Nhu không hề hấn gì. Thực hiện vụ đánh bom là hai sĩ quan phi công Sài Gòn Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử.
Sau cuộc ném bom, ông Diệm dời phủ tổng thống sang dinh Gia Long (nay là Bảo tàng TP.HCM), để xây lại dinh Độc Lập theo thiết kế của kiến trúc sư khôi nguyên La Mã là Ngô Viết Thụ. Mãi đến năm 1966 mới hoàn thành dinh Độc Lập mới, với tên gọi bên lề là "Phủ đầu rồng" dưới thời Tổng thống Thiệu. Vì sao báo chí và công chúng gọi dinh Độc Lập mới là "Phủ đầu rồng"?
Câu trả lời liên quan đến việc xây hồ Con Rùa được những nhà nghiên cứu biên soạn cuốn Lịch sử Sài Gòn thời kỳ 1945 - 1975 do Cao Tự Thanh, Hồng Duệ, Hoàng Mai chủ biên, giải thích như sau: "Ông Thiệu lấy quốc huy là con rồng để thể hiện quyền uy sức mạnh như rồng của chính phủ Sài Gòn do Thiệu làm tổng thống (...). Cũng từ khi mang tên Phủ đầu rồng, các thầy tướng số lại tán rằng dinh Độc Lập là cái đầu của con rồng lớn, còn đuôi của nó kéo dài tới tận công trường Chiến sĩ ở ngã tư đường Duy Tân - Trần Quý Cáp (nay là khu vực giao lộ của các con đường Phạm Ngọc Thạch, Trần Cao Vân, Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM), muốn yên vị ở Phủ đầu rồng thì phải xây cái hồ chỗ công trường Chiến sĩ để "trấn yểm" đuôi con rồng, không cho nó quậy phá ảnh hưởng đến ngôi vị (chức tổng thống của ông Thiệu) ở đầu rồng.
Nghe lời, chính quyền Thiệu cho đập phá tượng đài Chiến sĩ trận vong của Pháp để lại, xây trên đó một cái hồ, trong đó có một con rùa bằng đồng nằm dưới chân tháp cao. Thế là chỉ sau mấy tháng, một công viên mới ra đời với một công trình kiến trúc lạ xuất hiện, làm chức năng "yểm quái, trấn quậy", yểm hộ cho người đứng đầu chế độ Sài Gòn, mong giữ yên nền cai trị của chính phủ đang ngự trị ở dinh Độc Lập" (sđd, tr.148).
Nơi cao nhất của dinh Độc Lập mới gọi là "Lầu tĩnh tâm", mà theo hồi ức của tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ, có tên chữ Hán "Thiên phương tĩnh tâm lâu", không bịt kín bằng cửa gương như nhiều phòng ở các tầng dưới, mà để thông gió, chung quanh chống đỡ bằng những hàng cột nhỏ.
Đứng tại đó nhìn bốn phía sẽ thấy Sài Gòn hiện ra với những đường phố dài, những dãy nhà nhấp nhô, ẩn hiện dưới lùm cây xanh ngắt: "Ý đồ của nhà kiến trúc (Ngô Viết Thụ) là muốn cho nhà lãnh đạo quốc gia sau giờ mệt nhọc vì việc nước, sẽ lên đây tìm giây phút thư thái khi phóng tầm mắt ra bốn phương trời, trong bầu không khí trên cao tĩnh lặng. Nhưng những viên tướng mới lên cầm quyền (Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ và cộng sự trẻ) tính tình còn hiếu động, ưa giải trí sau giờ làm việc bên bàn mạt chược hay bàn bi-da, hơn là đứng trầm tư ở một nơi chỉ có mình giữa trời với đất. Họ đã biến căn lầu này thành một sàn nhảy, dành cho những vũ hội trong dinh".
Từ đó, Lầu tĩnh tâm đón nhiều phu nhân các bộ trưởng, các viên chức cao cấp trong chính quyền Sài Gòn, cũng như vợ các tướng lĩnh mới được phong, đến bày những cuộc vui. Họ có mặt trong trang phục sang trọng bên cạnh phu nhân tổng thống Thiệu - mà ông Thiệu thường gọi thân mật, dân dã là "bà Sáu".
Chính ở đó, trong dạ tiệc, lúc vui miệng một số sinh hoạt kín đáo liên quan đến các "phu nhân" được ai đó lỡ lời nói ra, như hồi ký của Nguyễn Cao Kỳ chép rõ: "Nhiều bà vợ của những người đang có quyền lúc bấy giờ đã không cưỡng lại được sự cám dỗ của món tiền hối lộ khi họ có thể thuyết phục được chồng họ (với vị trí và quyền lực của người chồng) giúp đỡ bạn bè của họ, đặc biệt là trong vấn đề bắt quân dịch (đi lính đánh trận). Số tiền 100.000 đồng mà các bà vợ nêu trên nhận được mỗi khi họ giúp cho một người con (hoặc cháu) của bạn mình khỏi bị gọi đi lính - đã trở thành một giá tiền phổ biến đến mức mà các bà đánh xì phé lớn với nhau - mỗi khi đi tiền thêm, đã nói: "Tôi tố thêm một tân binh quân dịch (tức 100.000 đồng)!".
Cũng ở khu vực Lầu tĩnh tâm, Nguyễn Cao Kỳ đã đụng chạm với phu nhân Tổng thống Thiệu trong việc đi lại dinh Độc Lập bằng máy bay trực thăng riêng của ông (Kỳ). Bà Thiệu nói: "Cả nhà tôi không ăn, không ngủ được vì cái máy bay của ông Kỳ. Có thủ tướng, phó tổng thống nào (như ông Kỳ) lại tự lái máy bay đưa vợ, đưa bồ đi chơi, đi làm việc hàng ngày! Ông nhà tôi (Tổng thống Thiệu), đêm nào cũng phải làm việc khuya, sáng thường ngủ trễ, đang ngon giấc thì máy bay ông Kỳ tới ầm ầm ngay trên đầu. Tôi cũng sắp mắc bịnh thần kinh vì ổng! Trong khuôn viên thiếu chi chỗ hạ máy bay, mà cứ nhằm ngay xuống đầu người ta mà đáp!".
Những câu nói tương tự như trên của các phu nhân về mỗi việc riêng của họ không ít lần đã làm các ông chồng có vai vế trong dinh Độc Lập phải mệt mỏi lắng nghe, cùng lúc với tiếng súng giao tranh ở vùng ven đô Sài Gòn và những mệnh lệnh đột ngột mang tính áp đặt từ tòa Đại sứ Mỹ ngày ngày vang tới. 
Những bóng hồng của dinh Độc Lập

Những bóng hồng của dinh Độc Lập - Bà Mai Anh và những viên thuốc ngủ bọc đường

Ngô Đình Diệm bị bắn chết vào tháng 11.1963 - Ảnh: T.L

Một số chính khách lui tới dinh Độc Lập cho rằng bà Nguyễn Thị Mai Anh - phu nhân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu - là người biết cách ứng xử chừng mực, kín đáo. Bà là người luôn để ý chăm sóc hạnh phúc gia đình, vậy mà đã có lần bà lén bỏ thuốc ngủ vào thức uống của chồng...

Bà Mai Anh xuất thân từ một gia đình Công giáo giàu có và nổi tiếng ở miền Nam, trong khi gia cảnh ông Thiệu không lấy gì làm sung túc và ông lại là em út trong gia đình 7 anh chị em.
Từ nhỏ, ông Thiệu đã phải vất vả đi bán từng cái bánh ú, bánh đậu phụng ngào đường để kiếm thêm tiền sinh nhai. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, nhà ông thường nấu bánh tét để cúng tổ tiên theo tục lệ và tín ngưỡng của người theo đạo Phật ở Phan Rang. Sau khi ông và bà Mai Anh cưới nhau năm 1951, ông đã cải đạo sang Công giáo và từng nói với tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ tại dinh Độc Lập: “Tôi bao giờ cũng sẵn sàng nghe theo lời khuyến cáo của các cha”.
Là con chiên ngoan đạo, cả bà Mai Anh lẫn ông Thiệu đã lắng nghe thông điệp của Giáo hoàng Phao-lô đệ lục phát đi từ Vatican trước tình hình đàn áp Phật giáo của Diệm - Nhu lúc bấy giờ: “Giáo hoàng biểu lộ sự chú tâm và đau đớn theo dõi các biến cố bi thảm đương giày vò nhân dân Việt Nam, và giáo hoàng ngày càng lo âu, cầu nguyện cho tất cả mọi người (trong và ngoại đạo ở Việt Nam) sẽ sống trong mối hợp tác khoan dung và sự tương kính lẫn nhau về các quyền tự do tín ngưỡng và tình huynh đệ tương thân”.
Vợ chồng ông Thiệu cũng biết linh mục Lê Quang Oánh từng bày tỏ sự đồng tình với cuộc đấu tranh của Phật giáo qua quyết tâm thư gửi từ Đà Lạt: “Chúng tôi lên án “tội bất công” (của Diệm - Nhu) đã giết hại đồng bào vô tội. Thật là tàn bạo, dã man, phản dân chủ, phản tự do, phản đạo đức, làm nhục cho quốc thể Việt Nam cộng hòa”.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từng nghe người ta gán cho chế độ Ngô Đình Diệm từ "độc tài" hoặc "gia đình trị". Nhưng thật ra, dùng chữ "toàn trị" (totalitarisme) thì chính xác hơn (...). Là vì trong 9 năm cầm quyền (1954 - 1963), ông Diệm đã đưa toàn thể xã hội vào trong guồng máy của đảng Cần lao Nhân vị của Phong trào Cách mạng quốc gia, của Thanh niên cộng hòa, của Phụ nữ liên đới...

Mọi người dân và lãnh đạo của mọi cấp, thuộc dân sự cũng như quân sự, đều phải nằm trong một tổ chức nào đó, mà tổ chức ấy nếu không phải của ông Diệm lập ra thì là của ông Nhu, nếu không phải của ông Nhu thì cũng là của bà Nhu, nếu không phải của bà Nhu thì cũng là của ông Ngô Đình Cẩn, nếu không phải của ông Cẩn thì cũng là của ông Ngô Đình Thục, nếu không phải của một ông thì cũng là của nhiều ông, cả phần xác lẫn phần hồn...
GS Cao Huy Thuần
Cũng vậy, mục sư Donald Harrington trong buổi giảng tại thánh đường New York ở Mỹ đã phát biểu: “Người (bồ tát Thích Quảng Đức) đã làm cho mỗi người Hoa Kỳ phải đi tìm linh hồn của người và làm cho Chính phủ Hoa Kỳ biết rằng, trừ phi chính phủ Sài Gòn thực thi ngay quyền bình đẳng tôn giáo đối với Phật giáo, nếu không tất cả mọi viện trợ của Hoa Kỳ đều nên chấm dứt tức khắc”.
Trước thông điệp của Vatican và tinh thần ủng hộ Phật giáo, chống Diệm - Nhu của các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Sri Lanka, Miến Điện (Myanmar), Thái Lan, Hàn Quốc..., ông bà Nguyễn Văn Thiệu không khỏi suy nghĩ để chọn lựa một thái độ thích đáng. Nên khi đại diện của Hội đồng Quân nhân lật đổ Diệm - Nhu bí mật đến gặp để giao nhiệm vụ, ông Thiệu đã đồng ý hợp tác. Và với cương vị đại tá Tư lệnh sư đoàn 5 bộ binh đóng tại Biên Hòa, ông được chỉ định trực tiếp cầm quân đánh vào dinh Tổng thống của ông Diệm (dinh Gia Long).
Có thể nói, đó là mũi tấn công quyết định để kết thúc số phận của nền “đệ nhất cộng hòa” và sự sống còn của hai ông Diệm - Nhu (lúc này bà Trần Lệ Xuân đã ra nước ngoài). Có thể bà Mai Anh “chạnh lòng” phần nào đối với sinh mệnh của các ông Diệm - Nhu (?), và băn khoăn trước nhiệm vụ khó khăn của chồng mình, nên bà muốn trì hoãn việc tiến quân của chồng bằng cách bỏ thuốc ngủ vào thức uống của ông Thiệu.
Cách làm thô sơ này được TS Nguyễn Tiến Hưng, cố vấn của Tổng thống Thiệu, và Jerrold L.Schecter ghi lại trong hồ sơ mật “Từ tòa Bạch Ốc đến dinh Độc Lập” khá rõ: “Vào đêm đảo chính, nhiệm vụ của Thiệu là chiếm dinh Tổng thống. Vợ ông ta (bà Mai Anh) vì muốn bảo vệ chồng nên đã bỏ thuốc ngủ vào cà phê của chồng. Nhưng Thiệu vẫn thức dậy được và mặc dù không đứng vững nổi, ông ta đã đến đánh chiếm dinh Tổng thống, dầu hơi muộn màng. Vì lúc ấy, Diệm và Nhu đã đến chỗ lánh nạn ở Chợ Lớn, tại nhà một nhà buôn người Hoa tên là Mã Tuyên ở đường Đốc Phủ Thoại. Ngôi biệt thự đã được trang bị một hệ thống liên lạc khẩn cấp,  và một trong những máy điện thoại được nối với hệ thống điện thoại ở dinh Tổng thống để khi Diệm nói chuyện với các tướng trong đêm khuya thì họ không biết ông Diệm đã không còn ở  trong dinh nữa. Đội phòng vệ dinh Tổng thống đã tiếp tục chiến đấu suốt đêm mà không hề biết rằng lãnh tụ của họ đã ra đi”.
Khi ấy, ông Thiệu vẫn ra lệnh tấn công quyết liệt và chiếm dinh Tổng thống vào rạng sáng 1.11.1963. Khi tràn vào, quân của ông đã lùng sục lấy đi nhiều đồ cổ của ông Diệm, các chai rượu ngoại của ông Nhu. Đồ trang sức và trang phục của bà Trần Lệ Xuân, những thứ gì đem bán lấy tiền được đều bị vơ vét. Để đối phó, ông Thiệu ra lệnh dùng roi da đánh phạt những người lính bị bắt quả tang trong khi cướp bóc. Khi quay về trụ sở Bộ Tổng tham mưu và thấy chiếc xe bọc thép từ phía Chợ Lớn chạy về đậu trước sân, ông Thiệu cùng các sĩ quan cao cấp của Hội đồng Quân nhân đảo chính ra lệnh mở cửa sau của xe bọc thép, thấy lộ ra xác chết của hai ông Diệm và Nhu bị lỗ chỗ vết đạn và vết lưỡi lê đâm, “Thiệu sửng sốt, ngậm ngùi ngã mũ cúi chào trước hai thi thể”. Về sau này, ông Thiệu bảo: “Nếu khi tấn công vào dinh Gia Long, gặp anh em Tổng thống Diệm - Nhu, tôi sẽ đưa họ về trụ sở Bộ Tổng tham mưu trên một chiếc xe Jeep mui trần, như thế chẳng ai dám giết họ công khai như vậy”.
Khi đã là tổng thống, hằng năm vào ngày 1.11, ông Thiệu ra lệnh tổ chức lễ quốc khánh trọng thể khắp miền Nam như một “ngày hội quốc gia”. Cũng ngày đó, bà Mai Anh và ông Thiệu âm thầm tưởng niệm người đã khuất, như tài liệu TS Nguyễn Tiến Hưng và Schecter đã ghi: “Thiệu cùng vợ tổ chức riêng một lễ tưởng niệm Tổng thống Diệm ở đền thờ trong dinh Độc Lập và cầu nguyện cho linh hồn họ yên nghỉ. Cuộc lễ được linh mục riêng của Thiệu cử hành và ông linh mục đã hỏi  suy nghĩ của ông Thiệu (vào dịp lễ này) và nghe trả lời: “Chúng tôi cầu mong cho linh hồn của ngài (Ngô Đình Diệm) mau được lên thiên đàng và mong ngài sẽ cầu nguyện cho chúng tôi (Nguyễn Văn Thiệu và gia quyến, thuộc hạ) trong giờ phút khó khăn này. Như thế Thiệu đang an ủi cho Diệm trong thế giới bên kia và cầu nguyện cho cả Diệm lẫn... chính mình nữa”.
Vì sao vậy?
Những bóng hồng của dinh Độc Lập

Những bóng hồng của dinh Độc Lập - Khi Mai Anh ra đi...

Bà Mai Anh (áo dài hoa) trong một dịp tiếp xúc với người dân Chợ Lớn - Ảnh: T.L

“Cách duy nhất để hoàn thành cuộc đảo chính lật đổ Diệm là phải giết ông ta, nếu không ông ta sẽ len lách về vị trí cũ bằng năng lực chính trị của mình” - đó là nhận định của Schecter sau khi tham cứu nhiều nguồn tài liệu về Việt Nam sau ngày Diệm - Nhu bị bắn chết...

Ông Thiệu và vợ là bà Mai Anh đều rất lo sợ điều ấy sẽ một lần nữa ứng vào hoàn cảnh của họ. Nhất là vào những ngày căng thẳng trước khi ký Hiệp định Paris 1973, lúc Mỹ đang muốn rút khỏi cuộc chiến tại Việt Nam và muốn đàm phán thực chất với Hà Nội, thì Thiệu lại cho “quá trình đàm phán là quá trình thất bại”. Nghĩa là quan điểm của ông Thiệu có khác với Mỹ.
Điều đó Mỹ chẳng ưa gì và chắc hẳn sẽ chẳng ngần ngại trong việc “thanh toán” Thiệu khi cần, vào thời điểm thích hợp nào đó... Linh cảm điều ấy nên ông Thiệu bồn chồn, lo lắng, mường tượng lại cảnh hai ông Diệm - Nhu bị giết chết năm nào như một chuyên gia hàng đầu của Thiệu ở dinh Độc Lập thuật lại: “Cảnh tượng Diệm và Nhu nằm trên sàn chiếc thiết giáp M113 đã ám ảnh Thiệu. Ông ta luôn luôn ghê sợ sự mưu sát do Mỹ chủ mưu hoặc hỗ trợ. Việc lật đổ và sát hại anh em Diệm - Nhu cho Thiệu thấy rằng, nếu người Mỹ không hài lòng với một nhà lãnh đạo Việt Nam, thì họ sẽ loại trừ người đó không thương tiếc (...) Theo Lucien Conein thì các tướng Sài Gòn đã dự định đưa Diệm - Nhu đến vùng săn bắn của chính phủ ở Pleiku cho đến khi có máy bay (của Mỹ) đến đưa ra nước ngoài”.
Tôi biết bà Thiệu (Nguyễn Thị Mai Anh) đã chưng diện bằng kim cương làm ai cũng phải chú ý (trong mỗi lần dạ hội, dạ vũ, hoặc tiếp xúc) và riêng Tổng thống Thiệu đã xây một cơ đồ rất to lớn ở Pháp và Thụy Sĩ (...) Điều ấy chắc không làm tất cả phải kinh ngạc vì có lẽ hầu hết tổng thống tại các nước không ổn định luôn tìm cách kiếm ra tiền cho riêng họ, để phòng khi họ bị mất chức (có thể chi dùng, sinh sống). Điều ấy càng rõ hơn khi tôi đi dự hội nghị ở thủ đô Manila với cấp lãnh đạo của chính phủ Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Thái Lan và Nam Triều Tiên hồi năm 1966, gặp Tổng thống của Philippines là Marcos đã kéo tôi ra một bên và nói riêng với tôi lời khuyên khôn ngoan đối với một người trẻ tuổi, rằng: "Này anh, anh nên lo cho tương lai của anh, hãy nghĩ đến nguy cơ của một cuộc đảo chính lật đổ anh". Rồi Marcos kết luận: "Giả dụ như có chuyện gì xảy ra, anh nên nghe theo tôi (mà đề phòng trước). Như tôi (Marcos) luôn luôn có sẵn hai valy ở bên giường ngủ của mình (để khi có biến cố là hai tay cầm hai valy bay đi ngay
Nguyễn Cao Kỳ
Để tránh hậu quả khôn lường, ông Thiệu đã sắp xếp để bà Mai Anh và các con mình rời Việt Nam ra nước ngoài trước ngày quân giải phóng chọc thủng phòng tuyến bảo vệ vành đai Sài Gòn. Còn lại một mình ở dinh Độc Lập, ông Thiệu nhắc nhở lực lượng phòng thủ Phủ Tổng thống hãy thường xuyên xem chừng và canh phòng cẩn mật tầng hầm quân sự thiết kế cách mặt đất khoảng hơn 1m (dưới tầng trệt dinh Độc Lập).
Ở hầm này, có phòng chỉ huy tham mưu tác chiến, có tổng đài liên lạc với các tỉnh, có trung tâm thông tin phát thanh và phòng ngủ trực chiến của tổng thống. Sâu hơn nữa, có hầm trú ẩn an toàn dành cho gia đình tổng thống và bộ tham mưu, nằm sâu cách mặt đất khoảng 4m. Khi bà Mai Anh đi rồi, ông Thiệu không ít lần rời phòng ngủ của mình ở lầu 3 để xuống các tầng hầm này xem xét, đôn đốc kiểm tra, dường như ông muốn chuẩn bị thật kỹ cho chỗ ẩn núp của mình một khi có “sự cố” bất ngờ trong tháng 4. Từ tầng hầm bước lên, ông có thể dạo một vòng quanh tầng 1 qua phòng Khánh tiết, phòng họp Hội đồng nội các, phòng Đại yến.
Lên tiếp đó là tầng 2 dinh Độc Lập, nơi ông đã tiếp các tổng thống, phó tổng thống, đón chào đại diện các quốc gia trên thế giới đến thăm hữu nghị. Giờ đây trước mắt ông tấm thảm tròn màu đỏ không còn giữ vẻ tươi thắm như cũ nữa. Nó cùng với những món đồ cổ ra vẻ đã mất màu phong lưu, song vẫn gợi ông nhớ đến một số kỷ niệm với người vợ đã đi xa. Và rồi, đến một giờ định mệnh, ông phải rút chạy khỏi dinh trước khi quân giải phóng tràn vào.
Đã có nhiều tài liệu viết về cuộc ra đi không mấy vui vẻ của ông. Hầu hết đều tường thuật với nhiều chi tiết không hay ho lắm, kèm theo các lời chế giễu, bình luận chua chát, pha lẫn căm giận. Trong số đó, chúng tôi nghĩ rằng xét về mặt tư liệu, có lẽ tường thuật của cố vấn tổng thống là TS Nguyễn Tiến Hưng đáng tin cậy. Vì thế chúng tôi tóm lược những giờ phút cuối cùng của ông Thiệu khi rời dinh Độc Lập để đến phi trường Tân Sơn Nhất ra đi như dưới đây:
“Để hợp pháp hóa sự ra đi của Thiệu, Tổng thống Hương (người kế vị Thiệu) ký lệnh chỉ định Thiệu làm phái viên đặc biệt của Việt Nam Cộng hòa sang Đài Loan (...) Sự xếp đặt cho sự ra đi của Thiệu do Thomas Polgar, Trưởng ban Tình báo CIA (ở Sài Gòn) đảm nhiệm dưới sự chỉ dẫn của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam là Martin. Thiệu nói với Polgar ông muốn Trần Thiện Khiêm và một vài cộng tác đi cùng mình sang Đài Loan. Chiếc máy bay DC-6 dành cho Đại sứ Martin đã bay từ Sài Gòn sang Thái Lan vào đêm 25.4. Polgar và tướng liên lạc của CIA là Charles Timmes gặp Thiệu và những người cùng đi tại nơi ở của Khiêm ở bộ tổng tham mưu nằm bên ngoài sân bay Tân Sơn Nhất. Polgar đã sắp xếp 3 chiếc xe mui kín màu đen, gồm xe của đại sứ, xe của đại diện toàn quyền và xe của chính mình, tất cả đều do nhân viên CIA làm tài xế. Khiêm đã bố trí một sĩ quan tin cậy cho phép những người Mỹ ra vào không gây ra sự cố gì. Thiệu và những người cùng đi chỉ được phép mỗi người mang một xách tay. Không có hành lý gì khác. Bà Mai Anh vợ ông Thiệu và các con đã rời Sài Gòn trước và đang ở Luân Đôn (Anh).
Trong lúc Thiệu và những người cùng đi uống rượu tiễn biệt tại nhà Khiêm, Polgar chuẩn bị các thủ tục cho họ trước giờ bay. Xong việc, họ nhanh chóng lên những chiếc xe đen, mui kín, để đến sân bay (...) Thiệu ngồi giữa Polgar và Timmes, để lính gác cổng chỉ thấy người Mỹ khi nhìn vào xe - Polgar giải thích như thế. Xe chạy thẳng đến sân bay dành cho hàng không Mỹ, ở đó Đại sứ Martin đã có mặt để đưa tiễn Thiệu. Lúc này, sắc mặt và bộ điệu của Thiệu trông sầu thảm và nhẫn nhục. Nhưng ông cố giữ vẻ đường bệ bước lên máy bay với lời chúc lành của Đại sứ Martin. Cuộc ra đi diễn ra khá nhanh và lặng lẽ không một nghi thức tiễn biệt nào...”. 

Những bóng hồng của dinh Độc Lập - Ly rượu mừng cay đắng

Ông Thiệu và phu nhân Mai Anh những ngày còn là chủ nhân dinh Độc Lập - Ảnh: tư liệu

Dinh Độc Lập đã nhiều lần mở đại tiệc với sự tham dự của các nhân vật cao cấp trong chính quyền Sài Gòn cùng phu nhân của họ, mà một trong các buổi tiệc đáng nhớ nhất được tổ chức trong vòng bảo mật ở dinh là vào cuối năm 1969 để chiêu đãi Tổng thống Mỹ Richard Nixon.

Nixon là Tổng thống Mỹ đầu tiên và duy nhất ghé thăm dinh Độc Lập trước năm 1975. Theo nhận định của giới quan sát chính trường Sài Gòn lúc bấy giờ và cả bà Mai Anh cùng những cộng sự thân tín của gia đình bà, thì chuyến thăm sẽ có tác dụng nâng cao uy tín Thiệu và mang ý nghĩa chính trị ngoại giao hữu ích vì thể hiện trước dư luận sự tiếp tục quan tâm và ủng hộ của Nhà Trắng đối với chế độ Sài Gòn. Do vậy, ông Thiệu lệnh chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng bữa tiệc tiếp Nixon.
Danh sách những bộ trưởng, tướng lĩnh cũng như những nhân vật đang có ảnh hưởng mạnh đến công luận đương thời cùng các phu nhân được cân nhắc, chọn lựa chu đáo để mời. Và tất cả khách mời đều chỉ được thông báo vài giờ trước khi chiếc máy bay trực thăng chuyên dụng chở Nixon đáp xuống trước dinh. Ở đó, trên vòng cung rộng thoáng của thềm và trước phòng Đại yến, các phu nhân với những trang phục hợp thời và trang sức lộng lẫy đứng sẵn, một số tựa như những đóa hồng nhung đỏ quý phái nổi bật dưới bộ tranh 7 bức chủ đề Sơn hà cẩm tú do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ, mỗi bức dài ngót hai thước treo dọc theo tường. 9 bộ đèn đôi trên tầng 3 và hệ thống đèn chiếu sáng khắp các tầng khác, đều được bật lên cùng lúc trước giờ vào tiệc. Ông Thiệu nâng cốc mời các vị khách quý đến từ Nhà Trắng và bữa tiệc diễn ra trang trọng...
Nhưng sau đó, ông Thiệu đã phải hứng chịu dư âm cay đắng của ly rượu mừng hôm ấy. Vì bữa đó Nixon và cố vấn đặc biệt là tiến sĩ Kissinger đã giấu Thiệu một điều quan trọng sắp diễn ra, họ giữ kín đến khi tiệc tàn và ra về im lặng. Ông Thiệu chẳng hay biết gì, vẫn nhiệt tình rời bàn tiệc bước xuống thềm để tiễn Nixon và Kissinger ra đến tận bãi đậu trực thăng ngoài sân cỏ và vẫy tay chào vui vẻ, nồng nàn. Mãi khi tiếng máy bay đã không còn nghe nữa, ông mới quay vào hân hoan nói với các vị khách còn lại rằng, Tổng thống Nixon vừa nhắc lại cam kết ủng hộ ông và đường lối hiện hành của chính quyền Sài Gòn. Nhưng không lâu sau, ông bàng hoàng biết sự thật không hoàn toàn như thế và rằng hôm đó, ngay sau khi rời dinh Độc Lập, cố vấn Kissinger với sự đồng ý của Tổng thống Nixon đã sửa soạn gấp gáp để bay tới Paris (Pháp), mở đầu những cuộc gặp gỡ và đàm phán mật với đại diện chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự kiện ấy thông báo đến Thiệu một cách muộn màng khi Mỹ đã kết thúc cuộc gặp gỡ này. Thiệu lấy làm bẽ bàng, bực bội trước thái độ phớt lờ của Mỹ đối với mình.
Đó không phải là lần đầu Thiệu chua chát và ngao ngán trước vị trí quá phụ thuộc vào Mỹ của mình. Trước đó, vào cuối năm 1968, bà Mai Anh đã chứng kiến cảnh chồng la hét, khua bàn ghế, tức giận trong một đêm thức trắng khi Mỹ tuyên bố đơn phương ngừng oanh tạc miền Bắc và “mời Việt Cộng (Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) tham dự hòa đàm Paris mà không hỏi han hoặc thông báo cho mình (chính quyền Sài Gòn) biết trước chút nào”. Vừa to tiếng, bực dọc, ông vừa lay mạnh thành ghế, làm ghế ngã va vào bàn, khiến các ly cà phê do bà Mai Anh pha để sẵn bị rớt xuống sàn. Đêm thức trắng ấy có mặt Nguyễn Cao Kỳ (phó tổng thống) và tướng Vũ Ngọc Nhạ (cố vấn đặc biệt) tại dinh, cùng chờ nghe bản tin của đài BBC sẽ phát sáng sớm hôm sau về quyết định mới nhất của Tổng thống Mỹ (Johnson) mà họ không hề biết trước, như hồi ức của tướng Nhạ kể: “Thiệu và Kỳ không cởi áo ngoài ngồi ủ rủ, thỉnh thoảng lại ngủ gà ngủ gật, vợ Thiệu hết đi ra lại đi vào, hỏi ba người có thích dùng thêm thứ gì không. Tất cả đều lắc đầu. Trên bàn còn đầy những bánh trái mà không ai đụng tới. Thiệu đã mấy lần giục vợ đi ngủ. Bà hâm một ấm sâm để ba người cùng uống cho đỡ mệt, rồi đi về phòng mình”. Trời sáng cả ba lắng nghe BBC loan tin đặc biệt, nội dung: “Tổng thống Mỹ Johnson ngừng tất cả những cuộc oanh tạc và pháo kích trên toàn lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cuộc hòa đàm nghiêm chỉnh sẽ được bắt đầu tại Paris ngày 6 tháng 11, với sự tham dự của Mặt trận Giải phóng miền Nam, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa có thể tham dự. Lệnh ngừng oanh tạc và pháo kích có hiệu lực kể từ 8 giờ sáng, tức 13 giờ quốc tế, hoặc 21 giờ địa phương ngày 1 tháng 11 năm 1968”. Dứt bản tin, Thiệu vùng đứng dậy, mặt đỏ tía tai nói lạc cả giọng, trách Mỹ, giận Johnson qua mặt mình, hòa đàm với Hà Nội không một lời báo trước, lại chính thức thông báo một cách hững hờ là chính quyền Sài Gòn “có thể tham dự”. Sao lại “có thể”? Nghĩa là dự cũng được, mà không dự cũng không sao!
Từ “đêm trắng” ấy về sau, đến ngày bà Mai Anh ra nước ngoài năm 1975, là một chuỗi dài những năm tháng Thiệu phải vất vả, cam go chống đỡ áp lực của quân giải phóng và của cả... Mỹ nữa! Điều ấy nhiều tài liệu đã đề cập và bàn luận rồi. Ở đây, xin nhắc thêm một nhân vật chắc hẳn bà Mai Anh khó quên, vì tên tuổi nhân vật ấy cũng gắn liền với dinh Độc Lập và các sự kiện lớn trong đời hoạt động của chồng bà. Đó là đại tướng Dương Văn Minh. Tướng Minh thường được gọi thân mật là Big Minh (Minh bự), một phần do ông nặng đến 90 kg, cao 1,80m, phần khác để phân biệt với “Minh nhỏ” là tướng Trần Văn Minh (tư lệnh không quân ở miền Nam trước năm 1975). Tuy chồng bà và tướng Dương Văn Minh không sinh cùng ngày nhưng mất cùng năm, cũng vào mùa thu, cũng ở nơi xa xứ và cũng qua đời do bệnh tim mạch...
Giao Hưởng

Hé mở bí ẩn về cặp ngà voi ở Dinh Thống Nhất

Du khách thập phương đến đây tham quan Dinh Thống Nhất, TP.HCM và cả những người đang coi giữ đều chỉ biết cặp ngà voi này từng là bảo vật một thời của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Gần 40 năm sau ngày giải phóng, câu chuyện bí ẩn về hai chiếc ngà voi mới được hé mở qua lời kể của một người đã trực tiếp chỉ huy vụ giết voi lấy ngà.
Cuộc tàn sát kinh hoàng
Theo người kể, cặp ngà voi được đặt trang trọng trong phòng tiếp khách của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu được coi là biểu tượng quyền lực cho đế chế tại vị của mình. Ngày nay, cặp ngà voi ấy không chỉ là hiện vật lịch sử gắn liền với cuộc chiến tranh ác liệt mà nó còn là vật chứng đẫm máu của vụ tàn sát 20 thổ dân vô tội trong khu rừng sâu ở hạ Lào để chiếm đoạt ngà voi.
ngà voi, dinh Thống Nhất, voi Tây nguyên
Cặp ngà voi ở Dinh Thống Nhất.
Đầu năm 1971, tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 54, Sư đoàn 1 bộ binh, đóng tại Thừa Thiên – Huế được lệnh tập kết tại Khe Sanh, qua vùng Lao Bảo và tiến sang đất Lào.
Trên đường tiến quân, trung đội đã gặp một đoàn khoảng 20 người dân tộc thiểu số trong đó toàn người già, phụ nữ và trẻ em. Nhóm người này đang đi ngược chiều về xuôi, theo sau là một đàn voi thồ hàng hóa cồng kềnh, trong số đó có con voi đang sở hữu một cặp ngà dài bóng mướt.
Trên lưng voi là một cái bành chứa rất nhiều đồ đạc, có lẽ đoàn người này đang có một chuyến đi dài ngày. Trong số hành trang trên lưng voi còn có một pho tượng nữ thần bằng đồng quý giá mà hiện vẫn chưa ai biết tung tích của nó kể từ khi vụ thảm sát xẩy ra.
Khi nhìn thấy con voi đi đầu có cặp ngà dài đến 1 mét, cao vút, láng bóng, viên sĩ quan chỉ huy trung đội đã nảy ra ý định phải có nó. Lập tức viên sĩ quan không ngần ngại đi đến và đề nghị được mua voi của nhóm người dân tộc này nhằm lấy cặp ngà.
Nhưng hắn không bao giờ biết, đồng bào dân tộc tôn sùng voi còn hơn cả báu vật. Họ xem voi là con vật linh thiêng, từ lâu đã gắn bó mật thiết với con người và voi cũng chính là một “con người” ruột thịt của họ.
Từ bao đời này, mặc dù cuộc sống thiếu ăn, thiếu mặc thì họ cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện bán voi. Trước tình hình ấy, viên sĩ quan liền điện về trung tâm chỉ huy trưởng báo cáo và xin ý kiến của “Đại bàng” - mật danh của thiếu tá Thọ, tiểu đoàn trưởng, là bà con bên vợ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu xin chỉ đạo.
“Đại bàng” không cần suy nghĩ, hắn ra lệnh không thương thảo được thì bắn bỏ hết, bằng mọi giá phải lấy được cặp ngà voi đem về cho hắn.
Sau khi nhận được lệnh từ thiếu tá Thọ, viên sĩ quan cố gắng thuyết phục đoàn người nhưng họ tiếp tục từ chối. Trước sự kiên quyết của những thổ dân, viên chỉ huy liền ra lệnh cho lính hạ thủ đoàn người. Sau khi bắn chết 20 thổ dân một cách dã man, chúng giết chết voi và lấy đi cặp ngà quý giá.
Cặp ngà voi và cuộc rượt đuổi trong rừng
Giết người, giết voi xong, trung đội lính cộng hòa tiếp tục hành quân nhưng hai ngày sau đó thì bất ngờ lọt vào vòng vây của bộ đội cách mạng.
ngà voi, dinh Thống Nhất, voi Tây nguyên
Voi là biểu tượng bất khuất của một số đồng bào dân tộc.
Trung đội cộng hòa bị đánh tan tành, bị cắt đứt đội hình và cô lập trên đồi cao. Rơi vào thế bị động, viên sĩ quan chỉ huy đang giữ cặp ngà voi hấp tấp điện về sở chỉ huy xin quân viện trợ để giải cứu trung đội.
Thiếu tá Thọ sợ cặp ngà voi quý bị bom đạn phá hủy trong quá trình chiến đấu nên chỉ âm thầm điều động một tiểu đoàn bộ binh lên núi yểm trợ. Sau một ngày giao tranh ác liệt với quân đội cách mạng, tiểu đoàn chi viện của thiếu tá Thọ cũng không thể dành thế chủ động để mở đường xuống núi.
Nhiều ngày trời ăn dầm nằm dề trốn chui trốn lủi trong rừng sâu, trận chiến đã khiến chúng phải đổi nhiều sinh mạng.
Sau khi thoát khỏi vòng vây về tới Huế, trung đội lính cộng hòa chưa còn đến một nửa. Những tên lính còn sống sót vẫn còn in hằn trên từng nét mặt nỗi hốt hoảng về trận đối đầu với bộ đội Cụ Hồ trong rừng cùng với đó là nỗi lo sợ và sự ám ảnh tội lỗi về vụ thảm sát những người dân vô tội chỉ vì cặp ngà voi.
Nhận được tin cháu vợ gặp lâm nguy, Nguyễn Văn Thiệu nóng lòng điện ngay cho Tư lệnh quân khu 1, vùng 1 phải đưa ra chiến lược cứu Thọ bằng mọi giá.
Lệnh cứu Thọ được ban ra một cách nhanh chóng. Ngay lập tức một trực thăng đặc biệt được điều động xuyên rừng đưa Thọ và một số sĩ quan khác rời trận địa. May mắn thoát chết, trung tá Thọ hoảng sợ muốn rời khỏi vùng hỏa tuyến và muốn tránh xa cặp ngà voi nhuốm máu đã mang đến cho ông ta bao nhiêu là tai họa.
Người ta kể lại, trong thời gian cất giữ cặp ngà voi, trung tá Thọ đã gặp phải không ít rủi ro thậm chí suýt phải bỏ mạng trong rừng sâu. Ông ta hoảng sợ khi nghĩ đến những oan hồn mà ông đã ra lệnh giết để chiếm ngà voi và xác của nhiều quân lính phải chiến đấu đến cùng để bảo vệ ngà voi đã nằm lại nơi rừng thiêng. Những ray rứt, hoảng loạn về tâm lý đeo bám ông ta trong suốt cuộc chiến khiến ông ta luôn sống trong sợ hãi, ông ta tìm mọi cách để được rời khỏi chiến trường ác liệt ấy.
Sau hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất hai miền Nam Bắc thành một đất nước Việt Nam thống nhất diễn ra tại dinh Độc Lập vào tháng 11/1975, để kỷ niệm, chính phủ lâm thời nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã quyết định đổi tên Dinh Độc Lập thành Hội trường Thống Nhất. Nơi này được đặc cách xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Dinh được xây dựng trên diện tích 4.500 m², diện tích sử dụng 20.000 m², gồm 3 tầng chính, 1 sân thượng, 2 gác lửng, tầng nền, 2 tầng hầm và một sân thượng cho máy bay trực thăng đáp xuống.
Hơn 100 căn phòng của Dinh được trang trí theo phong cách khác nhau tùy theo mục đích sử dụng. Dinh cao 26m, tọa lạc trong khuôn viên rộng 12 ha.
Bên ngoài hàng rào phía trước và phía sau Dinh là 2 công viên cây xanh. Giữa những năm 1960, đây là công trình có quy mô lớn nhất miền Nam và có chi phí xây dựng cao nhất (150.000 lượng vàng).
(Theo PLVN)


Dinh Thống Nhất, kiến trúc độc đáo của người Việt

Được sáng tạo bởi bàn tay và ý tưởng của người Việt, Dinh Thống Nhất đã trở thành một trong những biểu tượng của TP HCM và là điểm đến yêu thích của nhiều du khách mỗi khi đặt chân đến thành phố này.

Dinh Thống Nhất hay Dinh Độc Lập là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng ở Sài Gòn. Năm 2009, Dinh Thống Nhất được định xếp hạng là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của cả nước. Đây là một trong những địa chỉ tham quan thú vị của TP HCM, hàng ngày đón tiếp hàng ngàn lượt khách tham quan. Ngoài ra, dinh còn là nơi đón tiếp các vị khách cấp quốc gia.  
1-3277-1409112436.jpg
Tổng thể công trình Dinh Thống Nhất.
Công trình dinh được thiết kế bởi Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đạt giải thưởng Khôi Nguyên La Mã về thể loại kiến trúc. Ông đã kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật kiến trúc hiện đại và kiến trúc truyền thống phương Đông vào công trình.
Khởi công ngày 1/7/1962, khánh thành ngày 31/10/1966, Dinh Thống nhất được xây trên nền của Dinh Toàn quyền Đông Dương (còn gọi là Dinh Norodom do người Pháp thiết kế vào năm 1868). Công trình được xây dựng trong khuôn viên rộng 12 ha, diện tích sử dụng là 20.000 m2, gồm 3 tầng chính, hai gác lửng, một sân thượng và tầng hầm. Dinh có khoảng 100 phòng được trang trí theo phong cách khác nhau tùy vào công năng sử dụng.
Phía trước Dinh là những thảm cỏ xanh non hình oval, chính giữa là đài phun nước, tạo nên vẻ đẹp thơ mộng cho khối công trình và màu xanh của cỏ tạo ra một cảm giác sảng khoái êm dịu cho du khách ngay khi bước vào cổng chính. Điểm nhấn độc đáo này luôn được du khách làm vài tấm ảnh lưu niệm để lấy toàn bộ khối dinh đằng sau. Bước qua thảm cỏ là hồ nước hình bán nguyệt chạy dài theo mặt trước của đại sảnh. Trong hồ được trồng hoa súng, hoa sen gợi nên hình ảnh yên ả, tĩnh lặng như ở các ngôi đình, ngôi chùa cổ kính của Việt Nam.
2_1409112475.jpg
Thảm cỏ và đài nước ở trước Dinh.
Khi thiết kế, kiến trúc sư muốn tìm một ý nghĩa văn hóa cho công trình, nên mọi sự trang trí, xếp đặt về mặt tổng thể từ nội thất cho đến tiền diện bên ngoài đều tượng trưng cho triết lý cổ truyền, văn hóa phương Đông và cá tính của dân tộc Việt. Vẻ đẹp kiến trúc của Dinh còn được tô điểm thêm bởi những bức phù điêu và bức rèm hoa đá mang hình dáng những đốt trúc thanh tao bao trọn mặt tiền lầu hai.
Mỗi bức phù điêu là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, vừa có tác dụng trang trí vừa để nối liền các cửa sổ phía trên và phía dưới tạo thành một khối làm tăng vẻ đẹp bên ngoài. Các bức rèm hoa đá được biến cách từ bức cửa bàn khoa của các cung điện Cố đô Huế, không chỉ làm vật trang trí để tăng vẻ đẹp, những bức hoa đá còn có chức năng đón nhận và che khuất ánh sáng cùng với gió trời tự nhiên một cách hợp lý hài hòa.
3_1409112487.jpg
Bên trái là hai bức phù điêu và bên phải là những bức rèm hoa đá tăng thêm vẻ đẹp cho Dinh.
Bước vào bên trong Dinh ta sẽ thấy tất cả các đường nét kiến trúc đều được phân phối một cách hợp lý, hài hòa. Trong mỗi phòng đều trưng bày các bức tranh về non sông, đất nước, con người Việt Nam hay các sự kiện lịch sử nổi tiếng của cha ông như bức “Việt Nam Quốc tổ", “Cẩm tú sơn hà”, “Vua Trần Nhân Tông dạo chơi” hay bức sơn mài “Bình Ngô Đại Cáo”. Mỗi bức tranh, mỗi vật dụng trang trí đều có ý nghĩa nhất định và làm tăng thêm vẻ đẹp thanh tao, trang nhã cho toàn bộ khối công trình. 
Ngoài những giá trị mang tính lịch sử, Dinh Thống Nhất luôn là điểm tham quan thú vị của nhiều du khách trong và ngoài nước, đến đây du khách sẽ được dạo chơi trong một khuôn viên đầy ắp những mảng xanh mát lành, chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo và tìm hiểu thêm những giá trị lịch sử của dinh trong thời kỳ trước và sau 1975. Ngoài ra du khách còn có thể mua thêm những món quà xinh xắn được khắc họa thông qua kiểu dáng, kiến trúc của dinh.

5_1409122321.jpg
Phòng Đại yến, nơi tổ chức các cuộc chiêu đãi của tổng thống chính quyền trước năm 1975.
6_1409122329.jpg
Phòng Nội các, diễn ra các cuộc họp quan trọng.
7_1409122335.jpg
Phòng khách của tổng thống.
8.jpg
Phòng khách của Phó tổng thống.
9.jpg
Phòng Trình Quốc thư.
10.jpg
Phòng ngủ của tổng thống.
11.jpg
Phòng xem phim.
12.jpg
Phòng giải trí của gia đình tổng thống.
13.jpg
Bức tranh “Hai Nàng Kiều” được trang trí ở sảnh tầng 3.
14.jpg
Phòng làm việc của tổng thống, ở sau bàn làm việc là bức tranh “Cầu Tri Thủy” ở cảng biển Ninh Chử.
15.jpg
Cặp ngà voi được xem là lớn nhất ở Việt Nam ở phòng khách của tổng thống.
16.jpg
Cầu thang được thiết kế độc đáo trong công trình dinh.
Ảnh: Văn Trãi
Thông tin thêm:
- Địa chỉ: 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP Hồ Chí Minh.
- Vé vào cửa: Người lớn là 30.000 đồng, sinh viên là 15.000 đồng và học sinh là 3.000 đồng.
- Thời gian mở cửa sáng từ 7h30 – 11h00, chiều từ 13h00 – 16h00.
- Nếu đi theo đoàn du khách nên thuê hướng dẫn viên với giá 150.000 đồng/ đoàn để được hướng dẫn tham quan và diễn giải tận tình. 
Bài và ảnh: Văn Trãi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét