Thành cổ Xương Giang hiện nay dấu tích còn lại tuy khá rõ ràng nhưng nhận ra nó thì thật khó. Khó là vì ngôi thành này hiện nay nằm ở khu vực ngã ba Quán Thành, thuộc xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang. Khu vực này từ khi có dân ra ở trên bốn mặt thành đã làm cho mặt thành thấp đi vì bị san lấp làm nhà và làm đường đi.
|
Cả bốn mặt thành tựa như một dãy phố có đường bao quanh nối liền. Còn khu trung tâm thành là đất một số cơ quan, khu tập thể, nhà dân đang ở, đang đóng tại đó. Vì vậy nhận ra ngôi thành cổ này thực ra cũng không dễ dàng như một số ngôi thành khác. Tuy thế xem xét kỹ thì dấu tích của ngôi thành vẫn còn khá rõ. Vòng quanh các bờ thành Đông, Tây, Nam, Bắc có chỗ bờ thành còn cao hơn 3 m. Có chỗ còn lẫn cả gạch cũ của thành gọi là "Đá thước". Loại gạch này dài xấp xỉ 52 cm, rộng xấp xỉ 25 cm, cao: 25 cm. Bên ngoài bờ thành vẫn còn đường hào cũ chạy xung quanh, đất tuy bồi lấp làm cho lòng hào đầy lên nhưng vẫn để lại đường rộc trũng như ao sát bờ thành. Tại góc thành Tây Bắc vẫn còn cả tấm bia đá xanh nguyên vẹn, trên trán bia đề các chữ Hán "Xương Giang cổ thành bi ký" (bia ghi về thành cổ Xương Giang). Nội dung tấm bia này nói về việc hưng công xây dựng ngôi đền ở góc thành phía Tây Bắc này.
Tại khu vực phía Đông và phía Bắc, cư dân ở đây đã phát hiện được một phần tấm bia trấn thổ của thành. Tấm bia này trên có đề chữ "Cảm Đương"… mấy chữ "Thái Sơn thạch…" đã mất. Nếu ghép đủ chữ thì bia có 5 chữ là "Thái Sơn thạch cảm đương".
Một số viên đạn đá nặng xấp xỉ 20 kg - 30kg đã được tìm thấy. Loại đạn nhỏ hơn cũng được phát hiện. Đây là loại đạn đá đẽo tròn dùng để cho pháo bắn. Pháo có thể là loại pháo đòn bẩy, hoặc loại pháo thần công.
Ở khu trung tâm, dân gian gọi là khu đồi quân Ngô. Khu này nằm giữa thành, cách đường thành một khoảng cách chừng 300m - 400m, nay đã là ruộng trồng lúa và hoa màu. Bên cạnh đồi ngô còn có địa danh "Giếng Phủ" - Phủ Lạng Giang xưa - giếng này nay là một cái ao lớn.
Thành Xương Giang xưa tuy đặt ở vùng bằng phẳng nhưng lợi thế ở chỗ hiểm yếu. Thành này án ngữ con đường "Thiên Lý Bắc - Nam" xưa. Xung quanh thành địa hình cũ có hệ thống sông con, đầm lầy, rộc trũng bao quanh rất khó tấn công. Năm 1407, giặc Minh cho đắp thành này, trấn giữ ở đó được 20 năm thì bị Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn vây đánh vào năm 1427. Do địa thế hiểm yếu, nghĩa quân Lam Sơn phải 9 tháng mới hạ được thành, trong khi đó các thành Thị Cầu, Chi Lăng, Đoàn Thành nghĩa quân triệt hạ nhanh chóng.
Sau khi chiếm được thành Xương Giang, nghĩa quân Lam Sơn đã xây dựng hệ thống chặn viện binh nhà Minh ở Xương Giang. Ý đồ của nghĩa quân Lam Sơn là đánh tan ở Xương Giang buộc Vương Thông - chủ tướng của quân Minh ở Thăng Long phải đầu hàng, đem lại thái bình cho Đại Việt.
Thành Xương Giang là ngôi thành có ý nghĩa lịch sử, UBND tỉnh đã ra quyết định xếp hạng ngôi thành này để có căn cứ bảo tồn lâu dài. UBND thành phố Bắc Giang đã có quy hoạch ngôi thành Xương Giang để có các phương án sử dụng trong tương lai.
Đầu năm 2008, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức khai quật tại khu vực thành Xương Giang. Kết quả khai quật đã phát hiện ra ở khu trung tâm một nền kiến trúc là nơi cư trú. Trên nền kiến trúc này có các trụ cột kè ngói - có trụ có đường kính xấp xỉ 60 cm. Dấu tích nền này cho thấy quy mô nhà này khá lớn. Ngôi nhà này đã bị sập - ngói lợp nhà là loại ngói máng - ta gọi là ngói âm dương bị xô xuống phủ kín nền.
Tại một hố khai quật khác, phía Đông Bắc thành đã phát hiện ra một kho thóc cháy, gạo cháy cũng bị đánh sập xuống. Lớp thóc cháy, gạo cháy rất dày có chỗ dày khoảng 50 cm - 60cm, kết lại thành tảng như đất - tuy thế vẫn nhận ra mảnh trấu và hạt gạo cháy lẫn với than gio và đất. Tuy rằng diện tích khai quật không lớn (100m2) so với diện tích ngôi thành là 27 ha, nhưng kết quả đã cho ta những kết luận bước đầu về vị trí các công trình kiến trúc là nơi cư trú, kho chứa, dinh thự, giếng nước ăn… của ngôi thành này. Nó cũng đã bổ sung nhiều tư liệu để có thể hiểu thêm về ngôi thành này hơn trong điều kiện hiện nay và có cơ sở để thực hiện một số kế hoạch tiếp theo trong thời gian tới.
Trần Văn Lạng
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét