Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Tháp Mường Luân thắm tình đoàn kết Việt Lào


“Việt - Lào hai nước chúng ta; Tình sâu hơn nước Hồng Hà Cửu Long”. Không chỉ ngày nay, tình hữu nghị giữa hai quốc gia mới bền chặt mà có từ xa xưa trong quá khứ lịch sử. Tháp Mường Luân là một kỷ vật minh chứng cho tình hữu nghị này.
Tháp Mường Luân
Tháp cổ Mường Luân (tiếng địa phương gọi là Thát) nằm bên bờ sông Mã thuộc xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Tháp được những người Việt và người Việt gốc Lào chung tay xây dựng vào thế kỷ 16, thời Lê trong những năm 1569-1594. Tháp cổ Mường Luân đã được công nhận là di tích Quốc gia năm 1981.

Tháp Mường Luân có mặt cắt hình vuông, thon dần lên cao. Thân tháp cao 15,5m chia làm 4 tầng, xung quanh đắp nổi các hoạ tiết cách điệu gồm chim bay, rồng cuốn, quả trám, cánh sen, lưỡi mác, mặt trời và lắp các gương con...

Câu chuyện về việc xây dựng tháp có thể kể như sau: Vào năm 1569, triều đình Miến Điện (Myanma ngày nay) đem quân tấn công Luông Pha Băng và kinh đô Viêng Chăn của đất nước Ai Lao (Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào ngày nay). Vì loạn lạc chiến tranh, một số cư dân Lào đã di dân sang vùng Tây Bắc của Đại Việt. Sau khi chiến tranh kết thúc, những cư dân này đã ở lại Đại Việt. Để ghi dấu nơi thanh bình và cưu mang mình, khắc ghi nỗi nhớ quê hương, được sự giúp đỡ của những cư dân bản địa, bà con người Lào đã cùng nhau dồn công góp của xây nên tháp Mường Luân.

Gần tháp Mường Luân xưa có một trái núi. Những người dân đã “sáng tác” ra một truyền thuyết rất hay về trái núi này. Họ cho rằng trái núi đó là một người ngồi thiền. Lưng người ngồi thiền ở phía Lào còn mặt thì hướng về phía Việt. Truyền thuyết này nói lên tình đoàn kết Việt - Lào, đùm bọc nhau trong cơn binh lửa loạn ly...

Trải bao thăng trầm thời gian, đến nay, di tích lịch sử văn hoá tháp Mường Luân đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ ngọn tháp nghiêng về phía đông bắc, dưới chân tháp nhiều chỗ bị xói lở, làm lộ ra những vết đứt gẫy bệ móng. Đặc biệt, phải kể đến sự phá hoại bởi chính con người. Cách đây 50 năm, bên phải toà tháp còn có ngôi chùa  Vát, bên trong cột gỗ chồng rường, mái lợp ngói đất hình vảy cá. Trong chùa có 5 pho tượng, pho lớn nhất cao gần 1m, toạ ở chính tâm; 4 pho nhỏ ngồi bốn hướng đông - tây - nam - bắc, tất cả đều bằng đồng đen. Bên trong mỗi pho tượng có hàng vốc tiền bạc trắng, nhân dân trong vùng không ai dám lấy vì cho đó là đồ thờ tự linh thiêng. Năm 1980 những pho tượng này bị đánh cắp. Đến nay, ngôi chùa chỉ còn trơ lại cái nền gạch nham nhở và hai mảng tường đổ nát rêu phong...

Cuối tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh Điện Biên đã quyết định đầu tư 5 tỷ đồng để trùng tu, bảo tồn di tích tháp Mường Luân. Giải pháp chống nghiêng tháp là ép cọc bê tông xuống nền đá cứng bao quanh chu vi móng tháp. Cùng với đó, hệ thống kè bao quanh ba mặt nhằm giữ ổn định nền đất, chống xói lở cũng sẽ được đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo tối đa tính ổn định của móng tháp.
Minh Hiếu

Loạt tháp cổ tuyệt đẹp vùng Tây Bắc: Tháp Mường Luân

(Kiến Thức) - Vẻ đẹp của tòa tháp thể hiện khiếu thẩm mỹ của người Lào cũng như tài xây dựng của các cư dân miền núi Tây Bắc từ thời xa xưa.
Tháp Mường Luân nằm bên bờ sông Mã thuộc xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên là một trong những công trình kiến trúc cổ hiếm hoi còn sót lại ở vùng Tây Bắc.

Tương truyền, tháp được những người Việt và người Việt gốc Lào chung tay xây dựng vào thời Lê. Cụ thể là vào năm 1569, triều đình Miến Điện đem quân tấn công đất nước Ai Lao (Lào ngày nay). Vì loạn lạc chiến tranh, một số cư dân Lào đã di dân sang vùng Tây Bắc của Đại Việt.
Sau khi chiến tranh kết thúc, những cư dân này đã ở lại Đại Việt. Để khắc ghi nỗi nhớ quê hương bà con người Lào đã cùng nhau dồn công góp của xây nên tháp Mường Luân cùng sự giúp đỡ của những cư dân bản địa.

Về kiến trúc, tháp Mường Luân có mặt cắt hình vuông, thon dần lên cao. Thân tháp cao 15,5m, xung quanh đắp nổi các hoạ tiết cách điệu gồm chim bay, rồng cuốn, quả trám, cánh sen, lưỡi mác, mặt trời...
Họa tiết đặc sắc nhất của tháp là hình rồng được đắp nổi chạy quanh thân tháp, tạo thành các hình số tám kép, đem lại cho tháp vẻ uy nghi cũng như vẻ đẹp tinh xảo.
Nhìn chung, tháp được tạo hình mềm mại và hài hòa, có bố cục vừa chặt chẽ, vừa toát lên vẻ thanh thoát tự nhiên.
Vẻ đẹp của tòa tháp thể hiện khiếu thẩm mỹ của người Lào cũng như tài xây dựng của các cư dân miền núi Tây Bắc từ thời xa xưa

Từ hàng trăm năm nay, tháp Mường Luân được nhân dân trong vùng coi là “vị thần hộ mệnh” để bảo vệ cuộc sống cho dân bản, phù trợ con người có sức khỏe và mùa màng bội thu...
Tiếc rằng, biến thiên của lịch sử khiến tháp Mường Luân đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ ngọn tháp nghiêng về phía Đông Bắc, dưới chân tháp nhiều chỗ bị xói lở. Cách đây chừng 50 năm, bên phải toà tháp còn có một ngôi chùa với nhiều pho tượng quý, nhưng giờ đây đều đã không còn
Vị trí xa xôi hẻo lánh cũng khiến tháp Mường Luân hầu như không được khách du lịch biết đến. Từ TP Điện Biên, để đến được tháp phải vượt gần 100km, trong đó non nửa là đường đèo dốc hiểm trở, gập ghềnh sỏi đá, dân cư thưa thớt...
Quốc Lê.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét