Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Thiền sư Đỗ Pháp Thuận trong thời điểm đất nước buổi sơ khai


(THO) - Thanh Hóa là một trong những vùng đất có Phật giáo đến sớm. Nhiều vị Hòa thượng người Thanh Hóa có vị trí Quốc sư, đóng góp cho sự phát triển Phật giáo và Nhà nước Đại Việt độc lập buổi sơ khai dưới triều Lê - Đinh - Lý, như Thiền sư Đỗ Pháp Thuận, Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu (933 - 1011), Thiền sư Pháp Dung, Thiền sư Trí Bảo, Thiền sư Thích Pháp Bảo...
Cho đến nay, tên tuổi các vị vẫn sáng ngời trong lịch sử Phật giáo. Nhiều bài thơ được sáng tác như lời Kinh, bài Kệ của Phật giáo, có sức khái quát lưu truyền trong dân gian, mệnh danh như những lời “sấm ký”, cho đến nay như những gợi ý trong công cuộc xây dựng đất nước. Ví như: Năm 978, Đinh Bộ Lĩnh bị viên quan tùy tùng ám sát, con còn nhỏ, ngoại bang lợi dụng nhòm ngó đất nước. Phía Bắc là quân xâm lược nhà Tống, phía Nam là quân Chiêm Thành lăm le xâm lấn. Quan Thập đạo tướng quân Lê Hoàn (941 - 1005) (quê hương Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân) được tôn làm Vua (miếu hiệu Đại Hành Hoàng đế Niên hiệu Thiên Phúc), lập triều Tiền Lê để chỉ huy kháng chiến.

Trước tình thế rối ren, Vua Lê Đại Hành mời Thiền sư Đỗ Pháp Thuận tham gia vào việc trù định kế sách về vận nước, góp phần vào sự sinh tử tồn vong của triều đại tiền Lê bấy giờ.

Thiền sư Đỗ Pháp Thuận trả lời Vua bằng bài Kệ:

Vận nước như mây quấn (*)
Trời Nam hưởng thái bình

Vô vi trên điện các

Chốn chốn dứt đao binh.
Nghĩa là: Trời Nam muốn thái bình thịnh lạc phải kết lại đoàn kết toàn dân bền chắc như dây mây quấn lại (Quốc tộ như đằng lạc). Đó là các bậc vua quan (cư điện các) chỉ huy lãnh đạo đất nước phải hành xử vì quyền lợi nhân dân. Thuật ngữ vô vi, theo quan niệm Phật giáo là vô tư vì quyền lợi của dân nước, cá nhân không kiêu ngạo, không bợn lòng dơ ái dục. Vô vi mới tạo được niềm tin trong dân chúng, để dân chúng xả thân bảo vệ đất nước vương triều, chống ngoại thù nội phản.

Câu nói của thiền sư Đỗ Pháp Thuận bằng lời thơ, thật kín đáo, tế nhị để trả lời Vua Lê Đại Hành như một luận đề chính trị vượt thời gian và không gian, góp phần cho sự nghiệp xây dựng đất nước thái bình, đời sống nhân dân yên vui. Bài thơ Quốc Tộ ra đời cách đây trên 1.000 năm, là một trong những áng văn học thành văn viết sớm nhất của Việt Nam.

Theo sách Thiền uyển tập anh, cho biết về Thiền sư Đỗ Pháp Thuận (915 - 990): Trụ trì chùa Cổ Sơn, làng Thừ, quận Ai. Sư họ Đỗ học rộng, thơ hay, có tài giúp vua, rõ việc đương thời. Khi nhỏ xuất gia thờ Thiền sư Phù Trì chùa Long Thọ làm thầy.

Theo sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 2 (NXB TP Hồ Chí Minh - 2001) của GS - TS Lê Mạnh Thát, và bài viết của Thượng tọa Thích Gia Quang trong Hội thảo khoa học Phật giáo thời Đinh và thời tiền Lê trong công cuộc dựng nước giữ nước (trang 361), đều khẳng định Thiền sư Đỗ Pháp Thuận và chùa Cổ Sơn ở Thanh Hóa.
  
              Trịnh Quốc Tuấn (CTV)
 
(*) Nguyên văn âm Hán Việt là: Quốc tộ như đằng lạc/Nam Thiên lý thái bình/Vô vi cư điện các/Xứ xứ tức đao binh.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Phật giáo thời Đinh và tiền Lê trong công cuộc dựng nước và giữ nước – NXB Khoa học xã hội 2010 - Viện Nghiên cứu tôn giáo, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình.
2. Văn học, Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội – NXB Văn hóa Thông tin – 2010. Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP  Hồ Chí Minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét