Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Tìm về dấu tích nghìn năm



Bà Hoàng Thị Sửu - người có công đóng góp xây dựng lại Chùa Dạm.

Đường lên chùa Dạm bây giờ không còn lau lách như hôm nào, thay vào đó là con đường đất quanh co gồ ghề. Thở phào khi thấy mình đã ở lưng chừng núi, bên cạnh là cột đá nghìn năm tuổi... xa xa Ngòi Con Tên như một sợi chỉ bạc lấp lánh trong ráng chiều...

Vang bóng một thời…
Chùa Dạm còn có tên chữ là “Đại Lãm – Thần Quang Tự”. Dân gian quen gọi nôm là chùa Dạm, hoặc chùa Bà Tấm. Ngày nay, chùa nằm trên núi Dạm thuộc xã Nam Sơn, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Theo thư tịch, sử sách như Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí thì chùa Dạm được vua Lý Nhân Tông cho khởi công xây dựng vào năm 1086 và hoàn thành năm 1097. Chùa được coi là trung tâm Phật giáo, đại danh lam thắng cảnh điển hình của thời Lý thế kỷ XI, và được Vua ban tên chùa là Cảnh Long Đồng Khánh; ban 300 mẫu ruộng tự điền (ruộng thuộc nhà chùa) để chùa có hoa lợi hương khói và bảy gia đình ở mé dưới núi được giao việc chuyên đóng, mở cửa chùa. Chùa Dạm cũng là nơi khởi nguồn truyện cổ tích Tấm Cám, trên núi hiện còn một cái giếng, gọi là giếng Bống. Theo sử sách ghi lại, chùa Dạm được xây 4 cấp tựa lưng vào núi, trên tổng diện tích hơn 7.600m2. Chùa có 100 gian được ghép bằng đá vô cùng bề thế, chiều dài 120 mét, chiều rộng 70 mét, với 12 toà nhà tráng lệ. Mỗi cấp chùa cách nhau ở độ cao 5 – 6m, để tránh sụt lở, các vách ta luy được bó ghép bằng đá nguyên khối, mỗi viên có kích thước 50 x 60cm. Đường xuống mỗi cấp của chùa gồm 25 bậc đá. Năm 1105 chùa Dạm đã được trùng tu lớn, xây thêm 3 tháp đá, sự kiện này được phản ánh qua bia ký “Đại Lãm - Thần Quang tự tôn tạo hộ pháp bi” khắc năm Chính Hoà 17 (1696) của chùa. Tương truyền, để thuận tiện cho việc vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng chùa và cũng là để sau này đi lại dễ dàng bằng đường thủy. Vua Lý Nhân Tông đã ra lệnh cho dân chúng vùng này phải đào ngay một con sông nối sông Thiên Đức (sông Đuống ngày nay) từ Quế Ổ chảy qua các làng xã của Chi Lăng, Yên Giả, Nam Sơn đến chân núi chùa Dạm. Vì con sông được đào thẳng tắp như con tên, nên nhân dân trong vùng gọi là “Ngòi Con Tên”. Không biết ngày ấy phải huy động số lượng dân công khổng lồ đến mức nào, nhưng chỉ sau một đêm “ Ngòi Con Tên” dài gần 5 km đã hoàn thành.
Truyện kể rằng sau khi xây dựng xong chùa Dạm, Hoàng thái hậu Nguyên Phi Ỷ Lan thường về đây tụng kinh, ăn chay niệm Phật, về già Bà đã về ở hẳn tại chùa Dạm, hàng năm Bà vẫn cho mở hội lớn tại chùa. Lâu lâu, dân làng lại nghênh giá đón vua Lý Nhân Tông đi thuyền rồng về thăm mẹ và mở yến tiệc, làm thơ “Lãm Sơn dạ yến”
Khôi phục lại chùa Dạm
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, chùa Dạm đã bị phá huỷ hoàn toàn. Ngày nay chỉ còn lại những phế tích kiến trúc như nền móng của 4 cấp chùa. Những ta luy kè đá khối nguyên trạng cao 5 - 6 m, những tảng đá chân cột 0,7 x 0,7 m được chạm khắc cánh hoa sen cầu kỳ, viên gạch ngói đất nung có chạm khắc tinh xảo của thời Lý với nhiều hoa văn nghệ thuật, giếng Bống và 2 pho tượng Hoàng thái hậu Nguyên Phi Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông. Đặc biệt, chùa Dạm còn lưu giữ được một báu vật quốc gia đó là một cột đá nguyên khối cao hơn 5 m, gồm 2 phần: Phần dưới là khối hình hộp, cạnh 1,4m x 1,6m, phần trên là khối hình trụ có tiết diện tròn đường kính 1,3m được chạm nổi đôi rồng lớn quấn quanh cột, đầu rồng ngẩng cao, miệng ngậm ngọc, chầu vào hình mặt trời tỏa sáng, mào và bờm bốc lên như ngọn lửa.
Gặp tôi ở sân chùa, bà Hoàng Thị Sửu, 73 tuổi người có nhiều công lao đóng góp xây dựng lại chùa bộc bạch: Năm 1986, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng dân làng Tự Thôn chúng tôi vẫn đồng tâm xây dựng lại chùa Dạm trên nền cũ. Khi nghe các cụ kêu gọi, các hộ gia đình đều phấn khởi đóng góp sức người, sức của, vận động quyên góp gần xa để làm chùa, làm đường. Cuối cùng mấy gian chùa khung tre mái ngói cũng được dựng lên theo kiểu “Tiền Phật, hậu Thần” để thờ Phật và thờ Hoàng thái hậu Nguyên Phi Ỷ Lan, cùng vua Lý Nhân Tông là những người có công xây dựng chùa Dạm. Do cơ sở vật chất nghèo nàn, nơi ăn chốn ở không có nên đến bây giờ chùa Dạm vẫn chưa có Nhà Sư trụ trì. Hương khói, quét dọn hàng ngày vẫn do các cụ cao tuổi trong làng Tự Thôn cắt phiên nhau lên trông coi…
Ngày 5/11/2011 đã diễn ra cuộc tọa đàm khoa học hiện trường về kết quả thám sát khai quật khảo cổ học chùa Dạm, xã Nam Sơn, TP. Bắc Ninh. Hội nghị đã thu hút nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử, khảo cổ, văn hóa, kiến trúc. Sau khi các hiện vật quý của chùa Dạm được phát lộ, ngày 20/11/ 2011 vừa qua, Đại lễ đặt đá khôi phục lại di tích lịch sử chùa Dạm đã được diễn ra dưới sự chứng kiến của đại diện các Bộ, ngành Trung ương, Giáo hội phật giáo Việt Nam và tỉnh Bắc Ninh. Hiện nay, các chuyên gia Viện khảo cổ học Việt Nam đang đẩy nhanh tiến độ khai quật khảo cổ học ở cả 4 cấp nền để sớm có hồ sơ tư liệu phục vụ việc khôi phục di tích. Trao đổi với chúng tôi PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Chùa Dạm nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, đặc biệt là trong thời Lý. Trước đây, do bị phá hủy nên mọi người chưa biết cấu trúc đúng của chùa trong thời Lý là như thế nào. Dẫu vậy, trên mặt đất hiện vẫn còn những di tích, di vật cực kỳ giá trị như: 4 cấp nền bằng đá rất lớn mà ít chùa nào có được hay cột đá chạm rồng được giới nghiên cứu khảo cổ học và mỹ thuật coi đây là biểu tượng của mỹ thuật dân tộc Việt Nam cổ truyền, rất độc đáo, rất riêng nhưng cũng mang ảnh hưởng của tinh hoa mỹ thuật thế giới.
Do diện mạo ban đầu cơ bản không còn nữa nên việc nghiên cứu, tiến tới phục dựng lại ngôi chùa thời Lý huy hoàng, biểu trưng cho sức mạnh văn hóa Việt Nam là rất cần thiết. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi phải khai quật khảo cổ học, nghiên cứu các di tích, di vật dưới lòng đất của dân tộc, của cha ông để trên cơ sở đó tìm kiếm các dữ kiện khoa học. Hiện nay, chúng tôi đã bước đầu thám sát được 300 m2 tại 4 cấp nền và cấp nền nào cũng thấy dấu tích kiến trúc thời Lý như: móng trụ, nền tháp… Mỗi tầng nền đều thấy những tổ hợp kiến trúc song song, thẳng hàng với nhau. Kết quả đó cho thấy Chùa Dạm trong thời Lý có quy mô cực kỳ lớn, đúng là Đại Quốc Tự. Và dù mới chỉ là giả thuyết song mặt bằng ban đầu rất độc đáo và khác biệt, ngay cả với các ngôi chùa thời Lý và đặc biệt là khác biệt trong suốt “dòng suối” của lịch sử kiến trúc chùa Việt Nam nói riêng, lịch sử kiến trúc Việt Nam nói chung.
Hà Huy Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét