Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Trần Khánh Dư - Doanh nhân đất Việt


Thương cảng Vân Đồn - một hòn đảo nằm phía Đông Bắc của tổ quốc, nơi gắn với chiến công của Trần Khánh Dư năm 1287 đã đánh tan đoàn quân lương của Trương Văn Hổ. Nhắc đến Trần Khánh Dư người đời nay thường hình dung ra một vị tướng có tài thao lược, nhưng đối với người dân Vân Đồn, Trần Khánh Dư còn là vị tướng giỏi... kinh doanh. Chính vì vậy ông đã trở thành thần hộ mệnh của vùng biển đảo Vân Đồn.
Đình Quan Lạn ngôi đình cổ thờ Trần Khánh Dư -
vị danh tướng đời Trần
 
Dưới thời Trần, Vân Đồn nhận được sự quan tâm đặc biệt của triều đình, không chỉ bởi có lợi thế của vùng biên viễn, mà nơi đây còn là địa điểm quan trọng của hệ thống thương mại châu Á. Vân Đồn không chỉ là trung tâm giao thương của vịnh Bắc Bộ mà còn là địa điểm trung chuyển giữa đảo Hải Nam và Khâm Châu - địa điểm hay lui tới của thương nhân Phúc Kiến, Chăm và các thương nhân Hồi giáo. Do vấn đề an ninh, hầu hết các thuyền buôn nước ngoài đến giao thương với Đại Việt đều không được vào sâu trong nội địa, nên họ chỉ được cập bến tại một số cảng quy định. Với vị thế là thương cảng lớn nhất cả nước, Vân Đồn là nơi đón nhận nhiều thương thuyền của nước ngoài. Từ đó hình thành nên các mối giao dịch đa chiều, tạo nên diện mạo của một khu thương cảng buôn bán nhộn nhịp, sầm uất.

Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư được phong làm Phó Đô tướng quân, trấn nhậm Vân Đồn, giữ trọng trách và toàn quyền quyết định tại đây. Và qua các nguồn sử liệu cho thấy với cương vị Phó Đô tướng quân, Trần Khánh Dư đã có những tư tưởng rất mới mẻ trong cách làm kinh tế khác biệt căn bản với tư duy nông nghiệp của đại đa số quý tộc thời bấy giờ.

Khi được giao nhiệm vụ trấn Vân Đồn, ông đã biết áp dụng sức mạnh thể chế vào hoạt động kinh doanh, tận dụng tuyệt đối quyền lực của mình để làm lợi thế và tranh thủ mọi nhân tố để công việc buôn bán đạt nhiều lợi nhuận nhất.

Trong số những quý tộc nhà Trần, Trần Khánh Dư là người không chỉ giỏi võ nghệ, lắm mưu lược, lập công lớn về quân sự mà ông còn có đầu óc thực tiễn, biết kinh doanh thương mại. Suốt thời gian bị bãi chức, ông về đất cũ của cha mình ở Chí Linh, làm nghề buôn than. Tác giả các bộ sử cũ với quan điểm kinh tế truyền thống của phong kiến là trọng nghề gốc (nông nghiệp), khinh nghề ngọn (buôn bán) nên coi việc ông buôn than, bán nón là nghề “hèn mọn”. Nhưng thực ra, ở thời Trần chưa hề có chính sách trọng nông ức thương, chưa hề có việc bao vây cấm đoán ngoại thương. Chính Trần Khánh Dư là người sớm thấy nguồn lợi lớn trong việc buôn bán.

Người Quan Lạn luôn coi Trần Khánh Dư là vị thần hộ mệnh của vùng biển đảo phải chăng tài kinh doanh của Trần Khánh Dư đã ngấm vào máu những lứa cháu con ở trấn Vân Đồn. Ngày nay đến trung tân thị trấn Cái Rồng, nếu để ý người ta sẽ nhận ra những người giàu có nhất đảo luôn là người Quan Lạn. Sự giầu có của Quan Lạn thì đã rõ thế nhưng tôi muốn nói đến một khía cạnh khác, đó là sự giàu có về tâm hồn của người dân nơi đây. Dù bạn là ai, đến từ nơi nào bạn cũng không bao giờ thiếu chỗ ăn nghỉ trên đảo, nhất là lại đến Quan Lạn vào những ngày lễ hội. Người dân Quan Lạn có lệ, vào những ngày lễ hội, gia đình nào càng “bắt” được nhiều  khách về nhà mình, chứng tỏ năm nay nhà mình sẽ làm ăn phát đạt.

K.Ly

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét