Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Trần Thủ Độ và đền Thanh Nhàn


Vào thời Lý Chiêu Hoàng, thái sư Trần Thủ Độ chủ trương ngụ nông ư binh, cho quân khai thác vùng đất hoang vu cạnh dãy Nham Biền thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang ngày nay.
Tương truyền ở đó có một con rắn cực lớn thường xuất hiện nuốt sống người, không ai dám qua lại. Cũng tương truyền thái sư cho người thám thính nắm vững quy luật sinh hoạt của rắn khổng lồ, cứ ngày ngày từ khe Róc um tùm của dãy núi Nham Biền bò ra thành vệt ngoằn ngoèo trên bãi cát. Đến địa điểm làng Hương Tảo ngày nay thì nằm lại rình trực, có người đi qua là lao ra nuốt chửng. No mồi, rắn lại trườn trên bãi rồi lao xuống sông Cầu làng Đông Hương ngày nay uống nước và trườn về khe Róc nằm ngủ. Đến nay khe Róc dân còn gọi là Suối Rắn, các hang rắn là những vòm đá ăn sâu trong lòng núi Nham Biền đến nay vẫn còn.

Thái sư rước nhà vua về xem ngài trừ rắn thần, nay dãy Nham Biền 99 ngọn, có một ngọn tên gọi Non Vua. Ngài cho đặt trên đường mười gánh trứng vịt, mỗi gánh 50 quả rồi cho người nhử rắn ra, rắn gặp trứng thì ăn không nuốt người nữa, nuốt hết mười gánh trứng, rắn vặn mình cho trứng vỡ ra rồi xuống sông uống nước và trườn về hang.

Lâu dần thành lệ, cho đến một hôm, thái sư cho khoét vỏ ba trăm quả trứng, dốc lòng trứng ra, dồn vôi vào xong xếp vào gánh và đặt trên đường như thế.

Rắn thần mắc mẹo trườn ra nuốt chửng hết ba trăm quả trứng dồn vôi, khi quen vặn mình cho trứng vỡ thì vôi toả ra làm nó nóng ruột và khát nước vô độ, rắn trườn vội xuống sông, càng uống nước ruột càng nóng và càng khát, cho đến lúc vôi sủi ùng ục nổ tung ruột gan và rắn quằn quại trườn về giãy chết trên cánh đồng Hương Tảo.

Cả cánh đồng Hương Tảo ruộng chiêm lầy thụt ngày nay còn mang tên Vũng Rắn.

Thái sư vung kiếm chém rắn đứt làm ba khúc, khúc đầu đem chôn ở Cầu Đá làng Hương Tảo, khúc giữa chôn ở địa phận làng Yên Hồng, còn khúc đuôi vùi ở làng Phấn Lôi ngày nay.

Trừ xong thần Rắn, quốc thái dân an, thái sư chọn một khu đất trong ấp của Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung giữa hậu cứ quan trọng của nhà Trần dựng một ngôi đền gọi là đền Thanh Nhàn (Thanh Nhàn từ) để khi kinh lý vùng Đông Bắc ông hạ trại nghỉ ngơi và lập bài vị thờ Thần Rắn.

Đền Thanh Nhàn toạ lạc tại trung tâm thôn Minh Phượng ngày nay. Trải qua các triều đại phong kiến, nhiều lần tôn tạo nên dấu tích ngôi đền có sự pha tạp phong cách kiến trúc của các triều đại. Đền bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, nay công trình kiến trúc và cảnh quan được nhân dân thôn Minh Phượng, xã Nham Sơn tu bổ lại nhưng trong di tích vẫn bảo lưu được một số cổ vật quý.

Hàng năm vào ngày mồng tám tháng Tư và mồng một tháng Mười một (âm lịch), tối trước dân làm lễ mộc dục, tế xong thụ lộc, sáng sau mở cửa đền kéo hội có hát chầu văn, đấu vật, cờ người và không thể thiếu hai trò truyền thống là múa bông, đánh bệt tượng trưng việc nhử rắn và tiêu diệt rắn.
Trần Quốc Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét