Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Trên bến Tam Giang



  
Bến nước Tam Giang.
Đã thành lệ, cứ nhằm ngày 18 tháng Giêng hàng năm là làng Tam Giang bên dòng sông Lục bắt đầu khai hội. Hội đền Tam Giang thờ nữ tướng Lê Chân. Vùng đất cổ này có tên gọi làng Sú, tổng Mỹ Nương xưa, nay được đổi là làng An Phú, xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn.
Tương truyền rằng, mùa xuân năm 40, hai Bà Trưng Trắc, Trưng Nhị phất cờ dấy binh khởi nghĩa trả nợ nước, báo thù nhà, đánh đuổi quân đô hộ nhà Hán do thái thú Tô Định cầm đầu. Khi đó có một nữ tướng tên gọi Lê Chân quê mãi miền duyên hải đã đem quân gia nhập nghĩa quân Hai Bà cùng nhau chống giặc. Có một lần tướng quân Lê Chân truy đuổi bọn giặc đến vùng đất Mỹ An bây giờ bỗng mất tăm bóng giặc. Đang lúc mất phương hướng thì thật may gặp một người con gái chỉ đường phía giặc lui. Cuộc truy đuổi tiếp tục đã mang lại cho nghĩa quân một thắng lợi lớn. Để tỏ lòng biết ơn người đẹp, nữ tướng Lê Chân liền lệnh truyền đặt tên nơi có người con gái ấy là đất Ngọc Nương. Cách làng người đẹp không xa là một ngã ba sông bởi chi lưu sông Bò từ Tây Yên Tử hợp vào dòng Minh Đức (sông Lục Nam bây giờ) tạo thế lưỡng long tụ thủy, đất trời giao thoa. Một bên dòng sông Lục, phía xa kia là dãy Huyền Đinh đã làm nên bài ca sông Lục, núi Huyền muôn năm không cũ. Từ bến nước Tam Giang, nữ tướng Lê Chân được thư thái sau những lần xông pha trận mạc. Bà ước mai ngày quốc thái dân an được trở về với đời thường sẽ chọn ngã ba sông này làm nơi tĩnh dưỡng trong những năm còn lại của cuộc đời. Tiếc thay, ngày đó chưa tới thì năm 43 họa ngoại xâm từ phương Bắc ập sang, Mã Viện cầm đầu quân xâm lược tràn vào khiến cuộc khởi nghĩa của Hai Bà bị dập tắt. Sự nghiệp cùng bao ước nguyện của nữ tướng Lê Chân đành lỡ dở. Bà mất ngày 25 tháng 12 năm 43. Lúc sống bà được Trưng Vương phong Thánh Chân công chúa sau khi giải phóng Luy Lâu, thu phục 65 thành, buộc thái thú Tô Định phải cạo đầu cải trang cùng lũ quân bại trận cút khỏi cõi bờ. Lúc chết đi, bà được các vua đời sau chiếu phong Thượng đẳng phúc thần công chúa. Thật tự hào những con người trong đội quân tóc dài lẫy lừng một thuở:
Dải yếm gió bay hồn giặc Hán
Lá cờ trời mở mặt vua Trưng.
Đã gần 2000 năm mà tên tuổi người anh hùng vẫn còn vang mãi. Nhiều vùng đất, nhiều con đường mang tên liệt nữ Lê Chân. Ngay bến Tam Giang đây, đền thờ bà được lập nên, bà đã trở thành Thành hoàng làng để linh hồn linh ứng chở che cho bao con người, trong đó nhiều người đã ra đi cầm súng, nhiều chiến sĩ quả cảm thuộc đội quân của tướng Lư Giang đã tung hoành giữa thời đánh Pháp diệt phỉ rồi lại đánh Mỹ. Nhiều bậc cao niên còn nhớ, năm 1951 quân Pháp càn vào đốt phá làng Sú (làng An Phú bây giờ), chúng xả súng vô tội vạ vào đền Tam Giang, nhưng lạ thay những viên đạn cứ chệch hướng hai bên mà không một viên trúng đền. Trải qua bao năm tháng ngôi đền không khỏi mai một, phần vì chiến tranh, phần bị lớp bụi thời gian làm mờ đi những dấu tích cổ xưa. Tuy vậy, trong đền hiện còn lưu giữ được 6 sắc phong dưới các triều vua Nguyễn từ 1845 đến 1925. Hòa bình lập lại, người dân nơi đây đâu quên những gì thuộc giá trị tâm linh, ai cũng một công một của thành tâm góp vào chỉnh trang tu tạo ngôi đền. Năm 2003, đền Tam Giang được cấp Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Từ đó tới nay hội làng ngày một đông vui, con cháu từ xa kéo về tề tựu, họ được gặp nhau, được tỏ lòng thành tâm công đức.
Ngô Minh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét