Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Quảng Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã đồng ý việc bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp khu di tích lăng mộ và đền thờ Vĩnh Yên Hầu. Đền thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh - Vị đại công thần khai quốc triều Nguyễn, có công mở cõi nước Việt về phương Nam.
|
Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh
ở Lệ Thuỷ, Quảng Bình.
Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh nằm trên núi An Mã, thuộc xã Trường Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ (cách trung tâm huyện 25 km), tỉnh Quảng Bình. Tại khuôn viên lăng mộ của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh còn một tấm bia mộ bằng đá xanh rất giá trị. Bia cao 1,2m (tính cả đế bia). Mặt trước của bia hướng về ngôi mộ khắc 3 dòng chữ Hán. Nghĩa của dòng chữ bên phải được dịch là: “Người mở mang đầu tiên miền Nam bậc khai quốc thần thượng cấp của triều Nguyễn”. Dòng giữa: “Lăng mộ của Vĩnh An Hầu Nguyễn Hữu Kính” (có thể vì kiêng huý của Thái tử Cảnh - Hoàng tử con vua Gia Long nên sau đổi là Kính). Dòng trái: “Người cháu 4 đời của quý hương là quan cai quản đạo quân hưng nghĩa Ngũ Đức Hầu Nguyễn Hữu Mạn lập bia mộ vào thời Gia Long sơ niên”. Mặt sau bia ghi ngày tháng và người khắc bia là: Ngày 16 tháng 7 năm 1925, Nguyễn Hữu Bài - Viện trưởng Viện cơ mật, Đại thần thái tử thái phó, Phúc môn bá Đại học sĩ điện Võ Hiện đã cùng con là Thị Dương. Việc ghi rõ ràng của tấm bia mộ đã giải quyết được nhiều tồn nghi của giới nghiên cứu sử học trong nhiều năm qua về thân thế và nơi an táng Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Khai quốc công thần, Thượng đẳng thần, Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm Canh Dần (1650) tại xã Chương Tín, huyện Phong Lộc nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông là một kiệt tướng đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Nguyễn Hữu Cảnh là hậu duệ 19 đời của Khởi tổ Nguyễn Bặc (thời Đinh); hậu duệ 9 đời của Hậu tổ Nguyễn Trãi; cháu bàng hệ 5 đời của tổ của Nguyễn Kim; cháu nội của Triều Văn Hầu Nguyễn Triều Văn; con trai thứ 3 của chiêu vũ hầu Nguyễn Hữu Dật; em ruột của Hào lương hầu Nguyễn Hữu Hào. Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh lớn lên trong một gia đình cả ba cha con đều là những vị tướng có công lao to lớn trong việc phò tá các chúa Nguyễn giữ vững và phát triển mở mang bờ cõi quốc gia phía Đàng Trong. Cùng với việc dẹp loạn, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh còn giúp các chúa Nguyễn thiết lập hệ thống chính quyền của nhà nước ở phương Nam. Theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Hữu Cảnh đã: “...Lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh trấn biên (Biên Hoà); Lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (Sài Gòn bây giờ). Mỗi trấn có lưu thủ đứng đầu quản trị, dưới có cai bạc coi về ngân khố, ký lục coi về hành án. Đồng thời ông cũng lập thêm một đơn vị hành chính tại Sa Hà (sau đó nơi đây là Hạnh Thông Tây Gò Vấp). Tất cả đều trực thuộc phủ Gia Định...”. Ngày 9 tháng 5 năm 1701, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh mất. Khi vua Gia Long lên ngôi đã truy phong công trạng của ông với sự đánh giá rất cao. Ông được phong: “Thượng đẳng thần”, “Khai quốc công thần”. Và trên nhiều địa phương từ Quảng Bình đến Quảng Nam – Đồng Nai - An Giang - Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh... đều có nhà thờ hoặc đền thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Nguyễn Quốc |
Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012
Tri ân người mở cõi phương Nam
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét