Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Tục mở cửa điếm cầu an ở Tiên Lục


  
Cây dã hương và đình Viễn Sơn ở xã Tiên Lục.
Đã thành thông lệ, vào dịp đầu năm mới (từ tối ngày 14 đến hết Rằm tháng Giêng), tất cả các thôn ở xã Tiên Lục (Lạng Giang) đều tổ chức mở cửa điếm cầu an. Tục này có từ bao giờ không rõ nhưng đã được người dân nơi đây duy trì qua nhiều thế hệ, trở thành nét đẹp văn hoá không thể thiếu vào mỗi dịp đầu Xuân.
Tiên Lục là vùng đất cổ nằm ở phía tây của huyện Lạng Giang, nơi đây đang lưu giữ một báu vật có một không hai của đất nước đó là cây Dã hương ngàn tuổi cùng với hệ thống đình Viễn Sơn, chùa Phúc Quang trở thành một danh thắng nổi tiếng trong cả nước. Bên cạnh di sản văn hoá vật thể, Tiên Lục còn có những nét văn hoá phi vật thể đặc sắc được bảo tồn qua nhiều đời, trở thành nét đẹp không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng của cư dân địa phương. Một trong những nét đẹp đó  là tục mở cửa điếm cầu an. Ông Trần Văn Chúc ở xã Phi Mô, là người gốc thôn Giếng thuộc xã Tiên Lục thoát ly từ khi học xong cấp 3 trường huyện, được nhà nước cho đi học tập ở nước ngoài rồi về công tác ở một ngành của tỉnh. Dù sống xa quê hương nhưng Rằm tháng Giêng năm nào ông cũng trở về tham gia lễ mở cửa điếm, cùng dân làng bái tạ Thành Hoàng làng phù hộ cho gia đình, làng xóm một năm mới gặp nhiều điều tốt lành, thịnh vượng và ăn bữa cơm sum họp cùng dân làng dịp đầu xuân. Không chỉ ông Chúc mà hàng trăm người con của quê hương Tiên Lục dù cư trú, làm việc ở đâu  không về quê ăn Tết được thì dứt khoát vào dịp lễ mở cửa điếm cũng tìm về nơi nguồn cội đã sinh ra và nuôi lớn một thời.
Theo lệ tục cổ truyền: Chùa thờ Phật dành cho các cụ bà. Đình thờ thánh và là nơi bàn việc làng của các cụ ông. Còn điếm là nơi dành chung cho cả cộng đồng nhưng nhiều nhất vẫn là trai tráng và bậc trung niên trong làng mỗi khi có việc. Điếm cũng là chỗ canh trực bảo vệ đồng điền, thôn xóm. Ở Tiên Lục còn lưu giữ đầy đủ điếm ở 11 khu dân cư. Điếm có quy mô nhỏ hơn đình, hầu hết chỉ một gian hai chái có mái cong hoặc một gian lợp ngói mũi. Trong điếm có các ban để thờ Sơn thần, Thổ địa và Thành Hoàng làng. Nếu điếm rộng thì hai bên có sạp gỗ để sau việc tế lễ mọi người cùng bàn việc làng. Người ra điếm buổi lễ mở cửa có đủ mọi thành phần, đủ lứa tuổi từ các lão ông, lão bà, đến trẻ nhỏ nhưng phần nhiều là đại diện các hộ và trai tráng trong làng tuổi 18 đến dưới 49 tuổi. Đứng đầu mỗi điếm là một Thủ hương - người chuyên hương khói cho điếm vào các ngày sóc, vọng trong năm và được làng bầu ra sau mỗi dịp mở cửa làm lễ cầu an đầu năm mới. Nếu người nào chăm chỉ đèn nhang, có tín nhiệm thì được giữ chân Thủ hương nhiều năm. Lễ mở cửa điếm ở Tiên Lục thường được tổ chức đồng loạt tại 11 thôn từ nhiều đời nay, kể cả ở thôn Tây nơi có tới 3/4 số hộ là người theo đạo Thiên chúa nhưng vẫn có điếm như các khu dân cư khác. Lễ vật dâng cúng tại điếm là ngựa giấy, quần áo cho Sơn thần, Thổ địa và Thành Hoàng làng cùng với hoa quả. Nếu thôn nào tổ chức ăn mặn đầu năm thì lễ cúng có thêm một bát thịt kho - món đặc trưng của cỗ làng  từ xa xưa. Sau khi khăn áo chỉnh tề, các cụ cao niên cùng với Thủ hương làm lễ mở cửa điếm dâng lễ vật cúng tế, còn những người khác giúp việc hoặc cùng nhau chuẩn bị bữa cơm đoàn tụ cộng đồng nhân dịp xuân mới. Nội dung các bài cúng là cầu mong quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt. Sau lễ cúng mọi người chuyển sang bàn việc làng, việc xóm, việc làm ăn...
Ngày lễ mở cửa điếm ở Tiên Lục đã tạo nên sự nồng ấm, gắn kết mỗi người dân cùng chung tay xây dựng quê hương, làng xóm ngày càng phát triển Chi phí cho lễ mở cửa điếm cầu an  do nhân dân đóng góp, khu dân cư đông cử đại diện gia đình, chỗ ít thì huy động tất cả mọi người có điều kiện.
Thân Văn Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét