Thịt trâu gác bếp, thịt lợn nướng than hoa, măng sặt, cốm nếp tan là những món nếu có dịp ghé qua đất Yên Bái bạn nhớ thưởng thức nhé.
Yên Bái, địa danh nghe rất xa xôi nhưng nếu một lần ghé qua, bạn sẽ rất thích mảnh đất này bởi ở đó có nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, có những món ngon làm nao lòng du khách.
Tôi may mắn có 3 lần tới Yên Bái, một lần đi bằng tàu sắt ì ạch trong đêm nên chẳng thể ngắm nhìn được khung cảnh bên đường; lần thứ 2, tôi chỉ dừng chân có 2 ngày tại thành phố, trời mưa giá rét, cũng chỉ quanh quẩn ở khách sạn, muốn đi ăn vài món nướng cũng không có dịp.
Tới lần thứ 3, đó là 1 chuyến đi về nguồn, tôi tới huyện Mù Cang Chải, trong lễ hội di sản ruộng bậc thang. Chuyến đi không dài nhưng tôi khám phá được rất nhiều điều thú vị. Đặc biệt, vô vàn những món ăn ngon, chỉ một lần thưởng thức mà sao muốn quay lại thêm vài lần nữa...
Đậm đà thịt trâu gác bếp
Chúng tôi dừng chân tại đầu thung lũng Tú Lệ (huyện Văn Chấn, Yên Bái), ghé vào một quán ăn ven đường mà theo anh lái xe giới thiệu quán 100% của người Thái đen. Quán của mấy chị em gái người Thái rất xinh xắn, ăn nói khéo léo. Vì không đặt trước, nên khi đến chúng tôi phải chờ hơi lâu, trong khi bụng thì réo rắt. Chẳng có cách nào khác, lại buồn chân, buồn tay, chúng tôi vào bếp với họ. Trong căn bếp củi tuềnh toàng sau nhà, chúng tôi cùng nướng món thịt trâu gác bếp khai vị.
Cô em gái của chủ quán phụ trách món này, cô nói hôm nay anh chị may mắn vì thịt trâu gác bếp này đúng độ "chín" tới, ăn giòn mà không dai. Nếu gặp hôm trời ẩm hay trâu mới gác bếp thì có nhai sái quai hàm ấy chứ!
Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản của người Thái đen. Món này thường được làm từ thịt bắp của những chú trâu thả rông trên các vùng núi, đồi. Khi chế biến, người ta róc các thớ thịt ra thành từng miếng, rồi hun bằng khói của than củi được đốt từ các loại cây mọc trên núi đá.
Mùi khói trong thịt trâu khiến ai nhạy cảm đều rất khó chịu, tuy nhiên để át đi mùi khói và tăng thêm hương vị của món thịt, phải nhờ vào kỹ thuật tẩm ướp trước khi gác bếp. Người làm dùng cách tẩm ướp thịt với các gia vị khác như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén - một loại hạt tiêu rừng của người dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc.
Các gia vị này thậm chí còn nhìn thấy rất rõ trên từng miếng thịt. Miếng thịt khô nhưng vẫn giữ nguyên mùi vị đặc trưng. Khi ăn, món này được chế biến hoàn toàn tự nhiên, không có chất bảo quản nhưng vẫn để dự trữ được trong thời gian khá dài (khoảng một tháng).
Thịt nướng kiểu người Thái
Món thứ hai trong thực đơn vội vàng của bữa trưa hôm đó là món thịt băm nướng kiểu người Thái. Món này nhìn rất đơn giản, nguyên liệu chỉ là phần vai gồm cả bì và mỡ, cứ thế băm nhỏ ra, tẩm ướp gia vị cho vào lá rong tươi bọc vài lớp, kép tre nướng trên bếp than hoa.
Ấy vậy mà khi ăn sao ngon kỳ lạ, mùi thơm quyến rũ của những gia vị quyện với vị ngọt của thịt khiến những cái bụng háu đói của chúng tôi khó có thể cưỡng lại. Nhưng món nướng này cũng không thể nhanh chóng mà ăn được, vì nướng trên than hoa, buộc người nướng phải rất khéo léo để sao cho thịt chín đều, vàng ươm, lớp lá rong chỉ cháy khô bên ngoài.
Gia vị cũng là một bí quyết tạo nên sự ngon của món ăn. Người Thái thường dùng thêm hạt tiêu rừng (mắc kén) để dậy mùi, hành tươi, hành khô vừa đủ để giữ được sự nguyên chất của thịt lợn. Có lẽ món ăn này ngon tuyệt hảo cũng bởi vì thịt lợn ở đây sạch và ngon chăng?.
Món này ăn kèm với xôi nếp tan Tú Lệ là ngon và đúng vị nhất.
Thơm ngon như măng sặt
Buổi sáng khi vào tới huyện Mù Cang Chải, chúng tôi tới quán ăn ven đường để thưởng thức món phở gà vùng cao. Nói là phở cho oai, chứ ở đây người dân thường dùng bánh phở khô hay chính là bánh đa, mỳ khô như dưới xuôi mình hay nấu.
Cách nấu cũng khá đơn giản, nhưng vị thơm thì tuyệt vời, chắc vì ở trên này nước dùng khá nguyên chất chứ không phải thứ gia vị tổng hợp. Món phở ngon hơn bởi một bát ôtô măng chua đi kèm. Nhìn bát măng chua đúng là ứa nước miếng, từng miếng măng thái thái mỏng, vàng nhạt lốm đốm trên đó là những miếng ớt cắt nhỏ.
Nhìn thôi cũng muốn gắp thật nhiều măng cho vào bát phở gà nghi ngút khói. Nhưng, chao, măng cay quá là cay, thứ ớt hiểm người vùng cao trồng trên đất đồi núi như chắt lọc hết tinh túy tạo nên cái sự cay xè lưỡi. Nó rất hợp với măng sặt đem ngâm giấm.
Cũng may, trong bữa cơm trưa hôm đó, chúng tôi được ăn lại món măng sặt ngon tuyệt không hề cay được nấu canh sườn, luộc chấm với muối lạc. Măng sặt thon nhỏ, to cỡ chuôi liềm, trắng nõn, mềm vàng. Vào đúng mùa, măng non rất dễ bóc, vị ngọt, không có vị he, luộc nên thơm phức mùi của núi rừng. Ngoài món nấu xườn, luộc, món măng này có thể dùng xào với cà chua, thêm ít gia vị tỏi cũng ngốn vài bát cơm của thực khách.
Xôi và cốm tan Tú Lệ
Thung lũng Tú Lệ thuộc phía Tây của tỉnh Yên Bái, Tú Lệ cái tên đã nói phần nào vẻ đẹp nơi đây. Quả thật, khó có từ ngữ nào diễn tả được vẻ đẹp của thung lũng này. Tú Lệ mùa nào cũng đẹp, khi lúa non, từ trên đèo cao nhìn xuống, thung lũng Tú Lệ như thảm cỏ xanh mướp, mùa lúa chín đây đúng là một thung lũng vàng và hơn thế hương thêm từ thứ nếp nổi tiếng có thể làm bạn "say" nơi đây chẳng muốn về.
Cốm Tú Lệ giản dị mà thơm ngon. Nguồn ảnh ttvnol
Nếp tan là thứ gạo nếp rất nổi tiếng, người ta ví, khi đồ thứ gạo này có thể hương thơm bay xa vài trăm mét, bản trên, xóm dưới đều có thể hưởng hương thơm. Vào đầu mùa thu hoạch (khoảng tháng 4 và tháng 10 hàng năm), may mắn, bạn sẽ được thưởng thức cốm Tú Lệ ngon chẳng kém gì cốm Làng Vòng nức tiếng ở Thủ Đô.
Nói tới xôi, không thể quên món thịt gà ăn kèm, đúng là hai món "cần có nhau". Thịt gà vùng cao quả chẳng còn mỹ từ nào để tả. Nếu ghé qua đây, bạn nhớ thưởng thức nhé.
Ảnh minh họa.
Người Thái có câu “mổ gà mái ghẹ đãi khách ăn”. Đây là cách thể hiện lòng kính trọng, quý mến mỗi khi có khách tới chơi nhà. Gà chặt thành từng miếng nhỏ, thìa là, rau húng rừng, ớt bột, muối… Sau đó dùng lá ngõa, lá dong gói lại cho vào chõ tre đặt trên ninh đồng xôi. Đây là món ăn thường để đãi khách quý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét