áng
Làng Bằng, xã Nghĩa Hoà, huyện Lạng Giang có một công trình văn hoá khá độc đáo, đó là di tích văn chỉ Bằng. Đây không chỉ là nơi tôn thờ đức Khổng Tử và các bậc hiền triết, nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân mà còn là nơi ghi dấu quá trình hoạt động của nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu trong những năm đầu thế kỷ hai mươi.
|
Là văn chỉ hàng tổng thuộc tổng Thịnh Liệt, phủ Lạng Giang xưa, hiện khu di tích này còn lưu giữ được khá nhiều giá trị lịch sử văn hoá dân tộc. Xưa văn chỉ Bằng được xây đàn lộ thiên, sau mới xây nhà có mái lợp. Hàng năm xuân thu nhị kỳ hội Tư văn hàng tổng vẫn tới làm lễ cúng Khổng Tử và các bậc khoa bảng của địa phương.
Thời Nguyễn, Thịnh Liệt là một tổng lớn của phủ Lạng Giang, nên các nhà nho đã thay thế văn chỉ lộ thiên bằng những toà nhà, có đủ hậu cung, đại bái, tả vu, hữu vu để thờ đức Khổng Tử và các bậc tiên hiền của tổng Thịnh Liệt. Tấm bia đá dựng năm 1719 ở văn chỉ Bằng ghi rõ thời gian tu sửa xây dựng văn chỉ: "… Đền của tổng ta là đền hàng tổng vậy, nhưng đền đã đổ nát cần phải tu sửa, vì binh lửa triền miên, vương nghiệp chìm đắm nên vẫn chưa dấy lên được. May thay trong xã Nghĩa Liệt của bản tổng có ông Đồng Đăng Danh nghĩ đến việc lớn nên đã cùng dân bạt cỏ để tìm nền cũ đã bị chìm đắm trong tro tàn đổ nát mà làm nên đền mới…"
Như vậy văn chỉ Bằng có từ lâu và đã bị đổ nát đến năm 1719 nhân dân địa phương mới xây dựng toà nhà trên nền của văn chỉ cũ. Văn chỉ xưa được xây dựng ở giữa làng Bằng gồm các hạng mục công trình, cổng văn chỉ, toà đại bái năm gian hai chái, án thờ lộ thiên trên nền đất xây những bệ gạch đặt bát hương. Đây là nơi tế lễ chính trong ngày lệ 11 tháng 9 âm lịch. Toà trung đường năm gian và toà hậu đường một gian hai chái, có ban tả, ban hữu để thờ các bậc khoa bảng trong làng từ bậc đại khoa, trung khoa, đến tiểu khoa. Trong toà hậu đường còn bảo lưu được một số nét kiến trúc cổ thời Tây Sơn. Toà này có ba gian, kết cấu kiến trúc gỗ chắc chắn, phần liên kết các vì mái kiểu thượng chồng rường hạ kẻ đón, các cấu kiện kiến trúc chạm khắc nhẹ hình hoa lá nhưng vẫn còn đượm màu thời gian cổ kính. Trong toà hậu đường đặt ba bệ thờ, ở giữa đặt tượng thờ đức Khổng Tử, hai bên là hai vị tiên hiền. Bên cạnh là ban tả, ban hữu đặt chín pho tượng thờ. Đó là các bậc khoa bảng những người đỗ đạt trong hàng tổng. Phía trước là toà đại bái mới được tôn tạo khang trang tố hảo. Toà này có năm gian, kiến trúc vì mái kiểu kèo kìm trốn trụ, các cấu kiện kiến trúc không chạm khắc, bên trong đặt hai tấm bia đá cổ có giá trị nghiên cứu khoa học. Cạnh phía sau toà hậu đường còn bảo lưu được cây đại cổ thụ có đến vài trăm năm tuổi tạo dáng vẻ cổ kính uy linh cho khu di tích. Đó là những nét văn hoá, nét kiến trúc xưa và nay của văn chỉ Bằng.
Văn chỉ Bằng là ngôi trường đầu tiên truyền dạy chữ quốc ngữ trong tổng Thịnh Liệt xưa, còn gọi là trường Tổng sư. Là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử về cuộc đời, sự nghiệp nhà nho yêu nước Nguyễn Khắc Nhu. Sau khi đô hộ và thiết lập nền cai trị mới, thực dân Pháp cho mở trường sơ học đầu tiên để truyền dạy chữ La tinh. Tại văn chỉ Bằng, nhà nho yêu nước Nguyễn Khắc Nhu đã về đây dạy học và tuyên truyền vận động nhân dân trong vùng tham gia cách mạng. Nguyễn Khắc Nhu người làng Song Khê (Yên Dũng), sinh trưởng trong một gia đình nho học. Sinh thời ông là người học rộng, hiểu biết nhiều, khi dự kỳ thi sát hạch ông đỗ đầu xứ nên dân gian còn gọi là "ông đầu xứ Nhu". Bản thân ông từng được thầy dạy học giao cho việc bí mật đưa cụ Phan Bội Châu lên đồn Phồn Xương gặp Hoàng Hoa Thám để giao dịch công việc. Năm 1907, ông làm trưởng đoàn đưa 17 thanh niên xuất ngoại tham gia phong trào Đông du nhưng không bắt được liên lạc với phái viên của Phan Bội Châu ở Trung Quốc. Trở về nước Nguyễn Khắc Nhu đệ đơn xin học trường đào tạo các nhà nho làm tổng sư sau đó ông được bổ nhiệm làm tổng sư ở tổng Thịnh Liệt, cách đồn Phồn Xương - Yên Thế gần 20 km. Ban đầu ông có ý định bỏ dạy học tham gia nghĩa quân Yên Thế, sau thấy việc tham gia nghĩa quân mà chưa được đào tạo gì về quân sự, lại chưa làm được việc gì với quốc dân đồng bào thì không thể giữ được vị trí trong hàng ngũ kháng Pháp nên ông tiếp tục ở lại dạy học tại khu văn chỉ Bằng nhằm nuôi ý chí để tìm cách kháng Pháp. Năm 1913, cuộc khởi nghĩa Yên Thế bị tan vỡ ông đành nuốt hận tiếp tục dạy học với ý đồ đào tạo thanh niên, kén chọn nhân tài trong số họ để sau này cùng làm cách mạng.
Văn chỉ Bằng là nơi tôn vinh các nhà danh nho về nền học vấn vùng Thịnh Liệt - Lạng Giang xưa. Là nơi đào tạo truyền dạy chữ quốc ngữ đầu tiên trong tổng Thịnh Liệt, phủ Lạng Giang mà người khởi xướng là nhà nho yêu nước Nguyễn Khắc Nhu. Năm 2002 di tích văn chỉ Bằng đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Việc bảo tồn di tích văn chỉ Bằng để nơi đây trở thành địa chỉ văn hoá, nơi giáo dục truyền thống hiếu học trên quê hương đã và đang được Đảng bộ và nhân dân địa phương hết sức quan tâm.
Đồng Ngọc Dưỡng
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét