Sự tích địa danh làng Nội Hoàng
|
Lạc Long Quân sánh duyên cùng Âu Cơ sinh ra 100 người con trai, 50 người cùng cha quy hải, 50 người cùng mẹ quy sơn ở vùng Ba Vì Tản Viên lập nước Văn Lang, những ngày đầu chưa có kinh đô.
Núi Nham Biền trùng điệp 99 ngọn, nằm giữa lưu vực hai con sông, sông Cầu và sông Thương.
Vua nước Văn Lang đi tìm đất đặt kinh đô, đã đến vùng núi Nham Biền. Một hôm vua đang ngự trên núi, đàn chim phượng hoàng 100 con bay đến, 99 con đậu xuống 99 ngọn núi Nham Biền, một con không có chỗ đậu, bay vòng vài lượt rồi bay đi. Cả đàn cất cánh bay theo. Điềm chim vào báo, vua tiếc ngẩn người, tiếc một địa thế thuận lợi, phong cảnh sơn thuỷ đẹp như tranh.
Tuy vùng núi Nham Biền không được chọn làm kinh đô, nhưng vua nước Văn Lang vẫn phong một ngôi làng ở chân núi làm nơi thuộc đất cung cấm. Đó là làng Nội Hoàng thuộc bộ Vũ Ninh, nước Văn Lang.
Sự tích núi Chúa Ngự.
Thời kỳ đầu dựng nước, vua nước Văn Lang đi tìm đất đặt kinh đô. Vua đến núi Nham Biền tìm hiểu về địa thế, phong thuỷ, phong cảnh. Vua ngự trên ngúi cao nhất, nhìn hết vùng đất từ sông Cầu đến sông Thương.
Từ đó, ngọn núi được mang tên lưu truyền mãi mãi gọi là núi Chúa Ngự.
Cuối thế kỷ 19 thực dân Pháp chiếm Phủ Lạng Thương, chiếm núi Chúa Ngự xây dựng quân sự, đồn bốt kiên cố. Người Nội Hoàng đổi tên núi Chúa Ngự, gọi là núi Đồn Tây.
Sự tích núi Ông Cụ.
Núi Ông Cụ là núi đất, xung quanh là đồng ruộng và dân cư đông đúc.
Đầu thế kỷ 18, làng Nội Hoàng có vị quan lớn, tên là Ân Quận Công họ Thân. Quan Quận Công nuôi gà chọi và có trường thi đấu gà tại núi này, từ đó người Nội Hoàng gọi tên núi là núi Ông Cụ, ám chỉ lòng kính trọng với quan lớn làng mình.
Dị bản
Từ thời xa xưa, làng Nội Hoàng có người đàn ông tính tình rất tốt, lao động cần cù, thương yêu mọi người, được cả làng noi gương và kính trọng.
Không biết lấy gì để đền ơn đáp nghĩa, để làm kỷ niệm lâu dài, người Nội Hoàng đã tặng ông quả núi, gọi là núi Ông Cụ. Núi ông Cụ nối với Ngõ Đồng bằng bờ Đằng Sậy rất ngắn, tình non nước, tình người thắm thiết, yên vui.
Sự tích bờ chuối.
Làng Nội Hoàng nằm trong đất cung cấm, thiên thời địa lợi nhân hoà. Thời Lê Trung Hưng (Thế kỷ 17-18), người Nội Hoàng có nhiều quan to làm ở triều đình. Dương Quốc Chính họ Dương Thế giáp Nam Đồng, tước phong Thượng Tướng Công. Họ Thân có Ân Quận Công, tước phong Tư Đồ, Đại Tư Đồ, Thái Giám, Tổng Thái Giám. Họ Phùng có Cao Lộc hầu Phùng Tướng Công, huý Đức Nhuận.
Các quan người làng thường về quê giúp dân xây dựng đình chùa, đường sá và xây dựng khu lăng mộ cho họ hàng và bản thân. Các vị quan triều đình cũng thường lui tới làng Nội Hoàng.
Quan lớn ngày xưa cưỡi ngựa cưỡi voi kinh lý khắp miền, giao du thiên hạ. Ngựa voi đến Nội Hoàng, ngựa thì phải có cỏ, voi thì phải có cây chuối tươi. Một bờ bằng đất rộng lớn nối từ núi Chùa đến núi Ông Cụ trồng toàn chuối để lấy thức ăn cho voi. Bao nhiêu năm, người Nội Hoàng vẫn trồng chuối trên một địa điểm. Bờ ấy, từ xưa đến ngày nay, gọi là Bờ Chuối.
Sự tích chùa Bụt Mọc.
Ngày xưa, ở trong làng Nội Hoàng có người làm nghề đánh dậm, quanh năm vất vả mà không đủ miếng cơm ăn.
Một lần anh nâng dậm lên, không có lấy một con cua con tép, chỉ có một tảng đá lăn lóc. Anh bèn vứt đi. Cả ngày hôm ấy, anh không đánh được gì. Anh buồn rầu nghĩ đến bát cháo cũng không có mà ăn. Anh lủi thủi về và đem chuyện tảng đá kể cho vợ nghe.
Hôm sau, anh lại đánh dậm đúng chỗ hôm trước, lại được tảng đá, anh vội vứt đi ngay. Cả ngày, mỗi mẻ dậm cũng chỉ là tảng đá. Trời đã sang chiều, anh ngồi bần thần suy nghĩ về sự lạ lùng. Anh quyết định rửa sạch tảng đá và đem chôn trên sườn núi.
Chôn xong tảng đá, anh chắp tay khấn rằng:
Ngài là đấng linh thiêng, ngài hãy giúp con ngày nào cũng đánh được tôm cá. Con xin đội ơn ngài.
Từ đó về sau, mỗi lần đi đánh dậm, anh lại đến chỗ tảng đá thỉnh cầu. Lời cầu khấn thành tâm mỗi ngày đều linh ứng, một ý nguyện thiết thực đã đạt được.
Vợ chồng người đánh dậm tuổi đã nhiều nhưng chưa có con. Anh thường bày tỏ sự tình với tảng đá.
Một ngày, anh khấn:
Ngài vô cùng linh thiêng đã ban cho tôi đánh dậm được nhiều tôm cá. Cuộc sống của gia đình mỗi ngày khấm khá hơn. Có một điều nữa đã nghĩ từ lâu, hôm nay mới dám ngỏ lời. Tôi xin ngài một chút con để nối dõi về sau. Khi đạt được ước nguyện, tôi thành tâm thờ phụng ngài.
Quả nhiên sau ngày thành tâm van vái, vợ anh sinh con trai. Vì sự linh ứng làm cho vợ chồng người đánh dậm nghi ngờ và lo sợ, nghĩ rằng tảng đá là ma quỷ. Anh đã đào bời tảng đá và vứt đi thật xa. Không ngờ tảng đá lại mọc lên đúng chỗ cũ.
Trước tảng đá, vợ chồng anh ân hận, xin được nhận tội và xin cất dựng ngôi chùa để thờ cúng.
Tiếng đồn gần xa, nhiều người đến chùa lễ bái, cầu gì cũng hiển linh, nhất là cầu tự ai cũng được như ý.
Chùa nhỏ dần dần thành chùa lớn. Từ khi dựng chùa, chùa có tên là chùa Bụt Mọc. Chùa ở núi Dâu nên có tên nôm là chùa Dâu. Khi chùa khang trang, chùa có tên là Linh Quang Tự.
Sự tích Đào Xẻ.
Đèo, cái đèo, đường đèo là đường đi vượt qua núi. Đèo xẻ là con đường vượt qua núi Chúa Nựa (núi Đồn Tây) thuộc làng Nội Hoàng đã có từ nhiều thế kỷ.
Từ đầu thời Lý cho đến sau này, các đường giao thông chính, liên vùng đều đặt các trạm đưa tin, gọi là Dịch xá. Dân gian gọi là Xẻ (hoặc Xe, Xé…)
Đèo Xẻ là con đường từ Nội Hoàng qua Trúc Tay, Cung Kiệm, sang sông Cầu đi Quế Dương, xuôi sông đi Lục Đầu, ngược sông đi Hiệp Hoà, Yên Phong. Đỉnh đèo nhìn tới các vùng Xương Giang, Sông Thương, Sông Cầu, Đáp Cầu, Thị Cầu.
Đèo Xẻ là đường bộ, là nơi nhà nước đặt Dịch xá, là địa thế quân sự quan trọng.
Đèo Xẻ ở Nội Hoàng là một trong những địa danh cổ, con đường đi cùng sự phát triển kinh tế văn hoá làng xã.
Đèo Xẻ, hiện nay người Nội Hoàng và các làng vẫn đi. Núi Chúa Ngựa và Đèo Xẻ mãi mãi tồn tại cùng dãy Nham Biền.
Truyện kể người Nội Hoàng đánh giặc Mã Viện.
Làng Nội Hoàng và dãy Nham Biền là một địa thế về quân sự.
Năm 1076, quân Tống xâm lược nước ta, đã đóng quân ở khu vực Đèo Xẻ, nơi hiểm trở, áp sát sông Cầu. Trước đó, giặc Mã Viện dùng khu vực Nội Hoàng làm thế trận, chắc chắn không ngoài kế hoạch vượt sông Cầu, tiến đánh vùng Luy Lâu.
Nghe tin một cánh quân giặc Mã Viện sẽ đến, người Nội Hoàng phá nhà để giặc đến không có chỗ đóng quân.
Quân giặc đông như kiến, làng xóm hoang tàn, chúng hạ trại ở núi, ở bờ ngòi và ở những khu ruộng cao. Chúng vào làng lấy củi, lấy nước và ăn cướp bất cứ thú gì ăn được.
Một tướng giặc đóng ở đầu làng, tuổi đã cao, nghiện trầu thuốc.
Hôm ấy, trời chưa sáng rõ, một ông già người Nội Hoàng nói tiếng Tầu thông thạo, nói với mấy tên lính đang ngái ngủ: "Cho tôi vào dâng trầu cho quan lớn".
Tướng giặc vừa ngủ dậy, hơn hở đón khay trầu, tưởng rằng lính của mình.
Ông già giấu con dao găm trong ống tay áo, quỳ xuống khay trầu đưa cao che mặt. Khi đúng tầm tay, ông đâm liền những nhát vào chỗ hiểm, tên tướng giặc chết đột ngột không kịp kêu cứu.
Cánh quân giặc của Mã Viện đóng ở Nội Hoàng nghe tin, tinh thần hoảng sợ.
Truyện kể về Chợ Bãi.
Thời xa xưa, làng Nội Hoàng có ngôi chợ, gọi là Chợ Bãi, lập chợ và mất chợ thủa nào đến nay cũng không ai rõ.
Chợ Bãi thuộc thôn Triền, nằm trên bờ sông Bách (bờ ngòi). Sông Bãi Chuối hai con sông, sông Cầu và sông Thương, có đoạn chảy qua Nội Hoàng. Sông Bách lượn theo chân dãy Nham Biền, chỉ cách những cánh đồng nhỏ, là nơi sơn đình thuỷ tụ, vì vậy Chợ Bãi là một trong những địa danh rất đáng quan chiêm.
Sông Bách bốn mùa có nước. Chợ Bãi quanh năm trên bến dưới thuyền. Chợ là trung tâm thương mại của một vùng rộng lớn. Ở chợ có đoàn người chuyên nghề bốc vác, có quán rượu quán nước, có sòng bạc, suốt ngày đêm tấp nập đông vui.
Ven chợ giáp lẩy (hồ nông) có cái giếng nhỉnh hơn cái nong, sâu chừng ngực người, gọi là giếng Mả Cương. Giếng này dù mùa hạn hán vẫy đầy nước trong veo. Giếng Mả Cương là nguồn nước cho Chợ Bãi dùng quanh năm.
Cổng chợ, nơi giáp chùa Cả có cây đa to, thuộc hàng cổ thụ. Cây đa bị chặt năm 1949.
Cách chợ một đoạn ngắn, sang bờ sông bên kia là Cầu Chanh, chiếc cầu thông thương với các làng lân cận.
Chợ Bãi mất nhưng dầu tích vẫn còn, khu vực này xưa nay gọi là khu đất Bãi Chợ.
Đất Bãi Chợ nằm sát trước cửa chùa Cả, "trước chùa sau miếu", bao đời nay, khu đất bỏ hoang, không có dân cư.
Chợ Bãi mất, một số người bán hàng và bốc vách bị thất nghiệp, họ khẩn hoang vùng đất cò trắng, cùng với những người đã đến sớm hơn, lập ra những làng mới.
Truyện kể về Bờ Đằng Cõi.
Từ trong làng Nội Hoàng có những đường lên núi, gọi là bờ. Bờ Đằng Xuôi từ ngõ cuối thôn Triền lên núi Chùa. Bờ Đằng Sậy từ ngõ Đồng thôn Triền lên núi Ông Cụ. Bờ Đằng Cõi từ thôn Mương (thôn Nội) lên núi Dâu.
Đằng nghĩa là nơi, là lối, là phía, là loại. Cõi là ranh giới phần đất có quyền sở hữu.
Những con đường để đi lại và cũng là những con đập để ngăn nước lũ, điều hoà nước canh tác.
Bờ Đằng Cõi được nhiều lần đào sắn đất hai bên đắp lên, bờ lớn dần. Cuối thế kỷ 19, quan tri huyện Yên Dũng Nguyễn Cao cho đắp Bờ Đằng Cõi lớn hơn nữa. Bờ trở thành lớn nhất trong các bờ ở Nội Hoàng.
Bờ Đằng Cõi nằm trong trục giao thông của huyện Yên Dũng. Từ đình Nội đi dọc làng, nối với Bờ Đằng Xuôi lên Đèo Xẻ và nói với bờ ngòi đi Me Điền, Hoàng Mai, Đáp Cầu.
Vùng đất này, từ xa xưa mỗi làng có một giọng nói. Các làng Nội Hoàng, Ảm Trứ, Lịm, Phúc Tằng, Phúc Long, Vân Cốc… đều có giọng nói khác nhau rõ rệt. Riêng làng Nội Hoàng có hai giọng nói thuộc hai thôn đầu làng.
Bờ Đằng Cõi sửa đi đắp lại nhiều lần, đào lên hai bên bờ sâu rộng làm cho giọng nói người thôn Mương (xóm Nội) khác xa giọng nói người thôn Trung, thôn Triều.
Điều rất lạ và thú vị, ai ở nơi nào, dù trong làng hay thiên hạ, đến ở thôn Mương thời gian ngắn, có giọng nói y như người thôn Mương.
Giọng nói thôn Mương (có người gọi là tiếng xóm Nội) nhẹ nhàng, dễ nghe, âm thanh có khi kéo dài. Khi nói to và nói nhanh thì the thé, sắc như tiếng gió. Con gái nói giọng hiền hậu, con trai nói giọng trầm hùng, gần xa giọng nói hiếm có.
Bờ Đằng Cõi và giọng nói thôn Mương là do người Nội Hoàng đặt ra để kể cho vui, sự suy nghĩ phong phú của làng cười, làng văn hoá.
(Theo Tạp chí Sông Thương số 3-2009)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét