Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Về Hà Giang xem hội chọi dê


Những ngày đầu xuân này, du khách lên Hà Giang không chỉ để ngắm cảnh cao nguyên đá nổi tiếng, mà còn được chứng kiến lễ hội chọi dê độc đáo, nét sinh hoạt văn hoá đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây...
Nuôi dê không chỉ để thịt...
Dê vốn là loài gia súc chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt của vùng núi đá Hà Giang. Bà con nơi đây đã tìm ra được một niềm vui mới, một hình thức giải trí rất độc đáo từ việc tranh giành thức ăn, đánh nhau nảy lửa để chọn bạn tình… của những chú dê đực lực lưỡng.

Hội chọi dê ở huyện Mèo Vạc, Hà Giang
Ông Lù Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, người đầu tiên có ý tưởng tổ chức hội chọi dê trên địa bàn huyện này cho biết: “Chọi dê đã được người dân tổ chức tại các thôn, bản từ lâu nay, vừa để giải trí, vừa mang ý nghĩa tâm linh, mong muốn về sự sinh sôi phát triển và trường tồn giống nòi”.
Vậy là lễ hội chọi dê được hình thành với mục đích thông qua những cuộc thi để chọn ra những con dê giống tốt nhất. Đây cũng là nét văn hoá mới, giải trí lành mạnh trong các lễ hội đầu năm để bà con giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, phát triển đàn dê trong cộng đồng.
Anh Lý Trần Phín, ở thôn Tả Hồ Piên, người có chú dê vừa đoạt chức vô địch ở hạng cân 27-31kg ở hội chọi dê xã Thông Nguyên (huyện Hoàng Su Phì) tiết lộ bí quyết chọn dê đi thi đấu: "Mỗi đàn dê thường có một con đầu đàn là con đực, có vai trò như một thủ lĩnh nhưng không phải để bảo vệ bầy đàn mà chủ yếu giữ vai trò duy trì nòi giống. Do đó một con dê thi đấu tốt phải là con có bộ râu dài, sừng dáng cao, cơ bắp khoẻ, đủ độ tuổi và cân nặng".
Hội chọi dê độc nhất vô nhị
Những ngày đầu xuân Nhâm Thìn này, tại nhiều xã như Bản Péo, Nậm Dịch, Nậm Ty, Thông Nguyên… của huyện Hoàng Su Phì đều diễn ra hội thi chọi dê rất hấp dẫn. Còn ở huyện Mèo Vạc, những ngày đầu năm, từng đoàn gái trai, trẻ già trong sắc phục Tày, Mông, từ các xã Khâu Vai, Mã Pí Lèng, Giàng Chu Phìn, Lũng Chinh… nô nức kéo về thị trấn Mèo Vạc xem chọi dê...
Sới chọi có khi là một khoảng sân trường, một góc sân vận động. Những chú dê núi thường ngày hiền lành thơ thẩn kiếm ăn trên các sườn núi, nay được chủ nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo và dạy cho những miếng đòn để đem đi thi thố trông thật dũng mãnh. Trước khi vào trận đấu, mỗi "đấu sĩ" dê đều có số báo danh, tham gia thi đấu ở các hạng cân và theo thể thức loại trực tiếp, để chọn chú dê khoẻ nhất vào chung kết.
Cuộc thi nào cũng có kẻ thắng, kẻ thua, nhưng khác với hội thi chọi trâu, kết thúc hội chọi dê, những chú dê dù thắng hay thua, vẫn lẽo đẽo theo chân chủ vượt núi về nhà mà không bị xẻ thịt… Còn những chú dê đoạt giải cao sẽ được lựa chọn để phối giống... giữ nguồn gen quý.
Có chứng kiến hội chọi dê mới thấy chúng cũng thi đấu quyết liệt, một mất một còn, ấn tượng không kém các hội chọi trâu, chọi bò. Chúng quần thảo với nhau hàng giờ bằng những món "võ dê" độc đáo, hiếm thấy. Để chiến thắng, các chú dê không chỉ dựa vào sức khoẻ mà cũng phải có các đòn, miếng được chủ dê huấn luyện trước.
Bà Đào Thị Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Du lịch huyện Mèo Vạc cho biết: Đây là lần đầu tiên huyện tổ chức thi chọi dê. Những cặp thắng trận vòng loại sẽ vào đấu chung kết xếp hạng nhất, nhì, ba. Thắng cuộc, ngoài các giải thưởng bằng hiện vật như ti vi, đầu đĩa, nồi cơm điện, Ban tổ chức còn trao cho mỗi chủ dê tham gia thi đấu 100.000 đồng để trang trải chi phí đi lại và chăm sóc dê.
Thào Minh (Dân Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét