Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Về làng Đọ thăm chùa Kim Quy



  
Chùa Đọ đã xuống cấp, chuẩn bị được xây dựng lại.
Làng Đọ, tên chữ là làng Đỗ nằm ven bờ tả con sông Lục hiền hòa. Gọi là làng Đỗ có lẽ bởi làng do họ Đỗ lập nên. Thời phong kiến, làng Đọ có đầy đủ các thiết chế văn hóa cổ truyền (đình, đền, chùa, nghè, miếu...) nhưng do thiên nhiên khắc nghiệt và chiến tranh tàn phá, đến nay chỉ còn giữ được ngôi chùa cổ có tên chữ là Kim Quy tự (chùa Kim Quy) nằm cạnh ngôi đình mới được tân tạo.
Là làng cổ của huyện Lục Ngạn xưa, Lục Nam ngày nay, lại nằm ở vị thế trung tâm tiện cả đôi đường giao thông thủy bộ huyết mạch của cả vùng nên từ cuối thế kỷ XVII (triều vua Lê Chính Hòa 1680- 1705), làng quê này đã được chọn làm nơi đóng trụ sở của huyện lỵ Lục Ngạn. Cuối triều Lê, vua Lê Chiêu Thống thất thế đã lần tìm đến vùng đất này ẩn dật để mưu đồ hành sự phục quốc. Thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) làng Đọ nói chung, chùa Đọ nói riêng, đều là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử cách mạng có  ý nghĩa lớn lao của quê hương, đất nước.
Chùa được khởi dựng thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII) nhưng được trùng tu tôn tạo nhiều lần nay còn lại dấu vết kiến trúc của ba triều đại: Lê Trung Hưng, Tây Sơn và triều Nguyễn.  Chùa Đọ là ngôi chùa nhỏ, xinh xắn nằm trong tổng thể không gian kiến trúc gồm đình và chùa làng theo bố cục kiểu tiền Thần, hậu Phật. Toà tiền đường nối liền thượng điện theo bố cục hình chữ đinh. Tiền đường xây kiểu bít đốc, mái lợp ngói mũi truyền thống. Phần kết cấu chịu lực bằng gỗ lim, gồm 5 gian, 6 vì, kết cấu kiểu thượng con chồng, hạ kẻ đón. Thượng điện 3 gian kết cấu kiểu thượng con chồng, hạ kẻ chàng, bào trơn đóng bén, không chạm khắc.
Chùa hiện bảo lưu hơn hai mươi pho tượng Phật cùng các đồ thờ cúng. Tượng phật ở đây đa phần là chất liệu gỗ mít, sơn son thếp vàng, là các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật thời Lê - Nguyễn. Cùng công trình kiến trúc và hệ thống đồ thờ cổ kính, chùa Đọ còn lưu giữ được một quả chuông đồng và ba tấm bia đá được tạc, đúc dưới triều Nguyễn.
Quả chuông đồng được đúc dưới thời vua Thiệu Trị có tên gọi Kim Quy tự chung. Thân chuông chia làm 4 ô, khắc bài văn khoảng trên dưới một nghìn chữ Hán xen chữ Nôm (khi ghi tên người, tên đất), chữ khắc chân phương, không hoa văn trang trí.
 Được bảo tồn cùng quả chuông đồng là ba tấm bia: Đỗ Thôn bi ký tạo năm Tự Đức thứ 22 (1869), Đỗ thôn bi ký tạo năm Tự Đức thứ 27 (1874) và một tấm bia nhỏ có lẽ được khắc dựng từ những năm cuối thế kỷ XVIII.
Cạnh chùa Kim Quy là đình làng Đọ. Đình thờ Cao Sơn - Quý Minh và Tri biên đầu thượng tướng quân Vũ Thành. Hiện còn lưu giữ ba đạo sắc của triều Nguyễn phong thần cho làng Đọ theo lệ cũ tôn thờ các vị thần là Cao Sơn - Quý Minh và Tri biên đầu thượng tướng quân Vũ Thành.
Năm 1944, địa điểm đình, chùa làng Đọ là nơi diễn ra cuộc họp quan trọng của Đảng bàn về kế hoạch chống sưu thuế ở huyện Lục Ngạn (huyện Lục Ngạn, Lục Nam ngày nay) do các đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Hoàng Quốc Thịnh, Lư Giang chủ trì. Cuộc họp được tự vệ thôn Đọ bảo vệ an toàn và thành công cho nên ngoài giá trị lịch sử văn hóa, hai di tích đình chùa Đọ còn có giá trị đặc biệt là địa điểm lịch sử cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Đình, chùa Đọ đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Đình Đọ đã được nhân dân gom góp sức người sức của trùng tu tân tạo khang trang, tố hảo để tiếp tục tôn thờ thành hoàng làng. Còn chùa Đọ (Kim Quy tự) dù được quan tâm hương khói thường xuyên nhưng đã xuống cấp và sẽ ảnh hưởng xấu đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Chính quyền và nhân dân địa phương mong nhận được sự giúp đỡ của các cấp ngành và những tấm lòng hảo tâm công đức để để trùng tu tôn tạo chùa làng, một di sản văn hóa quý giá mà cha ông trao truyền từ mấy thế kỷ nay.
Việt Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét