Cù lao Long Trị. (Nguồn: Internet)
Về Trà Vinh, nếu du khách chỉ tham quan thắng cảnh Ao Bà Om, biển Ba Động, những ngôi chùa Khmer nằm nép mình dưới những “rừng” cây sao, dầu cổ thụ mà không ghé thăm vùng đất cù lao Long Trị thì thật đáng tiếc.
Long Trị bây giờ đã được nhiều du khách ưa thích sống chan hòa với thiên nhiên đặt cho cái tên mới là “Cù lao xanh” giữa mênh mông sông nước.
Cù lao Long Trị thuộc xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, với diện tích tự nhiên gần 200ha, nằm trải dài hơn 7km giữa dòng sông Cổ Chiên. Cù lao Long Trị nằm trong chuỗi cù lao nằm giữa dòng Cổ Chiên được tạo hóa ban tặng mà ngành du lịch địa phương đang triển khai kế hoạch hình thành một tuyến du lịch sinh thái, sông nước, một loại hình du lịch đang thịnh hành. Nếu thành phố Trà Vinh tự hào đã có trên 300 năm hình thành và phát triển thì vùng đất cù lao Long Trị cũng trải qua ngần ấy thời gian lịch sử của quê hương.
Từ trung tâm thành phố Trà Vinh, du khách chỉ mất chưa quá 15 phút đi xe máy là đến bến phà tại ấp Vĩnh Yên để sang sông đến với cù lao xanh Long Trị. Cứ mỗi giờ đồng hồ là có một chuyến phà về cù lao nhưng lúc nào cũng có trên 50 khách bộ hành.
Gần 20 phút rời đất liền, phà cập bến Long Trị. Trục lộ giao thông chính của Long Trị được bêtông hóa có chiều ngang 2,5m, chạy suốt cù lao do Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng với hệ thống lưới điện quốc gia vượt sông, vươn dài phủ khắp, tạo nên một diện mạo nông thôn mới trên vùng đất mênh mông nước, xóa đi cái mặc cảm tự ti về xứ sở cù lao cách trở, xa xôi trong lòng người dân Long Trị. Hai bên trục lộ giao thông, nhà ngói thi nhau mọc lên chẳng khác những phố phường nơi nội ô thành phố của tỉnh lỵ.
Cù lao Long Trị có 200 hộ dân sinh sống. Nơi đây được xem là tiêu biểu cho hệ sinh thái vùng nước lợ, bởi nửa năm nước ngọt, nửa năm bị xâm nhập mặn. Những người cao niên sống ở cù lao cho biết ngày xưa trên cù lao có rất nhiều cây bàng nên người ta gọi là cồn Bàng. Ngoài ra còn xen lẫn với những chủng loài thực vật đặc hữu vùng bị xâm nhập mặn như bần, dừa nước cùng nhiều loài chim muông. Sau năm 1975, cồn Bàng có tên mới là Long Trị. Ngày nay, trên vùng đất cù lao này ngoài ruộng lúa và cây dừa truyền thống, người dân còn trồng trên 30ha cây ăn trái.
Những năm gần đây, ngành du lịch tỉnh Trà Vinh đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để xây dựng một số công trình cơ sở hạ tầng, vườn cây ăn trái với các loại cây đặc sản như nhãn, xoài, cam sành, bưởi… Khu cồn nổi mới hình thành do phù sa bồi lắng với 40ha mặt nước và khu rừng bần 30ha cũng đang được triển khai để khai thác cù lao Long Trị như một khu du lịch sinh thái với các tour từ Khu du lịch văn hoá Ao Bà Om đến Khu di tích lịch sử đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đến cù lao Long Trị, ngoài ngắm cảnh sông nước, vườn cây ăn trái, hít thở không khí trong lành, nơi đây còn nổi tiếng bởi đặc sản cá bông lau nấu lẩu chua trái bần, cá bông lau kho tộ…
Đêm cù lao Long Trị vẫn có những quán càphê nhạc, những điểm karaoke, hát với nhau. Đêm về, cù lao không thiếu tiếng sóng vỗ bờ, với những bầy đom đóm lập lòe trong rừng bần, phong cảnh sông nước hữu tình, sống động./.
Phúc Sơn (TTXVN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét