Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Về Thịnh Lang ăn bánh kiến


Có dịp về Thịnh Lang - Hòa Bình mà không thưởng thức món bánh kiến thì chắc chắn bạn vẫn chưa cảm nhận hết được hương vị ẩm thực nơi đây.
Không phải vào mùa nào cũng có trứng kiến vì vậy nếu bạn muốn được thưởng thức món bánh kiến đặc biệt này thì mỗi dịp ra giêng (cuối tháng 2 đầu tháng 3 âm lịch) bạn hãy về vùng Mường Thịnh Lang.
Từ sáng sớm tinh mơ người dân đi vào rừng chặt những cành cây có tổ kiến to bằng rổ con cho vào thúng chọc cho kiến chạy hết rồi gõ cho trứng kiến ra thúng sàng hết vỏ đen. Trứng kiến có thể làm những món ăn rất ngon như món sôi trứng kiến, món lóng nấu trứng kiến nhưng chỉ có người Mường Thịnh Lang là có truyền thống làm món bánh kiến.
Bánh kiến được người Mường Thịnh Lang làm từ thứ bột gạo nếp thơm, gạo sau khi được say mịn cho một ít muối rồi đem nhào với nước sao cho bột dẻo mịn nhưng không nát; trứng kiến sau khi nhặt sạch đem ướp gia vị. Bột nặn thành từng viên tròn rồi cho nhân kiến vào trong sau đó lấy 2 lá sung non (lá nhỏ ở trong, lá to ở ngoài) gói lại, quấn đều tay kín hết các mặt bánh, lấy lạt buộc để lá khỏi bung ra.
Bánh khi đã làm xong đem đồ bằng trõ người Mường gọi “Cuốp” (Hông gỗ) một loại vật dụng được làm từ thân cây rừng gỗ mềm, không độc, dễ đục khi đồ bánh hay xôi không bị nứt, giữ được hương thơm và giá trị dinh dưỡng của bánh. Khi bánh chín đổ ra “Thúng trang” bánh có mùi rất thơm, khi ăn bóc lá sung to bên ngoài để lá sung nhỏ bên trong ăn cùng với bánh. Cái ngon của bánh chính là sự kết hợp khéo léo giữa các hương vị, hương thơm tự nhiên của lúa nếp quện với hương bùi của lá sung và cái béo gậy của trứng kiến.
Cái thú vị của bánh là được làm rất nghệ thuật, rất vui vẻ, rất ấm cúng. Tôi đã được xem người Mường Thịnh Lang làm bánh kiến và cảm nhận ở đó sự độc đáo, sự công phu không chỉ bởi nét văn hoá ẩm thực rất riêng mà còn chứa nét đẹp của sức mạnh và sự đoàn kết cộng đồng.
Bùi Thị Mai Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét