Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Xe lôi

Trên các ngả đường của miền Tây Nam Bộ, từ những đại lộ đến những con hẻm nhỏ, thường xuyên có những chiếc xe lôi xuôi ngược, như những con thoi đu đưa trên đường phố. Hình ảnh này đã trở nên quen thuộc, gắn bó với đời sống văn hóa, sinh hoạt của người dân nơi đây.

Có nhiều ý kiến cho rằng, xe lôi ngày nay có lịch sử thoát thai từ chiếc xe kéo của thời Pháp thuộc. Cơ cấu chiếc xe gồm: thùng xe có mui che và băng ngồi phía sau, đặt trên hai bánh xe lớn và cặp gọng gỗ dài nhô ra phía trước, người phu xe còng lưng kéo xe. Ban đầu, loại xe kéo này chỉ phục vụ cho các quan Tây hoặc giới quan lại vương giả người Việt; dần dần xe kéo được xã hội hóa, nên đã trở thành phương tiện vận chuyển công cộng phục vụ rộng rãi cho mọi tầng lớp trong xã hội.

Theo dòng thời gian, chiếc xe kéo đã được cải biên: cắt bỏ hai gọng gỗ, thay vào đó là một tấm ván gọt đẽo thành hình mũi tàu nhô lên ở giữa với một vòng sắt tròn ở chóp nhọn, dùng để móc thanh sắt đinh ốc, hoặc hàn chặt vào sườn xe, và đã trở thành chiếc xe lôi như ngày nay.

Vào trước năm 1975, chiếc xe lôi có cục gù nhô lên ở giữa, vì lúc đó mỗi xe chỉ được phép chở 4 người khách: hai người ngồi ở băng trước và 2 người ngồi ở băng sau, quay mặt đối diện lại với nhau. Mui xe chỉ che mát cho người ngồi ở băng sau, còn người ngồi ở băng trước thì phải chịu hứng nắng mưa. Do vậy, băng sau thường dành cho những người già hoặc phụ nữ còn băng trước là nam giới thanh niên...

Đến sau năm 1975, theo nhu cầu của cuộc sống, cái mũi tàu kia không còn nhô lên như trước, mà nó phẳng lì và bầu tròn ở hai góc ngoài, để có thể chở được khoảng 5,6 người. Tấm ván gỗ cũng được thay thế bằng tấm nhôm cho sạch đẹp và sáng sủa.

Vào thời kỳ đầu, xe lôi được kéo bằng xe đạp không có mui. Đến thập niên 1940-1960 đã xuất hiện xe lôi máy Mobylette của Pháp, xe gắn máy động cơ Sachs của Đức, lắp vào các loại sườn như Gobel, Bosch, Mamut... và hiện nay là các loại xe của Nhật như Honda, Suzuki, Yamaha... là đầu xe kéo được ưa chuộng, trong số đó thì loại Honda 67 được xem là mạnh và bền, được giới xe lôi sử dụng rộng rãi đến ngày nay.

Bên cạnh xe lôi hiện nay còn xuất hiện nhiều loại phương tiện vận chuyển công cộng khác như: xe buýt, taxi, Daihatsu, Honda "ôm", xe đạp "ôm"... nhưng vẫn còn số đông hành khách thích đi xe lôi. Sự tiện ích của xe lôi là có thể chở khách đến tận cùng ngõ hẻm, kể cả hành lý, giá cước, lại vừa túi tiền với mọi người nhất là dân lao động mua gánh bán bưng. Đi xe lôi cũng là thú vui của một số đông thanh niên học sinh: họ thích đi cùng vài người bạn trên chiếc xe lôi, vừa ngắm cảnh, hóng mát, chuyện trò vui vẻ thoải mái vì không gian trên xe cũng vừa đủ ngồi, không ảnh hưởng mọi người xung quanh như trên xe đò, xe buýt.

Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, mỗi một tỉnh có riêng dáng vẻ khác nhau về phương tiện xe lôi. Xe lôi ở Cần Thơ có dáng mô phỏng của chiếc xích lô với mui che xếp lại được, còn gọi là "xe vua". Xe lôi Sóc Trăng có dạng như xe thổ mộ của Sài Gòn, có hai khoang mui kín và chở được nhiều người hơn so với xe lôi ở Cần Thơ. Đặc biệt, xe lôi Sóc Trăng rất tiện lợi đối với bạn hàng từ miệt vườn ra chợ buôn bán trái cây, rau quả... Nếu bạn có đến Phnôm Pênh thì bạn sẽ thấy xe lôi ở Nam Vang giống với xe lôi ở Sóc Trăng! Còn ở Mỹ Tho (Tiền Giang) vẫn sử dụng xe xích lô như ở Sài Gòn.



Thường thì xe lôi có chung bến đỗ với xe đò để rước khách. Ở Cần Thơ, bến xe lôi lớn nhất là bến Ngô Quyền, bến bắc Cần Thơ, bến Võ Văn Tần... và ở khắp các ngã tư trên đường đi, lúc nào hành khách cũng có thể dễ dàng vẫy tay là có xe lôi dừng lại ngay.

Quả thật, không thể phủ nhận, chiếc xe lôi vẫn luôn là hình ảnh quen thuộc của người dân đồng bằng Nam Bộ. Hình ảnh đó đã trở thành một nét văn hóa rất độc đáo, ghi đậm dấu ấn trong lòng du khách khi ghé bước đến nơi này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét