Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Yên ả Mỹ Thanh


Sau gần cả ngày len lỏi trong cánh rừng ngập mặn cùng với ngư dân xóm chài Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, ông bạn đồng nghiệp rủ lên cầu Mỹ Thanh 2, cách trung tâm xã Vĩnh Hải chưa đầy 2 cây số theo đường Nam Sông Hậu về Cần Thơ, hóng gió.
Đứng trên thành cầu Mỹ Thanh 2, gió chiều lồng lộng, bao mệt nhọc tan biến. Từ thành cầu phóng tầm mắt về hướng Cần Thơ, bên kia sông là cả khu vực rộng lớn nuôi tôm công nghiệp của huyện Trần Đề. Bên này sông hướng về Bạc Liêu là xóm làng chài ven biển Mỹ Thanh. Hai hình ảnh ấy được thu nhỏ bởi độ cao của cầu.
 
 Làng chài Mỹ Thanh.
Hướng tầm mắt về phía trời mọc, cửa biển Mỹ Thanh uốn khúc lộng gió, xanh biếc hòa quyện trong khói lam chiều còn thơm mùi bếp của ngư dân làng chài, toát lên vẻ đẹp kỳ thú nhưng đậm chất thôn quê của biển trời bao la…
Theo lịch sử ghi chép, chúa Nguyễn Ánh trên đường bôn tẩu đã nhiều lần nghỉ lại và đóng quân ở vùng đất này (nay gọi là Xâm Pha - đọc trại từ Sóng Phá, thuộc xã Lạc Hòa, huyện Trần Đề). 
Vào những năm 90 của thế kỷ 20, một người dân nơi đây trong khi đào giếng đã lượm được một vương miện tương truyền là của "công chúa Mỹ Thanh" - một người con của Nguyễn Ánh đã bị bệnh chết và thi thể cũng được chôn cất ở khu vực này. 
Cám cảnh vị công chúa yểu mệnh trên đường bôn tẩu, người dân địa phương thành kính lấy tên của công chúa đặt tên cho cửa sông và khúc sông này: sông Mỹ Thanh và cửa biển Mỹ Thanh.
Ngày nay, nếu đứng ở phía xóm lưới Mỏ Ó, nhìn sang khu vực Xâm Pha vẫn thấy một ngôi cổ miếu (tương truyền là miếu thờ công chúa Mỹ Thanh - còn gọi là miếu Hoàng Cô) và một xóm lưới khá sung túc với nghề đóng đáy, đi ghe cào. 
Ở khu vực giồng cát phía trong, từ lâu tập trung đông đảo người Hoa, Khmer rất giỏi về nghề làm rẫy với sản phẩm chủ lực là hành tím, các loại rau, đậu...
Ông Lý Phết - một lão nông dưới chân cầu Mỹ Thanh 2, cho biết, những ngày cuối tuần, có không ít cán bộ, công chức ở TP Sóc Trăng, Trần Đề, Long Phú, Mỹ Xuyên… đưa gia đình đến chân cầu để hóng gió, ngắm cảnh, câu cá ngát, tiện thể tham quan Khu du lịch Hồ Bể (thuộc ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải). Đây là một trong những điểm du lịch còn hoang sơ, hứa hẹn nhiều tiềm năng để phát triển.
Khu du lịch Hồ Bể nằm cách chân cầu Mỹ Thanh 2 khoảng 2 km. Bãi biển nơi đây là sản phẩm độc đáo mà thiên nhiên đã ban tặng cho bờ biển Vĩnh Châu. Bãi cát vàng khá sạch, chạy dài trên 4 km, tuy còn khá hoang sơ nhưng ẩn chứa nét đẹp của một khu vui chơi vùng ven biển trong tương lai không xa. 
Đến Biển Hồ Bể, ngoài tắm biển, cắm trại dã ngoại, nghe đờn ca tài tử…, du khách còn được tận hưởng những món đặc sản bình dân nhưng đậm chất dân dã như: cá thòi lòi nướng muối ớt, cá ngát kho tiêu; thòi lòi, cá ngát nấu chua mẻ với bắp chuối uống kèm rượu nếp do đồng bào Khmer địa phương tự nấu./.
Bài và ảnh: Hải Yến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét