Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Huyền thoại trong lòng đất

“Như một toà lâu đài cổ nằm im lìm trong lòng đất, giấu kín bao kỳ lạ về những con người đã làm ra nó và của một thời đại mà nó đã được sản sinh ra...” - đó là lời giới thiệu sang trọng về địa đạo Vịnh Mốc (huyện Vĩnh Linh) – làng hầm có quy mô lớn nhất Quảng Trị - nơi hàng trăm con người đã ăn, ở, sinh hoạt an toàn.
Đây cũng là căn cứ kháng chiến quan trọng, nơi tập kết và vận chuyển lương thực, vũ khí cho đảo Cồn Cỏ trong những ngày chiến tranh “Phải kéo được biên giới Mỹ đến tận vĩ tuyến 17 - ranh giới giữa hai bên bờ cầu Hiền Lương” của đế quốc Mỹ.
Một lối vào ở khu địa đạo.     Ảnh: Bích Hường
Một lối vào ở khu địa đạo. Ảnh: Bích Hường
Từ bãi biển Cửa Tùng, đi về phía bắc khoảng 7km là tới địa đạo Vịnh Mốc. Con đường nhựa đi vào khu di tích len lỏi giữa rừng thông ngút ngàn, những vườn tiêu xanh đến đậm đà trong cái nắng đỏ rực của tiết trời miền Trung. Phía bên phải là biển xanh gợn sóng. Mọi người đều mở cửa xe để đón những cơn gió mát rượi, hưởng cảm giác khoan khoái, dễ chịu đến lạ kỳ. Cách bờ khoảng 30km, đảo Cồn Cỏ hiện ra như một chấm xanh đậm trên mặt đại dương...

Địa đạo Vịnh Mốc đây rồi... Bước xuống xe, đất dưới chân như bị rang lên bởi nắng nóng ủ lâu. Toàn không gian bốc hơi nóng ngùn ngụt. Khi ấy, thời tiết Hà Nội vẫn đang mát mẻ, thì ở đây đã nắng gay gắt, giờ mới biết cái khắc nghiệt của thời tiết miền Trung.

Một quả đồi đất đỏ bazan phủ kín màu xanh của tre, trúc... Người hướng dẫn viên đưa chúng tôi đi men theo con đường rộng chưa đầy 2m trong khu vực địa đạo được lát bằng đá xanh, quanh co men theo những giao thông hào đã được tôn tạo. Còn đây những di tích hố bom lớn, những chiếc giếng khô – khi xưa là nơi để chứa hàng hoá, lương thực vận chuyển thật nhanh vào địa đạo...

Phải đặt chân đến đây, được tận mắt xem những bức ảnh thể hiện sự tương phản giữa sự trù phú của Vịnh Mốc trước năm 1965 và sự san bằng phá huỷ của làng quê ấy sau đó chỉ mấy tháng mới thấy được sức sống mãnh liệt của người dân trên mảnh đất lịch sử này.

Ngay sau khi hiệp định Genève được ký kết năm 1954, Vĩnh Linh trở thành mảnh đất địa đầu của miền Bắc XHCN và trở thành mục tiêu số một của đế quốc Mỹ. Người dân Vịnh Mốc đứng trước 2 lựa chọn hoặc bỏ làng đi, hoặc bám trụ. Và cuối cùng họ đã lựa chọn ở lại và tồn tại. Họ đã tồn tại không phải chỉ cho riêng họ mà cho cả một dân tộc...

Biết đến địa đạo Vịnh Mốc từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, giờ được tận mắt thấy, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng và kính phục...

Chúng tôi xuống địa đạo, mò mẫm theo từng bậc hầm, cái nóng rát của tháng tư Quảng Trị bỗng biến mất, thay vào đó là mùi đất ẩm bốc lên ấm ấm. Lòng địa đạo loang loáng sáng những ánh đèn pin, đủ để những người đi ngay cạnh nhìn lối, còn những người khác phải bám vào nhau. Vì tưởng trong hầm thấp, chúng tôi lom khom bước theo hướng dẫn viên, nhưng đến khi chị cho biết đường hầm cao hơn 1,7m... lại vươn người đứng thẳng.

Khi được biết người ta đã chuyển hơn 6.000m3 đất đá ra khỏi nơi đây giữa mưa bom lửa đạn, cả hệ thống đường hầm nối liền thành một “lâu đài” khép kín, công trình địa đạo được khởi công từ đầu năm 1965 và hoàn thành vào ngày 18.2.1966, 250 người dân đã thay phiên nhau đào bằng những dụng cụ hết sức thô sơ, chúng tôi hết sức ngạc nhiên.

Chúng tôi đi qua từng căn phòng nhỏ trong tầng hầm thứ nhất – nơi sinh sống của các gia đình: Hội trường lớn là nơi hội họp, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim..., 3 giếng nước đủ vài trăm người sử dụng, đặc biệt bếp được thiết kế với nhiều ống khói nhỏ tản mát tránh sự phát hiện của địch, kho gạo, trạm phẫu thuật, trạm gác, điện thoại... Đi hết tầng 1, chúng tôi xuống tầng hầm thứ hai sâu tới 20m.

Đó là nơi đóng trụ sở của Đảng ủy, ủy ban, ban chỉ huy các lực lượng vũ trang. Rồi tiếp đến là tầng hầm sâu nhất cách mặt đất tới 25m là kho hậu cần cất giữ hàng hoá cho đảo Cồn Cỏ và miền Nam cũng như phục vụ chiến đấu tại chỗ. Ai nấy đều thán phục trước cấu trúc hợp lý đến hoàn hảo của địa đạo. Càng nể phục hơn khi biết rằng vị chỉ huy công trình này lúc bấy giờ là ông Lê Xuân Huy học vấn chỉ vừa hết tiểu học.

Trong khu vực địa đạo, việc tổ chức phòng tránh, bảo vệ địa đạo rất phức  tạp, không chỉ đạn bom trút xuống mà còn gián điệp tìm cách xâm nhập. Vậy mà trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại, không một người nào bị thương, đặc biệt, 17 đứa trẻ đã ra đời an toàn, hàng trăm chuyến thuyền nan tiếp vận lương thực hàng hoá an toàn cho đảo Cồn Cỏ đã nói lên sự tích kỳ diệu về mảnh đất và con người nơi đây.

Chúng tôi trở về Hà Nội, trong lòng còn vương vấn bao suy nghĩ... Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vẫn còn đó một làng hầm huyền thoại với bao điều kỳ lạ về những con người ở thời đại nó đã sinh ra.
Bích Hường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét