Có lẽ với nhiều người, khi nhớ về quê hương sẽ nhớ nhiều đến những món ngon mẹ vẫn thường nấu. Nhưng với tôi cũng như nhiều người con miền Trung xa quê khác, chỉ đơn giản là những món ăn dân dã từ trái cà bát trong khu vườn quê ngập tràn nắng của mẹ năm nào.
Tháng tư âm lịch hàng năm là thời điểm mẹ tôi trồng vài cây cà bát ở góc vườn. Góc vườn ấy đất tốt mà lại không có nắng nhiều đến mức cây phải còi cọc, héo rũ, nên không cần chăm bón nhiều mà mấy cây cà của mẹ vẫn lớn nhanh và ra hoa, kết trái giữa những ngày miền Trung nắng như đổ lửa. Trái cà bát có màu trắng, lớn bằng cái chén ăn cơm, da căng bóng, có thể chế biến thành những món ngon dân dã và lạ miệng.
Những hôm bận việc đồng áng, không đi chợ được, mẹ tôi ra vườn, chọn hái vài trái cà bát tươi ngon, da căng bóng mang vào chế biến thành những món ngon. Đơn giản nhất và nhanh nhất là cà bát luộc chấm ruốc lỏng hoặc mắm cái. Cà bổ theo chiều dọc thành những miếng dày vừa ăn, ngâm với nước muối loãng khoảng mười phút cho nhả bớt chất hăng rồi rửa sạch, luộc chín. Chỉ đơn giản vậy thôi mà khi chấm với nước ruốc lỏng hay mắm cái lại rất ngon và rất đậm đà.
Cà bát xào thịt là món ngon, lạ miệng được nhiều người yêu thích. Nhưng với người quê tôi, chỉ cần vài trái cà bát xào với dầu phộng cũng đã ngon lắm rồi. Phi thơm dầu phộng với hành băm rồi cho cà (đã được thái miếng vừa ăn, ngâm nước muối) vào đảo đều, thêm chút muối, chút mì chính là món ăn dân dã và quen thuộc của mọi gia đình quê tôi trong những ngày hè này.
Không riêng gì tôi, bất cứ người con nào của miền Trung yêu dấu khi đi xa cũng không thể nào quên được những chum dưa cà bát của mẹ nơi quê nhà. Khi cà ra trái rộ, ăn không hết, các bà, các mẹ quê tôi thường hái cà để muối dưa.
Làm dưa cà tuy đơn giản, nhưng để có được những chum dưa cà mặn mà, không bị hư để dành ăn quanh năm cũng đòi hỏi nơi người nội trợ một sự tinh tế, khéo léo cùng vài bí quyết nhỏ.
Quan trọng nhất là khâu chuẩn bị nước muối cà. Nước muối phải đủ mặn nhằm giúp trái cà săn chắc, không bị nhũn. Cần phải cho một ít đường vào chum nước muối cà để nước muối dưa cà mau lên men.
Chọn những trái cà bát không bị sâu, rửa sạch, để ráo rồi xếp ngay ngắn vào trong chum. Dùng một vật nặng đè lên trên để cà không bị nổi lên mặt nước (như vậy cà sẽ bị hư). Bịt kín miệng chum lại. Trong suốt quá trình muối cà, chỉ cần mở chum ra một lần để đảo cà lên cho đều và kiểm tra xem có trái cà nào bị nổi lên trên không. Nếu mở chum ra nhiều lần, cà sẽ lâu ăn được và dẽ bị hư. Hơn một tháng sau khi muối thì cà ngấm muối, có thể dùng được.
Cà muối đạt yêu cầu là những trái cà săn chắc, lớp vỏ ngoài chuyển sang màu nâu, hơi nhăn vì bị chèn vật nặng và không bị nhũn.
Khi ăn chỉ cần vớt vài trái cà ra, rửa sạch nước váng, xắt lát, rửa với nước nhiều lần cho dưa cà bớt mặn rồi vắt cho ráo nước. Dưa cà trộn mắm, kho với cá hay xào với thịt heo ba chỉ rất ngon. Nhưng với gia đình tôi cũng như nhiều gia đình nông thôn khác, chỉ cần vài trái cà muối rửa sạch, xắt lát, xào với dầu phộng, thêm chút nước mắm. mì chính là có ngay một món ăn dân dã, thân thương ăn kèm với cơm hằng ngày. Đặc biệt, trong những ngày mưa bão, lụt lội của quê nhà, món dưa cà ấy thật quý giá đối với mọi gia đình quê tôi.
Giờ đây, những hương vị chua chua, giòn giòn, ngai ngái hương nắng gió miền Trung và rất đậm đà của những lát dưa cà bát không biết tự lúc nào đã trở thành nỗi nhớ quê nhà của những người con xa quê mỗi khi nhớ về mẹ, về quê hương miền Trung yêu dấu của mình.
Thanh Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét