Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Mây thẫm chùa Ngoạ Vân


SGTT.VN - Đừng nghĩ đến cáp treo ở Yên Tử, nếu bạn leo núi lên đến được chùa Đồng thì đủ sức lên tháp Ngoạ Vân. Chùa trên ngọn núi thắm Bảo Đài, núi nằm trong dãy non sơn vòng cung Đông Triều, thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, tỉnh Quảng Ninh. Một buổi sớm mùa hè tôi bị ám ảnh câu thơ: “Qua nghìn dữ dội nhẹ như không” và tôi lên núi.
Chùa Ngoạ Vân có một vườn tháp cổ, toàn đá lẫn rêu chìm trong cỏ.
Mùa hè mây thẫm lại, mây bên bờ tường núi, nơi gọi am Ngoạ Vân cũng ánh vàng màu trúc, rêu cũng thẫm xanh trên đá xám. Và rắn ngủ mơ trong núi Bảo Đài cũng vừa vươn vai trễ nải nhìn con dân mặt mũi tái xanh vì sợ hay vì leo núi không rõ. Nhưng nghe sư Tiến nói rắn ở núi Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng tu thân nên hiền lắm. Có con rắn hổ mang hẳn hoi làm bạn thân với sư Tiến bao năm hiu quạnh với thông và trúc có gì mà sợ. Nhưng muôn lối đi không chỉ có thông và trúc bạn còn nhìn thấy thưa thớt cây cổ tùng ngàn năm trụ lại với rêu phong. Có một vườn tháp cổ, toàn đá lẫn rêu chìm trong cỏ. Tôi nghe được những câu chuyện có thật mà như huyền thoại. Ở ven núi Bảo Đài từng có người dám chặt cây tùng cổ, trời phạt nhé, có kẻ hoá điên, có kẻ chết không lành thân xác. Nghe nói lâm tặc biết cả, chả cần khuyên nhủ, chúng mang búa rìu vào rừng rồi đành chịu về tay không, đố dám đụng vào cây tùng cổ.
Lại nghe nói rắn ở chùa Ngoạ Vân cũng tu hành thì phải, chúng hiền lắm, biết ăn côn trùng và biết cả ăn cơm lữ khách cho. Còn mắt bạn chạm vào tùng cổ thì phải ngửa mặt mà nhìn trời. Không thấy nắng dù dưới núi Bảo Đài nắng chói. Nhưng lên độ cao hơn 500 mét so với mực nước biển thì không thấy rực nắng chỉ thấy uy nghi của trúc với tùng. Am Ngoạ Vân, tháp Ngoạ Vân không hiu quạnh, một năm thưa thớt cũng cả trăm người lên đây, có lẽ họ là nhà nghiên cứu di tích, nhà sử học, văn học, họ là lữ khách áo vải, cúi xuống nhớ vua Trần Nhân Tông mà về. Vị vua từng trút bỏ ngai vàng, quyền uy, và chọn cách sống khổ hạnh, tĩnh mặc ở nơi này. Dấu xưa dễ có nhạt phai ở lối cỏ còn hoang oải, rêu còn thẫm lại mà buồn, nói gì với người xưa? Khi lữ khách cúi đầu trước am Ngọa Vân dừng chân để thở, bạn sẽ nghe giao hưởng chim hót, hoà với du dương của thông và trúc vàng. Rất nhiều nhà tu hành đã dừng chân ở đây, nhưng rất hiếm lữ khách đến vào mùa mưa. Vì leo núi Bảo Đài không dễ như leo bên dãy non xanh Yên Tử.
Mùa hè không có hoa đào chứ mùa xuân đào nở nghiêng cả vào tháp Phật hoàng Trần Nhân Tông. Hương thơm của rừng, ong bay gieo vào thinh không cả vị ngọt. Bên Phật hoàng Trần Nhân Tông, vẫn còn ríu ran tiếng chim và tiếng ong rù rì. Ai bảo người cô quạnh? Nơi đây có sư Tiến vẫn dâng hương. Cũng có những con dân nước Việt ở Tây Âu, rồi Bắc Âu, rồi Nam Phi, cũng họa hoằn tìm về bên người cúi đầu lần giở lại sử xanh. Vua cha của rừng xanh và núi thẳm đi vào lòng dân, dạy con dân giản dị rằng “Phật ở trong tâm”, chứ đâu có xa, mà phải đi tìm. Nghiêng mình bên tháp Ngoạ Vân, nghiêng mình bên đá núi. Nếu muốn hiểu kỹ hơn về điểm đến lịch sử này, bạn gặp vị trưởng ban di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh, ông Trịnh Công Lộc sẽ cho hay.
Từ nay đến năm 2015, dự án bảo tồn ba di tích trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh sẽ được nhà nước đầu tư khoảng 7.000 tỉ đồng. Nhưng đó là chuyện của ngày mai, còn ngày hôm nay, dấu xưa núi thẳm mây bay vẫn còn một am đá Ngoạ Vân khuất hẻo, vẫn là điểm hẹn cho những ai muốn tĩnh, thật yên tĩnh trong tâm, mà tìm về, mà ngẩng lên cây tùng cổ, mà cúi nhìn đá núi thấy một vị vua “qua nghìn dữ dội nhẹ như không”.*
BÀI VÀ ẢNH: HOÀNG VIỆT HẰNG
*Thơ của nhà thơ Trịnh Công Lộc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét