Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Một ngày chinh phục núi Voi


TTCT - Đà Lạt (Lâm Đồng) có thể là một lựa chọn ưu tiên cho chuyến du lịch trốn cái nóng bức những ngày đầu hè. Nhưng có lẽ đến đây, một lần thử chinh phục ngọn núi Voi hùng vĩ sẽ hấp dẫn hơn là chọn một tour đơn thuần tham quan danh thắng thành phố ngàn thông này...
Từ đằng xa du khách có thể nhìn thấy hình ảnh hai con voi nằm phủ phục - Ảnh: Nghĩa Nguyễn

Cách thành phố Đà Lạt khoảng 15km về hướng nam, rặng núi mang hình dáng hai chú voi khổng lồ nằm phủ phục là một gợi ý dành cho những người yêu thiên nhiên, thích mạo hiểm.
Chuyện tình đẹp
Huyền thoại kể rằng rặng núi Rowas, còn gọi là núi Voi, vốn là hiện thân của hai con voi ở vùng La Ngư Thượng đi dự lễ cưới của nàng Bian và chàng Lang. Khi đến đồi Cà Đắng, nay gọi là đèo Prenn, thì nghe tin chàng Lang và nàng Bian qua đời. Quá đau buồn nên cả hai không còn đủ sức vượt qua dốc cao của ngọn đồi Cà Đắng, đã ngã quỵ giữa đường mà chết. Xác voi biến thành hai ngọn núi mà ngày nay, từ quốc lộ 20 qua địa phận Định An (Đức Trọng, Lâm Đồng), du khách có thể nhìn thấy được nguyên hình dáng hai con voi với đôi chân trước phủ phục hướng về phía đèo Prenn.
Ngay dưới chân núi ngày nay là khu dã ngoại núi Voi (nằm trên đường cao tốc Liên Khương thuộc xã Hiệp An, Đức Trọng) có diện tích hơn 100ha, ôm trọn bên mạn sườn phải của hai con voi, là một trong những điểm du lịch mới đem đến cho du khách những trải nghiệm khá thú vị. Đến khu du lịch này, ngoài những tour du lịch sinh thái, khám phá, mạo hiểm, du khách sẽ thấy một trung tâm huấn luyện kỹ năng với những trò chơi tập thể như leo mạng nhện, vượt tường, vượt suối, vượt chướng ngại vật... nhằm huấn luyện kỹ năng đối mặt với những tình huống khó khăn, tạo kỹ năng xử lý tình huống cho khách.
Là khu du lịch dã ngoại nên mọi hoạt động du lịch ở đây đều dựa vào thiên nhiên. Khi vượt qua khóa huấn luyện kỹ năng, du khách đã có thể tự tin tham gia cuộc hành trình khám phá núi Voi để trải nghiệm cảm giác chinh phục độ cao giữa thiên nhiên hùng vĩ.
Bắt đầu hành trình chinh phục núi Voi - Ảnh: Nghĩa Nguyễn

Chinh phục độ cao
Từ chân núi, khách có nhiều sự lựa chọn cách thức và điểm đến trên núi tùy thuộc vào sở thích và sức khỏe. Ít vất vả hơn có thể chọn cách tản bộ men theo những con đường mòn nhỏ ngoằn ngoèo để ghé thăm làng Darahoa tìm hiểu phong tục tập quán và văn hóa của đồng bào dân tộc bản địa K’ho. Hoặc cũng có thể chọn cung đường mạo hiểm nhưng thú vị bằng cách men theo triền đồi trải đầy lá thông khô, thám hiểm sự hùng vĩ, kỳ thú của núi Voi.
Nếu chọn cung đường này, càng lên cao bạn sẽ càng khám phá những điều vô cùng thú vị của thiên nhiên. Dọc đường đi sẽ gặp những con suối nhỏ chảy vắt ngang lối đi, được thỏa thích ngắm những giò lan rừng đủ màu sắc treo trên thân cây cổ thụ... Đặc biệt đi xa hơn về phía nam, bạn sẽ được tận mắt ngắm những cây thông đỏ hàng ngàn năm tuổi ba người ôm không xuể. Núi Voi là khu rừng có nhiều loài sinh vật cổ, là khu rừng duy nhất của Việt Nam hiện mang trong lòng một quần thể thông đỏ cổ thụ quý hiếm hàng ngàn tuổi.
Từ chân núi đi ngược lên khoảng 2km, bạn sẽ thật sự ngạc nhiên khi bắt gặp giữa ngọn núi cao ngất ấy là một hồ nước trong vắt. Ngồi vắt vẻo trên một phiến đá to giữa hồ, vốc thử một ngụm nước, bạn sẽ khoan khoái cảm nhận sự tinh khiết mà thiên nhiên mang lại.
Từ đây đi lên thêm chừng 500m nữa, du khách sẽ gặp một vách đá cheo leo như đâm thẳng lên trời. Đây mới là lúc vận dụng những kỹ năng đã được học tại trung tâm huấn luyện. Tất nhiên, với sự hỗ trợ của người hướng dẫn và những dụng cụ leo núi chuyên nghiệp, đối với bạn, việc vượt qua vách đá ấy giờ trở nên đơn giản.
Cảm giác chinh phục được độ cao bằng chính sức mạnh của đôi chân, sự khéo léo của đôi tay thật thú vị không gì bằng. Hiên ngang vượt qua vách đá, đứng ngay trên đỉnh Pin Hatt ở độ cao 1.691m - điểm cao nhất của ngọn núi Voi hùng vĩ - giờ bạn có thể mơ tưởng một ngày chinh phục ngọn Everest...
Hòa mình vào những giai điệu, âm thanh sôi động của các chàng trai, cô gái dân tộc K’ho - Ảnh: Nghĩa Nguyễn

Sau khi đã chinh phục thành công đỉnh Pin Hatt, bạn có thể ghé thăm khu căn cứ núi Voi nằm cách đó chừng vài trăm mét phía bờ đông. Đây là khu căn cứ cách mạng quan trọng thời chống Pháp và Mỹ của quân và dân Lâm Đồng. Ngày nay, những căn hầm trú ẩn, công sự cá nhân, giao thông hào... rộng từ 3-30m đã được phục dựng để đón khách tham quan.
Sau một ngày chinh phục độ cao, tìm hiểu lịch sử và văn hóa của người dân tộc bản địa, bạn đừng quên thưởng thức những món nướng dân dã bên ánh lửa bập bùng, trong hơi men chếnh choáng của rượu cần. Hòa mình vào những giai điệu, âm thanh sôi động của các chàng trai, cô gái dân tộc K’ho, chắc chắn khi ra về bạn sẽ khó quên những điệu múa, nhịp chiêng của người dân tộc Tây nguyên.
Vận dụng những kỹ năng đã được học tại trung tâm huấn luyện dã ngoại - Ảnh: Nghĩa Nguyễn
Trải nghiệm kỹ năng leo núi chuyên nghiệp - Ảnh: Nghĩa Nguyễn

Giá vé vào khu du lịch 30.000 đồng/khách, thuê hướng dẫn viên 300.000 đồng/ người. Tốt nhất du khách nên liên hệ đặt vé trước để được hướng dẫn, sắp xếp đưa đón thuận tiện. Từ trung tâm thành phố Đà Lạt, khách có thể đi xe buýt đến Hiệp An, Đức Trọng. Hoặc đi xe máy theo hướng đèo Prenn, đổ về Hiệp An, đến cây xăng Hiệp An thì đi vào đường hẻm đối diện cây xăng nối ra đường cao tốc Liên Khương sẽ gặp khu du lịch dã ngoại núi Voi.
Khách sẽ được nghỉ đêm trong những căn phòng nằm sâu dưới lòng đất trong căn biệt thự màu tím của khu du lịch dã ngoại núi Voi hoặc dựng lều ngủ ngay giữa lòng ngọn núi hùng vĩ này.

NGHĨA NGUYỄN
Cao nguyên Lang Bian

Cách thành phố Đà Lạt khoảng 15 cây số, khu du lịch sinh thái Núi Voi – Đá Tiên là một chốn “thiên đường”, không giống bất cứ khu du lịch nào của thành phố mù sương này.
Con đường từ đèo Prenn ngang qua thiền viện Trúc Lâm rồi vào Đá Tiên chạy vòng quanh hồ Tuyền Lâm thơ mộng. Theo con đường vòng quanh chân núi tráng nhựa phẳng lì, chẳng mấy chốc bạn đã bước vào Đá Tiên thơ mộng. Tên gọi Đá Tiên xuất phát từ hiện tượng hai hòn đá trên núi nơi đây có hình dáng hai ông tiên ngồi đánh cờ. Rừng thông nguyên sinh cao vút, xanh ngắt phủ trùm cả khoảng không gian triền núi, bên dưới là những bãi cỏ xanh tươi, điểm lấm tấm những kỳ hoa dị thảo khoe muôn ngàn màu sắc.
Bạn có thể xuống một chiếc xuồng máy hay một chiếc xuồng chèo để du ngoạn mặt hồ bao la sương khói vào buổi chiều tà. Lênh đênh sông hồ xong, lên bờ, ngồi buông câu (khoảng 30.000 đồng/cần và mồi) bắt mấy chú cá làm mồi nhắm vào buổi chiều tối. Với chú voi (khoảng 300.000 đồng/giờ/khách), bạn sẽ ngồi trên lưng nó, lắc lư khám phá rừng thông bao la bên sườn núi.
Trở về, tay vịn vào núm vú gỗ trên đầu chiếc thang lớn trước khi đặt chân lên sàn nhà cất theo kiểu nhà dài của đồng bào Ê đê. Bên trong nhà, trên chiếc bàn dài đã dọn sẵn nhiều món ăn thực hiện theo tập tục sinh hoạt của đồng bào dân tộc là những món nướng. Bạn còn làm ấm bụng bằng món cháo cá vừa câu. Ngồi vào ghế, vừa nhẩn nha nhai món ngon bạn vừa thưởng thức điệu múa cồng chiêng truyền thống của người Tây nguyên (từ 2 - 3 triệu đồng/suất diễn). Gần chục nam nữ người K’Ho vừa múa vừa hát theo tiếng cồng chiêng rền rĩ âm vang vòng quanh đống lửa cháy đỏ rực (mùa nắng múa ngoài trời). Đầu tiên là điệu múa Cầu Giàng, tiếp theo là những tiết mục diễn tả các lễ hội mùa xuân, hội buôn làng, lễ đâm trâu…, thể hiện cuộc sống và phong tục tập quán của người dân tộc Tây nguyên.
Tiếng hát triền miên như ru ngủ người miền xuôi thành phố với những âm từ xao xuyến trái tim: “Ê hê… Ngôi sao thức giấc là mặt trời đi ngủ. Hết mùa mưa lũ là mùa nắng khô. Nắng vàng râu ngô là Tây nguyên thiếu nữ … Này người yêu ơi, em không biết múa, em không biết hát, chỉ biết yêu anh mà thôi. Ê hê… Em không biết múa cho môi anh thổi kèn. Em không biết hát cho đôi tay anh đàn”… (Lời bài hát “Kră yẵn jẹ mi na”).
Bạn sẽ càng “say” hơn khi được các sơn nữ K’Ho mời cùng múa với họ. Theo nhịp cồng chiêng, theo nhịp tay nắm mềm mại của các nàng, bạn nhịp nhàng chân bước. Với ché rượu cần đặt gần đống lửa, bạn nhấp một chút, nghe hương rượu thơm nóng cay nồng lan khắp thân mình. Sảng khoái và hưng phấn để uyển chuyển múa tiếp…
Đêm xuống lúc nào không hay. Đống lửa tàn. Tiếng ca tiếng hát tắt theo tiếng cồng chiêng như êm ngủ. Theo xe, bạn rời Đá Tiên mờ mịt sương khuya, lạnh ấm, trở quanh hồ Tuyền Lâm, chạy vài cây số là tới khu Núi Voi. Tới nơi, cũng là lúc trăng lên. Giữa chốn núi rừng mù mịt sương phủ, bạn mới thấy được nét đẹp mơ hồ trong bài thơ “Đà Lạt trăng mờ” của thi sĩ Hàn Mặc Tử.
Nhưng, bất ngờ nhất là du khách được đưa lên giữa lưng chừng cây cổ thụ, cao từ 6 tới 10 thước, để nghỉ qua đêm trong một chòi lá vừa đủ chỗ cho hai người. Trải nghiệm cảm giác hoang dã của một chốn núi rừng nhưng bạn được đáp ứng đầy đủ tiện nghi của một phòng khách sạn cao cấp, với nhà tắm, toillet hiện đại. Nằm trong căn phòng được gọi là “lồng chim” đó, bạn sẽ nghe tiếng gió lùa không ngớt qua những tán thông rừng nguyên sinh bao la tấu khúc nhạc trời muôn thuở. Ngủ một giấc, sáng dậy trong tiếng chim rừng véo von hót, thật là sảng khoái.
V.C (st)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét