Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Ngỡ ngàng trước hang Én hùng vĩ


SGTT.VN - Hang Én (thuộc quần thể Phong Nha-Kẻ Bàng, Quảng Bình) được tạp chí nổi tiếng thế giới National Geographic vinh danh khi chọn ảnh về hang Én vào tốp những bức ảnh đẹp nhất tháng 3.2011.
Hành trình vào hang Én
Suối Rào Thương là dòng chính để đi đến Hang Én.
Con đường vào hang Én đi qua một khu rừng nguyên sinh tuyệt đẹp, giữa tiếng chim kêu, vượn hót và bướm bay giập dìu. Lối mòn dẫn xuống thung lũng bản Đoòng đầy cây xanh cỏ lạ. Bốn bề là trường thành đá vôi lừng lững. Đi hết khu rừng nguyên sinh với táu, re, gùa, nhọc…, lội qua con suối nhỏ, phía trước mặt là bản Đoòng của người Vân Kiều sống trong vùng lõi di sản Phong Nha-Kẻ Bàng.
Họ là những hộ dân chạy nạn lũ quét năm 1993 từ xã Trường Sơn huyện Quảng Ninh. Sống giữa vùng lõi như biệt lập. Họ có 6 hộ dân với 21 khẩu do ông Nguyễn Sỹ Toà (63 tuổi) làm trưởng bản, được dẫn dắt cách sống tự cung tự cấp. Bản chỉ có 5 học sinh tiểu học với một người thầy từ xã Xuân Trạch lên cắm bản.
Trận lũ lịch sử tháng 10.2010 cuốn sạch toàn bộ nhà cửa bản Đoòng, họ phải đu bám trên cây suối cả tuần mới thoát chết. Sau lũ, bộ đội biên phòng về động viên lên nơi ở mới cao ráo nhưng người Vân Kiều đã bám rễ lâu rồi không ưng đi. Chính quyền đành dựng lại nhà cho họ trên nền đất cũ, nhưng vẫn không an tâm vì ở giữa chốn rừng hoang vu này dễ bị lũ quét tấn công.
Cửa vào Hang Én.
Rời bản Đoòng, hành trình đến với hang Én như gần hơn sau mỗi bước chân chúng tôi. Gần ba giờ lội suối, cái nóng nực như bị xua tan bởi dòng nước mát lạnh của rừng sâu. Từng đàn bướm dập dìu, từng đàn cá tung tăng ngay dưới bước chân càng hứng thú thêm cho việc dấn thân đến với hang Én.
Vẻ đẹp mê hoặc
Con suối Rào Thương mềm mại uốn lượn dưới rặng núi đá vôi giữa hai bên tán rừng cổ thụ. Từ xa, nhìn con suối như chui sâu vào núi. Qua hết góc khuất, một cửa vào núi đá hiện ra. Ấy là lối vào của hang Én. Suối Rào Thương tiếp tục uốn lượn ngoạn mục trong hang động.
Cửa vào hang phân thành hai lối bởi một chân đá khổng lồ. Trầm tích của vụn sỏi, cuội thô nằm lăn lóc bên suối. Đá như yên ngủ rất lâu, nó chỉ xáo trộn dưới những bước chân người có mặt ở cửa hang. Hang Én được mô tả lần đầu vào năm 1994 bởi đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh với độ dài 1.645m, nhiều chỗ rộng hơn 170m, và cao đến 120m.
Một góc Hang Én to lớn hùng vĩ.
Thật ra hang động này đã được người A Rem biết đến từ hàng trăm năm trước khi tổ tiên của họ lấy hang đá làm nơi sinh sống với phương thức nguyên thuỷ. Hang có hàng chục ngàn chim én sinh sống nên được gọi tên hang Én và người A Rem vào đây sinh sống đã gầy dựng được nét văn hoá đặc sắc của mình là Hội ăn én vào giữa tháng 5 âm lịch.
Hang cao rộng, hàng ngàn tổ én trên chót vót trần hang, người A Rem có kỹ năng là học cách leo các vách đá từ loài vượn và voọc sống ở đó. Họ chặt bốn thanh gỗ nhỏ chắc, tìm các găm vào các hốc đá nhỏ sau đó trèo lên trần hang, cách họ làm được nói là duy trì từ lâu năm, không biết từ khi nào.
Nay người A Rem đã rời hang Én, lên sinh sống tại km 39 đường 20-Quyết Thắng, nhưng đến mùa én họ lại tổ chức Hội ăn én rộn rã núi rừng với lễ cúng bái, cầu xin thần rừng, thần núi, thần hang phù hộ không ngã rớt từ trần hang.
Trầm tích trong lòng hang khổng lồ.
Người A Rem kể rằng: họ xem chúng là bậc thầy leo trèo để học hỏi nhằm lấy én về ăn. Én ở hang Én nhiều như bất tận. Chúng làm tổ trên cao. Một con chim én sinh ra ở hang, khi về già nó cũng tìm về hang Én để táng thân, đó là vòng đời của chúng giữa rừng xanh già cỗi. Những con chim già tuổi, không bay lượn được, giờ phút cuối cùng, chúng chỉ biết rời tổ, chao liệc một vòng, kêu lên tiếng kêu đặc trưng một hơi dài rồi rơi xuống nền hang, va vào thạch nhũ và ra đi. Cách thức sinh tử của én có lẽ chỉ ở đây được chứng tỏ rõ nhất. Cứ vào mùa sinh ở đây, hàng ngàn con nở ra thì cũng có hàng trăm con già đi và chết.
Chiều tà, hàng ngàn hàng vạn cánh én chao liệng ở cửa hang. Tiếng kêu líu ríu của chúng như bản hoà âm giữa rừng xanh tuyệt mỹ, khiến hang động to lớn không hề cô liêu.
Thạch nhũ trong hang không khổng lồ bởi dòng chảy của các dòng lũ bào mòn từ hàng triệu năm qua. Nhưng dòng suối trong hang mới kỳ diệu, nó chảy theo hình chữ S. Dòng chảy của nó như dùng dằng không muốn rời lòng hang kỳ vĩ này. Từ cửa hang, đi chừng một cây số, một lỗ thông hơi với vòng tròn đồng tâm đục thẳng, bay vút lên trời. Ánh sáng của sự sống rọi thẳng vào hang, hàng chục loài thực vật chen lấn để sống. Rồi những loài côn trùng cũng kéo đến chia sẻ không gian nhỏ bé này.
Dưới ánh nắng chiều càng thấy hang Én thêm hùng vĩ.
Cửa ra của hang Én là một vòm cửa gần tròn đẹp mê hoặc. Một cánh cửa hùng vĩ lạ kỳ, một cánh cao 83m, rộng 35m đã làm cho đoàn thám hiểm ngỡ ngàng: “Nó thực sự hùng vĩ. Chúng tôi chưa hề thấy một cửa hang nào như thế. Con người quá nhỏ bé trước cửa hang này”. Hang Én như một thế giới thần tiên của kỳ hoa dị thảo. Trước cửa ra của nó là hàng cây cổ thụ cao hàng chục mét. Chúng sừng sững ở đó từ rất lâu. Tuổi của cây không bằng tuổi hang động, nhưng chắc chắn chúng già cỗi ở thượng nguồn là chắn che các trận lũ bớt đi sự ác nghiệt cho vùng hạ du.
Các chuyên gia địa mạo nói nếu không có hang Én, việc thoát lũ ở thung lũng bản Đoòng trở thành nan giải và rất có thể nó trở thành đầm lầy nguy hiểm. Nhưng sư xuất hiện của hang Én đã đưa lại sự sống cả một thung lũng rộng lớn cả trăm héc ta. Vào hang Én, các nhà khoa học cũng nhìn thấy một cách di cư khác của thực vật vào lòng hang. Những hạt mầm của dương xỉ, cây cối khác theo dòng lũ lớn hằng năm vào hang, chúng trôi nổi theo dòng nước và bám vào các kẽ đá để rồi, khi nước rút, chúng bắt đầu cuộc sinh sôi mới trong hang động một cách ngoạn mục. Với hang Én, Hiệp hội hang động hoàng gia Anh cho rằng, đó là hang động hùng vĩ, một mẫu chuẩn của vận động vỏ trái đất còn sót lại hàng trăm triệu năm.
Tiến sĩ Howrad Limbert từ Anh thông báo đã hoàn thành được bản đồ các hang động mà BCRA khám phá tại Quảng Bình. Tổng chiều dài các hang động khám phá cho đến hiện nay lên đến gần 145km. Trong đó nhiều nhất thuộc về huyện Bố Trạch với gần 119km, Minh Hoá có 21km, Quảng Ninh gần 4km. Chúng được chia thành ba hệ thống hang động gồm hệ thống hang Phong Nha, hệ thống hang Vòm và hệ thống hang Chày. Cũng theo Howrad Limbert, hiện còn nhiều hang động chưa tìm ra và rất có thể còn nhiều hang to lớn tấm cỡ hang Én đang ẩn náu đâu đó trong rặng núi đá vôi ở Quảng Bình.
 QUỐC NAM-NGUYÊN LÊ

Cánh rừng bất tận
SGTT.VN - Lần mở lại những trang nhật ký đã úa màu thời gian từ những năm 1990 mới thấy mình luôn có duyên nợ với cánh rừng này: năm 1993, cùng với đoàn thám hiểm hội Hang động Hoàng gia Anh khám phá hang Tối… Năm 1999, một chuyến đi rừng với anh em kiểm lâm khám phá hang Vòm, hang Tối,… Năm 2005, cùng với nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ, Thành Huế khám phá hang Thiên đường… Và những trang nhật ký cứ dày thêm thông tin về hệ thống hang động kỳ vĩ của kỳ quan thiên nhiên Phong Nha – Kẻ Bàng.
Điều kỳ diệu bất tận của “vườn địa đàng hạ giới”: một cánh rừng cổ thụ trong hang Én. Ảnh: Binh Nguyên
Đã lên kế hoạch đi một chuyến châu Âu theo lời mời, vậy mà đành huỷ vào giờ chót vì nhận được lời mời của châu Á, một chàng trai làng Phong Nha: “Đi anh, đi rừng khám phá hang Én, một trong những hang được National Geographic bình chọn là một trong những hang lớn và đẹp của thế giới…” Nỗi nhớ rừng lại dâng trào…
Đứng trước cửa rừng mới thấy không chỉ có mình mới nhớ rừng, gần hai mươi con người đã chuẩn bị cho chuyến đi xuyên rừng với balô, xà cạp, giày bố, xoong nồi, lều võng để được sống trọn vẹn với rừng. Gặp lại Hoàng Hải Vân, phó giám đốc vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, người bạn đồng hành trong chuyến đi rừng đầu tiên của 18 năm về trước : “Mỗi chuyến đi rừng là một trải nghiệm mới anh ạ, cánh rừng này dường như bất tận, đi cả đời cũng không hết đâu anh”. Người mà cả một đời sống với rừng mà còn nói vậy, còn mình phải nhiều kiếp người mới đi và sống trọn vẹn với cánh rừng này.
Con dốc Ba Giàn cao ngửa mặt mà đi qua đã hút gần như cạn kiệt sinh lực của người nơi phố nhớ rừng, con sông Rào Thương cứ quanh co uốn lượn như thử thách sức người đang lần mò dưới dòng sông để tìm đường đến cửa hang trước khi trời tối, những bầy vắt rừng tí tắc với bữa tiệc no say máu người đã không làm chùn những bước chân khám phá. Lều đã dựng xong, nồi cơm với món rau tàu bay rừng đã ùn ục sôi khi ông mặt trời đã tắt nắng phía biên giới Lào, vậy mà có ai ngơi nghỉ khi “vườn địa đàng hạ giới” đang hiện ra trước mắt…
Những dòng nhật ký được ghi vội: “Hang Én phát hiện lần đầu vào năm 1994 bởi đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh với độ dài 1.645m, nhiều chỗ rộng hơn 170m, và cao đến 120m… Những vòm hang cao vút với trần hang là vương quốc của hàng vạn chim én tạo nên cái tên của nó…Kỳ diệu nhất là hang có ba cửa mở ra như ba giếng trời khổng lồ mà mỗi cửa là một câu chuyện kỳ vĩ về màu sắc, sự tráng lệ của thiên nhiên dày công tô điểm từ hàng ngàn năm qua. Cửa ra của hang Én thật sự là một khu vườn địa đàng mà chiều cao của nó có thể chứa vài ngôi nhà chọc trời với dòng sông ngầm bên dưới, mà bên trên là rừng cây cổ thụ ngàn năm tuổi nằm ngay cửa hang. Và chúng tôi luôn cảm thấy mình quá nhỏ bé trước toà thánh đường của tạo hoá ban tặng cho vùng đất này… Chúng tôi đã đi trong lòng hang Én mênh mông như đi trong cõi hư không bất tận”.
Với 400 triệu năm tuổi, rừng quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là một trong hai hoang mạc đá vôi lớn nhất thế giới. Vương quốc của hơn 300 hang động lớn nhỏ, kết nối với hệ thống sông ngầm và đã được hiệp hội Thám hiểm hang động Hoàng gia Anh (BCRA) công nhận là hệ thống hang động lớn nhất và đẹp nhất thế giới. Bên ánh lửa bập bùng của đêm rừng, có ai đó ước mơ: “Anh em mình làm thành một hội thám hiểm hang động Phong Nha đi anh, cứ mỗi năm lên kế hoạch khám phá một hang cũng thoả lòng…” Ba trăm hang đã được khám phá, rừng Phong Nha – Kẻ Bàng thật diệu kỳ, và với ước mơ của ai đó mỗi năm đi rừng khám phá một hang thì nơi này quả thật là một cánh rừng bất tận, một điều kỳ diệu bất tận…
BÀI VÀ ẢNH: BINH NGUYÊN

Hang Én có gì và đi như thế nào?

 Bối cảnh của bộ phim "Pan và vùng đất Neverland" là một điểm du lịch khám phá lý tưởng cho những ai muốn trải nghiệm cảm giác phiêu lưu, khám phá thiên nhiên hùng vĩ.
Lịch trình khám phá hang Én
Nằm sâu trong khu vực vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), hang Én mang vẻ đẹp vẹn nguyên của rừng núi nguyên sinh Việt Nam. Xuất phát từ thôn Phong Nha, mất khoảng một giờ trên xe bus dọc theo đường 20 Quyết Thắng, nơi trọng điểm đánh phá trong những năm tháng chiến tranh để đến với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và dừng chân tại km 35, bạn bắt đầu hành trình.
Bản Đoòng, nơi sinh sống của đồng bào Bru-Vân Kiều nằm trên hành trình đến hang Én.
Bản Đoòng, nơi sinh sống của đồng bào Bru - Vân Kiều nằm trên hành trình đến hang Én.
Khởi điểm của chuyến đi khám phá hang Én là con dốc Ba Giàng, dốc trơn trượt và lầy lội vào mùa mưa. Bạn mất khoảng 2 giờ để leo lên núi, men theo những con đường mòn ngoằn nghèo và đôi khi dốc đến mức gần như dựng đứng.
Vượt qua con dốc này là đến thung lũng Rào Thương, nơi có dòng suối trong xanh mát lạnh, ở lòng sông là đá cuội nhẵn và trơn. Men theo Rào Thương khoảng 20 phút sẽ thấy bản Đoòng, nơi sinh sống của đồng bào Bru - Vân Kiều vui vẻ, hiếu khách. Tại đây, bạn dừng chân nghỉ tại nhà trưởng bản Nguyễn Sĩ Tòa, thưởng thức chè xanh và trò chuyện cùng người dân.
Đi bộ dưới nắng hàng giờ liền là thử thách đối với nhiều người khi tham gia khám phá hang Én.
Đi bộ dưới nắng hàng giờ liền là thử thách đối với nhiều người khi tham gia khám phá hang Én.
Tạm biệt bản Đoòng và cũng là tạm biệt quãng đường tương đối nhẹ nhàng, bạn phải tiếp tục vượt qua một loạt sông suối để đến hang Én. Mất hai giờ đi bộ dưới nước vào lúc giữa trưa, dưới các nắng miền Trung sẽ là thử thách thật sự với mọi người trong hành trình. Đi đến cuối thung lũng, cửa chính của hang Én xuất hiện.
Khung cảnh kỳ vĩ bên trong hang Én.
Khung cảnh kỳ vĩ bên trong hang Én.
Sau khi trang bị đèn đầu, mũ bảo hộ, găng tay, bạn đi theo cửa nước vào khám phá hang. Hang Én dài 1,6 km với bãi cắm trại ngay trong lòng hang. Từ cửa chính, ánh sáng chiếu vào bãi cắm trại, tạo nên khung cảnh vừa mơ màng, vừa kỳ vĩ. Trong hang én còn có hai hồ nước trong xanh, một lạnh, một ấm, thích hợp cho bạn ngâm mình và tận hưởng cảm giác hòa vào thiên nhiên. Trần hang là nơi cư trú của hàng vạn chú chim én khi hè đến. Đây cũng là lý do nơi này có tên hang Én.
Khu cắm trại ngay hồ nước xanh ngọc bích.
Khu cắm trại ngay hồ nước xanh ngọc bích.
Trong ngày thứ hai khám phá hang Én, bạn sẽ leo vào con dốc đá trong hang để chiêm ngưỡng “vương quốc” hóa thạch thọ nhất châu Á với hơn 300 triệu năm tuổi, ngắm những khối thạch nhũ khổng lồ, nghe các câu chuyện về tập tục ăn Én hay lễ hội rằm tháng năm của người Arem. Đặc biệt, khi đi đến cửa sau của hang, chắc chắn bạn sẽ choáng ngợp với khung cảnh tuyệt đẹp nơi đây, nơi quay phim Pan và vùng đất Neverland. Khi hoàn tất việc khám phá hang, bạn quay về trên cùng con đường cũ.
Chuẩn bị gì khi đi hang Én?
Du khách bắt buộc phải tham gia tour, đi cùng với hướng dẫn viên chuyên nghiệp và đội porter. Bạn chỉ cần mang đồ dùng cá nhân, còn dụng cụ bảo hộ (mũ bảo hiểm, găng tay, đèn đầu, túi khô và giày nếu bạn không có), lều và các bữa ăn đều do bên tour chuẩn bị.
Trong suốt hành trình, du khách cần đi theo hướng dẫn viên và luôn mang theo đồ bảo hộ.
Trong suốt hành trình, du khách cần đi theo hướng dẫn viên và luôn mang theo đồ bảo hộ.
Để thuận tiện, bạn cần đem theo một bộ quần áo để thay cho đêm cắm trại trong hang, đồ bơi và một số vật dụng cá nhân như kem chống nắng, bình xịt côn trùng, nón, bình nước... Nên chọn một balo nhỏ gọn nhẹ để đeo và đừng quên một đôi sandal hay dép để đi ở bãi trại.
Giày và áo quần mặc khi đi và về nên chọn loại nhanh khô và dễ thoát nước, vì bạn sẽ phải vượt sông rất nhiều. Áo tay dài, quần dài và vớ (tất) rất hữu ích, vì trên đường có thể sẽ có nhiều vắt rừng và cây ngứa. Để ghi lại những khoản khắc trong chuyến đi, bạn nên chọn camera chụp tốt trong điều kiện ánh sáng yếu, bởi trong hang rất tối. Trong lúc di chuyển, bạn chú ý bổ sung nước kịp thời, nhất là lúc đi bộ nhiều giờ liền dưới nắng, tránh tình trạng kiệt sức do mất nước.
Anh Vũ
Ảnh: Anh Vũ - Trung Trần

Chinh phục hang Én - bước đệm để đến với Sơn Đoòng

Là người Quảng Bình, tôi luôn tự hào khi quê mình có hang động lớn nhất thế giới, thế giới bí ẩn được thiên nhiên ban tặng.
Bạn bè người nước ngoài liên tục hỏi tôi rất nhiều về điểm du lịch mạo hiểm mới - Sơn Đoòng. Tôi nghĩ, tại sao các bạn ấy phải bỏ ra hơn nghìn đô mua vé máy bay đến Việt Nam, trong khi tôi đang sống ở TP HCM, dễ dàng dành chỉ hơn 1,5 tiếng để về quê mình, và tận mắt nhìn ngắm, chiêm ngưỡng những điều kỳ diệu của thiên nhiên.
Khu vực cắm trại trong hang Én. Ảnh: Minh Trần.
Khu vực cắm trại trong hang Én. Ảnh: Minh Trần.
Thế nhưng đến thăm Sơn Đoòng không dễ. 7 ngày 6 đêm sống ở một thế giới dưới lòng đất, phải thật sự mạo hiểm leo trèo và đòi hỏi sức bền nhất định mới có thể đến được “thiên đường”. Tôi đành ngậm ngùi để dành Sơn Đoòng cho một dịp khác, nhưng ngay bây giờ, tôi nhất định phải đặt chân đến hang Én, cũng chính là điểm cắm trại đầu tiên trên đường đến Sơn Đòong, và là hang động lớn thứ 3 trên thế giới.
Tôi đã quyết tâm. Tôi tự nhủ, khi ta còn trẻ và đủ sức làm những trò điên dại của cuộc sống, ngắm nhìn những thứ kỳ diệu mà thiên nhiên ban tặng, chào đón những khoảnh khắc bằng tất cả cảm nhận của con người mình (cả thân thể và trí óc), hãy dùng hết sức lực tận hưởng những ngày tháng ấy.
Và quả thật, trải nghiệm 2 ngày 1 đêm đến Hang Én hồi đầu tháng 5 là hành trình ngắn ngủi nhưng là những ký ức mà tôi không thể nào quên. Và tôi gọi chuyến đi này không phải là du lịch, giải trí hay tận hưởng, mà là chinh phục bản thân, quan trọng hơn hết là mở tầm mắt, nhìn những điều kỳ diệu trong cuộc sống.
Để đến được hang Én, tôi và 5 người bạn ở TP HCM đã đặt tour từ trước một tháng. Mỗi tour có tối đa có 16 khách. Đoàn của tôi có 6 người Việt, 2 bạn Đức, 2 bạn Ba Lan, 2 bạn Canada và 4 bạn Mỹ.
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có thảm thực vật, động vật đa dạng. Ảnh: Minh Trần.
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có thảm thực vật, động vật đa dạng. Ảnh: Minh Trần.
16 người đã cùng nhau leo dọc sườn núi và đi bộ hơn 4 giờ để đến được Phong Nha - Kẻ Bàng. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị rất kỹ những vật dụng leo núi cần thiết, nhưng thật sự thì khi đi bộ dưới cái nóng gay gắt 38 độ của miền Trung cháy nắng, tôi ước mình không phải đem theo gì cả.

Chúng tôi bắt buộc phải mặc áo dài tay để tránh va quẹt vào gai nhọn, hay lá đọc có thể gây ngứa và nhức cả ngày. Giày leo núi tăng độ an toàn, đảm bảo không bị sảy chân vì trơn trợt, và cũng không phải gồng mình bấu víu đi trên những đoạn dốc gần như thẳng đứng.
Chúng tôi băng rừng lầm lì, không ai nói với ai lời nào vì muốn giữ sức để có thể tiếp tục hành trình. Nhưng không vì thế mà chuyến đi trở nên khó khăn. Cảnh đẹp của núi rừng đã làm chúng tôi phải liên tục à ồ thán phục. Khi xe cộ khói bụi và inh ỏi tiếng kèn ở thành phố làm cho chúng ta bức bách, cảnh núi rừng rộng lớn cho chúng tôi cảm giác tự do và tràn sức sống.Giày tránh nước hay ủng lội suối không là gì, khi phải liên tục băng qua những con suối chảy siết cao đến gần 1 m. Thoạt đầu chúng tôi đã rất ngại khi phải liên tục bì bõm giữa suối. Đôi giày lúc này như những thau óc ách nước, mỗi bước đi là mỗi bước nặng nề. Nhưng khi khô người vì nắng, những con suối trong lành mát lạnh kia lại là phần thưởng đáng ghi nhận.
Khi băng qua con suối cuối cùng để đến được cửa hang, cả đoàn gần như thấm mệt, uống từng cụm nước điện giải để giữ nước và điều hòa hơi thở. Và ngay lúc này, hang Én cho chúng tôi một thử thách mới khi phải mò mẫm trong không gian tối mịt, chỉ có đèn pin trên mũ bảo hiểm soi đường và lần theo những phiến đá nhọn sắc để có thể bám víu từng bước vào trong hang.
Bên trong hang Én. Ảnh: Minh Trần.
Bên trong hang Én. Ảnh: Minh Trần.
Tất cả khó khăn của 4 giờ đã được đền bù hơn cả xứng đáng. Cảnh đẹp tuyệt vời hiện ra trước mắt. Ngay cả bây giờ tôi cũng không biết diễn tả bằng lời như thế nào. Khi đó, tôi cảm thấy tự hào cho chính bản thân mình, nhưng hơn cả, tôi mới thấy bản thân thật sự nhỏ bé.
Lúc ấy, tôi và các bạn đồng hành thật sự im lặng, chỉ còn đôi mắt hoạt động, phóng tầm nhìn thật rộng, thật xa để có thể trọn vẹn chiêm ngưỡng hang động lớn thứ 3 thế giới này. Đây là trải nghiệm mà tuổi trẻ nào cũng nên có, tôi thầm nghĩ!
Tâm Trần

Băng rừng, leo núi chinh phục hang động lớn thứ 3 thế giới

Hành trình của chúng tôi dài 2 ngày 1 đêm, 22 km đường rừng với những đoạn dốc hơn 60 độ, đi bộ dưới cái gay gắt và nóng gần 38 độ của miền Trung.
Chinh phục hang Én là một trải nghiệm mà người Việt Nam nào cũng nên thực hiện, vì hang động lớn thứ 3 thế giới này nằm ngay rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình).
Khi trang National Geographic giới thiệu một loạt hình ảnh đầy ấn tượng về quần thể hang động lớn nhất thế giới - Sơn Đoòng, tôi đã rất tự hào và quyết định mình sẽ phải đặt chân đến vùng đất này, tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước mình. Sau khi tìm hiểu về thông tin du lịch thám hiểm và leo núi (hiking), tôi và các bạn nghĩ mình sẽ thử sức với chương trình 2 ngày một đêm tại hang Én. Và chuyến đi ngắn ngày này đã để lại cho đoàn chúng tôi những trải nghiệm không thể nào quên được.
Trên đường tới hang Én. Ảnh: Minh Trần.
Trên đường tới hang Én. Ảnh: Minh Trần.
3 bước cho chuyến khám phá hang Én:
- Đặt vé máy bay đến Đồng Hới (Quảng Bình).
- Đặt tour trên website của công ty Oxalis (giá trọn gói 300 USD). Hiện tại chỉ có Oxalis khai thác tuyến này. Có thể nhờ họ đặt khách sạn tại Phong Nha để nghỉ ngơi 1 đêm trước và sau khi đi tour
- Chuẩn bị sức khỏe và các vật dụng du lịch leo núi cần thiết.
Bạn nên chọn tháng mùa khô, khí trời khô ráo để tránh vắt, và lội suối cũng dễ dàng hơn. Đoàn chúng tôi chọn tháng 5. Mùa hè nên khá nóng với nhiệt độ hơn 38 độ. Nhưng cũng vì trời khô nên những đoạn lội suối nước cũng chỉ cao quá đầu gối. Vào mùa mưa, đường rừng trơn trượt và có thể nước suối dâng cao đến 1,5m.
Đường đến hang Én không quá khó như chúng tôi tưởng, nhưng cũng đủ thử thách sức bền của dân du lịch bụi.
Khởi hành lúc 10h, xe của công ty Oxalis chở chúng tôi hơn 35 km đường nhựa đến điểm xuất phát. Một tiếng sau đó, cả đoàn gồm 6 người Việt Nam, 10 người nước ngoài, 2 hướng dẫn viên và 6 anh khuân vác (porter) bắt đầu xuống núi.
Chúng tôi đi bộ hơn một tiếng đường rừng với nhiều đoạn dốc mà phải bám víu vào các rễ cây để đi xuống thung lũng, giữa lòng núi, sau đó là 3 tiếng đi bộ giữa trời nắng gắt, và một đoạn 30 phút để leo qua những vách đá dựng đứng, có thể sảy chân sụt trên cát trơn bất cứ lúc nào nếu không vững chân.
Chỉ hơn 4 giờ ngắn ngủi, nhưng đoạn đường đi bộ đã “chào đón” chúng tôi với gai, lá độc (poison ivy ), những con vắt bé tí chực búng lên người, rắn rừng hay vài chú khỉ và hơn 30 con suối chảy xiết. Thế nhưng, những thử thách đó không là gì khi chúng tôi liên tục phải ồ, à lên khi nhìn những ngọn núi xanh rì ngay trong tầm mắt, những cụm cây già trăm tuổi.
Leo núi, băng rừng để đến với hang động lớn thứ 3 thế giới.
Leo núi, băng rừng để đến với hang động lớn thứ 3 thế giới. Ảnh: Minh Trần.
Và phần thưởng cho người đến đích đến (cũng là điểm cắm trại qua đêm) chính là sự hùng vĩ của hang Én - hang động lớn thứ 3 thế giới. Hang Én có chiều dài hơn 1,6 km, gồm 3 cửa. Trần hang có nơi cao 130 m, nơi rộng nhất 170 m, là nơi sinh sống của hơn 1 triệu con chim én. Trong lòng hang là con suối trong xanh chảy quanh co dẫn đến núi Sơn Đoòng nổi tiếng.
Đến cửa hang, chúng tôi nghĩ mình sẽ nghỉ ngơi ở đây và hoàn thành tuyến đường khám phá. Nhưng hang Én không chỉ đơn giản là đến được nơi cắm trại đẹp nhất thế giới, mà chúng tôi còn phải leo trèo trên những vách đá lồi lõm và đi sâu để khám phá trọn vẹn lòng hang tối đen như mực với rất nhiều nhũ thạch hơn triệu năm tuổi.
Công ty du lịch phát cho mỗi thành viên một nón bảo hộ cùng đèn pin và găng tay để đảm bảo độ an toàn cơ bản nhất. Thêm gần 1 tiếng lần mò lội bộ và leo trèo trong hang Én, chúng tôi đi ra cửa hang ở một hướng khác. Cả đoàn không ngừng trầm trồ nhìn ra cổng hang - mà tôi gọi đó là cổng thiên đường, khi nhìn từ đỉnh hang sẽ thấy một quần thể thảm thực vật xanh rì.
Bên trong hang Én. Ảnh: Minh Trần.
Bên trong hang Én. Ảnh: Minh Trần.
Chúng tôi thấy con người quá bé nhỏ trước sự kỳ vĩ của mẹ thiên nhiên, và quá non trẻ trước những cột mốc thời gian hình thành nên trái đất này. Đó cũng chính là những trải nghiệm du lịch có một không hai trong đời.
Cần mang theo thứ gì khi đi hang Én?
- Một bộ quần áo dài tay, co giãn tốt để đi rừng, tránh bị các loại lá độc và vắt bám vào người.
- Giày đi rừng, tất cổ cao.
- Một bộ quần áo ngắn tay để đi ngủ và đi bơi trong hang.
- Một khăn lông lớn để sau khi tắm suối trong hang.
- Kem chống muỗi, chống nắng, chống vắt.
- Máy ảnh gọn nhẹ.
- Kính mắt
- Khăn mỏng che nắng, che cổ, che mặt.
(Ghi chép: Minh Trần - Tâm Trần)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét