Không như những nơi bình thường, những gì diễn ra sau Tử Cấm Thành luôn là một bí mật lớn khiến nhiều người tò mò. Điều hiển nhiên, tết trong hoàng cung cũng khác biệt. Ngày đầu xuân, chúng tôi xin vén một phần bí ẩn cách đón tết của cung cấm qua lời kể của một người trong dòng dõi hoàng tộc.
Quê tôi ở làng Hương Cần, xã Hương Toàn, Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thuở còn nhỏ, cả làng nghèo đến cái áo, cái quần cũng không lành lặn. Ở cạnh nhà, có người phụ nữ già giọng chậm rãi, khoan thai, tha thiết khiến người nghe phải lắng lòng, quên mệt mỏi. Ở làng, từ đứa trẻ cho đến người sắp “về trời” cũng đều gọi người đó là bà Hà một cách trìu mến. Có lần, mẹ tôi giải thích: “Bà Hà là con cháu nhà vua nên mọi người mới tôn trọng như thế”.
Ngày đó, tôi chẳng hiểu hoàng tôn, tôn nữ là gì nhưng cũng như mọi người mỗi lần gặp bà Hà đều phải cúi đầu. Chẳng biết những người khác thì sao, nhưng tôi lại bị giọng Huế rặc của bà thu hút. Điều khiến tôi thích thú hơn là trong mỗi từ, mỗi câu của bà đều thể hiện những triết lý sống. Không chỉ thế, tôi mê mệt với những câu chuyện về lầu son, gác tía, những ông vua, bà hoàng ở triều Nguyễn trong những câu chuyện của bà. Về sau, tôi mới biết rằng, những gì bà kể đều là sự thực. Bởi, bà chính là chứng nhân của một thời.
Bà Hà bên di ảnh của đại tướng Võ Nguyên Giáp
|
Thời gian trôi, tôi lớn lên, vì công việc, tôi trôi dạt vào phương Nam. Thế nhưng, mỗi lần về quê, tôi lại hăm hở sang nhà bà Hà để được sống lại khoảng thời gian huy hoàng của một thời sau Tử Cấm Thành. Lần về gần đây nhất, bà Hà đã bước qua tuổi 90 từ lâu, không thể đi lại như trước nhưng trí tuệ vẫn rất minh mẫn. Bà không còn kể về những chuyện thường ngày trong cung cấm mà chuyển sang ngày tết của vua chúa.
Bà Hà tên thật là Công Tôn Nữ Trí Huệ, con của hoàng tử Miên Lâm (con của vua Minh Mạng). Là hoàng thân, ngay từ lúc 4 đến 5 tuổi, bà đã được theo chân cha mẹ vào cung mỗi khi có dịp tết. Đối với bà những đền đài, cung điện trong Tử Cấm Thành là một phần của tuổi thơ. Trong kí ức, những bữa yến tiệc, vua quan mặc áo lụa sặc sỡ, thức ăn nhiều vô kể là không thể thiếu.
Tết trong cung đình được tổ chức linh đình ngay từ đầu tháng 12 âm lịch. Tết trong triều đình khởi đầu bằng việc một đội người làm khá đông được điều vào sơn son thiếp vàng tất cả hoàng cung. Không chỉ thế, các cung điện, kỳ đài, cửa kinh thành… đều được treo cờ mới. Ngay sau đó, cung nữ ở trong cung phải chuẩn bị đồ cũng cũng như vật phẩm, thức ăn cho việc ăn tết.
Khi hoàng cung đã được “đổi màu”, ngay ngày đầu tháng Chạp, lễ Ban sóc tức lễ ban lịch năm mới sẽ được tổ chức. Lịch được các quan văn soạn, dâng lên vua trong một chiếc khay vàng chờ phê duyệt. Vua xem xong sẽ ban xuống cho các thần. Trong nội, lịch sẽ được ban ngay hai bên điện Thái Hòa và cửa Ngọ Môn. Riêng ở các địa phương, sẽ được vua truyền chỉ cho lính đưa đến tận các trụ sở công quyền chính.
Những bí mật trong hoàng cung vẫn mãi là điều cần được khám phá
|
Kể từ sau lễ Ban sóc, hoàng cung trở nên đẹp hơn bởi những ánh đèn vào mỗi đêm. Không khí chuẩn bị tết cũng khẩn trương trong tất cả mọi người. Vua thì được thợ may đo để may một bộ quân phục riêng màu vàng dành cho dịp tết. Riêng hoàng hậu, phi tầng, hoàng tử, công chúa cũng được đo để may áo quần nhưng nhất thiết phải là màu đỏ hoặc màu hồng.
Đến ngày 20 tháng Chạp, lễ Phát thức được diễn ra. Theo lời bà Hà, đây là lễ rửa ấn. Tất cả các quan đã chuẩn bị ấn bỏ vào hộp thiếp vàng từ trước. Vào ngày hôm đó, các quan mặc áo xanh, chầu ở điện Cần Chính. Vua đến, tất cả các hộp chứa ấn đều được mở. Ấn của vua sẽ được dùng một chiếc khăn màu đỏ rửa bằng nước thơm đầu tiên. Nước thơm này được lấy từ đầu nguồn sông Hương kết hợp với rất nhiều loại hoa khác nhau.
Sau khi chiếc ấn này được niêm phong cũng là lúc tất cả các ấn khác đều được rửa và cất vào hộp. Kể từ ngày đó cho đến đầu năm, những chiếc ấn này được niêm phong, dù có công việc quan trọng tới mức nào cũng không được sử dụng cho đến khi hết ba bảy tết bảy ngày xuân.
Hai ngày sau, chính vua và các hoàng tôn sẽ làm lễ Hạp hương ở điện Thái Miếu, mời tất cả các tiên đế về ăn Tết. Trong buổi lễ này, tất cả các hoàng tôn đều phải có mặt. Đây cũng chình là khoảnh khắc long trọng, để vua cùng những người trong dòng tộc thể hiện công ơn đối với những người đã khuất.
Thực hiện: An Nhiên / Nguồn: Xzone.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét