Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Choáng trước tượng ngựa có đầy đủ nội tạng ở Hậu Giang

Docbao.com.vn
Chùa Già Lam Cổ Tự (ấp Xẻo Vông C, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) lúc sơ khai chỉ là một am nhỏ. Nét đặc sắc ở ngôi chùa này là câu chuyện về hành trình xây dựng nên ngôi chùa, và bức tượng ngựa có một không hai ở Việt Nam

“Hai Lúa” nghèo khổ thề chặt ngón tay xây chùa

Sư trụ trì hiện tại Thích Huệ Sanh mở đầu câu chuyện: “Già Lam Cổ Tự nhiều năm liền được bình chọn là ngôi chùa cảnh quan đẹp nhất tỉnh. Đây không phải là thành quả của riêng ai mà là của tất cả những phật tử thành tâm cúng dường, tạo nên ngôi chùa như ngày hôm nay”.

Thượng tọa Thích Huệ Sanh năm nay đã qua tuổi 65, là vị trụ trì đời thứ hai của chùa. Chùa được một người nông dân nghèo nhưng tài đức hơn người lập nên.

Cách đây hơn 70 năm, người nông dân tên Phạm Hữu Vinh quê ở tận Sóc Trăng vì cuộc sống khốn khó nên khăn gói lên vùng đất mới thuê đất làm ruộng. Vốn am hiểu về thuốc Nam, ông ngày đi làm ruộng, tối về bốc thuốc làm từ thiện giúp dân nghèo. Năm 1940, ông phát tâm xin quy y thọ giới tại một ngôi chùa ở An Giang, được ban pháp danh Thích Huệ Đức. Một thời gian sau, ông về Hậu Giang, lập nên chùa Quan Thánh (hay Quan Thánh Đế) để thờ thánh Quan Vũ.

Lúc mới thành lập, chùa chỉ được dựng nên bằng cây đủng đỉnh (một loại cây mọc nhiều ở miền Tây Nam Bộ) và lá dừa nước từ những người dân nghèo đóng góp. Ông mời thợ về đắp ba pho tượng Quan Vũ và hai con nuôi là Quan Bình và Châu Hưng để thờ cúng.

Ba pho tượng hoàn tất, mỗi bức cao gần 3m, nặng hàng tấn, làm bằng đất cát, xi măng. Đến khi đưa ba phong tượng lên bệ thờ thì kì lạ thay, hàng trăm thanh niên trai tráng trong vùng đến giúp sức, dùng đủ mọi cách nhưng vẫn không sao nhấc pho tượng nào lên được.

Nhiều ngày liền, vị trụ trì tính toán tìm đủ mọi cách để đưa ba pho tượng lên bệ nhưng vẫn không thành công. Một đêm nọ, trong lúc tuyệt vọng, ông quỳ trước tượng mà khấn rằng: “Nếu các thánh phù hộ để di chuyển các bức tượng được thuận lợi, con xin chặt một ngón tay để tỏ lòng thành kính”.

Toàn cảnh chùa Già Lam Cổ Tự

Sau lời khấn vái, tình cờ hôm sau mọi người đưa được các pho tượng lên bệ một cách dễ dàng. Nhớ đến lời khấn của mình, ông lựa lúc đêm vắng vẻ, mang con dao ra quỳ trước tượng thánh. Nhưng khi ông vung dao lên định chặt ngón tay như lời thề thì một cơn gió lạnh ào đến làm ông ngất đi.

Trong cơn mộng mị, ông mơ thấy Quan Thánh hiển linh, nhìn ông và quát lớn: “Thân thể là của cha mẹ sinh ra, ngươi không được quyền hủy hoại”. Giật mình tỉnh dậy, ông mồ hôi đổ ra như tắm, mặt cắt không còn giọt máu.

Những ngày mới xây chùa, vị trụ trì ngày ngày vẫn cùng những người nông dân phơi nắng ngoài ruộng cấy cày, đêm đến bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Chùa ngày càng được mở rộng nhờ sự thành tâm cúng bái của phật tử. Năm 1967, chùa được tái thiết thay cho ngôi am nhỏ bằng cây. Năm 1971, chùa tổ chức lễ khánh thành, đổi thành tên Già Lam Cổ Tự.

Tượng ngựa độc đáo có đầy đủ nội tạng

Một ngày cách đây hơn 40 năm, chùa đón một người khách lạ không rõ lai lịch từ đâu đến ghé thăm. Người khách băn khoăn chuyện tượng thánh đã có nhưng sao không có ngựa, nên ngỏ ý cúng dường đúc tượng Xích Thố. Số tiền cúng dường một triệu đồng, tương đương với giá 50 lượng vàng.

Điều khó khăn tiếp theo là tìm đâu ra thợ điêu khắc tài ba. Tìm khắp vùng, nhà chùa được chỉ tới một người tên Ba Đém quê ở Sóc Trăng. Vừa nghe yêu cầu của vị trụ trì, người thợ này nhận ngay công việc, nhưng đòi mức thù lao cao khủng khiếp, tròn một triệu đồng, đúng với số tiền vị khách lạ cúng dường. Cho rằng đây là cơ duyên đưa đến, trụ trì chùa gật đầu đồng ý ngay.

Bức tượng ngựa đặc biệt

Người đời trước kể lại Ba Đém là một thợ điêu khắc tài hoa kiêm “thiên tài học mót”. Một lần vào rạp chiếu phim, nhìn thấy kiến trúc kì vĩ của chùa chiền Ấn Độ, ông ghi lại trong đầu những kiểu kiến trúc đó rồi về áp dụng xây nên một ngôi chùa ở An Giang với những mái vòm đặc biệt cầu kì độc đáo. Chuyên “học mót” nhưng lại giấu nghề, sau khi đúc những mái vòm, ông đập nát khuôn đúc để mái chùa này có kiểu dáng độc nhất.

Trở lại chuyện đúc ngựa cho chùa Già Lam Cổ tự. Suốt hai tháng trời làm việc liên tục, Ba Đém chỉ thuê một người phụ việc và cấm tuyệt đối những người khác bén mảng đến nơi ông làm việc.

Làm ngày chưa đủ, ông đốt đèn làm đêm. Con ngựa quả là tuyệt đẹp với thần sắc vô cùng dũng mãnh, từng chi tiết nhỏ đều được trau chuốt tỉ mỉ. Điều đặc biệt là con ngựa này có đầy đủ... lục phủ ngũ tạng. Trước khi đắp tượng, ông đã cho làm từng bộ phân như tim, gan, phổi… cho vào bụng ngựa. Người thợ cho rằng đây là điều khác biệt tạo nên sức sống như thật của tượng ngựa.

Tượng ngựa được hoàn thành, đứng sừng sững bên chùa, như sẵn sàng ra trận bảo vệ chủ nhân Quan Vũ được thờ trong chùa. Cũng từ đấy phật tử có thói quen mới, mỗi dịp ghé chùa lại chui qua dưới bụng ngựa để mong an bình. Nhiều người đau ốm, bệnh tật cũng tới vuốt ve thân ngựa rồi thoa vào chỗ đau trên người như một nghi lễ cầu an. Đã 40 năm trôi qua nhưng tượng tượng ngựa, che giấu kỹ thuật tài hoa của người thợ “giấu nghề”.

Năm 1988, sau một cơn bạo bệnh, trụ trì Thích Huệ Đức qua đời. Ngôi vị trụ trì được nhường lại cho đệ tự là Thích Huệ Sanh cho đến ngày nay.

Thực hiện: Nguyên Việt / Nguồn: Baophapluat.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét