Không đợi đến ngày xuân, ở đó quanh năm khách đến đều được thết đãi như ngày tết. Cơm dẻo, rượu thơm, cá suối, thịt khô, rau rừng hay đơn giản hơn chỉ là canh lá sắn, củ mài đào từ rừng về… nhưng bất cứ người lạ nào đến cũng được làng “nuôi” như thượng khách.
Nghe tin có khách, A Lăng Thị Tinh nấu một mâm cơm mang đến nhà gươl đãi khách - Ảnh: Tấn Vũ
|
Aur, ngôi làng nằm lọt thỏm giữa đại ngàn Trường Sơn ở xã A Vương (huyện Tây Giang, Quảng Nam), là ngôi làng còn lưu giữ tập tục “nuôi” khách y như ngày tết của người Cơ Tu. A Lăng Cứu, người đàn ông Cơ Tu 50 tuổi ở sát đường Hồ Chí Minh, vừa dẫn hai chúng tôi vào làng Aur vừa say sưa kể về những ngày tháng hào hùng của lớp lớp thanh niên các bản làng tự tay đào con đường từ Aur nối về trung tâm huyện. Cung đường chỉ dài hơn 16km, xuyên rừng già, nhưng bằng tay rìu, tay cuốc, xà beng, 780 con người đã đào ròng rã 48 ngày đêm mới hoàn thành đường vào Aur.
Cả làng mời cơm khách
Gọi là làng nhưng Aur chỉ có 21 nóc nhà đối mặt vào nhau tạo nên hình vòng cung xinh xắn, nằm giữa là nhà gươl, nơi sinh hoạt cộng đồng của gần 100 cư dân trong bản. Thấy người lạ, già làng A Lăng Ren hớn hở tay bắt mặt mừng, nụ cười để nguyên bộ răng đen tuyền, óng ánh của những tháng năm nhai trầu, rồi trải chiếc chiếu được chính những người phụ nữ trong làng đan từ một thứ vỏ cây đặc biệt ra giữa nhà để đón khách.
Già Ren chắp tay hú gọi từng hồi. Lát sau, bốn người phụ nữ luống tuổi, mỗi người mang một ôm củi khô đến nhà gươl, bếp lửa được nhen lên để khách sưởi ấm. Trong cái lạnh se sắt của rừng chiều, mình trần trùng trục, Bling Trái dẫn theo ba thanh niên ra con suối Tà Vừa ngay ở đầu làng bắt cá. Chưa đầy mười lăm phút, những tiếng đập hụi, tiếng vỗ đá ken két xua đuổi bầy cá, Bling Trái mang về tay lưới nặng trĩu cá suối giãy đành đạch.
Bóng tối đến rất nhanh giữa rừng già, bếp lửa bập bùng giữa nhà gươl thành điểm tập trung sinh hoạt của chính những cư dân Aur sau một ngày mệt nhoài trên nương cao. Bữa cơm tối của làng “nuôi” khách bắt đầu bằng những mâm cơm của từng gia đình trong bộ váy hoa xúng xính, tay bưng mâm cơm gồm một tô canh lá sắn nấu muối, tô cơm trắng và một ít muối tiêu rừng là phần cơm gia đình của A Lăng Liên mang đến. Già Ren ngồi giữa nhà vui vẻ nhận rồi để sang một bên. A Lăng Phốt mang sang tô cơm và một ít thịt sóc khô, muối ớt. A Lăng Hướu mang tô cơm cùng thịt chuột. A Lăng Ót mang sang chai rượu trắng của gia đình tự nấu, một ít thịt lợn xông khói, hoa chuối…
21 gia đình là 21 mâm cơm với nhiều sản vật khác nhau mà họ làm được trước đó, hoặc của để dành, hoặc vừa bắt được. Mâm cơm cho hai thực khách chúng tôi dọn thành một dãy dài giữa gươl. Cá suối vừa đánh bắt được nướng bên bếp than hồng, một ít còn lại kho với lá nghệ.
Dù
nằm trong thung sâu, gần như cách biệt với thế giới bên ngoài nhưng
làng Aur lại rất sạch sẽ. Trong ảnh là cảnh thanh niên trong làng tụ tập
chơi bóng chuyền vào mỗi chiều sau khi đi rẫy về - Ảnh: Đăng Nam
|
Nụ cười hồn nhiên của lũ trẻ làng Aur - Ảnh: Đăng Nam
|
Tục nhiều đời
Nâng chén rượu kề môi, già Ren hào sảng: “Tục của làng nhiều đời nay vậy. Khách đến đều phải tiếp đón, có gì ăn nấy, nhà nhà phải “nuôi” khách. Khách của nhà ai cũng thành khách của làng. Mấy cháu ăn không hết thì ăn của mỗi gia đình một miếng. Không ăn họ buồn đấy!”.
Bên bếp than hồng, chén rượu đầy vơi trong tình nồng ấm của rừng khuya. Người của làng bắt đầu kể cho khách nghe chuyện của làng Aur. Già Ren tự hào rằng dân làng bây giờ vẫn còn lưu giữ những mảnh cánh, trục quay, cánh quạt của những chiếc trực thăng Mỹ rơi ở vùng này. “Có bốn chiếc trực thăng rơi trong năm 1968. Tất cả đều bị du kích bắn rơi quanh làng. Nơi đây từng là chiến khu. Bộ đội thời chiến cùng ở, cùng ăn, cùng ra rẫy làm với dân” - già Ren kể.
Qua bao thời gian, nhưng những tập tục mến khách trăm năm của làng thì vẫn nguyên vẹn như xưa. A Lăng Ót khoe rằng con suối đầu làng rất nhiều cá, ếch. Những hôm trời mưa dông, đêm đến ếch kêu inh ỏi, những con cá suối to bằng bắp chân ngược thác bơi tung tóe nước. “Theo tục của làng, đó là của để dành tiếp khách. Không ai xuống bắt cá bao giờ trừ khi có người lạ đến chơi. Hôm nay chúng tôi cũng chỉ bắt vừa phải, còn để dành cho người khách đến sau” - Ót chia sẻ.
Sạch tinh tươm
Thầy giáo Bùi Tấn Trường, giáo viên của Trường tiểu học bán trú dân nuôi Aur, vội vã nhặt tàn thuốc bỏ sọt rác, rồi nhắc nhở: “Ở đây mọi thứ sạch sẽ lắm. Không được vứt rác bừa được đâu. Người trong làng thì bị phạt quét rác quanh làng ra tận cổng ngõ, người lạ thì nhắc nhở”. Dưới ánh nắng mai, làng Aur đẹp ngỡ ngàng và sạch bóng, tinh tươm. Không một cọng rác, không một túi nilông, chỉ có hương rừng và tiếng chim kêu bên khe núi.
Thầy Trường kể rằng làng Aur ngày xưa thuộc huyện Nam Đông của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhưng đường từ làng về đến xã Thượng Long của huyện Nam Đông phải mất 3-4 ngày băng rừng. Khi tách huyện năm 2003, vùng đất của Aur thuộc về huyện Tây Giang của Quảng Nam. Dẫn chúng tôi vào lớp học, thầy Trường khen: “Trẻ con ở đây đứa nào cũng sáng sủa, sạch sẽ, áo quần không mới nhưng sạch tinh tươm. Những con suối đầu nguồn dành để uống, để tắm thì không ai dám đụng đến”. Thầy Trường tiết lộ Aur nuôi rất nhiều heo, trâu, bò nhưng người trong bản đều dựng lều cho chúng ở cuối con suối Tà Vắt, cánh làng gần 2km. Đó là cánh đồng mênh mông, heo gà, trâu bò hằng ngày có người mang thức ăn tới, chúng được cách ly để tránh lây nhiễm bệnh tật.
Tám năm đi dạy khắp các bản làng ở miền biên viễn xa xôi nhưng với Aur, thầy Trường luôn dành một ân tình đặc biệt. Có lẽ những ân tình được đáp lại từ tấm lòng những cư dân Aur dành cho nhà giáo vùng xa đã mang cái chữ đến cho con cháu của buôn làng. “Ở đây người dân văn minh và phồn thịnh đến lạ. Họ không phá rừng mà sống xen lẫn với rừng. Họ hái nấm quý, hái thảo quả, đào củ sâm ba kích gùi về xuôi bán đổi lấy dầu gội, nước mắm. Bản tính cần cù, tiết kiệm, thương yêu nhau đã giúp cho 21 nóc nhà ở Aur khi nào lúa cũng đầy bồ, sắn khoai khắp nương rẫy. Aur là một ngôi làng rất hạnh phúc” - thầy Trường tự hào nhận xét.
Thực hiện: Tấn Vũ / Nguồn: Tuổi Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét